Tiềm năng phát triển du lịch Khảo cổ ở huyện Bắc Sơn

 

Theo TS.Chẩn Kiều, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện khảo cổ học Mỹ thì trên thế giới, du lịch khảo cổ học khá phổ biến, nhất là các nước châu Âu. Khoảng 75% khách du lịch tận dụng các chương trình, địa điểm khảo cổ học để tham quan giải trí. Ở Việt Nam, nên kết hợp 75% du lịch và 25% khảo cổ học thì các tour du lịch sẽ thành công hơn, lượng khách tham gia sẽ nhiều hơn. Với cách làm đó, không chỉ có một ngành có lợi mà nhiều ngành cùng có lợi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, ở Việt Nam, đa phần du khách vẫn còn xa lạ hoặc ít hào hứng với các điểm tham quan có yếu tố khảo cố (điều tương tự cũng xảy ra với các điểm du lịch nghiên cứu, học tập khác). Hiện tượng này một phần bắt nguồn từ tập quán, tâm lí du khách (người Việt Nam có xu hướng thích các hình thức du lịch truyền thống mang tính chất tận hưởng, nghỉ dưỡng), song cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan: các địa phương có tiềm năng du lịch khảo cổ chưa chú trọng đến định hướng phát triển giàu tiềm năng này. Nằm trên không gian địa chất độc đáo, mang trong mình sứ mệnh lịch sử đặc biệt, Bắc Sơn có rất nhiều điều kiện thuận lợi đểu phát triển loại hình du lịch khảo cổ, dẫu con đường thực thi còn nhiều gian nan, bề bộn.

Tiềm năng phát triển du lịch khảo cổ ở Bắc Sơn, trước hết xuất phát từ yếu tố nội tại: Bắc Sơn là điểm khảo cổ học nổi tiếng, gắn với sự phát triển của người Việt Cổ từ thời từ Văn hóa Hòa Bình (cách ngày nay 18.000 năm, kéo dài đến 7.500 năm trước Công nguyên). Theo sách Dư địa chí Bắc Sơn, Văn hóa Bắc Sơn là một văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại đá mới, nảy sinh từ trong lòng văn hóa Hòa Bình. Niên đại C14 sớm nhất của văn hóa Bắc Sơn là ở Hang Dơi là 11.000 ± 200 năm cách ngày nay, Hang Bó Lúm (Con Ké có tuổi 6295 ± 200 năm và 9.990 ± 100 năm cách ngày nay. Bó Nam (Kéo Phầy) là 7.960 ± 100 năm và 7875 ± 100 năm cách ngày nay. Như vậy, có thể hình dung ranh giới của văn hóa Bắc Sơn là từ 11.000 – 6.000 năm cách ngày nay.

Những di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn được phát hiện với số lượng lớn và vô cùng phong phú trên đất nước Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, nó có một vị trí quan trọng đối với việc nghiên cứu khảo cổ học ở nước ta và trên thế giới với ý nghĩa “một điểm sáng trong tiền sử  Đông Nam Á”. Những di vật đặc trưng cho văn hóa Bắc Sơn như rìu mài lưỡi và dấu Bắc Sơn đã gặp ở ngoài biên giới Việt Nam như: di chỉ Thâm Loan (Hồng Kông) gặp ở Tăng Thiều Sơn (Quảng Đông), rìu mài lưỡi gặp ở các di tích hang động tại Thái Lan và Mã Lai…

Khối núi đá vôi Bắc Sơn kéo dài từ hướng Đông Bắc xuống Tây Nam. Khối núi có nhiều chỗ gián đoạn cũng như có rất nhiều hang động ở các độ cao khác nhau (cao nhất là Khau Phai với độ cao 362 m so với mặt nước biển) tạo nên bởi những dòng nước chảy ngầm dưới mặt đất. Các hang động thường ăn sâu vào núi đá vôi, đất xốp do sự trộn lẫn đất sét, vôi và nhiều loại vỏ nhuyễn thể… Bên dưới lớp đất này là đất sét trắng, vàng hay đỏ. Đó là cơ sở thổ nhưỡng, địa hình thuận lợi đề  người tiền sử lựa chọn cư trú. Và vì thế, lịch sử đã gọi tên Bắc Sơn để đại điện cho một thời đại trong tiến trình lịch sử loài người. Huyện Bắc Sơn là nơi lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm ra những di tích tiêu biểu thuộc thời kỳ đồ đá và cũng là nơi người ta tìm được nhiều địa điểm nhất, phong phú nhất các di chỉ thuộc nền văn hóa Bắc Sơn so với những miền đất khác.

Văn hóa Bắc Sơn có nguồn gốc từ hai hợp nguồn truyền thống chế tác công cụ cuội ghè Sơn Vi – Hòa Bình và truyền thống mảnh tước Ngườm. Ở đây tồn tại cả yếu tố công cụ hòn cuội lẫn yếu tố mảnh. Văn hóa Bắc Sơn phát triển qua hai giai đoạn: giai đoạn sớm có mặt đáng kể công cụ ghè đẽo, công cụ mảnh tước, niên đại khoảng 11.000 – 8.000 năm cách ngày nay; giai đoạn muộn phổ biến rìu mài lưỡi và dấu Bắc Sơn, hiếm công cụ mảnh tước và công cụ ghè đẽo, xuất hiện gốm thô, niên đại khoảng 8.000 – 6.000 năm cách ngày nay.

Tính đến năm 1997, đã có 51 điểm văn hóa Bắc Sơn được tìm thấy và khai quật. Trong số đó, có 8 địa điểm tìm thấy di cốt người. Những dấu tích của văn hóa Bắc Sơn còn ảnh hưởng tới nhóm các di tích hậu kỳ đá mới vùng núi Đông Bắc gồm các di chỉ Ba Xã, Mai Pha và một số phát hiện lẻ tẻ khác. Những di chỉ của nền văn hóa này hầu như chỉ tìm thấy ở các hang động đá vôi, đó là những hang: Khau Phai, Bó Nam, Vô Muộn, nà Ché, Phố Bình Gia, Khòn Khẻ (hoặc Còn Khẻ), Đồng Lầy, Làng Vạn, Khắc Kiệm, Làng Cườm, Bình Long, Lèn Đất, Làng Lục, Ba Xã, Lũng Yêm, Bản Háu, Mai Pha, Dục Giáo, Co Kho, Làng Trang, Vô Mường, Bản Sơn, Bản Tắc, Đồng Thuộc… Địa bàn phân bố của văn hóa Bắc Sơn tương đối rộng: Bắc Sơn – Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Những di vật đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn được chia làm 4 loại: đồ đá, đồ xương, nhuyễn thể và đồ gốm. Về đồ đá, chủ yếu là rìu mài lưỡi, nạo đục đá, bàn mài sa thạch, bàn nghiền…Di vật đồ đá được phát hiện ở  nhiều địa điểm như hang Kéo Phầy, hang Thẩm Hai, hang Khau Phai, Dục Giáo, Co Kho, Vô Muộn, Khau Phai, Nà Ché, Hang Ốc.. Các dụng cụ bằng đá ở đây đã có một trình độ chế tác cao hơn nhiều, lưỡi đá đã được mài sắc, khảo cổ học gọi là “rìu Bắc Sơn“. Ngoài rìu mãi lưỡi, “dấu Bắc Sơn” được các nhà nghiên cứu xem là loại di vật tiêu biểu của văn hóa Bắc Sơn. “Dấu Bắc Sơn” là một thỏi cuội nhỏ, dài và hơi dẹt, trên viên cuội có một số vết mài lõm đôi, chạy dọc viên cuội. Đồ xương gồm xương người và xương động vật. Tư liệu mộ táng trong văn hóa Bắc Sơn chủ yếu được biết đến qua các địa điểm Hang Hùm (Tân Lập), làng Cườm và hang Dơi (xã Vũ Lễ). Ở làng Cườm có khoảng gần 100 di cốt người. Ở hang Dơi tìm thấy 6 ngôi mộ. Sưu tập sọ Bắc Sơn cho thấy thuộc chủng Mélanésien và Indonésien chiếm đa số. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy ở các hang động những mũi dùi bằng xương nhọn, dẹp, được mài rất khéo léo. Ở Nà Ché còn tìm thấy một chiếc rìu bằng xương, có hình dáng gần giống hình chữ nhật, lưỡi mài cẩn thận, hơi lồi nhưng nguyên ẹn. Ở Vô Muộn tìm thấy một chiếc rìu xương lớn dài 180 mm, lưỡi mài rất đẹp. Ở Vô Mường cũng có một rìu xương lớn, hình bầu dục, mỏng, mài ở lưỡi và mài rộng xuống một phần mặt, lưỡi sắc, ngoài ra còn có lưỡi đục ụn hay nạo gọt bằng xương. Ở làng Cườm, người ta tìm thấy một cái thìa bằng xương, đầu rộng mài. Ở Đồng Lầy có hai muỗng bằng xương, một thìa xà cừ, đầu rộng tròn đều đặn. Đồ nhuyễn thể gồm vỏ ốc núi, ốc suối, đặc biệt là ở hang Làng Cườm phát hiện ra lớp vỏ ốc chất cao lên tới 3 m, ngoài ra còn có ở hang Bà Đầm (xã Nhất Hòa). Người Bắc Sơn tận dụng các lại vỏ trai, ốc này làm công cụ như nạo, dao, thìa. Đồ gốm là một thành tựu kỹ thuật mới của cư dân Bắc Sơn, thường có dấu đan, miệng loe và đáy tròn. Hoa văn  trên những đồ  gốm này thường đơn giản, như vạch chéo,  răng  lược, văn  sóng nước. Con người thời bấy giờ đã lấy đất sét nhào với cát, nhào đất với cát thạch anh và tro để khi nung gốm không bị rạn nứt. Đồ trang sức bằng đất nung có dùi lỗ và xâu thành chuỗi. Tuy nhiên, độ nung gốm thời kỳ này chưa cao, hình dáng đồ gốm còn thô và số lượng ít. 

Văn hóa Bắc Sơn không chỉ là một khâu nối trong dòng kỹ nghệ công cụ cuội Việt Nam mà còn là khâu mở đầu cho một thời kỳ mới bằng kỹ thuật mài và sự kết hợp công cụ mảnh tước có dấu tu chỉnh nhỏ, những công cụ cuội bổ, ghè đẽo hai mặt. Những đặc điểm này đã xác nhận đặc điểm mới của văn hóa Bắc Sơn và sự khác biệt giữa văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Hòa Bình. Và vì vậy, được tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Bắc Sơn sẽ là cơ hội quý báu để khách du lịch hiểu thêm, không phải chỉ về lịch sử Việt Nam, mà còn về triến trình tiến hóa của loài người ở khu vực và trên thế giới.

Tiềm năng du lịch khảo cổ Bắc Sơn còn được làm nên bởi các yếu tố khách quan. Thứ nhất, văn hóa Bắc Sơn không phải chỉ khoanh vùng ở điểm phát hiện đầu tiên (huyện Bắc Sơn) mà mở rộng trên một không gian lớn. Vì thế, có thể kết nối các điểm du lịch có giá trị khảo cổ quanh địa bàn huyện Bắc Sơn như Bình Gia, Hữu Lũng, Cao Lộc (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên)… Theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (kèm theo Quyết định số 73/QĐ-UBND, ngày 10/1/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh), toàn tỉnh hiện có 37 di tích khảo cổ học tại 11 huyện, thành phố, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh. Một số điểm đã được công nhận di tích cấp quốc gia như: di chỉ Phai Vệ (thành phố Lạng Sơn), di chỉ Phia Điểm (huyện Cao Lộc), di chỉ hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia),… Đây là những di tích phản ánh sự có mặt và cư trú từ rất sớm của loài người ở mảnh đất Lạng Sơn [2]. Thứ hai, Bắc Sơn không chỉ có giá trị khảo cổ mà còn có ý nghĩa lịch sử, gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp. Khởi nghĩa Bắc Sơn được coi như điểm mở đầu cho cuộc chiến thần thánh của dân tộc, là mốc thời gian bắt đầu “mười lăm năm” trong đoạn thơ nổi tiếng của Tố Hữu:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn

Với những người yêu lịch sử, Bắc Sơn quả là một lựa chọn xứng đáng. Thứ ba, trong xu thế giáo dục hiện nay, các hình thức học tập gắn với thực tiễn, tích hợp kiến thức liên môn thông qua các chuyến tham quan du lịch trải nghiệm ngày càng phổ biến với tư cách hoạt động giáo dục bắt buộc. Vì thế, việc đầu tư phát triển loại hình du lịch khảo cổ ở Bắc Sơn có nhiều cơ hội phát triển với một nguồn khách dồi dào và bền vững. Thứ tư – điều rất quan trọng, đó là định hướng chính sách của Ủy ban  Nhân dân Tỉnh Lạng Sơn và Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Sơn. Theo đó, Tỉnh và Huyện từ lâu đã chú ý đến việc phát triển du lịch khảo cổ, trên cơ sở tiềm năng sẵn có. Sự quan tâm ấy đã cụ thể hóa với những chính sách và hành động cụ thể: khoanh vùng, cắm biển di tích tại các di chỉ khảo cổ học, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch – dịch vụ, các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu về du lịch khảo cổ học Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành điều tra khảo cổ học tại các di chỉ: hang Ốc, hang Đồng Hang (huyện Hữu Lũng; tạo điều kiện cho Trung tâm Nhiệt đới Nga – Việt tiến hành khảo sát cổ sinh vật tại hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia)… Đây là điểm mấu chốt, tạo cơ sở vững chắc để chính quyền, nhân dân, các nhà đầu tư du lịch vững tâm nghiên cứu, xây dựng mô hình du lịch khảo cổ ở Bắc Sơn với những hạng mục cụ thể.

Tuy nhiên, định hướng khai thác loại hình du lịch đặc biệt này cũng phải đối diện với nhiều thách thức: cơ sở vật chất, nhân lực với kĩ năng và trình độ cao. Đặc biệt, loại hình du lịch này mang tính đặc thù bởi nó khai thác trên cơ sở di sản lịch sử quốc gia và nhân loại: “Những địa điểm khảo cổ học thường là những cấu trúc từng bị hoang phế được khôi phục; những vết tích đủ các loại (cả ở những di chỉ dưới đất và dưới nước) cũng như các vật liệu văn hóa gắn với các di tích đó; những công trình được khai quật lộ thiên… Đây được xem là nguồn văn hóa mong manh và không tái sinh được. Do đó, việc khai thác sử dụng phục vụ du lịch phải được tính toán thận trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản di tích khảo cổ học. Vấn đề nảy sinh là khách du lịch lại muốn tham quan trực tiếp hiện trường khai quật, muốn được sờ vào hiện vật, do đó dễ làm hư hỏng hiện vật cũng như nền đất của từng giai đoạn lịch sử đã lộ thiên” [3]. Chúng tôi cho rằng, những lưu ý ấy là kim chỉ nam cho mọi định hướng và hành động để một ngày không xa, Bắc Sơn sẽ trở thành một điển hình thành công cho loại hình du lịch khảo cổ ở nước ta./.

Suối Linh – Phương Thái