THIẾU MÁU THIẾU SẮT

THIẾU MÁU THIẾU SẮT

1. Thiếu máu là gì?

Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin bên trong hồng cầu thấp hơn bình thường. Hemoglobin là chất cần thiết để vận chuyển oxy và nếu có quá ít hoặc bất thường tế bào hồng cầu, hoặc không đủ lượng hemoglobin, nó sẽ dẫn tới giảm khả năng vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể.

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi không có đủ lượng sắt trong cơ thể để tạo ra hemoglobin.

2. Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt

Triệu chứng thiếu máu mạn tính: da xanh, niêm nhợt, tim nhanh, mệt, khó thở, chóng mặt, ù tai, lượng kinh nguyệt ít hơn bình thường ở nữ. Thiếu máu càng nặng thì triệu chứng càng nặng hơn

Tính tình dễ kích thích, đôi khi trầm cảm.

Rụng tóc

Cảm giác lạnh

Trẻ em chậm phát triển tâm thần, vận động, chậm phát triển chiều cao

Đôi khi cảm giác dị cảm, lưỡi nóng rát, thích ăn uống những thức ăn lạ (hội chứng Pica): thèm ăn đất sét, gạo sống, ăn nước đá, cảm giác khó nuốt, ăn kém, chán ăn….

3. Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt

Nguyên nhân phổ biến của thiếu máu do thiếu sắt là mất máu (phổ biến nhất) và giảm hấp thu sắt từ thức ăn.

˗ Mất máu: nguồn gốc của mất máu có thể rõ ràng, chẳng hạn như ở phụ nữ có lượng kinh nguyệt nhiều, mang thai nhiều lần, hoặc một người có vết loét chảy máu đã biết. Trong một số trường hợp khác, vị trí chảy máu không rõ ràng như ở một người bị chảy máu mãn tính trong đường tiêu hóa (dạ dày, ruột non, đại tràng). Những tình trạng này có thể biểu hiện tiêu chảy phân đen hoặc phân có thể bình thường nếu mất máu xảy ra rất chậm. Hiến máu cũng có thể gây ra thiếu sắt, đặc biệt trường hợp hiến máu thường xuyên.

˗ Giảm hấp thu sắt: Bình thường, cơ thể hấp thụ sắt từ thức ăn qua đường tiêu hóa. Nếu đường tiêu hóa không hoạt động bình thường, như trường hợp của những người mắc một số bệnh như bệnh celiac, viêm dạ dày tự miễn, các dạng viêm dạ dày khác, phẫu thuật cắt bỏ dạ dày (để giảm cân) hoặc các hình thức phẫu thuật giảm cân khác… dẫn tới hấp thu sắt không đầy đủ và gây đến thiếu máu do thiếu sắt.

˗ Nguyên nhân khác: Nguyên nhân phổ biến của thiếu máu do thiếu sắt ở các nước đang phát triển là do thiếu thực phẩm có chứa sắt. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra trên người lớn ở các nước phát triển như Hoa Kỳ vì nhiều loại thực phẩm chứa sắt, và một số khác đã bổ sung thêm sắt (ngũ cốc ăn sáng, bánh mì, mì ống). Sắt cũng có sẵn trong một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Phụ nữ mang thai và sau sinh có thể bị thiếu máu do thiếu sắt do nhu cầu sắt tăng lên của thai nhi và nhau thai đang phát triển cùng với sự mất máu vào thời điểm sinh nở.

4. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Vì thiếu sắt xảy ra trước khi có biểu hiện thiếu máu do đó một người có thể được chẩn đoán là thiếu máu do thiếu sắt (hoặc thiếu sắt không thiếu máu) sau khi xét nghiệm máu để đánh giá các triệu chứng hoặc sau khi xét nghiệm vì một lý do khác, không liên quan. Việc chẩn đoán ban đầu thường bao gồm hỏi tiền sử bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm máu.

Công thức máu toàn bộ là một nhóm các xét nghiệm bao gồm số lượng hồng cầu (RBC), hemoglobin (Hgb) và hematocrit (Hct). Nó cũng bao gồm thể tích trung bình hồng cầu (MCV, đề cập đến kích thước hồng cầu), nồng độ hemoglobin trung bình (MCH, đề cập đến lượng hemoglobin trên mỗi RBC) và các chỉ số khác.

Ở những người bị thiếu máu do thiếu sắt, số lượng hồng cầu, Hgb và Hct thấp hơn bình thường. MCV và MCH thường bình thường trong giai đoạn sớm nhưng có thể trở nên thấp hơn bình thường, cho thấy rằng các hồng cầu nhỏ hơn (được gọi là microcytic) và mang ít Hgb hơn các hồng cầu bình thường.

Ngoài ra, cũng là một phần của công thức máu toàn bộ, hình dạng, màu sắc và kích thước của hồng cầu cũng được đánh giá (bằng máy tự động hoặc người đánh giá qua kính hiển vi). Thông tin này có thể giúp xác định loại thiếu máu.

Trong nhiều trường hợp, khi nghi ngờ có thiếu máu do thiếu sắt dựa trên kết quả của khai thác bệnh sử và công thức máu toàn bộ. Cần làm thêm một vài xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

˗ Sắt huyết thanh: Đo lượng sắt lưu thông trong máu. Kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi các thuốc bổ sung sắt và các bữa ăn gần đây.

˗ Tổng khả năng gắn kết với sắt (TIBC hoặc transferrin): Đo lượng protein (transferrin) trong máu có khả năng vận chuyển sắt đến các hồng cầu hoặc tới các cơ quan dự trữ.

˗ Độ bão hòa của transferrin (TSAT): Đo tỷ lệ phần trăm các vị trí liên kết với sắt trên transferrin gắn kết với sắt. Trị số này được tính bằng cách chia lượng sắt huyết thanh cho tổng khả năng gắn kết với sắt (TIBC).

˗ Ferritin: Đo một loại protein dự trữ sắt trong gan và lách. Protein này tăng trong nhiều tình trạng không liên quan đến sắt, điều này có thể gây nhầm lẫn trong việc giải thích kết quả. Đây được gọi là phản ứng giai đoạn cấp tính. Ferritin thấp cho thấy thiếu sắt, nhưng ferritin bình thường hoặc tăng cao có thể phản ánh tình trạng dự trữ sắt hoặc tình trạng viêm. Trong những trường hợp như vậy, độ bão hòa transferrin có ý nghĩa chuẩn đoán có thực sự là thiếu sắt hay không.

Ở một người bị thiếu máu do thiếu sắt, sắt huyết thanh, độ bão hòa transferrin và ferritin thấp hơn bình thường và TIBC có thể cao hơn bình thường. Ferritin và TSAT là những xét nghiệm hữu ích nhất.

Các xét nghiệm tìm nguồn mất máu và mất sắt: sau khi chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt ở người lớn, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây mất máu.

˗ Đối với phụ nữ, tiền sử chảy máu tử cung bất thường, mang thai và/hoặc sinh nở

˗ Các vấn đề về đường tiêu hóa như loét, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), viêm dạ dày tự miễn hoặc bệnh celiac, phẫu thuật đường tiêu hóa (cắt dạ dày để giảm cân)

˗ Hỏi tiền sử gia đình hoặc cá nhân về rối loạn chảy máu, ung thư đại tràng.

˗ Hỏi tiền sử hiến máu

˗ Sử dụng các loại thuốc có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen (biệt dược: Advil, Motrin) và naproxen (biệt dược: Aleve, Naprosyn)

˗ Các triệu chứng của chảy máu đường tiêu hóa như tiêu phân đen sẫm, hắc ín, đau bụng hoặc xuất huyết có thể nhìn thấy.

˗ Nếu nguyên nhân mất máu không rõ ràng, cần làm thêm các xét nghiệm khác bao gồm nội soi đại tràng hoặc nội soi phía trên để tìm các vị trí chảy máu trong đường tiêu hóa và xét nghiệm máu để tìm một số bệnh lý gây cản trở sự hấp thụ sắt, chẳng hạn như viêm dạ dày tự miễn, bệnh celiac và nhiễm H. pylori. Tìm kiếm chảy máu trong đại tràng đặc biệt quan trọng ở những người trên 50 tuổi.

5. Điều trị thiếu máu thiếu sắt

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt cần tập trung chủ yếu vào điều trị nguyên nhân cơ bản, mặc dù nguyên nhân thiếu máu thường khó xác định. Mục tiêu là bổ sung lượng sắt dự trữ. Có thể bổ sung bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

Bổ sung đường uống là phương pháp điều trị chính bao gồm uống sắt vô cơ trong dạng sắt ferrou (sắt 2+). Mặc dù cơ thể sử dụng có thể sử dụng cả sắt ferrou (sắt 2+) và sắt ferric (sắt 3+) nhưng dạng sắt đã khử (sắt 2+) dễ đi vào ruột và hấp thu tốt hơn. Với liều 30 mg, lượng sắt ferrou hấp thụ lớn hơn gấp 3 lần so với cùng một lượng sắt ở dạng ferric.

Sắt được hấp thụ tốt nhất khi đói. Tuy nhiên, uống sắt lúc đói có xu hướng gây kích ứng dạ dày. Các tác dụng phụ không mong muốn trên đường tiêu hóa có thể bao gồm buồn nôn, khó chịu vùng bụng trên rốn, chướng bụng, ợ chua, tiêu chảy hoặc táo bón. Nếu những tác dụng phụ này xảy ra, bệnh nhân được yêu cầu uống sắt với bữa ăn thay vì lúc bụng đói. Tuy nhiên, điều này

làm giảm mạnh khả năng hấp thụ sắt. Kích ứng dạ dày là hậu quả trực tiếp của lượng sắt ferrou tự do tăng cao trong dạ dày.

Sắt thường được uống 3 lần một ngày tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thiếu máu và khả năng chịu đựng của bệnh nhân, liều sắt nguyên tố hàng ngày được khuyến nghị là 50-100 mg ba lần mỗi ngày cho người lớn và 4-6 mg/kg trọng lượng cơ thể chia thành ba lần mỗi ngày cho trẻ em. Vitamin C làm tăng hấp thu sắt và kích ứng dạ dày thông qua khả năng duy trì sắt ở trạng thái khử của nó. Hấp thụ 10 đến 20 mg sắt mỗi ngày làm tăng sản xuất hồng cầu lên xấp xỉ ba lần tỷ lệ bình thường và trong trường hợp không mất máu, nồng độ Hemoglobin tăng với tốc độ 0,2 g/dl hàng ngày. Tăng tăng hồng cầu lưới (tăng số lượng hồng cầu non) thấy trong vòng 2 đến 3 ngày sau khi uống sắt. Mức hemoglobin sẽ bắt đầu tăng đến ngày thứ 4. Bổ sung sắt nên được tiếp tục trong 4 đến 5 tháng, ngay cả sau khi khôi phục mức hemoglobin bình thường, để cho phép bổ sung lượng sắt dự trữ cho cơ thể.

Sắt đường tĩnh mạch được sử dụng khi việc bổ sung sắt đường uống không khắc phục được tình trạng thiếu máu, hoặc bệnh nhân không dùng thuốc uống do đau dạ dày, chảy máu xảy ra với tốc độ nhanh hơn mức đáp ứng của tủy hoặc sắt bổ sung không được hấp thụ, có thể do kém hấp thu thứ phát sau tăng tiết mỡ, bệnh celiac hoặc chạy thận nhân tạo. Trong những trường hợp này, có thể cần thiết phải tiêm sắt dưới dạng sắt dextran. Mặc dù việc bổ sung kho sắt bằng đường này nhanh hơn, nhưng đắt hơn, và không an toàn bằng đường uống.

6. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt

Ngoài việc bổ sung sắt và điều chỉnh liều lượng tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của tưng cá nhân, cần bổ sung sắt qua chế độ ăn uống. Một nguồn sắt tốt là nguồn sắt chứa một lượng sắt đáng kể liên quan tới hàm lượng calo của nó và đóng góp ít nhất 10% lượng sắt được khuyến nghị trong chế độ ăn kiêng (RDA). Gan, thận, thịt bò, trái cây sấy, đậu Hà Lan khô, quả hạnh nhân, rau lá màu xanh đậm và bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bánh nướng xốp, ngũ cốc và thanh dinh dưỡng là một trong những thực phẩm có hàm lượng sắt cao nhất. Người ta ước tính rằng cần cung cấp 1,8 mg sắt hàng ngày để đáp ứng nhu cầu từ 80% đến 90% ở phụ nữ trưởng thành và trẻ em trai và trẻ em gái vị thành niên.

Sự hấp thu sắt phụ thuộc vào dạng sắt là sắt heme (có thể hấp thụ 15%) là dạng hữu cơ trong thịt, cá và gia cầm, và được gọi là yếu tố thịt-cá-gia cầm (MFP). Nó hấp thụ tốt hơn nhiều so với sắt nonheme. Sắt nonheme cũng có thể được tìm thấy trong MFP, cũng như trong trứng, ngũ cốc, rau và trái cây, nhưng nó không phải là một phần của phân tử heme. Tỷ lệ hấp thụ của sắt nonheme thay đổi từ 3% đến 8%, tùy thuộc vào sự hiện diện của các yếu tố tăng cường trong chế độ ăn uống, đặc biệt là vitamin C, thịt, cá, và gia cầm. Vitamin C không chỉ là một chất khử mạnh, mà còn liên kết với sắt để tạo thành một phức hợp dễ hấp thu hơn.

Sự hấp thụ sắt có thể bị ức chế ở các mức độ khác nhau bởi các yếu tố chelate sắt, bao gồm các muối cacbonat, oxalat, phốt phát và phytate (bánh mì không men, ngũ cốc chưa tinh chế, và đậu nành). Các yếu tố trong chất xơ thực vật có thể ức chế sự hấp thu sắt nonheme. Nếu uống trà và cà phê trong bữa ăn có thể làm giảm hấp thụ sắt 50% thông qua sự hình thành phức hợp sắt không hòa tan với tanin. Sắt trong lòng đỏ trứng hấp thu kém vì sự hiện diện của phosvitin.

Do đó, nguồn cung cấp sắt trong chế độ ăn uống được tìm thấy trong thịt, ngũ cốc, trái cây và rau. Đối với những người không ăn thịt, các nguồn thực vật giàu chất sắt bao gồm bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc tăng cường chất sắt, các loại đậu, rau lá xanh, trái cây sấy khô, các sản phẩm từ đậu nành, mật đường đen và mầm lúa mì. Để tối đa hóa sự hấp thụ, thực phẩm giàu sắt không nên được sử dụng chung với cà phê hoặc trà. Uống vitamin C hoặc uống nước cam với thực phẩm nhiều sắt có thể tăng cường hấp thu hơn nữa.

7. Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt

Những người đã từng bị thiếu máu do thiếu sắt một lần có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh này trở lại, tùy thuộc vào nguyên nhân thiếu máu ban đầu. Ở những người này, có thể khuyến nghị bổ sung sắt để duy trì lượng sắt dự trữ cho cơ thể. Thuốc bổ sung sắt thường có trong các loại vitamin tổng hợp trước khi sinh cho phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, bạn không nên uống thuốc bổ sung sắt và vitamin tổng hợp có chứa sắt mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Hơn nữa, việc sử dụng không cần thiết các chất bổ sung sắt có thể cản trở khả năng xác định tình trạng thiếu sắt của bác sĩ, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng khác như ung thư đại tràng hoặc các rối loạn tiêu hóa khác. Hầu hết nam giới và phụ nữ sau mãn kinh không cần bổ sung sắt trừ khi họ mắc bệnh cơ bản làm giảm hấp thu sắt hoặc gây chảy máu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Michael Auerbach (2020), “Anemia caused by low iron in adults (Beyond the Basics)”, https://www.uptodate.com/contents/anemia-caused-by-low-iron-in-adults-beyond-the-basics#H9

2. L. Kathleen Mahan, Janice L Raymond (2017), “Krause’s Food & the Nutrition Care Process”, p 631-636.

3. James L Harper (2020), “Iron deficiency anemia”, https://emedicine.medscape.com/article/202333-overview#a3