Thực trạng công tác thống kê ngành Tư pháp
1. Công tác đảm bảo thông tin thống kê
1.1. Thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thống kê
Để phục vụ công tác thống kê ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng Phần mềm thống kê ngành Tư pháp theo chế độ báo cáo thống kê quy định tạiThông tư số 03/2019/TT- BTP ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Từ tháng 01/2020, Bộ Tư pháp đã triển khai áp dụng Phần mềm thống kê ngành Tư pháp đối với tất cả cơ quan tư pháp địa phương. Đến nay, các cơ quan tư pháp ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trên toàn quốc đều đã thực hiện báo cáo thống kê trên Phần mềm.
Bên cạnh Phần mềm thống kê ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp đangáp dụng 05 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành gồm: (1) Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; (2) Phần mềm quản lý nuôi con nuôi trong nước (được tích hợp vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch); (3) Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; (4) Phần mềm quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý; (5) Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm. Các phần mềm, cơ sở dữ liệu này đều được thiết kế các tính năng, tiện ích hỗ trợ trích xuất số liệu báo cáo thống kêđể phục vụ tổng hợp, cập nhật số liệu báo cáo thống kê, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê, hoạt động thống kê nhà nước tại Bộ, ngành Tư pháp một cách kịp thời, nhanh chóng.
1.2. Tình hình và mức độ bảo đảm về số lượng chỉ tiêu thống kê, chất lượng số liệu và tính kịp thời của thông tin thống kê phục vụ Lãnh đạo Bộ,ngành Tư pháp, thông tin cung cấp cho Tổng cục Thống kê; công tác phân tích, dự báo, sử dụng số liệu thống kê
Trong những năm qua, Bộ Tư pháp luôn chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế về công tác thống kê của Bộ, ngành Tư pháp. Hiện tại, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tư pháp có 82 chỉ tiêu thống kê. Bộ Tư pháp đã thực hiện thu thập được 81/82 chỉ tiêu thống kê, 01/82 chỉ tiêu (Phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù) chưa thu thập được số liệu do chưa thực hiện điều tra thống kê.
Nhờ có thông tin thống kê được thu thập liên tục trong 10 năm, đến nay Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc tích hợp dữ liệu báo cáo các chỉ tiêu kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2010-2020 vào Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[1]. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, hằng năm, Bộ Tư pháp đều báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đầy đủ các chỉ tiêu thống kê quốc gia thuộc trách nhiệm thu thập của Bộ.
Trong quá trình thu thập số liệu thống kê, Bộ Tư pháp đã chú trọng thực hiện công tác phân tích, rà soát, kiểm tra, đánh giá tính chính xác, hợp lý của số liệu; lồng ghép nội dung phân tích, nhận định vào các báo cáo sơ kết, tổng kết Ngành, báo cáo chuyên đề theo lĩnh vực.
1.3. Kết quả thực hiện các cuộc điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia phân công cho bộ ngành và các cuộc điều tra khác của bộ ngành
Bộ Tư pháp đã tổ chức triển khai nghiêm túc các cuộc điều tra thuộc phạm vi triển khai của Bộ trong chương trình điều tra thống kê quốc gianhư: điều tra vốn đầu tư phát triển năm 2015, tổng điều tra kinh tế năm 2017, tổng điều tra kinh tế hành chính năm 2020 trong phạm vi Bộ Tư pháp… theo đúng hướng dẫn của Ban chỉ đạo Điều tra, Tổng điều tra.
1.4. Tình hình phổ biến thông tin thống kê
Thực hiện quy định của Luật Thống kê 2015, hằng năm Bộ Tư pháp đều nghiêm túc xây dựng Lịch phổ biến thông tin thống kê và Tài liệu phổ biến thông tin thống kê. Hình thức phổ biến là đăng tải trên Trang thông tin công tác thống kê ngành Tư pháp.
Năm 2020, nhằm đa dạng hình thức phổ biến thông tin thống kê của Ngành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khai thác thông tin thống kê phục vụ hoạt động quản lý, điều hành trong nội bộ Ngành và nhu cầu nghiên cứu, sử dụng thông tin thống kê tư pháp của xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án “Biên soạn Niên giám thống kê ngành Tư pháp hằng năm”.
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã thực hiện xây dựng Niên giám thống kê ngành Tư pháp năm 2020, hiện tại đang trong giai đoạn triển khai xây dựng Niên giám thống kê ngành Tư pháp năm 2021.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật về thông tin thống kê được thu thập theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP lên Trang thông tin công tác thống kê ngành Tư pháp; đăng tải các thông tin liên quan đến công tác thống kê lên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự(THADS) và các Cục THADS địa phương để phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức trong Ngành.
1.5. Tình hình triển khai công tác thống kê đối với các cơ quan, đơn vị thuộc BộTư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngànhvà cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự ở địa phương
Sau khi Luật Thống kê năm 2015 được ban hành và có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự địa phương trong toàn quốc quán triệt, cụ thể hóa các nhiệm vụ thống kê được giao, lồng ghép trong kế hoạch công tác từng năm của cơ quan, đơn vị để thực hiện. Riêng Bộ Tư pháp, việc triển khai công tác thống kê hàng năm đều có kế hoạch thực hiện bài bản (lồng ghép trong chương trình, kế hoạch chung của Bộ và kế hoạch công tác của các đơn vị thuộc Bộ).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt/ban hành nhiều đề án, văn bản về thống kê ngành Tư pháp, trong đó có một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, điều chỉnh hoạt động thống kê của Ngành, tạo khung pháp lý cần thiết, làm cơ sở để chế độ báo cáo thống kê trong các lĩnh vực công tác tư pháp đi vào nền nếp.
Công tác thu thập, tổng hợp số liệu thống kê trong ngành Tư pháp ngày càng chuyên nghiệp hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng đẩy mạnh. Tổ chức bộ máy làm công tác thống kê của Bộ Tư pháp từ chỗ phân tán ở các đơn vị đã tập trung về 01 đầu mối quản lý (Phòng Thống kê thuộc Cục Kế hoạch – Tài chính). Về cơ bản, đến nay các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã bố trí công chức/viên chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ thống kê.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về thống kê cho đội ngũ công chức/viên chức làm công tác thống kê của Ngành được quan tâm thực hiện thường xuyên. Đến nay Bộ Tư pháp đã tổ chức 06 đợt tập huấn nghiệp vụ/bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác thống kê của các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp, trong đó có 02 đợt tập huấn toàn quốc cho tất cả công chức làm công tác thống kê tư pháp ở cấp huyện và một số công chức làm công tác thống kê tư pháp ở cấp xã.
2. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với Tổng cục Thống kê
Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện rất tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với Tổng cục Thống kê.
Thực hiện quy định của Luật Thống kê, Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ[2]; Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ[3], từ năm 2015 đến nay, hằng năm, Bộ Tư pháp đều thực hiện nghiêm túc việc gửi báo cáo đến Tổng cục Thống kê kèm theo các biểu chi tiết về chỉ tiêu thống kê quốc gia thuộc trách nhiệm chủ trì và phối hợp thu thập, tổng hợp của Bộ Tư pháp trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) gửi Bộ Tư pháp góp ý, thẩm định theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời Bộ Tư pháp cũng thực hiện nghiêm túc việc gửi các dự thảo Thông tư về thống kê của Bộ tới Tổng cục Thống kê để được góp ý, thẩm định về chuyên môn nghiệp vụ thống kê theo quy định của Luật Thống kê.
3. Công tác phương pháp chế độ thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê
3.1. Kết quả xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tư pháp
Ngày 26/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 10/2017/TT-BTP quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tư pháp với 82 chỉ tiêu thống kê, trong đó có 05 chỉ tiêu đồng thời là chỉ thống kê quốc gia thuộc trách nhiệm chủ trì và phối hợp thu thập của Bộ Tư pháp.
Việc xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê là cơ sở để Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện, chuẩn hóa chế độ báo cáo thống kê của Ngành.
3.2. Kết quả xây dựng, ban hành chế độ báo cáo thống kê ngành Tư pháp
Bộ Tư pháp luôn chú trọng xây dựng và hoàn thiện các chế độ báo cáo thống kê của Ngành. Hiện tại thông tin thống kê trong ngành Tư pháp được thu thập qua chế độ báo cáo thống kê với 70 biểu mẫu báo cáo thống kê được quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BTP[4]; 12 biểu mẫu thống kê quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019[5]và một số biểu mẫu quy định tại các thông tư khác của Bộ trưởng Bộ Tư pháp[6].Quá trình triển khai các Thông tư này, Bộ Tư pháp đều có văn bản hướng dẫn thực hiện, đồng thời chú trọng hoạt động phổ biến tuyên truyền pháp luật về thống kê trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp các đối tượng áp dụng Thông tư.
Các chế độ báo cáo thống kê do Bộ Tư pháp ban hành trong 05 năm quaphù hợp với quy định của Luật Thống kê 2015, các quy định của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực tư pháp, giúp thu thập tương đối đầy đủ thông tin thống kê phục vụ nhu cầu quản lý của Bộ, ngành Tư pháp. Các biểu mẫu thống kê được thiết kế tương đối khoa học, có phần giải thích biểu mẫu rõ ràng, được Tổng cục Thống kê đánh giá cao khi thẩm định; qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, đơn vị trong Ngành khi thực hiện, đồng thời cũng thuận lợi cho việc tổng hợp, công bố, phổ biến thông tin thống kê theo quy định.
3.3.Về ứng dụng công nghệ thông tin
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê ngành Tư pháp được triển khai mạnh mẽ. Trang thông tin điện tử công tác thống kêngành Tư pháp chính thức đi vào vận hành từ năm 2016, cung cấp các thông tin liên quan đến công tác thống kê của ngành Tư pháp (như số liệu thống kê, hướng dẫn nghiệp vụ, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thống kê, các tin tức, hoạt động về công tác thống kê, các nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ…), đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin thống kê hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp.
Thực hiện Quyết định 501/QĐ-TTg ngày 10/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai trong toàn Ngành[7]. Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể nhằm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin – truyền thông và các phương pháp khoa học dữ liệu vào hoạt động thống kê của ngành Tư pháp, hướng đến xây dựng hệ thống thông tin thống kê chất lượng, hiện đại, phục vụ nhu cầu quản lý, chỉ đạo của Ngành dựa trên thông tin thống kê. Các nhiệm vụ nói trên đang được toàn Ngành triển khai thực hiện theo đúng lộ trình mà Kế hoạch đề ra.
Về phần mềm thống kê, bên cạnh Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và thống kê thi hành án dân sự (được áp dụng từ năm 2018), Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, đưa vào áp dụng Phần mềm thống kê ngành Tư pháp (từ kỳ báo cáo thống kê chính thức năm 2020).
[1]Theo quy định tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủvề việc ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
[2]Về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành.
[3]Quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.
[4]Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp
[5]Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính
[6]Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
[7] Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 568/QĐ-BTP ngày 11/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp