Thú vị bên trong những tòa nhà bằng đất ở Trung Quốc – CafeLand.Vn
Những ngôi nhà đặc biệt của người Hakka, còn gọi là tulou, đã có từ lâu đời và ngày nay trở thành một trong những điểm thu hút du khách thập phương tới với Yongding, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Có một câu chuyện cười về tulou (thổ lầu), ngôi nhà đặc biệt của người Hakka ở Phúc Kiến như sau: Hai người đàn ông đang nói chuyện với nhau và một trong số họ khoác loác rằng: “Ngôi nhà của tôi rất to, nó có tới 4 tầng.” Người kia đáp lại: “Thế đã là gì, ngôi nhà của tôi còn có tới 300 người sinh sống.” Họ tiếp tục tranh luận về ngôi nhà của ai lớn hơn và chỉ khi về tới nhà họ mới nhận ra rằng họ sống chung cùng một chỗ. Tulou có nghĩa là “tòa nhà bằng đất” trong tiếng Trung Quốc và là một ngôi nhà cộng đồng đại diện cho văn hóa của người Hakka. Hầu hết trong những tòa nhà cao 3-4 tầng được làm bằng đất có tới hàng trăm người sinh sống và thường có chung họ tộc với nhau.
Huyện Yongding là một trong những địa điểm lý tưởng để trải nghiệm kiến trúc độc đáo này. Tulou là một trong những nét đặc trưng của vùng quê ở đây và nằm rải rác trên những dãy núi.
Có khoảng 23.000 tulou tại Yongding. Nhiều tòa nhà được xây dựng từ thời nhà Minh (1369-1644) và nhà Thanh (1644-1911).
Người ta cho rằng những người di cư Hakka tới từ phía Bắc là cư dân đầu tiên xây dựng tulou bởi họ muốn được bảo vệ mình khỏi những kẻ trộm và quân xâm lược. Những ngôi nhà được xây bằng gỗ và đất sét.
Tulou ở Yongding đã được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới UNESCO năm 2008 và là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước.
Lầu Chengqi nằm ở làng Gaobei là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình hai ngày đến với Yongding. Tòa nhà được gọi là “Vua của các Thổ Lầu” có 4 vòng tròn đồng tâm và 384 phòng và được hoàn thành vào năm 1708. Các phòng ở tầng 1 được sử dụng làm phòng khách và bếp, thỉnh thoảng cũng được sử dụng như nơi để bán đường gừng, chè ô long cho du khách.
Mỗi ngôi nhà có câu đối Tết dán trước cửa và đèn lồng được treo ở cổng vào.
Khi phóng viên Zhang Yue của China Daily tới Lầu Chengqi vào lúc 4 giờ chiều, hầu hết các gia đình đều đang chuẩn bị cho bữa tối. Mọi người nói chuyện và cửa của các phòng đều được mở toang.
“Xin chào. Hãy vào và thử uống chút trà”-Jiang Hongfeng, 28 tuổi, nói khi thấy phóng viên đang ngó nghiêng.
4 người thân của Jiang đang uống trà trong phòng khách trong khi vợ anh đang nấu cơm ở nhà bếp bên cạnh.
Uống trà buổi chiều là một thói quen hàng ngày và trồng chè chính là công việc để tạo thu nhập chính của người dân ở đây trước khi du lịch bùng nổ sau năm 2006.
Jiang được sinh ra và lớn lên ở lầu Chengqi. Cha anh, ông Jiang Youyi, 64 tuổi, hiện là chủ của ngôi nhà, từng là nơi sinh sống của 800 người, tất cả đều mang họ Jiang.
Khoảng 200 người (30 hộ gia đình) cùng chung sống trong tulou. Ở giữa tulou là zutang (bàn thờ tổ tiên), nơi để mọi người thờ cúng tổ tiên của mình.
Jiang bắt đầu kinh doanh chè từ năm 2006. Anh điều hành một cửa hàng trong khi vợ anh làm việc như một hướng dẫn viên du lịch tại lầu Chengqi.
Tòa nhà có những kho thóc đặt trên tầng hai, trong khi các phòng ngủ và phòng sinh hoạt nằm trên tầng ba hoặc tầng bốn.
“Tôi chỉ cho các du khách phòng ngủ của chúng tôi và nói với họ về cuộc sống của người Hakka,” Weng Jiandi, vợ Jiang nói. “Đây cũng là điều khiến du khách thích thú nhất.”
Tuy nhiên, từ năm 2011, khách du lịch không còn được phép lên các tầng trên khi ngôi nhà được xây từ đất và gỗ xuống cấp.
Phóng viên đã phải trả 10 NDT (2 USD) cho một phụ nữ rửa rau ở sân và cô ấy đã vui vẻ chỉ cho khách phòng ngủ ở tầng trên của mình.
Bạn chỉ thực sự cảm nhận được cuộc sống ở tulou khi ngủ một đêm ở Lầu Shuiyuan, cách lầu Chengqi 40 phút đi ô tô.
Tòa nhà 3 tầng có lịch sử 200 nằm được dùng để phục vụ du khách từ khi một doanh nhân địa phương mua lại nó.
Lầu Shuiyuan có 40 phòng ngủ trên tầng hai và tầng ba và có phòng tắm công cộng được đặt ở tầng một.
Hầu hết các du khách đều gặp rắc rối khi đi ra ngoài và không thể trở về phòng . Vì vậy, “bạn nên nhớ số phòng của mình” là lời khuyên mà ông chủ Hu Jun luôn dặn dò du khách.
Vài năm trở lại đây, nhiều người sinh sống tại các tòa nhà bằng đất ở Yongding đã chuyển tới thành phố sinh sống như thủ phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến.
“Đó là cách để có được cuộc sống tiện nghi hơn. Tôi cũng nghĩ tới việc rời khỏi đây cách đây hai năm…” Jiang nói.
“Nhưng gia đình tôi và tôi đã quen sống trong một cộng đồng.”