Thực trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương
TÓM TẮT:
Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong đời sống kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng trong việc tạo ra những nhân tố mới cho quá trình hình thành nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin. CNTT tin cũng mở ra triển vọng trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương, từ đó xác định những khó khăn, thuận lợi và đề xuất giải pháp để ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương.
Từ khóa: công nghệ thông tin, đào tạo, công chức ngành Công Thương.
Mục lục bài viết
1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ như vũ bão của CNTT đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của loài người, tạo ra sự phát triển vượt bậc chưa từng có trong lịch sử. Tại Việt Nam, quá trình thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đang được sự chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ thông qua các chương trình, dự án của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, Ngành liên quan. Có thể nhận thấy để phát triển CNTT cần phải có một môi trường phù hợp. Nhận thấy vai trò to lớn của việc ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương đã sớm đưa ứng dụng CNTT vào công tác đào tạo, bồi dưỡng. Việc ứng dụng CNTT bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn khiêm tốn; các khó khăn, thách thức vẫn ở phía trước bởi những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Bài viết đã tập trung nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương, từ đó xác định những khó khăn, thuận lợi và đề xuất giải pháp để ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương.
2. Thực trạng ứng dụng CNTT trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương
Thời gian qua, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương đã rất quan tâm đưa ứng dụng CNTT vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, do vậy đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy còn có một số bật cập
a, Kết quả đạt được
Một là, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, giảng viên khá đồng đềuvới 41 giảng viên cơ hữu (chiếm 37% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Nhà trường); 21 giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức thường xuyên tham gia công tác đào tạo bồi dưỡng (ĐTBD) cho Nhà trường. Phần lớn đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã ý thức được việc ứng dụng CNTT và bước đầu đã vận dụng được việc thiết kế bài giảng điện tử, thu thập và xử lý tài liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu bài giảng.
Hai là hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại. Nhà trường hiện có 9 bộ máy chủ; 108 máy tính được đặt tại các phòng, ban, khoa, trung tâm và tổ bộ môn; 45 máy in; 15 máy chiếu… phục vụ công tác soạn thảo văn bản, soạn giáo án, trình chiếu bài giảng… và một Trung tâm thực hành thương mại điện tử (TMĐT) với 152 bộ máy tính; 4 phòng học có hệ thống dạy học đa phương tiện; các sàn TMĐT cho học viên, sinh viên thực hành.
Ba là hệ thống phần mềm. Trang tin điện tử; phần mềm TMĐT; thư viện điện tử (TVĐT); cổng thông tin điện tử; phần mềm quản lý đào tạo,… và các phần mềm chuyên môn khác… bước đầu đã được Nhà trường chú trọng đưa vào khai thác, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác ĐTBD cán bộ, công chức ngành Công Thương.
Bốn là, công tác truyền thông qua trang tin điện tử và công thông tin điện tử đã được chú trọng hơn. Đặc biệt là tận dụng trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, tạo uy tín và niềm tin với các đối tác, các cục, vụ, viện và các sở, ban, ngành.
Năm là, hợp tác, liên kết với các trường, các đơn vị trong Bộ Công Thương nhằm đa dạng hóa các loại hình ĐTBD, chia sẻ hạ tầng CNTT, đảm bảo việc ứng dụng CNTT của Nhà trường được thông suốt với các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, ký kết hợp tác với một số đơn vị quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua, đã góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD, nâng cao năng lực giảng viên, nâng cao uy tín của Nhà trường trong hệ thống các trường thuộc Bộ và ngoài Bộ; thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần vào việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương.
b, Những hạn chế và nguyên nhân
* Hạn chế
Một là, còn có sự chênh lệch giữa trình độ CNTT với khả năng ứng dụng CNTT giữa các cá nhân và các bộ phận đơn vị trong Nhà trường. Đội ngũ giảng viên làm công tác ĐTBD cán bộ, công chức còn yếu và thiếu. Do vậy, giảng viên tham gia công tác bồi dưỡng công chức, viên chức hiện nay chủ yếu là mời giảng viên thỉnh giảng, bao gồm cả kiêm chức và chuyên nghiệp.
Hai là, tuy cơ sở hạ tầng phục vụ cho ứng dụng CNTT được đầu tư khá cơ bản, nhưng khai thác chưa hiệu quả. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từ giai đoạn đầu của dự án, đến naycần được thay thế và sửa chữa.
Ba là, hệ thống phần mềm khai thác chưa hiệu quả: Trang tin điện tử trong suốt giai đoạn 2010 – 2015 mới chỉ dừng lại ở chức năng cập nhật thời khóa biểu, lịch công tác và một số tin tức hoạt động của Nhà trường; TVĐT hoạt động được 2 năm nhưng kho tài nguyên số còn “nghèo nàn”; Phầm mềm TMĐT tuy có đầy đủ các tính năng của các sàn TMĐT nhưng thiếu sinh viên, học viên để khai thác những tính năng này; Phần mềm quản lý đào tạo mới chỉ xây dựng được Cổng thông tin sinh viên và còn lúng túng trong vận hành.
Bốn là, công tác truyền thông chưa hiệu quả, tính lan tỏa thấp; lực lượng cán bộ phụ trách còn mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của truyền thông hiện nay. Công tác phối kết hợp giữa các đơn vị, phòng, ban, khoa, trung tâm chưa chặt chẽ, thiếu tính hệ thống chuyên nghiệp.
Năm là, việc ký kết hợp tác với một số đơn vị quốc tế mới chỉ dừng lại ở việc thăm dò năng lực, chưa thực thi hiệu quả. Hợp tác với các đơn vị, sở, ban, ngành chưa tận dụng được việc ứng dụng CNTT, vẫn còn làm thủ công, mất nhiều thời gian, gây lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có.
* Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại
Một là, cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên của Nhà trường tham gia các khóa ĐTBD về CNTT một cách thụ động, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, mong muốn thực hiện nhiệm vụ, công vụ được tốt hơn. Do đó, đội ngũ giảng viên làm công tác ĐTBD tính chuyên môn chưa sâu, tính chuyên nghiệp thấp. Đây là những yếu tố làm giảm khả năng ứng dụng CNTT trong công tác ĐTBD. Do điều kiện đào tạo trước đây còn lạc hậu nên đội ngũ thỉnh giảng còn thiếu kỹ năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy hiện đại, ít sử dụng các thiết bị CNTT nên còn nhiều hạn chế trong ĐTBD.
Hai là, do vị trí Nhà trường ở vùng đất trũng thấp, hay bị ngập úng, độ ẩm cao nên dẫn đến việc cơ sở hạ tầng nhanh hỏng mà nguồn tái đầu tư lại có hạn… Vì vậy, việc bổ sung thay thế những thiết bị hư hỏng và cập nhật phần mềm phục vụ công tác đạo tạo, bồi dưỡng đôi khi còn chậm, gián đoạn, hiệu quả chưa cao.
Ba là, đội ngũ chuyên môn về CNTT còn mỏng, khả năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên Nhà trường chưa cao. Trong khi đó, nguồn lực quản lý thư viện điện tử còn yếu và thiếu chuyên về môn, nghiệp vụ, dẫn đến việc khai thác và xử lý những thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu còn chậm; đội ngũ làm công tác ĐTBD hoạt động đơn lẻ, thiếu tính liên kết, chia sẻ thông tin. Vì vậy, việc xây dựng các kho tài liệu của riêng mỗi chuyên ngành vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được công năng của một TVĐT hiện đại.
Bốn là, tính đồng bộ CNTT giữa Nhà trường và các đơn vị còn chênh lệnh nhau; yếu tố tương thích giữa công nghệ và hạ tầng; tương thích giữa công nghệ, thiết bị mới với công nghệ, thiết bị cũ, do đó, khai thác chưa hiệu quả, gây lãng phí kinh phí đầu tư.
3. Giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương
Nhìn chung, có rất nhiều các nguyên nhân gây nên sự hạn chế và tồn tại trong việc ứng dụng CNTT, nhưng tựu chung lại thì các nguyên nhân được nêu trên đây vẫn là chủ yếu, cần có những giải pháp để khắc phục những yếu kém trên, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới của hội nhập ngành Công Thương. Trong đó, cần tập trung vào 4 giải pháp chủ yếu gồm:
– Hoàn thiện cơ sở pháp lý.
– Pháp phát triển hạ tầng CNTT.
– Phát triển nguồn nhân lực.
– Tăng cường hợp tác đào tạo, bồi dưỡng.
4. Kiến nghị
Từ 4 nhóm giải pháp nêu trên, Nhà trường cần có một phương pháp phù hợp. Để giải quyết được các vấn đề còn tồn tại trong phần thực trạng, mô hình ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương của Nhà trường mô hình hóa ở Hình 1:
Từ Hình 1 cho thấy, bên cạnh các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc ứng dụng CNTT của Nhà trường như: chính sách phát triển CNTT; hạ tầng CNTT; nguồn nhân lực (hình tròn phía bên trong)…, việc ứng dụng CNTT còn bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài như: nhận thức của người đứng đầu và hệ thống hạ tầng tương thích của đơn vị hợp tác ứng dụng CNTT (chúng tôi gọi chung là hợp tác ứng dụng CNTT); khung pháp lý liên quan tới việc ứng dụng CNTT; hạ tầng của Bộ chủ quản.
a, Các nhân tố bên trong:
– Chính sách phát triển CNTT của Nhà trường: Việc ứng dụng, phát triển CNTT của Nhà trường phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu, người lãnh đạo phải thực sự hành động, phải quyết tâm, gương mẫu và đặc biệt phải coi mình là một mắt xích quan trọng của chu trình vận hành ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan. Khi đó, các cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên Nhà trường sẽ thấy rõ trách nhiệm của mình phải thực hiện, từ đó tạo thành một phong trào ứng dụng CNTT trong Nhà trường.
– Hạ tầng CNTT: đây được coi là nền tảng cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong công tác ĐTBD theo hướng đổi mới. Do đó, cần được nâng cấp hệ thống, đảm bảo tính tương tác về công nghệ và hạ tầng; phát triển các tính năng ưu việt của các phần mềm, đặc biệt là cổng thông tin điện tử nhằm đưa hình ảnh, dịch vụ, các khóa đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường tới các đối tượng mục tiêu trên công cụ tìm kiếm nhiều hơn; tin học hóa tài liệu truyền thống, tạo cơ sở dữ liệu phong phú đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn tới và đảm bảo việc quản lý, vận hành TVĐT theo đúng tiểu chuẩn của một thư viện hiện đại. Đặc biệt, Nhà trường cần tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để triển khai hệ thống đào tạo trược tuyến trong giai đoạn tới.
– Nguồn nhân lực của Nhà trường là yếu tố then chốt, do đó, cần phải nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Nhà trường, chú trọng đến phát triển nguồn lực CNTT chuyên môn cao và trang bị cho đội ngũ giảng viên những kỹ năng ứng dụng CNTT trong công tác ĐTBD cán bộ, công chức ngành Công Thương; Nâng cao năng lực đội ngũ quản trị nội dung và quản trị kỹ thuật Cổng thông tin điện tử;…
b, Các nhân tố bên ngoài:
– Khung pháp lý: cơ sở pháp lý có vai trò quyết định việc ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo nói chung và trong công tác ĐTBD cán bộ, công chức ngành Công Thương nói riêng. Do đó, để ứng dụng CNTT có hiệu quả vào công tác ĐTBD, cần thực hiện rà soát hệ thống văn bản pháp lý về phát triển, ứng dụng CNTT và các văn bản có liên quan để xác định rõ các chính sách ưu tiên cho phát triển, ứng dụng CNTT, những chính sách còn thiếu, còn bất cập, lỗi thời. Từ đó, triển khai xây dựng bổ sung, sửa đổi, cập nhật, nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển CNTT trong công tác ĐTBD.
– Hạ tầng CNTT của Bộ được thống nhất toàn bộ Công Thương; triển khai mạng diện rộng kết nối đến các đơn vị từ địa phương đến Trung ương; tăng cường công tác an toàn an ninh mạng thống nhât trên toàn Bộ; Đẩy mạnh xây dựng, phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các ứng dụng CNTT hỗ trợ nghiệp vụ, phục vụ công tác quản lý, điều hành; Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương đảm bảo là cầu nối thông tin giữa Bộ Công Thương với các đơn vị, doanh nghiệp…
– Hợp tác ứng dụng CNTT: vừa đảm bảo đa dạng hóa các loại hình đào tạo vừa
chia sẻ hạ tầng CNTT giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, đảm bảo việc ứng dụng CNTT giữa các đơn vị được thông suốt. Để việc hợp tác có hiệu quả, yếu tố nguồn lực ở mỗi đơn vị và khả năng ứng dụng CNTT của đội ngũ nhân lực tại mỗi đơn vị có tính chất quyết định. Bên cạnh đó, do đầu tư hạ tầng CNTT của mỗi đơn vị là khác nhau, vì vậy, khi hợp tác có thể sẽ không tương thích, đây cũng là yếu tố rào cản đến hiệu quả hợp tác.
5. Kết luận
Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và internet, việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu của CNTT vào công tác ĐTBD đã đem lại không ít những thành công và hiệu quả to lớn, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác ĐTBD của Nhà trường cho cán bộ, công chức ngành Công Thương cần phải triển khai rất nhiều giải pháp. Những giải pháp đưa ra trong chuyên đề này chưa phải là tất cả các giải pháp cần phải thực hiện, nhưng đó là những giải pháp cơ bản, rất cần thiết vì xuất phát từ nhu cầu thực tiễn công tác ĐTBD cán bộ, công chức ngành Công Thương mà Bộ Công Thương đã giao cho Nhà trường, theo Quyết định số 2788/QĐ-BCT[1]
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Quyết định số 2788/QĐ-BCT, ngày 03 tháng 05 năm 2013 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo cáo hội nghị viên chức năm 2015 Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương;
- Bộ Nội vụ (2011), Tổng kết 5 năm (2006-2010) thực hiện Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg và triển khai Quyết định 1374/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Điều lệ Trường Cao đẳng;
- Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (2007), Điều lệ Trường Cao đẳng nghề;
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông đồng chủ trì (2014), “Sách trắng CNTT-TT Việt Nam 2014”, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.
- Nguyễn Mạnh Cường (2003), Đổi mới phương pháp giảng dạy với sự hỗ
trợ của máy tính, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. - Phan Đình Diệu (2001), Chuyên đề 1, Tổng quan về CNTT và tác động của nó tới sự phát triển kinh tế – xã hội, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại, từ hàn lâm đến đời thường, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
- TS. Nguyễn Kim Dung (2008), Ứng dụng công nghệ thông tin trong chương trình đào tạo, Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thanh Huyền (2015), Hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Công Thương giai đoạn 2015-2020, Luận văn thạc sĩ,Trường Đại học Mở Hà Nội.
- Nguyễn Văn Hùng (2011), Biện pháp quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Diáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Thanh Tâm (2015), Biện pháp quản lý chất lượng đào tạo nghề tại
Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Mở Hà Nội. - Trần Hữu Quang (2009), Xã hội học về truyền thông đại chúng, Nhà xuất bản, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh;
- Nguyễn Ngọc Quân và Nguyễn Tấn Thịnh (2009, 2012), Giáo trình Quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
- TS. Phạm Văn Thành. Bài giảng Tổng quan về máy tính và thiết bị ngoại vi. Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.
Current situation and solutions to apply information technology at Vietnam Institute for Trade and Industry Studying to train civil servants of the Industry and Trade sector
Master. Tran Thanh Vu
Vietnam Institute for Trade and Industry Studying
ABSTRACT:
Information technology has created breakthroughs in socio-economic fields, significantly contributing to the development of a knowledge economy and an information society. Information technology has also facilitated the innovation of teaching and learning methods. This paper studies the current application of information technology at the Vietnam Institute for Trade and Industry Studying, and points out the advantages and also difficulties in the school’s implementation of information technology. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help the school effectively apply information technology in its teaching and learning activities.
Keywords: information technology, training, civil servants of the Industry and Trade sector.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2021]