Thực hư xếp hạng chiều cao người Việt Nam “lùn thứ 4 thế giới”
–
Thứ sáu, 27/09/2019 07:12 (GMT+7)
Theo một xếp hạng mới đây, người Việt được cho là có chiều cao thấp thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, việc xếp hạng trên thực hư ra sao?
Con số không nói lên tất cả
Mới đây Tạp chí Dân số thế giới – một tổ chức độc lập của Hoa Kỳ đã cung cấp dữ liệu khảo sát về chiều cao của các quốc gia trên thế thới.
Theo bảng xếp hạng này, người Việt Nam với chiều cao trung bình đầu người là 162,1cm đã bị xếp vào lùn thứ 4 thế giới, cụ thể chiều cao trung bình đối với nam là 162,1cm và nữ giới là 152,2cm. Con số này khiến người hoang mang, kẻ hoài nghi thắc mắc.
Những số liệu về xếp hạng và chiều cao của người Việt Nam được Tạp chí Dân số thế giới trích nguồn từ bài viết ngày 6.8.2017 trên tờ The Telegraph của Anh. Theo đó, chiều cao trung bình Việt Nam (162,1 cm) chỉ cao hơn người Indonesia (158 cm), Philippines (161,9 cm) và Bolivia (160 cm). Ảnh: telegraph.co.uk.
Trước đó, dựa trên dữ liệu từ dự án NCD Risk Factor Collabawn của Đại học Hoàng gia London, Anh Quốc, trong một bài viết hồi tháng 6 năm nay trên tờ Insider, công bố Việt Nam lùn thứ 15 thế giới với con số trung bình 159,01cm. Đàn ông cao trung bình 164,44cm và phụ nữ 153,59cm.
Năm 2017 theo con số từ Viện Y học ứng dụng Việt Nam đứng trong top 20 nước lùn nhất thế giới. Cụ thể, nam giới đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164,4cm, nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 với chiều cao trung bình là 153,6cm, tương đồng với công bố trên Insider.
Trao đổi với Lao Động về thông tin trên, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Tôi không bình luận, đánh giá về mặt con số vì mỗi tổ chức lại có một hình thức đo lường và xếp hạng khác nhau”.
Theo Tiến sĩ Trọng Hưng, những con số đưa ra cần thận trọng. Những câu như “Việt Nam lùn thứ 4 thế giới” có sức tác động đến dư luận nhưng tiêu chí xếp hạng, dữ liệu của các nước từ năm nào không rõ nên không cần quá hoang mang.
So với nước bạn không bằng tự so với nước ta
Tiến sĩ Hưng nhấn mạnh con số người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới chỉ mang tính chất tham khảo để biết nhưng cũng không nên sa đà, phiến diện. Đành rằng chiều cao người Việt khiêm tốn song mọi sự so sánh đều khập khiễng khi chúng ta đang ngày càng cải thiện so với trước đây.
Thực tế, sự thay đổi chiều cao của người dân Việt Nam có thể nhìn thấy rõ. Những chương trình can thiệp về dinh dưỡng đã tác động rất tốt đến việc thay đổi chiều cao, tầm vóc.
Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: NVCC.
“Không phải ta tự khen ta nhưng tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy câu chuyện về tầm vóc gần đây. Người dân thừa nhận so với thế hệ trước trẻ con thế hệ sau được nuôi dưỡng chăm sóc tốt hơn khi đời sống kinh tế thay đổi” – Tiến sĩ Hưng phân tích.
Dưới góc độ dinh dưỡng, bác sĩ Trọng Hưng cho hay các con số thay đổi rất rõ. Theo đó, suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ khoảng 38,7% năm 1999 xuống còn 23,8% vào năm 2017.
Ngoài ra, nhà nước và ngành y tế rất quan tâm đến vấn đề này. Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số chương trình với mức đầu tư lên tới 285 triệu USD nhằm cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe thể chất và tăng chiều cao. Dự án dự kiến đến năm 2030, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình của phụ nữ và nam giới Việt Nam tăng lên 157,5 cm và 168,5 cm.
Từ đó, Tiến sĩ Hưng cho rằng người dân nên tin tưởng những số liệu chính thống và của Việt Nam công bố và nỗ lực của nước ta trong cải thiện giống nòi.
“Câu chuyện chiều cao có những yếu tố không can thiệp được là gen, chủng tộc. Yếu tố can thiệp được là dinh dưỡng, dinh dưỡng đúng thời điểm, lối sống, môi trường, hoạt động thể lực. Vì thế, tất cả là cả quá trình và chúng ta nên kiên trì” – Tiến sĩ Hưng nhấn mạnh.