Thông Tin Giới Thiệu – Các khu du lịch – di tích danh lam thắng…

Các
lễ hội được xem là quan trọng nhất ở núi Bà trong năm là: Lễ hội xuân núi Bà, Lễ
hội truyền thống động Kim Quang tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng Âm lịch, Lễ Vía
Bà tổ chức vào các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 Âm lịch.

Khu
du lịch núi Bà Đen đã được quy hoạch chi tiết, tỉnh đang triển khai xây dựng và
kêu gọi các nhà đầu tư vào khai thác khu du lịch Núi Bà với các điều kiện ưu
đãi. Núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch) quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa.

2. Cụm di tích cách mạng miền Nam

Cụm
di tích cách mạng miền Nam nằm ở phía Bắc và Tây Bắc Tây Ninh, thuộc địa bàn
các xã Tân Lập, Tân Bình, huyện Tân Biên. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ,
nơi đây là căn cứ của Trung ương cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền
Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban an
ninh Trung ương cục miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng… được ví như “Thủ đô
kháng chiến” trong thời kỳ đó. Hiện nay, đây là một nơi lý tưởng cho du lịch về
nguồn, du lịch sinh thái, cắm trại dã ngoại…

a) Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Di
tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, cách thành phố Tây Ninh 64 km về
hướng Bắc. Theo Quốc lộ 22B, đến Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát (47 km), rẽ phải theo
tỉnh lộ 792 và đường Trung ương Cục khoảng 16 km sẽ đến khu di tích. Tiền thân
của Trung ương Cục là Xứ ủy Nam bộ.

Di
tích Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử cách mạng có tầm quan trọng đặc
biệt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra
chiến lược, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này
đến thắng lợi khác, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ; giải phóng
hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

b) Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền
Nam

Di
tích căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, cách thành phố Tây Ninh khoảng
50 km về hướng Bắc. Từ thành phố Tây Ninh, theo Quốc lộ 22B đến Cửa khẩu Quốc tế
Xa Mát rẽ phải sang tỉnh lộ 792 chừng 2 km sẽ đến khu di tích.

Suốt 15 năm chiến đấu, Ban An ninh Trung ương Cục miền
Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng gian bảo mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối
các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin
(nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử – văn
hóa.

c) Di tích Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam

Cách
trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 42 km về hướng Bắc. Theo Quốc lộ 22B đi Tân
Biên khoảng 38 km (đến km74), rẽ trái đi tiếp 4 km là tới Di tích Căn cứ Chính
phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nơi đây ghi dấu thời khắc
hào hùng đấu tranh chống Mỹ cứu nước, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trong việc
giành lại độc lập. Di tích được Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là
di tích lịch sử  – văn hóa.

d) Di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền
Nam Việt Nam

Trên
đường đi di tích Căn cứ Trung ương Cục, đến km10 đường Trung ương Cục rẽ trái
khoảng 2,5 km là đến khu di tích, tọa lạc tại suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân
Biên.

Nơi đây, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã
tập hợp mọi lực lượng yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh
cho sự nghiệp Cách mạng miền Nam toàn thắng 30/4/1975. Di tích được Bộ Văn hóa
– Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch
sử  – 
văn hóa.

3. Di tích Chiến thắng Tua Hai

Di
tích nằm cạnh Quốc lộ 22B thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành,
cách thành phố Tây Ninh 7 km về hướng Tây Bắc.

Nơi
đây từng diễn ra trận đánh lịch sử, góp phần mở màn cho phong trào đồng khởi vũ
trang ở miền Nam và được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch) công nhận xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa.

4.
Tháp Chóp Mạt

Khu
đền tháp được xây dựng trên gò đất đắp cao giữa cánh đồng, ngày nay thuộc ấp Mới,
xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ngôi tháp mang tên Chóp Mạt được
xây dựng khoảng thế kỷ 8 đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa.

Tháp
Chóp Mạt là một trong ba đền tháp còn lại ở Nam Bộ (cùng với tháp cổ Bình Thạnh
– Trảng Bàng, tháp Vĩnh Hưng – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu), đó là kiến trúc tiêu biểu
của nền văn minh Óc Eo.

5.
Tháp cổ Bình Thạnh

Tháp
cổ Bình Thạnh được xây dựng trên một gò đất đắp cao giữa đồng ruộng, tọa lạc tại
ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; nằm ở phía Tây
sông Vàm Cỏ Đông.

Kiến
trúc tháp cổ Bình Thạnh mang giá trị lịch sử – văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật,
có sức cuốn hút mang giá trị về mặt tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học rất
lớn đối với du khách trong, ngoài tỉnh và du khách quốc tế. Di tích kiến trúc
tháp Bình Thạnh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa.

6.
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh

Tòa
thánh Cao Đài Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh 5 km về phía Ðông. Ðây là một
công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng, được xây dựng vào khoảng năm 1936.
Quần thể kiến trúc Tòa thánh Cao Đài là một công trình nghệ thuật tổng hợp
hoành tráng kết hợp hài hòa giữa kiến trúc dân tộc, kiến trúc tôn giáo phương
Đông Trung Ấn với kiến trúc tôn giáo phương Tây. Trong đó, mỹ thuật kiến trúc
Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Hàng
năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng và rằm tháng 8 Âm lịch, Tòa thánh Tây
Ninh  đón hàng vạn khách hành hương về dự
lễ vía Đức Chí Tôn và Hội Yến Diêu Trì Cung. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của
bà con tín đồ đạo Cao Đài.

7.
Hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng cách thành phố
Tây Ninh 20 km về phía Đông Bắc, là công trình thủy nông lớn nhất nước, được
thi công năm 1981. Hồ có diện tích 27.000 ha có sức chứa 1,5 tỷ m3
nước, tưới cho 172.000 ha đất của Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí
Minh. Đến với hồ Dầu Tiếng, du khách không khỏi kinh ngạc bởi khối óc sáng tạo
và sức lao động cần cù của nhân dân ta với hàng trăm triệu m3 đất,
đá, bê tông đã chặn dòng sông Sài Gòn chảy xiết thành hồ nước khổng lồ, biến
Tây Ninh từ một vùng đất khô cằn thành một vùng “sông nước”, bát ngát xanh tươi
suốt bốn mùa.

Tây Ninh hiện đang quy hoạch
tổng thể du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng và mời gọi đầu tư xây dựng nơi đây
thành khu nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, công viên, sân golf, công viên rừng,
khu săn bắn, câu cá, bãi tắm, du thuyền, khách sạn, các môn thể thao trên nước.

8.
Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm trên địa bàn 3 xã: Tân
Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đặc
trưng cảnh quan tự nhiên của Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát là hệ sinh thái rừng
nhiệt đới với các trảng cây họ dầu chiếm ưu thế, rụng lá vào mùa khô, ngập nước
vào mùa mưa. Các trảng cỏ ở khu rừng ngập nước định kỳ vào mùa mưa thành các trảng
ngập nước hoang sơ, chứa đựng sự phong phú và đa dạng của các loài thủy sinh vật,
rất thích hợp cho các loài chim ở đầm lầy đến cư trú. Theo tổ chức Birdlife Việt
Nam, đây là nơi cư trú của hơn 130 loài chim nước mà tiêu biểu là Cò Quắm lớn với
6 loại chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Do những giá trị về sinh thái tự nhiên, văn hóa, lịch sử, nơi đây đã và
đang trở thành nơi tham quan, học tập, nghiên cứu, là một điểm du lịch sinh
thái hấp dẫn.