Thị giá rơi về vùng cách đây 7 năm, CII tung thêm 700 nghìn cổ phiếu ra thị trường
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM vừa thông báo về số lượng chứng khoán thay đổi niêm yết bổ sung thêm 707 nghìn cổ phiếu. Đây là số lượng cổ phiếu phát hành thực hiện chuyển đổi đợt 3 trái phiếu chuyển đổi của CII. Số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết là 284 triệu cổ phiếu. Ngày có hiệu lực từ 21/6/2022, ngày giao dịch của chứng khoán thay đổi niêm yết là 28/6.
Trên thị trường chứng khoán, trước áp lực siết tín dụng vào bất động sản gồm trái phiếu và ngân hàng cùng với lo ngại về việc trả nợ trái phiếu đến hạn, thị giá của CII đã giảm mạnh trong thời gian gần đây bất chấp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn rất tốt.
Kể từ khi niêm yết vào năm 2013, thị giá của CII là 16.000 đồng/cổ phiếu, sau khi đạt đỉnh vào năm 2017 giá cổ phiếu rớt và loanh quanh ở vùng 20.000 đồng suốt 5-6 năm qua. Đến cuối năm 2021, CII đạt đỉnh gần 60.000 đồng/cổ phiếu và hiện rơi về 15.500 đồng vùng giá cách đây cách đây gần 7-8 năm.
Đáng lưu ý, năm 2022, CII đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng, gấp 2.7 lần thực hiện 2021. Lãi ròng mục tiêu gần 757 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ ròng 341 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2018 tới đây.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, CII cho biết lãi ròng 6 tháng đầu năm ước hơn 700 tỷ đồng, tương đương 93% kế hoạch lợi nhuận 757 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2022. Theo đó, EPS 6 tháng đầu năm của Công ty đạt khoảng 2.800 đồng/cổ phiếu.
Hoạt động thu phí giao thông của CII trong nửa đầu năm 2022 tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ tại các công ty con cũng như thu hồi vốn đầu tư được thực hiện đúng kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Diễn biến cổ phiếu CII thời gian 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh khả quan, tình hình trả nợ trái phiếu của CII cũng đang có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khi các dự án trọng điểm như BOT Xa lộ Hà Nội và Cao ốc 152 Điện Biên Phủ bắt đầu đi vào hoạt động và khai thác đem lại dòng tiền lớn cho công ty, sức khỏe tài chính cũng như khả năng trả nợ được cải thiện đáng kể. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, công ty mẹ CII đã thanh toán khoảng 350 tỷ đồng tiền lãi trái tức và 870 tỷ đồng tiền nợ gốc trái phiếu đưa tổng số nợ trái phiếu về khoảng 6.470 tỷ đồng vào cuối Quý 2/2022.
Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 đến quý 1/2023, nghĩa vụ nợ gốc trái phiếu đến hạn đối với công ty mẹ chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Với nguồn tài chính dự kiến thu được, CII tự tin không những hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu đến hạn trong năm 2022 mà dự kiến sẽ có thể thanh toán trước hạn một lượng trái phiếu đến hạn trong năm 2023.
Dự kiến từ đầu tháng 7/2022-2/2023, CII sẽ tiếp tục thanh toán 2.800 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu dù một số trái phiếu chưa đến hạn. Nếu thành công, Công ty sẽ hạ số dư trái phiếu tại cuối quý 1/2023 xuống còn 3.700 tỷ đồng.
Hiện, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận của CII đã hoàn thành xây dựng và được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2022, dự kiến bắt đầu thu phí trong quý 3/2022. Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm, Công ty sẽ tiến hành ghi nhận doanh thu của các dự án bất động sản đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Cụ thể, đối với dự án The River Thủ Thiêm, CII đã hoàn tất đầu tư xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện. Công ty dự kiến bắt đầu bàn giao cho khách hàng từ cuối quý 2.
Còn với dự án Sơn Tịnh tại Quảng Ngãi, Công ty vẫn đang đẩy mạnh công tác đền bù và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mục tiêu là hoàn thành công tác kinh doanh 100% vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, với khối căn hộ của dự án 152 Điện Biên Phủ, CII đã hoàn thành hơn 99% khối lượng xây lắp và đang trong giai đoạn nghiệm thu, dự kiến dự án có thể hoàn thành trong năm 2022. Mặt khác, các dự án trọng điểm như BT Thủ Thiêm, dự án Mở rộng Xa Lộ Hà Nội,… vẫn đang chờ cơ quan Nhà nước bàn giao mặt bằng thi công.