Thịt chó và sự khác biệt văn hoá

Nhiều người áp đặt quan điểm cho người khác, không chấp nhận sự khác biệt văn hóa nhưng vẫn nhân danh sự văn minh.

(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)

Vài ngày nay, câu chuyện ăn hay không ăn thịt chó lại tiếp tục gây tranh luận. Người Việt đã có thói quen ăn thịt chó từ bao đời nay. Thậm chí “thịt chó” còn được đưa vào rất nhiều tác phẩm văn học dân gian chứng tỏ nó đã đi sâu vào đời sống hàng ngày của người Việt xưa.

Vì đời sống kinh tế được cải thiện nên thói quen ăn thịt chó không còn được phổ biến như trước (đặc biệt là các thành phố lớn). Nhưng vẫn nhiều người vẫn có sở thích ăn thịt chó, đặc biệt phù hợp với tầng lớp bình dân vì giá rẻ và dễ kiếm cũng vì mùi vị đặc trưng của thịt chó.

Người phương Tây coi chó như người bạn đồng hành vì chó thông minh, gần gũi và trung thành. Nhiều nước còn có hẳn bộ luật bảo vệ chó, cấm ăn thịt chó nếu vi phạm thì bị xử phạt rất nặng, thậm chí là bỏ tù. Ngay cả trong nước, cũng có nhiều người kêu gọi chính phủ cấm người dân ăn thịt chó.

>> Nhiều người Việt yêu thương chó cảnh, nhưng coi chó giữ nhà là nô bộc

Phong trào nuôi chó làm thú cưng phổ biến hơn những năm gần đây. Họ là những người kêu gọi kêu gọi mọi người từ bỏ thói quen ăn thịt chó, thậm chí còn mong muốn cấm. Họ lập luận rằng: “Chó là bạn gần gũi và trung thành của con người’’, ‘’ăn thịt chó là dã man’’, ‘’ăn thịt chó là kém văn minh’’.

Ở chiều ngược lại những người ăn thịt chó cũng không thiếu lý lẽ đẻ bảo vệ sở thích của mình. “Ăn thịt chó là quyền cá nhân của tôi’”, “tôi đâu có vi phạm pháp luật’, “con gì chả là con các vị ăn thịt gà, thịt lợn…thì sao lại cấm tôi ăn thịt chó?”…

Có người cho rằng: “Những người ăn thịt chó là kém văn minh’’. Văn minh là gì? Là biết xếp hàng nơi công cộng, biết nói lời cảm ơn hay xin lỗi, không chửi tục, không vượt đèn đỏ, không gây lộn đánh nhau…và văn minh là không áp đặt quan điểm của mình lên người khác (người ăn không ép người khác phải ăn, người không ăn không ép người khác phải từ bỏ).

>> Tôi sẽ không ăn thịt chó nữa nếu đưa vào sách đỏ

Văn minh là biết chấp nhận sự khác biệt văn hóa, khác biệt văn hóa ở đây là gì? Người Việt coi trọng con chó hơn những con vật khác, điều đó đúng. Nhưng cũng không coi chó như người bạn trung thành như phương Tây. Theo một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Ăn thịt chó thuộc về văn hóa người Việt từ thời xa xưa nên nói ‘ăn thịt chó là kém văn minh’ là sai, không thể áp đặt văn hóa của phương Tây và nhiều nước cũng ăn thịt chó như Việt Nam’’.

Khoảng hơn chục năm trở về trước, gần như gia đình nào ở nông thôn cũng nuôi chó, ít thì một hai con, nhiều thì đến chục con, mà chó sinh sản nhanh nên mỗi lứa chủ có thể thoải mái chọn. Con nào khôn thì giữ lại trông nhà, còn lại thì đem bán, hoặc nhà có việc thì đem ra thịt. Đâu có ai phản đối gì. Những người phản đối ăn thịt chó cũng cần phân biệt giữa chó kiểng và chó ta. Chó mà mọi người thường ăn là chó ta chứ không phải chó kiểng vừa đắt vừa không ngon.

Một số người cho rằng ‘’ăn thịt chó là gốc rễ của nạn trộm chó’’vì có cầu ắt phải có cung chỉ cần cấm ăn thịt chó thì sẽ xóa được nạn trộm chó, điều này không đúng. Gốc rễ của nạn trộm chó là tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, đánh bạc…

>> ‘Nhiều vụ chó cắn trẻ trọng thương, người yêu chó nghĩ gì’

Nhiều người phương tây đến Việt Nam đã rất bất ngờ khi biết người Việt ăn thịt chó. Họ còn nói: “Tôi yêu đất nước này nhưng tôi không thể chấp nhận món ăn này’’. Chúng ta cần giải thích với họ rằng vấn đề là sự khác biệt văn hóa như người Nhật vẫn săn bắt cá voi, cá heo làm thực phẩm đó thôi. Tại khu vực trung tâm các thành phố lớn, có nhiều du khách nước ngoài cũng cần có quy đinh không bày cả nguyên con chó trong tủ kính, trông rất phản cảm.

Một điều nữa là vấn đề kiểm dịch, rất nhiều chó nuôi không được tiêm phòng dại, mỗi năm Việt Nam có không ít trường hợp người bị chó dại cắn chủ quan không tiêm phòng dẫn đến tử vong. Việt Nam cần có quy trình tiêm phòng dại bắt buộc từ địa phương cơ sơ (từ xã, phường, thị trấn…đến làng, thôn, tổ, ấp…)

>> Quan điểm của bạn về việc ăn thịt chó như thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.

Phạm Thái Sơn