Thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong công ty TNHH một thành viên

Ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là gì? Quy trình đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được quy định như thế nào? Thành phần hồ sơ đăng ký và những điều gì cần đặc biệt lưu ý khi doanh nghiệp đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử?

 

I. Ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là gì?

Ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do doanh nghiệp thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, doanh nghiệp khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng đấu giá trực tuyến và ứng dụng khuyến mại trực tuyến.

– Ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử là ứng dụng di động cho phép các thương nhân, doanh nghiệp không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

– Ứng dụng khuyến mại trực tuyến là ứng dụng di động do thương nhân, doanh nghiệp thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, doanh nghiệp khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.

– Ứng dụng đấu giá trực tuyến là ứng dụng di động cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, doanh nghiệp không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

Doanh nghiệp sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tiến hành đăng ký với Bộ Công thương trước khi đưa ứng dụng vào hoạt động.

Doanh nghiệp sở hữu ứng dụng di động có cả chức năng bán hàng và chức năng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thì chỉ cần đăng ký ứng dụng mà không cần thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương.

 

II. Quy trình thực hiện

1. Đăng ký tài khoản

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Để khai báo hồ sơ, doanh nghiệp truy cập vào Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử và tiến hành các bước sau:

Bước 1: Doanh nghiệp đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:

– Tên doanh nghiệp;

– Số đăng ký kinh doanh, số quyết định thành lập của doanh nghiệp;

– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;

– Địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp;

– Các thông tin liên hệ.

Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, doanh nghiệp nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, doanh nghiệp được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;

– Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

 

2. Đăng ký ứng dụng

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, doanh nghiệp tiến hành đăng nhập vào tài khoản Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử và thực hiện theo các bước sau;

– Chọn “Đăng ký ứng dụng CCDV”;

– Chọn “Thêm mới đăng ký ứng dụng”;

– Khai báo thông tin theo mẫu;

– Chọn “File đính kèm” để chuyển tab;

– Đính kèm file theo hướng dẫn;

– Hoàn tất bằng cách chọn “Gửi hồ sơ” ở đầu trang hoặc cuối trang.

Bước 4: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, doanh nghiệp nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tiếp Bước 5;

– Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó doanh nghiệp quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu. Nếu doanh nghiệp không phản hồi trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin thì hồ sơ đăng ký trên hệ thống sẽ bị chấm dứt và doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký lại từ đầu.

Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, doanh nghiệp gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy) theo quy định.

Doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.

 

3. Xác nhận đăng ký

Thời gian xác nhận đăng ký: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ do doanh nghiệp gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) khi hoàn thành quy trình đăng ký quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này. Trường hợp hồ sơ bản giấy gửi về không khớp với những tài liệu, thông tin đã khai báo trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống, Bộ Công Thương thông báo qua địa chỉ thư điện tử mà doanh nghiệp đã đăng ký để doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ.

Khi xác nhận đăng ký, Bộ Công Thương sẽ gửi cho doanh nghiệp qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký tương ứng của doanh nghiệp tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, bao gồm:

– Hệ điều hành, tên và địa chỉ truy cập của ứng dụng;

– Tên doanh nghiệp và thông tin liên hệ của doanh nghiệp;

– Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

 

III. Thành phần hồ sơ

1. Đơn đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

2. Bản sao được chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân).

3. Đề án cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

4. Quy chế quản lý hoạt động của ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

5. Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hoặc tổ chức đấu giá, khuyến mại trên ứng dụng đó.

6. Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hoặc tổ chức đấu giá, khuyến mại hàng hóa, dịch vụ trên ứng dụng (nếu có).

7. Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

 

IV. Những điều cần đặc biệt lưu ý

Doanh nghiệp thiết lập ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần lưu ý các vấn đề sau:

1. Doanh nghiệp phải xây dựng và công bố trên ứng dụng những thông tin sau:

– Phạm vi trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu ứng dụng trong những giao dịch được thực hiện qua ứng dụng này;

– Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;

– Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;

 – Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng ứng dụng theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;

– Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thực hiện qua ứng dụng;

2. Doanh nghiệp phải yêu cầu bên bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên ứng dụng cung cấp các thông tin sau khi đăng ký dịch vụ:

– Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân.

– Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.

– Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (nếu hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện và pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).

3. Lưu trữ thông tin đăng ký của các bên sử dụng ứng dụng và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan;

4. Thiết lập cơ chế cho phép các bên sử dụng ứng dụng thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định này nếu ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến;

5. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 41 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nếu ứng dụng có chức năng tương tự như website khuyến mại trực tuyến;

6. Thực hiện các quy định tại Mục 4 Chương III Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nếu ứng dụng có chức năng đấu giá trực tuyến.

7. Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

8. Ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

9. Loại bỏ khỏi ứng dụng những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

10. Yêu cầu người bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên ứng dụng của mình phải cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó (trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).

11. Cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật sử dụng ứng dụng của mình.

12. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.