Tham khảo bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện

Tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện gồm những gì? 83 tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện 2018 có gì thay đổi so với tiêu chí năm 2016 không? Mời bạn theo dõi nội dung bài viết của chúng tôi để cập nhật thông tin mới nhất

1

Căn cứ hướng dẫn, ban hành tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện

Để cập nhật và nắm rõ thông tin về các tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện, bạn đọc cần nắm rõ những cơ sở pháp lý, những căn cứ hình thành bộ tiêu chí. Cụ thể, những văn bản pháp luật có liên quan tới việc ban hành bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện bao gồm:

Thông tư 19 quản lý chất lượng bệnh viện

TT 19/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện – được ban hành căn cứ Nghị định 63/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, bao gồm:

  1. Nội dung triển khai quản lý chất lượng bệnh viện.

  2. Hệ thống tổ chức quản lý chất lượng bệnh viện.

  3. Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng bệnh viện.

Nguyên tắc tổ chức thực hiện quản lý chất lượng

  1. Lấy người bệnh làm trung tâm.

  2. Việc bảo đảm và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của bệnh viện, được tiến hành thường xuyên, liên tục và ổn định.

  3. Các quyết định liên quan đến hoạt động quản lý chất lượng trong bệnh viện dựa trên cơ sở pháp luật, cơ sở khoa học với các bằng chứng cụ thể và đáp ứng nhu cầu thực tiễn nâng cao chất lượng của bệnh viện.

  4. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm về chất lượng bệnh viện. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là nhân viên y tế) trong bệnh viện có trách nhiệm tham gia hoạt động quản lý chất lượng.

QĐ 6858/QĐ-BYT về việc ban hành bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện tại Việt Nam

  • Quyết định này ban hành kèm theo “Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam”, bao gồm 83 tiêu chí chất lượng.

  • Bộ tiêu chí này được áp dụng để đánh giá, chứng nhận và cải tiến chất lượng cho toàn bộ các bệnh viện Nhà nước và tư nhân.

2

Hướng dẫn thực hiện quản chất lượng bệnh viện

Nội dung triển khai theo hướng dẫn từ thông tư 19 về quản lý chất lượng bệnh viện bao gồm:

Nội dung triển khai quản lý chất lượng trong bệnh viện

  • Xây dựng kế hoạch, chương trình bảo đảm và cải tiến chất lượng trong bệnh viện

  • Duy trì quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bệnh viện

  • Xây dựng chỉ số chất lượng, cơ sở dữ liệu và đo lường chất lượng bệnh viện

  • Tổ chức triển khai các quy định, hướng dẫn chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh

  • Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế

  • Áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng bệnh viện

  • Đánh giá chất lượng bệnh viện

Hệ thống quản lý chất lượng trong bệnh viện

  • Tổ chức hệ thống quản lý chất lượng trong bệnh viện

  • Tổ chức và nhiệm vụ của hội đồng quản lý chất lượng

  • Tổ chức và nhiệm vụ của phòng/tổ quản lý chất lượng

  • Nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng phòng/tổ trưởng quản lý chất lượng

  • Nhiệm vụ và quyền hạn của nhân viên phòng/tổ quản lý chất lượng bệnh viện

  • Các thành viên mạng lưới quản lý chất lượng

Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng bệnh viện

  • Trách nhiệm của giám đốc bệnh viện

  • Trách nhiệm các trưởng phòng chức năng của bệnh viện

  • Trách nhiệm của các trưởng khoa

  • Trách nhiệm của các nhân viên y tế trong bệnh viện

3

Bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện 2016

Bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện Việt Nam được ban hành và áp dụng cho các bệnh viện của Nhà nước và tư nhân. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối hướng dẫn các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện 2016

Mục đích của bộ tiêu chí này là khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các bệnh viện tiến hành các hoạt động cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế, phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội đất nước.

Các tiêu chí quản lý, đánh giá chất lượng được xây dựng và ban hành là bộ công cụ để các bệnh viện tự đánh giá chất lượng theo Điều 8. Thông tư 19/2013; Cho các đoàn kiểm tra của cơ quan quản lý y tế tiến hành đánh giá theo định kỳ hằng năm hoặc đột xuất.

Bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện mới nhất hiện nay được thực hiện theo Quyết định 6858/QĐ-BYT. Bộ tiêu chí bao gồm 83 tiêu chí, được chia làm 5 phần A, B, C, D, E:

  • Phần A: Hướng đến người bệnh (19 tiêu chí)

  • Phần B: Phát triển nguồn nhân lực (14 tiêu chí)

  • Phần C: Hoạt động chuyên môn (38 tiêu chí)

  • Phần D: Cải tiến chất lượng (8 tiêu chí)

  • Phần E: Tiêu chí đặc thù chuyên khoa (4 tiêu chí)

Trong mỗi phần sẽ được chia thành các mục, mỗi mục sẽ bao gồm một số tiêu chí nhất định. Mỗi tiêu chí sẽ đề cập một vấn đề xác định, xây dựng dựa trên 05 mức độ đánh giá . Một tiêu chí xem xét các khía cạnh toàn diện của một vấn đề và bao hàm các nội dung về yếu tố cấu trúc, yếu tố quy trình thực hiện và kết quả đầu ra. Năm mức độ chất lượng như sau:

  • Mức 1: Chất lượng kém

  • Mức 2: Chất lượng trung bình

  • Mức 3: Chất lượng khá

  • Mức 4: Chất lượng tốt

  • Mức 5: Chất lượng rất tốt

Tải đầy đủ: Bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện 2016

Trên đây là những thông tin về thông tư 19 quản lý chất lượng bệnh viện và 83 tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện 2018. Hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc trong quá trình làm việc, công tác. Chúc bạn công tác tốt.