Tiền ảo đang “hot” Ethereum có gì khác so với Bitcoin?

Đồng tiền ảo lớn thứ nhì thế giới Ethereum đang khiến đối thủ lớn hơn là Bitcoin trở nên lu mờ. Lần đầu tiên vượt qua mốc 4.000 USD vào ngày 10/5, Ethereum đã tăng hơn 450% từ dầu năm đến nay.

Nhiều người có thể nói rằng mức tăng đó của Ethereum “chưa là gì” nếu so với mức tăng 11.000% từ đầu năm đến nay của đồng Dogecoin.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tiền ảo nhấn mạnh rằng Dogecoin chỉ là một trò đùa và sự tăng giá của tiền ảo này không khác gì trào lưu đẩy giá cổ phiếu GameStop tăng cao của lực lượng nhà đầu tư cá nhân trên diễn đàn Reddit. Họ cho rằng chỉ những tiền ảo như Bitcoin mới đủ tầm để so sánh với Ethereum.

Trang CNBC đã chỉ ra những khác biệt chính giữa Ethereum với Bitcoin:

KHỞI ĐẦU

Ethereum, hoặc gọi ngắn gọn là Ether, là đồng tiền ảo gắn với Ethereum – một nền tảng chuỗi khối (blockchain) mã nguồn mở. Nền tảng này được tạo ra vào năm 2013 bởi nhà lập trình người Canada gốc Nga có tên Vitalik Buterin và một số doanh nhân tiền ảo khác. Vài người trong số họ là những người trước đó từng có nhiều hoạt động về Bitcoin.

Theo quan điểm của Buterin, Bitcoin có tính năng quá hạn hẹp. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang Business Insider, Buterin so sánh Bitcoin với một chiếc máy tính bỏ túi “chỉ làm tốt được một việc”, còn Ethereum giống như một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) với nhiều ứng dụng có thể dùng được.

Đó là tiền đề của Ethereum. Giống như Bitcoin, tiền ảo này được xây dựng trên công nghệ chuỗi khối – về bản chất là một hệ thống phân bổ gồm các máy tính ghi lại tất cả các giao dịch tiền ảo. Nhưng Ethereum khác với Bitcoin ở chỗ mọi người có thể phát triển các ứng dụng trên Ethereum.

Theo chính lời của Buterin, Ethereum là “một chuỗi khối với ngôn ngữ lập trình tích hợp” và là “cách hợp lý nhất để thực sự xây dựng một nền tảng có thể được sử dụng cho nhiều dạng ứng dụng hơn nữa”.

 HỢP ĐỒNG THÔNG MINH

Mạng lưới Ethereum chứa hợp đồng thông minh (smart contracts) – một bộ  thực hiện loạt hướng dẫn và chạy trên chuỗi khối. Những hợp đồng này giữ vai trò vận hành các ứng dụng phí tập trung (decentralized applications, hay còn gọi là dapps), tương tự như các ứng dụng smartphone chạy trên hệ điều hành Android của Google hay iOS của Apple, ngoại trừ việc chúng không thuộc thẩm quyền của một công ty hay đơn vị nào.

Gần dây, hoạt động trên hệ thống của Ethereum tăng mạnh nhờ sự nổi lên của NFT (viết tắt của non-fungible token) – những tài sản số được thiết kế để đại diện cho quyền sở hữu một vật phẩm ảo có một không hai. Đó là bởi nhiều NFT – từ những hình vẽ mèo CryptoKitties đầy màu sắc trên mạng cho tới những hình ảnh đại diện (avatar) CryptoPunks – đều chạy trên Ethereum.

Nói một cách đơn giản, Bitcoin là một mạng lưới thanh toán có thể được dùng để chuyển giao giá trị giữa hai người ở bất kỳ đâu trên thế giới. Hiện tại, Bitcoin được sử dụng chủ yếu như một tài sản đầu tư. Trong khi đó Ethereum nhằm mục đích tạo ra hạ tầng cho một mạng Internet không thuộc về bất kỳ một thẩm quyền đơn lẻ nào.

Một xu hướng lớn của Ethereum hiện nay là tài chính phi tập trung – một thuật ngữ chỉ các sản phẩm tài chính truyền thống như khoản vay thông thường hoặc thế chấp nhà, nhưng được tạo ra bằng chuỗi khối. Trong trường hợp này, chuỗi khối thay thế những người trung gian – từ ngân hàng tới chính phủ – và theo sát tất cả mọi vấn đề.

 SỰ CHỈ TRÍCH

Ethereum chưa thể được coi là hoàn hảo. Năm 2017, sự nổi lên của trò chơi trực tuyến CryptoKitties dẫn tới việc mạng lưới Ether bị tắc nghẽn nghiêm trọng, khiến tốc độ giao dịch giảm mạnh và buộc các nhà phát triển game phải tăng phí.

Khả năng mở rộng (scalability) là một trong những vấn đề lớn nhất của mạng lưới Ethereum hiện nay. Mạng lưới này đang vận hành bằng giao thức bằng chứng công việc (proof-of-work), tương tự như Bitcoin. Điều này có nghĩa là những người đào tiền ảo bằng máy tính chuyên dụng sẽ phải cạnh tranh giải các thuật toán phức tạp để xác nhận tính hợp lệ của giao dịch.

Phương thức trên dẫn tới sự chỉ trích nhằm vào cả Bitcoin và Ethereum từ những người lo ngại về lượng điện năng khổng lồ mà hệ thống của hai tiền ảo này tiêu thụ.

Tuy nhiên, Ethereum đang trải qua một đợt nâng cấp đầy tham vọng mang tên Ethereum 2.0. Đợt nâng cấp này sẽ đưa mạng lưới Ethereum chuyển sang vận hành theo mô hình “bằng chứng cổ phần” (proof of stake). Mô hình này dựa vào “những người nắm giữ cổ phần” (stakers), là những người đã sở hữu tiền ảo Ethereum, để xử lý các giao dịch mới.

Các nhà đầu tư tiền ảo nói rằng việc nâng cấp sẽ giúp mạng lưới Ethereum vận hành ở quy mô lớn, xử lý được nhiều giao dịch hơn với tốc độ nhanh hơn, và hỗ trợ được những ứng dụng với hàng triệu người dùng.

Đợt nâng cấp này cũng có thể đẩy giá Ethereum tăng trong ngắn hạn. Ngày càng có nhiều đồng Ethereum được người nắm giữ chuyển vào trạng thái “khoá” (lockup) để tích trữ, nhằm đợi đến lúc trở thành người nắm giữ cổ phần và xác nhận giao dịch trên mạng lưới mới. Về lý thuyết, việc này sẽ hạn chế nguồn cung sẵn có của Ethereum.

Dù vậy, nhiều người vẫn còn hoài nghi về những tiền ảo như Bitcoin và Ether. Đợt tăng giá mới nhất tiền ảo khiến một số nhà đầu tư nhớ lại bong bóng tiền ảo 2017, với giá Bitcoin tăng lên gần 20.000 USD rồi lao dốc về hơn 3.000 USD chỉ một năm sau đó.

Những người có quan điểm bi quan nói tiền ảo đang ở trong một bong bóng mới, chỉ chờ đến ngày vỡ. Tuy nhiên, những người lạc quan lại tin rằng mọi chuyện lần này khác, bởi tiền ảo đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ các nhà đầu tư tổ chức.