Thuyết minh văn hóa Chăm – Thư Viện PDF
“Người Chăm, trong bức tranh văn hóa Việt Nam là một trong những nét vẽ đặc sắc và nổi bật nhất làm tôn lên vẻ đẹp của Văn hóa Việt Nam. Việc nghiên cứu văn hóa người Chăm là cần thiết đối với các ngành khoa học xã hội, góp phần vào sự bảo tồn cũng như phát triển văn hóa của dân tộc. Trong số những ngành nghề tham gia kinh tế gắn liền với văn hóa có ngành Du lịch ở Việt Nam. Đối với nhiều hướng dẫn viên du lịch, việc nghiên cứu và trang bị kiến thức về người Chăm là cần thiết vì tính bức thiết trong sự nghiệp phát triển năng lực cá nhân cũng như năng lực của toàn ngành.
Tuy nhiên, một bộ phận Hướng dẫn viên vì nhiều lý do, từ khách quan đến chủ quan, hiện chưa được trang bị đầy đủ kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về dân tộc Chăm ở Việt Nam, thậm chí nguồn thư tịch hoặc kiến thức mà họ tiếp nhận được còn nhiều thiếu sót thiếu như không muốn nói là “sai quan điểm” hoặc sai nhận thức, dẫn đến việc cung cấp thông tin cho khách du lịch bị lệch lạc.
Hơn thế nữa, về yếu tố địa lý, dân tộc Chăm đã từng sinh sống trải dài trên dải đất miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, và ngoại vi không gian văn hóa chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Champa còn phổ rộng đến tận khu vực Tây Nguyên, do đó những di tích lịch sử từ vật chất đến phi vật chất vẫn còn tồn tại trên vùng này rất nhiều, cho nên việc trang bị kiến thức về dân tộc Chăm và vương quốc Champa thật sự sẽ mang lại những chuyên đề thuyết minh sống động về bức tranh lịch sử phát triển của dân tộc.
Xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu về người Chăm và tình yêu nghề Hướng dẫn viên du lịch, cộng với quá trình khảo sát, bản thân tác giả nhìn thấy nhiều đồng nghiệp vẫn còn chưa vững vàng về người Chăm, đây là điều rất nguy hiểm, nên tác giả mạo muội kết tập lại tài liệu này, hầu mong sẽ giúp ích được cho tác giả cũng như nhiều đồng nghiệp tương lai.
Vì Champa là một đề tài rất rộng lớn, đã từng làm tiêu tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khoa học khác nhau, bản thân tác giả chỉ là bậc hậu sanh nên nghiên cứu mang tính kế thừa là chủ đạo chứ chưa có tham vọng sẽ mang đến điều gì to lớn. Có chăng tác phẩm này chỉ mang tính cóp nhặt và hệ thống để người đọc có thể triển khai những tiêu điểm kiến thức ấy bằng những trước tác uyên bác hơn của các học giả hàn lâm.
Trong giới hạn khả năng và thiển học của mình, bản thân tác giả cũng chỉ dám nhìn dân tộc Chăm bằng lăng kính của một chàng hướng dẫn viên nhỏ bé có tình yêu tha thiết về những trang sử hùng thiêng một thời vàng son, những luật tục và những nét văn hóa thấm đậm nét đẹp truyền thống, do đó, có lẽ nên tạm nói rằng tác phẩm nho nhỏ mà bạn đọc đang cầm trên tay, chỉ dừng lại dưới khía cạnh khái quát dưới góc nhìn của một người tham gia kinh tế du lịch mà thôi chứ không thể nào lột tả được tất cả mọi khía cạnh của dân tộc Chăm cũng như Vương quốc Champa được.
Người ta nói:
“Trời bình tịnh thoạt còn nổi gió
Trăng làu làu bỗng trổ mòi mưa”
Cuộc sống mà không có gai chông thì không phải cuộc sống, đường đời nếu không có thiếu sót thì làm sao có thể trưởng thành. Trong quá trình soạn thảo quyển tài liệu bé nhỏ này, chắc chắn không thể không có thiếu sót, thật tâm mong quý độc giả bỏ qua cho, “Thương nhau lấy chín làm mười” nhưng “Giữa sông bỗng nổi nên cồn/ Nhờ nhiều hạt cát đắp dồn mới cao” chính sự góp ý của quý độc giả là nguồn động lực to lớn cho tác giả tiếp tục hoàn thiện bản thân cũng như hoàn thiện đứa con tinh thần này, để sau này, còn tiếp tục chỉnh biên cho những thế hệ đàn em có thêm nguồn tài liệu tốt hơn để bước vào nghề.”
Xin trân trọng giới thiệu đến các bạn chuyên đề “Thuyết minh văn hóa Chăm” của Thanh Hoàng – một hướng dẫn viên du lịch “biết nói tiếng Chăm” và đam mê văn hóa Chăm.