Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam

Hướng đến kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa phát động Tuần lễ Áo dài trên toàn quốc (diễn ra từ ngày 1 đến ngày 8.3.2023). Tối qua 3.3, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9 năm 2023 cũng đã được khai mạc tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Các sự kiện thực sự là những tin vui cho những người yêu văn hóa và mê áo dài.

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 1.

Tà áo dài tung tăng xuống phố

TẤN ĐẠT

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 2.

“Nữ mặc áo dài được thì nam mặc cũng được”

QUỐC BẢO

Còn tôi, do mới qua Thái Lan nhập học được vài tháng và đang trong thời gian học hành kín lịch ở học kỳ 2 của khóa nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Suranaree nên không thể về quê. Món quà duy nhất tôi mang theo, dành tặng cho chính mình trong những ngày xa nhà chính là chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.

Là người thuộc thế hệ 9x, tôi được tiếp xúc với thế giới hiện đại, công nghệ thay đổi từng ngày. Có những thay đổi ngay cả người trẻ như tôi mà còn bỡ ngỡ. Trong quá trình chọn lọc trước sự mới mẻ của thời đại, ai cũng hướng đến sự tiện dụng và bỏ bớt các sinh hoạt truyền thống rườm rà. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống: trong quá trình phát triển, con người sẽ loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, dù đó là truyền thống.

Những năm gần đây, những lễ hội đâm trâu, chém lợn đã không còn vì sự dã man của nó. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng dư luận trong, ngoài nước đồng thuận với việc bỏ đi các lễ hội không mang tính giáo dục, ngược lại còn gây phản cảm thì nên xếp lại để đời sống văn minh, lành mạnh hơn.

Tôi ủng hộ những sự thay đổi tích cực từ sinh hoạt mang tính truyền thống của người Việt. Kể cả các nghi thức cúng bái dịp đầu năm, cuối năm. Khi đã tìm hiểu kỹ các phong tục ngày tết, tôi bảo mẹ mình giãn lược, bỏ bớt các nghi quỹ mà bản thân thấy quá mỏi mệt. “Không có ông bà nào lại đi trách tội con cháu. Thánh thần nếu hiện diện thì chắc cũng không nỡ quở phạt và bắt mình phải cúng này cúng nọ”, tôi nói với mẹ. Bà cười và quyết định cùng tôi thử nghiệm. Ví dụ như ngày Thần Tài 3 năm trước, mùng 10 tháng giêng, hai mẹ con quyết định không cúng cá lóc nướng như mọi năm. Thế nhưng năm đó nhà tôi vẫn phát tài như thường, thậm chí hơn. Hẳn là Thần Tài vui hơn khi mình không sát sinh để cúng kính? Tôi tự nghĩ như vậy và từ đó giản lược bớt một khoản cúng. Đâu đó, tôi nghĩ, có thể vì quá nhiều lễ tiết cúng kính, chi phí cho những việc này đã góp phần làm người dân nghèo đã khổ còn nghèo thêm.

Thực tế, bỏ bớt các nghi thức nấu nướng, cúng kính khiến mẹ tôi khỏe và vui hơn nhiều trong những ngày tết.

Tất nhiên, chiều sâu văn hóa Việt, không phải tất cả những sinh hoạt truyền thống đều lạc hậu. Có những nét đẹp cần gìn giữ như báu vật, từ nếp sống đến sinh hoạt và cả món ăn uống, trang phục…

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 3.

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 4.

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 5.

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 6.

Diễn viên điện ảnh Lý Hương là một nghệ sĩ mê áo dài. Chị luôn mặc trang phục này mỗi khi tham dự các sự kiện trang trọng

FBNV

Ngày tết, nếu không có nén nhang dâng tổ tiên thì bàn thờ sẽ lạnh lẽo. Mùi nhang vốn đã trở thành mùi nhớ gọi mùa xuân về trong tâm thức người Việt. Nhưng đốt vàng mã thì nên giảm, đi đến bỏ hẳn. Cúng sao giải hạn cũng là chuyện không nên, thay vào đó là sống tích cực để chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Tôi tin, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình qua lối sống hiện tại. Thực sự, tôi rất tâm đắc với câu nói “thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”. Chẳng có ai quyết định cuộc đời ta ngoài chính ta, từ thói quen, nếp nghĩ nếp sống hằng ngày.

Ai cũng có thể là sứ giả của áo dài

Trong rất nhiều nét đẹp của người Việt thì nếp nhà, tôn sư trọng đạo, những giá trị mang tính nhân bản của con người cần phải gìn giữ, phát huy… Bữa cơm gia đình ngày càng bị chiếm dụng bởi sự bận rộn. Tôi vẫn tự hỏi, người ta kiếm tiền nhiều để làm gì khi sau đó giàu lên thì không thể kết nối được người thân, các thế hệ. Những đứa trẻ bơ vơ trong chính ngôi nhà mình, chúng thiếu sự yêu thương và bám chặt vào chiếc điện thoại thông minh như vật bất ly thân. Tôi thấy người lớn hay đổ lỗi cho trẻ hư, trẻ vô cảm nhưng quên mất rằng chính chúng ta đã thiếu thời gian hướng dẫn con đến với những giá trị của tình thân, sự tử tế.

Trong quá trình gìn vàng giữ ngọc, chắt lọc những tinh hoa văn hóa Việt, tôi vẫn thích câu chuyện lan tỏa nét đẹp của tà áo dài. Nhiều lần nhìn bức ảnh các nguyên thủ quốc gia nhiều nước dự hội nghị APEC tại nước ta mặc áo dài Việt, tôi dâng lên niềm tự hào. Trang phục của mình đẹp quá!.

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 7.

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9 năm 2023 với chủ đề ‘Tôi yêu Áo dài Việt Nam’ vừa khai mạc tối qua 3.3

DIỆU MI

Áo dài giúp che đi các khuyết điểm và tôn lên những nét đẹp cần được biểu lộ. Với những người bạn hơi dư ký của mình, tôi nghe họ chia sẻ: “Áo dài giúp mình giảm cân”. Tôi đã cười xòa khi nghe bạn nói điều đó nhưng quả thiệt, nhờ ý chí phải mặc áo dài ngày xuân mà bạn đã thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, giảm được 8 kg sau vài tháng. “Mình đã khỏe đẹp hơn nhờ động lực mặc áo dài xúng xính chụp hình cùng gia đình”, bạn tôi nói.

Tôi từng nghe chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ, một người chị thường xuyên mặc áo dài trong tất cả các sinh hoạt, công việc của mình kể rằng, GS.TS Thái Kim Lan đã nhận định: “Với áo dài, mọi phụ nữ đều bình đẳng trước sắc đẹp”. Cũng từ lời kể của chị Thúy, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng áo dài có thể không làm bạn đẹp hơn, nhưng chắc chắn không làm bạn xấu hơn các trang phục khác; còn nhà giáo Đoàn Thị Liệp, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì khẳng định áo dài là “vũ khí” chống béo phì… Quả thực, bạn tôi đã nắm chắc “vũ khí” tuyệt mỹ này và thành công. Tôi đã rất vui khi nhìn thấy bạn thanh thoát, dễ thương khi khoác áo dài đến chùa du xuân.

Thông điệp văn hóa lan tỏa từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh 8.

Ths Lê Trường An (phải) và TS Adcharawan Buripakdi, Hiệu phó Đại học Kỹ thuật Suranaree (Thái Lan)

NVCC

Nhìn những gia đình ngày nay chọn áo dài đến chùa trong dịp tết, thậm chí vui vẻ cùng đồng nghiệp diện áo dài xuống phố chụp hình… tôi càng tin áo dài – trang phục truyền thống của người Việt – đã dần phục hồi. Những nét đẹp sẽ luôn được phát huy và sống lại mạnh mẽ theo cách mà nó đã từng được sinh ra.

Rất cần những người trẻ, những người làm công tác giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, người có ảnh hưởng công chúng (KOL) có thể lan tỏa nét đẹp của áo dài. Nhiều người nước ngoài vui vẻ với áo dài người Việt và chọn mua, mặc. Vậy tại sao người Việt lại không phát huy?

Như tôi, sau khi quyết định mặc áo dài đến lớp vào mỗi dịp tết Nguyên đán, cả cô giáo lẫn bạn học người Thái đều đặt hàng: “Khi nào bạn về Việt Nam nhớ mua giúp một bộ”. Thực ra, ai cũng có thể là sứ giả của áo dài, đơn giản bằng cách bạn tự tin khoác lên mình trang phục được xem là Quốc phục của dân tộc mình mà tràn đầy lòng tự hào”.