Thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội: Nhiều điểm “lạ” cần lưu ý
(HNM) – Năm nay, với cách thức tuyển sinh riêng và 2 đợt thi đánh giá năng lực hoàn toàn tách biệt với kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) thu hút sự chú ý đặc biệt của đông đảo thí sinh. Tuy nhiên, nhiều thí sinh còn rất bỡ ngỡ trước những quy định mang tính “mở”, rất linh hoạt nhưng cũng rất lạ lẫm.
Hoàn toàn độc lập
Băn khoăn thường thấy ở các thí sinh và phụ huynh là nếu thí sinh chỉ có nhu cầu thi vào ĐH QGHN thì liệu có cần phải tham gia kỳ thi THPT quốc gia nữa hay không? Thực tế, ĐH QGHN tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT nên các em bắt buộc phải tham gia thi chung để được tốt nghiệp.
Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội có cách thức tuyển sinh riêng và 2 đợt thi đánh giá năng lực hoàn toàn tách biệt với kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức. Ảnh: Bùi Tuấn
Cũng có thí sinh hiểu nhầm là nếu đã tham gia thi vào ĐH QGHN thì không được xét tuyển vào các trường khác bên ngoài nữa. Thực ra, thí sinh hoàn toàn không bị ràng buộc với ĐH QGHN, họ vẫn có thể tham gia kỳ thi quốc gia (không bị trùng thời gian) và dùng kết quả để xét tuyển vào các trường khác ngoài ĐH QGHN. Cụ thể, kỳ thi đánh giá năng lực thứ nhất được nhà trường tổ chức từ ngày 30-5 và công bố kết quả vào ngày 6-6. Ngay sau đó, từ ngày 8-6 đến 25-6, trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của các thí sinh đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng do nhà trường quy định. Kết quả xét tuyển đợt 1 sẽ được công bố chậm nhất vào ngày 30-6, tức là một ngày trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra. Lúc đó, nếu thí sinh được công bố là trúng tuyển vào trường rồi thì chỉ còn một việc “nhẹ” hơn rất nhiều là thi để được công nhận tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ được nhập học. Ngoài ra, vào tháng 8, tức là sau khi có kết quả kỳ thi chung, ĐH QGHN lại tổ chức đợt thi thứ 2 để tuyển tiếp thí sinh. Thí sinh thi đợt 1 rồi vẫn có thể thi tiếp đợt thứ 2. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 thì không được xét tuyển đợt 2.
Từ năm 2015, với chủ trương tách việc thi khỏi việc xét tuyển nên khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký xét tuyển. Trường hợp thí sinh đã đăng ký thi đánh giá năng lực qua internet rồi thì không cần nộp hồ sơ trực tiếp nữa.
Về cách tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, do tổng điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN là 140 điểm nên mức chênh lệch điểm giữa 2 nhóm ưu tiên về đối tượng sẽ là 5 điểm và giữa 2 khu vực kế tiếp sẽ là 2,5 điểm. Điểm ưu tiên về đối tượng và khu vực sẽ được cộng vào điểm bài thi đánh giá năng lực khi thí sinh tham gia xét tuyển vào các đơn vị đào tạo của ĐH QGHN.
Chọn bài thi theo thế mạnh bản thân
Năm nay, lần đầu tiên bài thi đánh giá năng lực được sử dụng cho kỳ tuyển sinh của một trường. Ông Vũ Viết Bình, Trưởng ban Đào tạo cho biết, nguyên tắc chung là các đơn vị đều lấy bài thi đánh giá năng lực làm cơ sở, riêng với ĐH Ngoại ngữ thì ngoài bài thi đánh giá năng lực sẽ có thêm bài thi môn ngoại ngữ. Thí sinh thi ngoại ngữ trước và thi đánh giá năng lực ở ca tiếp theo. Thí sinh làm được 70/140 câu hỏi là đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, đủ điều kiện đăng ký vào các trường, ngành của ĐH QGHN. Mỗi thí sinh đăng ký vào một trường, ngành có thể đăng ký 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Căn cứ vào đó, các trường xác định các em có trúng tuyển hay không.
Để thí sinh dần quen với cách thức thi mới, ĐH QGHN đã tổ chức cuộc thi thử đồng thời công bố đề thi mẫu cho thí sinh. Dù vậy, nhiều thí sinh vẫn băn khoăn về cấu trúc đề, nội dung kiến thức và độ khó của đề thi. Ở đây, cần lưu ý là đề thi không có môn ngoại ngữ. Thí sinh chỉ phải làm thêm bài ngoại ngữ nếu đăng ký vào Trường ĐH Ngoại ngữ. Phần bắt buộc của đề bao gồm kiến thức toán học và ngữ văn. Cơ cấu kiến thức trong phần này được phân bổ: Kiến thức trong chương trình lớp 10 là 10%, lớp 11 là 20%, lớp 12 chiếm 70%. Ở phần tự chọn, thí sinh được quyền chọn 1 trong 2 nội dung khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Phần này, kiến thức trong chương trình lớp 11 chiếm 30%, chương trình lớp 12 là 70%.
Điều đáng chú ý là, với phần thi lựa chọn, thí sinh hoàn toàn có thể căn cứ vào thế mạnh của bản thân để quyết định làm bài thi nội dung các môn tự nhiên hay xã hội để thi vào các đơn vị đào tạo của ĐH QGHN (trừ với các ngành của Khoa Y dược thì thí sinh bắt buộc phải chọn phần khoa học tự nhiên). Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV Đinh Việt Hải nhấn mạnh: Lựa chọn của thí sinh không phụ thuộc vào việc em đó theo học ban tự nhiên hay ban xã hội. Khi xét tuyển, kết quả thi của các nội dung tự chọn có giá trị như nhau.
Về đề thi, các chuyên gia của nhà trường khẳng định: Đề thi chính thức sẽ không khó hơn so với các đề thi đã đưa trên mạng để thí sinh thi thử. Tuy nhiên, do đề thi tích hợp kiến thức của nhiều môn thi nên có thể sẽ khó với người này nhưng lại dễ đối với người khác ở từng nội dung thi. Vì vậy, để ôn tập và thi tốt bài thi đánh giá năng lực, thí sinh phải nắm thật kỹ cấu trúc bài thi, từ đó có phương án ôn tập kiến thức cho phù hợp.