Thiếu thiết bị y tế: Bệnh nhân chạy tìm nơi khám, gánh viện phí lớn
–
Thứ sáu, 03/03/2023 09:47 (GMT+7)
Thiếu trang thiết bị y tế nên dù là bệnh viện lớn của vùng, khu vực nhưng Bệnh viện Đà Nẵng vẫn buộc phải chuyển người bệnh lên tuyến cao hơn hoặc liên hệ với bệnh viện tư để bệnh nhân có cơ hội cứu sống trong thời gian vàng. Trong khi đó, nhiều ca mổ, can thiệp với chi phí lên đến vài trăm triệu trở thành gánh nặng với người bệnh và gia đình.
Trang thiết bị y tế, bệnh viện lớn tại Đà Nẵng buộc phải chuyển viện vì không thể làm được thủ thuật, thăm khám. Ảnh minh họa: Thùy Trang
Nhắc về câu chuyện bệnh viện thiếu vật tư y tế anh N.V.T (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) không biết đến khi nào mới tìm được nơi thăm khám cho mẹ mình.
Anh T cho hay, đầu năm nay, anh đưa mẹ đi kiểm tra bệnh ung thư tại Bệnh viện Đà Nẵng nhưng được thông báo máy chụp CT bị hỏng. Các bác sĩ giới thiệu đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Gia đình liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để xếp lịch, họ đồng ý nên tôi đặt máy bay, khách sạn nhưng trước ngày đi thì bệnh viện báo lại máy hỏng, không chụp được. Toàn bộ số tiền gần 10 triệu đồng cho chi phí chuyến đi bị hủy bỏ. Tôi lại phải đặt khách sạn, mua vé máy bay để đưa mẹ ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chụp CT… Trong khi đó việc chạy chữa cho 2 người bị bệnh ung thư trong gia đình khiến kinh tế gần như khánh kiệt. Đó là gia đình tôi còn có công ăn việc làm ổn định chứ với nhiều bệnh nhân khác thì việc điều trị bệnh hiện nay đang phải chịu chi phí rất lớn” – anh T chia sẻ.
Nhiều bệnh nhân đang phải gánh chi phí lớn khi điều trị tại các bệnh viện tư do bệnh viện công thiếu thiết bị. Ảnh minh họa: Thùy Trang
Bác sĩ L.V, công tác tại một bệnh viện công Đà Nẵng cho hay, ở khoa phòng nào cũng đang bị thiếu trang thiết bị dù ít hay nhiều. Với những bệnh nhân mắc bệnh thông thường còn có thể chờ đợi được nhưng với một số bệnh như nhồi máu não, gãy xương… thì buộc phải chuyển viện.
Tại Đà Nẵng, bệnh nhân hiện có thể được chuyển về tuyến Trung ương là Bệnh viện C, xa hơn là Bệnh viện Trung ương Huế. Với phương án chuyển đi như vậy người bệnh vẫn được hưởng bảo hiểm y tế nhưng phát sinh chi phí ăn ở cho người nhà.
Tuy nhiên, với những bệnh cần điều trị gấp như nhồi máu cơ tim, hiện bệnh viện công tại Đà Nẵng không có dụng cụ để lấy máu đông, buộc chuyển điều trị trong thời gian vàng thì phải qua bệnh viện tư.
“Nhưng 1 ca như vậy có chi phí khoảng 200 đến 300 triệu đồng. Với người nhà bệnh nhân, phải xoay số tiền lớn trong thời gian quá gấp khiến họ gặp không ít khó khăn nhưng nếu để lại điều trị nội khoa thì cơ hội phục hồi rất khó nói” – bác sĩ V chia sẻ.
Tương tự, khoa Ngoại chấn thương tại bệnh viện bác sĩ V công tác hiện đang hết đinh vít để mổ cho bệnh nhân gãy xương đùi.
“Bình thường đinh vít này nằm trong gói bảo hiểm nhưng nay không còn nữa vì còn đang đợi đấu thầu với nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Vậy nhưng bây giờ người bệnh ngay cả bỏ tiền ra mổ dịch vụ thì vật tư trong bệnh viện cũng không còn. Việc thiếu vật tư kéo dài khiến cho nguồn dự phòng cũng cạn.
Bệnh nhân gãy xương đùi thì phải chuyển qua bệnh viện khác. Trường hợp bệnh nhân bị chảy máu, đau thì chúng tôi giải quyết tình trạng cấp cứu rồi cũng phải chuyển qua các bệnh viện tuyến trên hoặc bệnh viện tư chứ không thể làm gì hơn khi thiết thiết bị. Không chỉ bệnh nhân vất vả, khó khăn mà chính bác sĩ cũng cảm thấy bất lực khi không thể làm gì hơn vì không đủ thiết bị y tế” – bác sĩ V nói thêm.