Thăm các di tích lịch sử, 15 tác giả, đạo diễn TP HCM dâng trào cảm xúc
Theo đạo diễn Tôn Thất Cần – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, trưởng đoàn – đây là chuyến đi thực tế nhằm cung cấp cho các tác giả, đạo diễn sân khấu TP những thông tin được cập nhật từ các di tích cách mạng. Những thông tin này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, tinh thần mà còn là nguồn tư liệu quý để các nghệ sĩ sáng tác có thể đưa vào kịch bản, tác phẩm nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Các tác giả Ngọc Trúc, Nguyễn Hồng Dung, Bảo Dung và Nguyễn Kháng Chiến trao đổi về chuyến đi thực tế do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức
Tham dự chuyến đi gồm các nghệ sĩ: tác giả Nguyễn Kháng Chiến, Đăng Nhân, Bích Ngân, Ngọc Trúc, Bảo Dung, Bích Phượng; đạo diễn Tôn Thất Cần, Nguyễn Hồng Dung, Lê Mỹ Phượng, Trí Đức… và phóng viên các báo: Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ…
Nhà báo Linh Đoan – Báo Tuổi Trẻ tham quan Khu Di tích Lịch sử – Văn hóa Chiến thắng Ấp Bắc
Đoàn đã đến tham quan Khu Di tích Lịch sử – Văn hóa Chiến thắng Ấp Bắc, nơi cách đây 57 năm, quân và dân Tiền Giang đã lập nên chiến công vang dội. Chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963) đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc.
Nhà báo Thúy Bình – Báo SGGP thắp hương trên mộ các chiến sĩ anh dũng hy sinh trong chiến thắng Ấp Bắc
Khu Di tích Lịch sử – Văn hóa Chiến thắng Ấp Bắc là quần thể kiến trúc đẹp. Ngoài khu trưng bày, tại đây còn có những mô hình được phục chế, tái hiện cảnh dân quân tải thương, nấu cơm tiếp tế lương thực cho bộ đội, chế tạo vũ khí, hầm bí mật, họp hội…
Đoàn tác giả, đạo diễn thăm khu di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Dầu – Trà Vinh (ảnh Anh Nguyên)
Tại Trà Vinh, đoàn đến thăm Khu Di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia “Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu” ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải – cách trung tâm TP Trà Vinh 60 km về hướng Đông Nam. Tác giả Nguyễn Kháng Chiến xúc động cho biết đến đây mới biết rõ hơn về đường Hồ Chí Minh trên biển – một trong những con đường huyền thoại, một kỳ tích trong chiến tranh.
Tác giả Đăng Nhân tại khu di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Dầu – Trà Vinh
Ở Bến Tre, đoàn đến xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam – nơi được xem là cái nôi của phong trào Đồng Khởi lịch sử. Các tác giả, đạo diễn tham quan Khu Di tích cấp quốc gia “Đồng Khởi 1960”. Nhà bảo tàng ở đây được xây dựng hiện đại với nhiều phòng ốc trưng bày những hình ảnh, hiện vật, di vật liên quan đến cuộc Đồng Khởi lịch sử.
Đoàn tác giả, đạo diễn tham quan Khu ủy Sài Gòn – Gia Định
Cũng tại Bến Tre, đoàn đến thăm di tích Khu ủy Sài Gòn – Gia Định ở xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc – có mật danh là T4, Y4, là cơ quan chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn – Gia Định từ tháng 7-1969 đến tháng 10-1970.
Tác giả Nguyễn Kháng Chiến, Cổ Chiên và đạo diễn Lê Mỹ Phượng trong chuyến đi thực tế
Tác giả trẻ Cổ Chiên, người con của quê hương Đồng Khởi, tự hào nhắc lại tác giả Ngô Hồng Khanh từng đưa những chiến công oanh liệt của quân dân Bến Tre vào kịch bản cải lương “Dưới rặng dừa xanh”. Anh tin rằng sau chuyến đi này, các tác giả, đạo diễn sẽ có nhiều ý tưởng để sáng tác, dàn dựng những tác phẩm ca ngợi chiến công hào hùng của quân dân Bến Tre.
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung tham quan khu trưng bày hiện vật tại nhà truyền thống Khu ủy Sài Gòn – Gia Định
Cách đây hơn 50 năm, vào tháng 7-1969, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định do ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư, ông Trần Bạch Đằng và ông Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư, đã lãnh đạo, để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Tác giả Ngọc Trúc tham quan khu di tích Đồng Khởi
Đoàn đã đến thăm Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định cách TP Bến Tre khoảng 9 km, thuộc ấp Phong Điền, xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm. Khu lưu niệm được xây dựng hoàn thành cuối năm 2003, gồm đền thờ và nhiều công trình phụ.
Viếng cô Ba Định, các nghệ sĩ đều xúc động, khâm phục khi nghe hướng dẫn viên kể về quá trình hoạt động cách mạng của nữ tướng huyền thoại mà tên tuổi đã gắn với Đường Hồ Chí Minh trên biển và phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1960. Nữ tướng cũng chính là lãnh đạo của “Đội quân tóc dài” lập nên nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đạo diễn Tôn Thất Cần – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM và đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Lê Mỹ Phượng tham quan khu di tích Đồng Khởi
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung và tác giả Ngọc Trúc tại đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định
Đoàn đã đến thăm Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu và đền thờ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tại hai di tích văn hóa này, hướng dẫn viên đã kể lại những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu và nhà trí thức yêu nước Huỳnh Tấn Phát.
Các tác giả, đạo diễn dâng hương tại đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu
Đạo diễn Trí Đức (họa sĩ tranh cát) bày tỏ: “Thật tuyệt vời khi tấm gương của cụ Đồ Chiểu đã là một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của vùng đất anh hùng. Tôi sẽ đưa vào sáng tác của mình ý chí quật cường và tinh thần ái quốc của cụ”. Đạo diễn Trí Đức luôn tự hào khi anh là người con của vùng đất Bến Tre.
Đạo diễn Tôn Thất Cần (người chỉ tay) giới thiệu về di tích lịch sử Đồng Khởi (ảnh Thúy Bình)
Tác giả Đăng Nhân cho biết chuyến đi thực tế lần này được tổ chức chặt chẽ. Các tác giả, đạo diễn đã tham quan 7 di tích lịch sử, văn hóa, hiểu hơn về truyền thống đấu tranh của quân dân ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của các nhân vật lịch sử đã thật sự tạo sức lan tỏa và truyền năng lượng tích cực để các tác giả, đạo diễn đưa vào sáng tác.
Đạo diễn Lê Mỹ Phượng và Nguyễn Hồng Dung bên chiếc xe gắn máy của nữ tướng Nguyễn Thị Định
“Với chúng tôi, sau chuyến đi này, bản thân mỗi tác giả, đạo diễn tự nhận thấy phải viết nhiều hơn nữa những kịch bản ca ngợi tấm lòng quả cảm, bất khuất của nhân dân trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược. Từ chuyến đi này, chi hội tác giả của Hội Sân khấu TP HCM đã có thêm nhiều tư liệu quý để đưa vào tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu kịch, cải lương” – đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhấn mạnh.