Tiền Giang có gì?

Nằm dọc theo con sông Tiền thơ mộng, Tiền Giang được biết đến là một vùng đất đặc trưng của văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ. Nơi đây nổi tiếng khắp đất Việt bởi sự trù phú, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, phong cảnh hữu tình. Đến với Tiền Giang, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị như đi chợ nổi hay khám phá miệt vườn và đặc biệt là cảm nhận được cái tình người ấm áp, một nét đặc trưng của miền Tây. Tiền Giang có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Tiền Giang trong bài viết sau đây nhé.

2

Biển Tân Thành – Tiền Giang

Biển Tân Thành hay còn gọi là bãi biển Gò Công nằm ở xã Tân Thành huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP Mỹ Tho 50 km, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km theo Quốc lộ 50. Bãi biển này kéo dài khoảng 7 km, sở hữu những triền cát đen trải dài thực sự ấn tượng. Nói không ngoa khi nơi đây là một trong những bãi biển cát đen thú vị nhất Việt Nam.

Biển Tân Thành - Tiền Giang-minBiển Tân Thành - Tiền Giang-min

Nhiều người còn bình chọn bãi biển Tân Thành là một trong những bãi cát đen đẹp nhất Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, bình yên, đậm chất miền Tây. Bãi biển Tân Thành luôn khiến bất cứ vị khách nào đặt chân đến cũng phải thích thú. Ngoài bãi cát đen được mọi người ca tụng, biển Tân Thành còn là một “bãi hải sản” rộng lớn. Mực nước biển ở đây khá thấp nên nó là nơi định cư của nhiều loài hải sản. Dân phượt và tín đồ sành ăn thường lựa chọn đến Tân Thành vào mùa hải sản để chén no say.

Biển Tân Thành có một khung cảnh hoang sơ tuyệt vời. Ở đây cũng vắng người nên bạn sẽ rất thích không khí gần gũi với thiên nhiên như vậy. Tản bộ trên bờ biển, tận hưởng những cơn gió mát thổi lồng lộng xuyên qua mái tóc là một cảm giác dễ chịu vô cùng. Thời điểm đẹp nhất ở đây có lẽ là lúc bình minh hoặc lúc hoàng hôn buông xuống. Vào sáng sớm, thả đôi chân tản bộ trên nền cát đen lạo xạo lấp lánh ánh bạc và ngắm nhìn mặt trời lên là khoảnh khắc vô cùng tuyệt vời.

Bạn cũng có thể nhìn thấy những chiếc thuyền lênh đênh trên biển hay ngắm nhìn mọi dáng vẻ đẹp nhất của biển Tân Thành. Tham quan nơi đây, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn cuộc sống sinh hoạt lao động của người dân địa phương. Nhiều người dân sẽ tới đây miệt mài cào hến từ sáng tới xế chiều. Tại đây cũng có một chiếc cầu tàu dài 30m dẫn ra biển, bạn có thể đi bộ trên cây cầu nhỏ này để ngắm nhìn mọi thứ xung quanh và chụp ảnh. Cây cầu này là địa điểm rất được các bạn trẻ yêu thích check in, sống ảo.

3

Chùa Vĩnh Tràng – Tiền Giang

Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa đẹp của Việt Nam. Chùa tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Bộ. Vào đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Minh Mạng chùa được ông bà Bùi Công Đạt xây dựng để tu hành. Năm 1849, sau khi ông đạt quy tiên, Hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì đã tu bổ xây dựng thành ngôi đại tự, cột gỗ, mái ngói và đặt tên là chùa Vĩnh Tràng với ngụ ý chùa được bền vững như trời – trăng – sông – núi.

Chùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang-minChùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang-min

Năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng tu, tôn tạo lớn, đặc biệt là mặt tiền và sân khu thiên tĩnh. Chùa được xây cất do công trình kiến trúc của nhiều người, trong nhiều năm, được kiến trúc khá tinh vi, đa dạng theo lối kiến trúc tổng hợp Á – Âu; nhưng chùa vẫn mang đậm nét kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam. Chùa Vĩnh Tràng được kiến trúc theo dạng chữ Quốc, gồm 4 gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu) rộng 14.000m², dài 70 m, rộng 20 m, xây bằng xi măng và gỗ quý.

Chính điện được bài trí trang nghiêm; trước chánh điện có 2 cột gỗ lớn, chạm rồng nổi rất công phu. Trong chùa còn bảo tồn trên 60 tượng phật bằng gỗ, đồng, đất nung và xi măng; nhưng đa số tượng bằng gỗ, tất cả được thếp vàng óng ánh và được tạo tác vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Riêng 3 tượng đồng (Di đà, cao 98 cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93 cm) được tạo giữa thế kỷ 19. Đặc biệt, chùa còn giữ được một chuông đồng lớn, đúc vào năm 1854, từng bị thất lạc nhiều năm trong chiến tranh và bộ Thập bát La hán với nhiều dáng vẻ khác nhau, rất sống động, là những tác phẩm tượng tròn độc đáo được các nghệ nhân Nam Bộ tạc vào những năm đầu thế kỷ 20. Ngoài ra trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị, mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình “mai, lan, cúc, trúc”, hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Điều đáng chú ý là trong chùa còn có nhiều bao lam được chạm trổ công phu và những bức hoành phi, câu đối được khắc chữ nổi, thếp vàng, được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.

Năm 1932 hai cổng Tam quan chùa được xây dựng tựa như 2 lâu đài rất tinh xảo, được ghép bằng vô vàn mảnh sành, sứ. Trên lầu của 2 cổng Tam quan có tượng của Hòa thượng Chánh Hậu (1852-1923) và Hòa thượng Lê Ngọc Xuyên (1874-1939), cùng với nhiều hình tượng, hoa trái, chim thú, sự tích nhà Phật và sự tích dân gian phong phú, độc đáo, trông cổ kính và rất đẹp.

Gần đây, chùa đã xây dựng thêm 3 tượng Phật lớn: tượng Phật đứng, Phật ngồi và Phật nằm trong khuôn viên chùa, trông rất trang nghiêm, thanh tĩnh. Năm 1984 chùa Vĩnh Tràng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

4

Đình Điều Hòa – Tiền Giang

Đình Điều Hòa lúc mới thành lập còn có tên gọi là Giang trạm Điều Hòa thôn, từ ngày đầu thành lập đình Điều Hòa được dùng làm trạm dừng chân của các quan lại dưới triều Nguyễn đi công tác ở địa phương muốn nghỉ lại qua đêm. Ngoài ra, đình Điều Hòa còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng Bổn cảnh của nhân dân trong vùng. Theo các tài liệu cũ, tên Điều Hòa có vào khoảng thế kỷ XVIII, lúc bấy giờ có sự sát nhập của 3 lân (mỗi lân tương đương với một ấp ngày nay) bao gồm: Hòa Mỹ, Hòa Hảo, Hòa Thới, thuộc huyện Kiến Hưng, dinh Trấn Định (sau này là trấn Định Tường, tỉnh Định Tường). Sau khi lập làng, nhân dân tiến hành lập đình để thờ thần Thành Hoàng và những người có công khai hoang lập làng, lập ấp.

Đình Điều Hòa - Tiền Giang-minĐình Điều Hòa - Tiền Giang-min

Hiện nay, đình tọa lạc tại đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đình thờ ba vị thần Thành Hoàng và một vị phúc thần. Bên cạnh thờ các vị thần linh do nhân dân tín ngưỡng, đình còn thờ những người có công lập ra làng Điều Hòa như Tiền Hiền Cẩm Địa Nguyễn Văn Kiên, Tiền Hiền khai khẩn Nguyễn Văn Trước và Trương Văn Ân, ngoài nhiệm vụ Giang Trạm còn được cử làm Cai đình tổ chức các lễ Kỳ yên của đình.

Năm 1792, cùng với việc tái lập làng Điều Hòa, đình Điều Hòa được thành lập. Năm 1826, đình được tu bổ thêm các mảng chạm khắc và các hoành phi, câu đối thờ tự cũng như trang trí bên trong đình. Đình được xây dựng theo lối chữ “Tam” (≡), gồm có Võ ca, Võ quy và Chánh điện; được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, đá và chất kết dính là hồ ô dước. Về sau, trong quá trình trùng tu, tôn tạo nhân dân đã sử dụng các vật liệu xây dựng hiện đại vào như ciment, gạch men. Các hệ thống xây dựng bằng gỗ được liên kết với nhau bằng hệ thống mộng, chốt chắc chắn và tinh vi.

Đây là nơi tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Tiền Giang. Hiện trong đình còn lưu giữ, bảo quản các sưu tập lư, đỉnh đồng, sưu tập binh khí thờ và nhiều cổ vật gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ XVIII – XIX. Đặc biệt là nghi thức hành lễ cúng bái trong đình có từ các thế kỷ trước vẫn còn lưu lại cho đến nay. Vào trong chánh điện, gian giữa với các mảng chạm khắc bên trên là “Long Phụng tranh châu”. Phía dưới là Bát tiên cởi thú; phía trên bao lam là những khuôn chạm Tứ quý, Tứ linh, Mai Điểu, Tùng Lộc, Liên áp (vịt – sen) và trên cùng là tấm hoành được sơn son thếp vàng và chạm Tứ linh. Trên 2 cột gian giữa là đôi liễn chạm trổ hai lớp khá công phu lớp dưới chạm rồng sơn son thếp vàng, lớp trên là câu đối. Bên cạnh việc trang trí ở các bao lam, khánh thờ, bàn thờ, chánh điện đình Điều Hòa còn trang trí giữa 2 mái giao nhau bằng các bức tranh sơn thủy, Tứ quý và những con vật, hoa trái gần gũi đời thường.

Lúc mới xây dựng, đình tọa lạc gần bờ sông. Năm 1904, đình chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Giáp Thìn nên bị sạt lở và xuống cấp nhanh chóng. Trước tình trạng đó, các Hương chức cùng với nhân dân làng Điều Hòa thống nhất dời đình đến gần miếu thờ Thần Nông nằm trên ruộng tịch điền cao ráo, thoáng đãng. Đầu năm 1913 , đình được di dời về chỗ mới và giữ nguyên cho đến ngày nay. Năm 1967, đình xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Dơn một thầu khoán ở địa phương, là người trong Ban phụng sự đình đã đứng ra thiết kế tu bổ lại phần võ quy, nhà tổ và nhà khói của đình; đồng thời xây cổng Tam quan bằng bê tông hướng về đường Trịnh Hoài Đức. Trải qua hơn 200 năm tồn tại và qua nhiều lần tu bổ, đình Điều Hòa vẫn còn giữ đuợc dáng vẻ ban đầu và trông rất khang trang như ngày nay.

Hàng năm cứ đến lệ kỳ, nhân dân trong vùng lại tề tựu về đình để tổ chức cúng Kỳ yên (vào các ngày 16-17-18 tháng 02 âm lịch và 16-17-18 tháng 10 âm lịch) đúng theo nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo người dân tham dự. Nhân dân đã đến cầu an cho sự yên bình của làng xóm và tổ chức các hội thi làm bánh, đồ xôi, chưng nghi (bằng những loại trái cây của địa phương). Hội đình kéo dài 3 ngày 3 đêm, mỗi đêm đều có rước đoàn hát về hát bội các tuồng có nội dung phản ánh các điển tích xưa, thu hút hàng ngàn nhân dân đến xem hát để giải trí.

Năm 2009 đình Điều Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

5

Đình Đồng Thạnh – Tiền Giang

Đình Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây) là một trong những ngôi đình có lịch sử lâu đời và quy mô xây dựng lớn tại Nam bộ. Với lối kiến trúc độc đáo, năm 2009 đình Đồng Thạnh được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, đến năm 2010 được Bộ VH-TT&DL cấp kinh phí trùng tu. Tuy nhiên, qua thời gian, một số hạng mục đã xuống cấp. Mới đây, UBND huyện Gò Công Tây đã hỗ trợ kinh phí và vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp thêm để tu sửa những chỗ hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo điều kiện để người dân đến tham quan, lễ chùa.

Đình Đồng Thạnh - Tiền Giang-minĐình Đồng Thạnh - Tiền Giang-min

Di tích đình Đồng Thạnh tọa lạc ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, cách trung tâm tỉnh Tiền Giang khoảng 25 km về hướng Đông Bắc. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIX, là một minh chứng cho quá trình khẩn hoang lập ấp của cư dân vùng Gò Công.

Theo tư liệu của Bảo tàng Tiền Giang, đình Đồng Thạnh khi mới xây dựng có quy mô nhỏ, bằng tranh và tre lá; về sau, do cuộc sống của nhân dân trong vùng khá giả nhờ ruộng đất phì nhiêu và liên tục trúng mùa đã góp tiền xây dựng lại đình bằng gỗ, lợp mái ngói. Đến đầu thế kỷ thứ XX, 2 ông Huỳnh Chung và Huỳnh Đình Khiêm là những điền chủ giàu có trong vùng, đã đóng góp 60 ha ruộng và huy động tiền của nhân dân trong vùng xây dựng lại ngôi đình to lớn bằng cột căm xe, bao gồm vỏ ca, chánh điện và nhà khách, kéo dài từ năm 1900 đến 1914 mới hoàn thành.

Khoảng thời gian 1960 – 1963, phong trào Đồng khởi ở miền Nam diễn ra rất mạnh, đình Đồng Thạnh cũng là nơi diễn ra phong trào Đồng khởi. Tuy nhiên, trong phong trào này, đình Đồng Thạnh đã bị đốt cháy phần chánh điện, vách gỗ và mái ngói. Đến năm 1970, nhân dân địa phương và Hội đình lúc bấy giờ đứng ra quyên góp tiền của xây lại chánh điện như ngày nay.

Theo các vị cao niên trong vùng, đình Đồng Thạnh thờ Đại Càn tứ vị Nương vương (thờ bốn vị thần phù hộ người đi biển) và thờ Thần Nông. Ngoài ra, nhân dân còn thờ những người có nhiều công đức trong làng, xã. Theo ông Phạm Văn Huệ (người bảo vệ đình), lúc đình chưa trùng tu thì bị dột nặng nề. Sau đó, đình được sửa lại bằng gỗ lim, hoa văn được trang trí khắp đình… Mỗi lệ cúng đình vào ngày 16, 17/3 và 16/11 âm lịch, dân đến cúng đông đúc, nhộn nhịp.

6

Chợ Giữa – Vĩnh Kim – Tiền Giang

Chợ Giữa xưa nằm ở làng Vĩnh Kim Đông thuộc tổng Thuận Bình – tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc ấp Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cách thành phố Mỹ Tho 20km về phía Đông, cách quốc lộ 1A 6km về phía Bắc. Do ở vị trí trung tâm thị tứ, cạnh đường 876 nên quí khách đến di tích bằng ôtô rất thuận lợi.

Chợ Giữa – Vĩnh Kim - Tiền Giang-minChợ Giữa – Vĩnh Kim - Tiền Giang-min

Tại Chợ Giữa, sáng ngày 05 tháng 12 năm 1940 nhân dân các làng lân cận một số đổ về đây họp chợ, một số do địch ruồng bố gắt gao khắp nơi cũng về đây tránh bom đạn. Vào giờ cao điểm chợ họp đông đúc đồng bào, giặc đã cho máy bay ném bom giữa chợ, bom nổ làm chết, bị thương khoảng 200 người trong số đó có nhiều phụ nữ đang mang thai gần ngày sinh khiến cho các bào thai văng ra ngoài bụng mẹ.

Ném bom xong giặc Pháp xua quân bao vây chợ bắt những người còn sống sót kéo xác những người đã chết ném xuống hố bom không cho thân nhân, gia đình người bị nạn đem xác về chôn. Trong số đó, có người bị thương chưa chết giặc vẫn cho chôn sống. Dưới sông gần chợ ghe xuồng của nhân dân đi lại chúng bắn giết bừa bãi, xác chết trôi đầy sông, máu loan đỏ cả một đoạn sông. Hơn 10 ngày sau, vì quá hôi thối nhân dân quanh chợ đấu tranh, địch mới cho thân nhân, gia đình đem xác về chôn nơi khác.

Theo báo cáo của tên chủ tỉnh Dufous từ ngày 3 đến 5 tháng 12 năm 1940 trong đợt càn quét thực hiện mệnh lệnh số 1, chúng đã bắt 400 người và từ ngày 6 tháng 12 đến cuối tháng 12 năm 1940 bắt thêm 2.500 người. Tổng cộng trong vòng 01 tháng chúng bắt 2.900 người dân vô tội.

Di tích Chợ Giữa Vĩnh Kim là di tích lịch sử cách mạng nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược đối với nhân dân ta nói chung và nhân dân Mỹ Tho (Tiền Giang) nói riêng. Qua sự kiện cho chúng ta thấy dã tâm của kẻ xâm lược lúc nào cũng rêu rao đi khai phá văn minh nhưng hành động dã man hơn thời trung cổ. Tại di tích này, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng một tượng đài với chất liệu bằng đồng, cao 8 mét, biểu tượng một phụ nữ một tay bồng con, một tay cầm cây đòn gánh bị gãi với những đường nét mạnh mẽ, đầy căm thù, phía sau tượng đài là tranh gốm sứ tái hiện cảnh thảm sát năm xưa, phía trước là công viên được trồng cây cảnh, kiểng rất đẹp mắt. Di tích Chợ Giữa Vĩnh Kim nằm trong khu tam giác giữa các di tích Rạch Gầm-Xoài Mút; di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đình Long Hưng); di tích Chiến thắng Ấp Bắc, do đó rất thuận tiện cho du khách đến tham quan khu tích Chợ Giữa Vĩnh Kim.

Hằng năm vào ngày 05 tháng 12, Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Kim cùng các Đoàn thể của xã tổ chức mít tinh kỷ niệm, có đông đảo đồng bào các xã lân cận và các gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát về dự. Di tích Chợ Giữa Vĩnh Kim được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhân là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 2003.

7

Chùa Bửu Lâm – Tiền Giang

Chùa Bửu Lâm tọa lạc tại đường Anh Giác, phường 3, TP Mỹ Tho. Xung quanh chùa là những hàng dừa xanh ngát cùng những vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả. Phía trước cổng, những cây dầu cao lớn vươn mình thẳng tắp với những tán lá rộng làm mát chốn tôn nghiêm. Đến TP Mỹ Tho, mà không đến chùa Bửu Lâm, hẳn là một thiếu sót, ngày xưa ở vùng đất này từng có câu ca:

“Về sông Bảo Định bờ đông

có ngôi chợ Cũ, có chùa Bửu Lâm”

Chùa Bửu Lâm - Tiền Giang-minChùa Bửu Lâm - Tiền Giang-min

Tương truyền vào những năm đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn di dân từ các tỉnh miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang để lập làng định cư, sinh sống. Trong đoàn người ấy có một vị ni cô (không rõ tên) am hiểu về cây thuốc nam, nên đã đến xóm Dầu (nơi ngày xưa nhân dân sống bằng nghề ép dầu mù u) lập am nhỏ để tu niệm và trồng cây thuốc chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Với tinh thần từ bi, cứu khổ, danh tiếng ni cô được đồn xa, bá tánh đến cúng dường ngày một đông. Nhờ thế, ni cô cất được ngôi chùa khá khang trang vào khoảng năm 1742 (đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát). Sau khi ni cô viên tịch chùa trở nên vắng vẻ. Năm Gia Long thứ 2 (1803) bà Nguyễn Thị Đạt một Phật tử giàu có và mộ đạo nhất trong vùng sang Bến Tre vào chùa Hội Tôn đãnh lễ. Hoà Thượng Tổ Trí – Khánh Hưng cho đệ tử là ngài Tiên Thiện, pháp danh Từ Lâm về làm trụ trì chùa, nhờ vào sự cúng dường của bà Nguyễn Thị Đạt, hoà thượng Tiên Thiện đã cất mới ngôi chùa rộng lớn bằng gỗ căm xe và đã đặt tên chùa là “Bửu Lâm” với ước muốn bảo tồn và phát triển.

Từ năm 1803 đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng kiến trúc ban đầu vẫn không thay đổi, chùa Bửu Lâm là một di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo được xây dựng gồm 03 phần: tiền đường, chánh điện và hậu tổ. Trên bệ thờ của ngôi chánh điện, tượng Phật ngồi cao lớn, gương mặt nhân hậu như đang nhìn xuống phật tử bên dưới, chung quanh có hàng chục tượng lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu với dáng vẻ khác nhau. Gian chánh điện được trang trí 9 bộ bao lam với những họa tiết và đường nét tinh xảo. Bộ bao lam trước bàn thờ chánh điện chạm lộng công phu với bộ “Cửu Long phún thủy” và đôi long trụ “Cá hóa rồng” sơn son thếp vàng óng ánh. Các bộ bao lam còn lại được chạm khắc mai điểu, song phụng chầu cuốn thư, mẫu đơn, chim trĩ và các họa tiết tứ linh, tứ quí, sen… Chùa thờ Phật theo Phật giáo Đại thừa thuộc dòng Lâm tế Chánh Tông. Tất cả nằm trên một nền cao 1m có diện tích gần 1.000m2, xung quanh có vườn cây ăn trái và khuôn viên hoa, kiểng.

Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi nền là một tấm gỗ dày 20cm, trên chạm 2 đến 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu… Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm.

Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bửu Lâm cổ tự được trang trí những câu đối trên cột hoặc trên khánh thờ, ở các bàn thờ, các tấm liễn hoặc đôi long trụ. Nội dung câu đối toát lên triết lý nhà Phật và ca ngợi công đức của các vị hòa thượng. Tất cả sơn son thếp vàng óng ánh hoặc khảm ốc xà cừ làm cho uy nghiêm, rực rỡ nơi thờ phụng. Ngoài ra , chùa còn có những tượng Phật cổ có niên đại thế kỷ XVIII – XIX cùng hàng trăm di vật quí hiếm khác.

Chùa Bửu Lâm - Tiền Giang-min (2)Chùa Bửu Lâm - Tiền Giang-min (2)

Chùa Bửu Lâm cũng là nơi thành lập chi bộ Xóm Dầu, một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, vào những năm 1930. Trong chùa, tại chánh điện có một tủ thờ Hộ pháp, rộng 2m x 3,5m có thể chứa được từ 6 – 10 người, nhờ vậy trong nhiều năm, chi bộ hoạt động nhưng không hề bị lộ. Năm 1945 chiếc đại hồng chung trong chùa được hòa thượng hiến cho cách mạng để sản xuất vũ khí, góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Ngày 13/9/1999 chùa Bửu Lâm được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.

8

Lăng Tứ Kiệt – Tiền Giang

Lăng Tứ Kiệt là tên gọi mộ và đền thờ của bốn vị anh hùng chống Pháp trong những năm 1868 – 1870, gồm: Nguyễn Thanh Long (Năm Long); Trần Công Thận (tự Phượng); Trương Văn Rộng và Ngô Tấn Đước (Đức) đã lãnh đạo nhân dân và nghĩa quân Cai Lậy – Cái Bè đứng lên chống Pháp xâm lược trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX.

Lăng Tứ Kiệt - Tiền GiangLăng Tứ Kiệt - Tiền Giang

Lăng tọa lạc trên đường 30/4, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Sau khi Bốn ông hy sinh, nhân dân lập mộ và đền thờ tại Thị trấn Cai Lậy và để tỏ lòng tôn kính nhân dân gọi là Lăng Tứ Kiệt. Theo lời truyền của dân gian, bốn ông đều là những người nổi tiếng can đảm, mưu lược và võ nghệ cao cường. Vốn có lòng yêu nước nồng nàn, khi giặc Pháp xâm lược tỉnh Định Tường (1861), bốn ông đã tham gia lực lượng nghĩa quân do Thiên Hộ Dương lãnh đạo. Cùng với những nghĩa quân khác, bốn ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở vùng Ba Giồng, Chợ Gạo, Mỹ Tho…trong quá trình chiến đấu, bốn ông đã lập được nhiều chiến công vang dội. Năm 1868 khi cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương bị thất bại, bốn ông trở về Cai Lậy chiêu tập nghĩa sĩ, chọn vùng Cái Bè – Cai Lậy làm địa bàn tiếp tục chống Pháp. Chiến công hiển hách nhất của quân Tứ Kiệt là trận tấn công thành Mỹ Tho và thiêu hủy đồn Cai Lậy.

Sau hai năm hoạt động gây cho giặc nhiều thiệt hại, cuộc khởi nghĩa của Tứ Kiệt đành chịu thất bại trước sự bao vây và đàn áp tổng lực của quân viễn chinh Pháp. Bốn ông bị bắt, bọn chúng đem vinh hoa phú quí ra dụ dỗ các ông trong nhiều ngày nhưng không thành. Ngày 14/02/1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ), giặc đưa Bốn ông ra pháp trường trảm huyết, dã man hơn chúng còn bêu đầu bốn ông ở chợ Cai Lậy, nhằm uy hiếp tinh thần của dân chúng, sau đó dùi dập ở bến sông cạnh chợ.

Cảm phục cuộc đời và tấm gương chiến đấu oanh liệt, bất khuất của bốn ông, nhân dân Cai Lậy đã đấp nên mộ đất, xung quanh có làm hàng rào bằng gỗ, hương khói trang nghiêm. Ở làng Mỹ Trang gần đó, ông Nhiêu học Đặng Văn Ngưu cho dựng trước nhà một ngôi miếu thờ ngay khu đất giặc bêu đầu bốn ông. Ngôi miếu lợp ngói âm dương và để che mắt chính quyền thực dân, người ta gọi đó là chùa Ông (vì phía trước lập bàn thờ Quan Công tượng trưng cho trung nghĩa), còn phía sau lập bài vị khắc 4 chữ Tứ vị thần hồn, sơn son thiếp vàng rực rỡ thờ Tứ Kiệt. Trận bão năm Giáp Thìn ( 1904 ) làm ngôi miếu đổ sập. Ông Nhiêu dời ngôi miếu về làng Thanh Sơn (trước thuộc xã Thanh Hòa nay là thị trấn Cai Lậy). Hiện ngôi miếu tọa lạc tại khu phố 1, thị trấn Cai Lậy, cách Lăng Tứ Kiệt hơn trăm mét. Đến năm 1967, nhân dân Cai Lậy tiến hành trùng tu ngôi miếu và khu mộ Bốn ông qui mô hơn, trong có miếu thờ, ngoài có nhà khách. Năm 1999, Lăng mộ của bốn ông được tỉnh Tiền Giang trùng tu với quy mô lớn, trông rất khang trang và cổ kính như hiện nay, phía trước cổng có tôn trí 2 câu đối:

Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm.

Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn.

Lăng Tứ Kiệt - Tiền GiangLăng Tứ Kiệt - Tiền Giang

Hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân Cai Lậy tụ tập đông đúc về đây tảo mộ và làm giỗ rất trang trọng, thành kính tưởng nhớ đến Bốn ông vì nước quên mình vì dân giết giặc, nêu tấm gương sáng ngời cho hậu thế.

Ngày 13/9/1999 di tích Lăng Tứ Kiệt được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.

9

Di tích chiến thắng Giồng Dứa – Tiền Giang

Giồng Dứa là một bộ phận của Ba Giồng ở Tiền Giang (cánh én, kỳ lân và qua qua) chạy theo hướng Bắc – Nam, xuất phát từ xã Tam Hiệp chạy đến cặp lộ Đông Dương (quốc lộ I) thuộc ấp Đông xã Long Định huyện Châu Thành, do quá nhiều cây dứa gai mọc hoang um tùm nên nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa. Giồng Dứa nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) 10km về phía Tây, tại đoạn km 1974 + 250 quốc lộ I, thuộc ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay nằm trong khu vực đất của Trường quân sự địa phương (tỉnh Tiền Giang). Rất thuận lợi khi đến di tích bằng phương tiện giao thông đường bộ. Chiến thắng Giồng Dứa là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta trong giai đoạn 1945-1954.

Di tích chiến thắng Giồng Dứa - Tiền Giang-minDi tích chiến thắng Giồng Dứa - Tiền Giang-min

Chính tại nơi đây trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Mỹ Tho (Tiền Giang) dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Trà Khu Bộ trưởng Khu 8, đánh tiêu diệt đoàn xe Công voa và đoàn xe của chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị ngày 25 tháng 04 năm 1947.

Quân ta đã phá huỷ 14 xe, diệt 80 tên trong đó có tên Trocard-đại tá chỉ huy tình báo, bắt sống 07 tên có kỷ sư Lefouse, tên đốc phủ Bích và Trương Vĩnh Khánh-Bộ trưởng của chính phủ Nam Kỳ tự trị. Ta hy sinh 01 đồng chí Nguyễn Doãn Bảy-đại đội trưởng. Cảm xúc trước chiến thắng này, hoạ sĩ Diệp Minh Châu tự lấy máu tay mình vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu trên mãnh lụa để tặng Người.

Theo đánh giá của Phòng khoa học lịch sử quân sự quân khu 9: “Chiến thắng Giồng Dứa (Mỹ Tho) là một trong những trận tiêu diệt tiêu biểu ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến. Là những trận tiêu diệt địch lớn có tác dụng thối động hàng ngũ địch góp phần làm thất bại âm mưu bình định Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) của giặc Pháp và thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân từ địa phương đến cả nước.

Chiến thắng Giồng Dứa đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang ta nói chung cả về trình độ nghệ thuật tác chiến, chỉ huy, sử dụng lực lượng, bố trí thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân. Đồng thời khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng mưu trí của cán bộ chiến sĩ địa phương sẵn sàng vùng lên bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Hồ Chủ Tịch”.

Năm 1985 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây 01 tượng đài chiến thắng gồm: tượng tròn và phù điêu mô tả trận đánh do hai nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Phạm Mười tạo mẫu, đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà làm cố vấn tượng đài mô tả lại cảnh chiến đấu đốt xe địch của quân ta bằng 3 thứ quân, với nhân vật được thể hiện: nữ dân quân, vệ quốc quân và một nông dân thổi tù và.

Năm 2000 do nhu cầu mở rộng quốc lộ I, tượng đài đã được quy hoạch tôn tạo lại và di dời vào trong 40m, xây dựng trong một khuôn viên gần 1 ha (8826m2) với các hạng mục công trình như: công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu chất liệu bêtông cốt thép cao 7m dài 24 m.

Di tích Giồng Dứa được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2003.

10

Di tích chiến thắng Cổ Cò – Tiền Giang

Địa điểm di tích chiến thắng Cổ Cò nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Di tích chiến thắng Cổ Cò - Tiền Giang-minDi tích chiến thắng Cổ Cò - Tiền Giang-min

Đầu năm 1947, nắm chắc tình hình tiểu đoàn Léon của Pháp sau khi đi càn quét vùng Chợ Mới thuộc tỉnh Long Châu Tiền (nay là tỉnh An Giang) sẽ rút quân về Sài Gòn, đúng như dự đoán ngày 22/01/1947 tiểu đoàn Léon của Pháp rút quân về Sài Gòn nên trong đêm 21/01/1947 (đêm 30 tết) ta gấp rút chuẩn bị trận phục kích và sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Lúc 10 giờ 30 sáng ngày 22/01/1947 (mùng 1 tết Đinh Hợi) đoàn xe quân sự chở đầy lính có xe thiết giáp bảo vệ lọt vào trận địa phục kích, quân ta cho nổ mìn khoá đầu ở cầu Rạch Miễu diệt ngay chiếc xe đi đầu chặn đoàn xe lại. Các đơn vị của ta đồng loạt nổ súng xung phong mãnh liệt. Quân địch bị đánh bất ngờ, lúc đầu địch chống trả yếu ớt và chạy tán loạn nhưng sau đó dựa vào võ xe bọc thép chúng bắn trả quyết liệt.

Nhưng chỉ sau 45 phút giao tranh các đơn vị của ta lần lượt đè bẹp sức đề kháng của quân địch, đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, số sống sót tháo chạy về hướng Mỹ Thuận bị các đơn vị địa phương chặn diệt gần hết. Tại Mỹ Thiện lúc 13 giờ một bộ phận của chi đội 17 chặn đánh làm thiệt hại nặng một đại đội địch từ Sài Gòn đến chi viện. Sau gần 2 giờ chiến đấu, ta diệt đại bộ phận tiểu đoàn binh cơ giới thiện chiến của Pháp, diệt và làm bị thương 170 tên, bắt 15 tên (có 01 tên Trung uý Bernard người Đức), phá huỷ 14 xe quân sự (có 08 xe thiết giáp), thu 100 súng (có 15 trung liên, 08 đại liên, 12 súng ngắn). Về phía ta 03 đồng chí hy sinh và 02 bị thương.

Trận đánh Cổ Cò đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực khu 8 và bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho về trình độ tác chiến chỉ huy, bố trí thế trận, sử dụng lực lượng và cách đánh phục kích. Thể hiện tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ; góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương cũng như cả nước phát triển mạnh mẽ. Chiến thắng Cổ Cò là trận đánh lớn đầu tiên trên chiến trường Khu 8, kể từ khi hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Cổ Cò làm cho nhân dân ta liên tưởng đến chiến thắng Ngọc Hồi-Đóng Đa của Hoàng Đế Quang Trung như sau:

“Trận Cổ Cò tưởng nhớ đến Quang Trung

Việt Nam xưa nay lắm anh hùng

Mùng một Tết thắng quân xâm lược

Trên đất này xuất hiện Quang Trung”

Với ý nghĩa trên, địa điểm khu di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng tượng đài chiến thắng và khu công viên cây cảnh với diện tích trên 5.000m để phục vụ khách tham quan, địa điểm khu di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò nằm cạnh quốc lộ 1A nên rất thuận lợi cho du khách đến tham quan. Di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2001.

11

Di tích Bến đò Phú Mỹ – Tiền Giang

Di tích Bến đò Phú Mỹ, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, Tiền Giang, nằm cách Quốc lộ I khoảng 10km và cách TP Mỹ Tho khoảng 22km về phía Tây. Di tích Bến đò Phú Mỹ là di tích lịch sử cách mạng, nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta vào những năm 1945 -1947. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, đặc biệt từ năm 1946 chúng bắt đầu thực hiện việc bình định, lập đồn bót khắp nơi; chúng dùng thủ đoạn vô cùng tàn ác với một hệ thống kìm kẹp, càn quét của bè lũ tay sai hết sức tàn ác, dã mang. Tại xã Phú Mỹ bọn phản động đội lốt tôn giáo (trong phái Cao Đài Tây Ninh) được sự trợ giúp của thực dân Pháp, trắng trợn gom dân lập căn cứ chống phá cách mạng. Thực dân Pháp tăng cường lực lượng cho lập đồn (bót) tại Bến đò, nơi dùng để kiểm soát ghe thuyền ra vào Đồng Tháp Mười – vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Mỹ Tho. Ngoài số lính Pháp và lính ngụy, chúng còn bổ sung thêm một đội lính Âu – Phi, có lúc quân số trong đồn lên đến một đại đội. Không những thế, thực dân Pháp còn cho bọn phản động đội lốt tôn giáo lập quân đội riêng và cho những người theo chúng mặc sức giết hại đồng bào yêu nước. Đồng bào ta ở đây luôn sống trong nổi lo sợ, kinh hoàng. Cán bộ ta hoạt động trong vùng nầy hết sức khó khăn và nguy hiểm, bởi chúng bắt được ai là người lạ mặt đều bị chặt đầu, xẻ thịt, phơi thây. Nên người dân nơi đây chỉ có hai con đường: một là vào đạo Cao Đài, hai là tham gia kháng chiến hoặc bỏ xứ ra đi.

Di tích Bến đò Phú Mỹ - Tiền Giang-minDi tích Bến đò Phú Mỹ - Tiền Giang-min

Đồn Bến đò Phú Mỹ do một tên Pháp chỉ huy, dưới nó có nhiều tên giết người không gớm tay. Chúng đã dùng búa chặt đầu những đồng chí, những người dân nghèo khó mà chúng tình nghi có quan hệ kháng chiến hoặc không chịu vào lính Cao Đài, rồi bêu trên các cọc tre, treo cổ; xỏ xâu vào bàn tay từng xâu rồi đem bắn, có trường hợp chúng đeo đá vào cổ rồi xô xuống kinh gọi là đi “mò tôm”….. Đồng bào ở đây đã chứng kiến những tội ác cực kỳ man rợ của giặc Pháp, nổi cộm nhất là tên giặc Pháp Taillet có biệt danh là “Tây Búa” do trong người nó lúc nào cũng có lận một cây búa nhỏ làm biểu tượng thị uy của nó. Ông Tốt là người dân đầu tiên bị Tên Tây búa chặt đầu, xẻ thịt bán tại Bến đò Phú Mỹ. Sau đó, cũng tại bót Bến đò, giặc bắt ông Nguyễn Văn Hơn và Đoàn Văn Lạc đánh đập rồi giao cho tên Tây búa chặt đầu. Chúng còn bắt người dân đem đầu người bị giết xuống kinh rửa sạch máu, bỏ vào bao, đợi khi chợ nhóm đông bỏ ra để uy hiếp tinh thần của dân chúng. Đã có hàng chục cán bộ và đồng bào ta đã bị chết một cách thê thảm, đau đớn dưới bàn tay của kẻ thù.

Đã hơn 60 năm qua, nhưng mỗi khi nhắc đến là người dân nơi đây không khỏi bàng hoàng nhớ về một thời kỳ đầy man rợ mà thực dân Pháp đã gây ra đối với dân làng Phú Mỹ. Năm 1994, tại khu bót Tây ngày xưa, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng bia căm thù, với 2 mãng phù điêu chạm nổi mô tả những hình ảnh, sự kiện thảm sát dã man của thực dân Pháp và bọn phản động đội lốt tôn giáo đối với đồng bào, đồng chí tại xã Phú Mỹ. Những hình ảnh đau thương gợi nhớ một thời đất nước, nhân dân ta sống dưới ách thuộc địa của thực dân Pháp, như nhắc nhỡ chúng ta về tội ác trời không tha, đất không dung mà kẻ thù đã gây ra cho đồng bào ta trong những năm 1947-1949.

Ngày 20/7/1994 di tích Bến đò Phú Mỹ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.

12

Di tích lịch sử Rạch gầm – Xoài mút – Tiền Giang

Di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, nằm bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km

Di tích lịch sử Rạch gầm - Xoài mút - Tiền Giang-minDi tích lịch sử Rạch gầm - Xoài mút - Tiền Giang-min

Di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, nằm bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km về phía Tây và nằm trên tỉnh lộ 864, Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong.

Rạch Gầm – Xoài Mút là 2 nhánh sông nhỏ đổ vào sông Tiền, một nhánh lớn của dòng sông Cửu Long (Mekong). Năm 1784 nhận được sự cầu viện từ Nguyễn Ánh, vua Xiêm đã nhanh chóng cử Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân sang xâm lược Đại Việt bằng cả hai ngã thủy, bộ. Được tin quân Xiêm hoành hành, tháng 1/1785, Nguyễn Huệ đã kéo quân vào Nam đóng tại Mỹ Tho đại phố, chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7km, rộng từ 1 – 2 km, nơi giữa sông có cù lao Thới Sơn với cây cối rậm rạp rất thuận tiện cho việc giấu quân và mai phục để làm điểm quyết chiến.

Đêm 19 rạng 20 tháng 1/1785 (mùng 9 – 10 tháng 12 năm Giáp Thìn) lợi dụng thủy triều trôi theo dòng sông, Chiêu Tăng đã chủ động tấn công Mỹ Tho đại phố với ý đồ phá vỡ đội thuyền của quân Tây Sơn. Tương kế tựu kế, quân Tây Sơn đã giả thua rút chạy để nhữ địch lọt vào trận địa mai phục Rạch Gầm – Xoài Mút. Khi pháo lệnh của quân Tây Sơn nổ vang cũng là lúc Nguyễn Huệ đã cho khóa chặt ở đầu và đuôi, pháo hỏa hổ ở hai bờ đã nã đạn tới tấp, cùng lúc đó đội thuyền cảm tử quân chở đầy rơm cùng những vật liệu dễ cháy đã đâm thẳng vào thuyền giặc. Bị đánh bất ngờ, toàn bộ thuyền chiến của quân Xiêm bị nhấn chìm chỉ trong một đêm, 5 vạn quân Xiêm chỉ còn vài ngàn thoát nạn, Nguyễn Ánh may mắn được Mạc Tử Sanh bảo vệ trốn sang Xiêm, còn Chiêu Tăng, Chiêu Sương nhảy lên bờ tìm đường trở về Xiêm. Trận thủy chiến lớn nhất trong lịcgh sử của xứ Đàng Trong và là trận thủy chiến lớn nhất trong 5 thế kỹ của dân tộc ta sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đã toàn thắng.

Hiện nay, Khu di tích lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút có một vị trí khá đẹp và thoáng mát bên bờ sông Tiền hiền hòa, nằm ngay cạnh tỉnh lộ 864 nên rất thuận tiện cho du khách đến cả bằng đường bộ lẫn đường thủy. Với tổng diện tích hơn 2ha, khu di tích gồm tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hai nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam bộ.

Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng trong tư thế rút gươm rất uy dũng; bên cạnh ông là một binh sĩ đang giương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất hài hòa.

  • Nhà trưng bày số 1: trưng bày dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật có liên quan đến trận đánh.
  • Nhà trưng bày số 2: trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm – Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí của cả hai bên.
  • Nhà cổ Nam Bộ: 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, có diện tích 225 m2. Trong nhà các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện lại cuộc sống những người dân phú nông của đất Nam Bộ xưa.

Ngày 2/12/1992 di tích lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia và đến ngày 31/12/2014 đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.

13

Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa – Tiền Giang

Đình Long Hưng tọa lạc tại ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho 14 km về hướng Tây. Đình Long Hưng được xây dựng cách đây hơn 160 năm, lúc đó được gọi là Miễu Chánh để thờ cúng các vị Thành Hoàng Bổn Cảnh, những người có công lập làng, lập ấp. Ngoài ra, đình còn thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt – một công thần của triều Nguyễn , tượng và bức chân dung của Ông được đặt trong đình. Đình Long Hưng là nơi Ủy ban khởi nghĩa Nam Kỳ chọn làm Tổng hành dinh, trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Tại đây, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được treo cùng cờ búa liềm đã tung bay phất phới ngày 23 tháng 11 năm 1940. Từ những năm 1927-1929, Long Hưng đã có tổ chức Cách mạng đồng chí hội, năm 1930 Long Hưng là xã đầu tiên có Chi bộ Đảng ở Tiền Giang.

Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa - Tiền Giang-minDi tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa - Tiền Giang-min

Đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, lần đầu tiên tại Đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng, cùng với giáo mác, gậy gộc,… nhân dân địa phương nhất tề đứng dậy diệt ác, trừ gian, làm nên cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vang dội. Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2005), tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nâng cấp, mở rộng đình Long Hưng, tạo thành một quần thể kiến trúc khang trang, bao gồm ngôi đình ở vị trí trung tâm; bên phải đình là nhà trưng bày – nơi lưu giữ những hiện vật của khởi nghĩa Nam kỳ 1940, với hàng trăm tranh ảnh, hiện vật… nhằm nhắc các thế hệ con cháu về lòng yêu nước thương nòi, tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng của quân và dân Nam bộ trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và ngôi nhà cổ Nam bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập (Nguyễn Thị Ngọc Tốt) – một trong những người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội; bên trái đình là nhà bia ghi danh 614 liệt sĩ của xã, trong đó có 2 liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là Lê Thị Hồng Gấm và Hồ Văn Nhánh. Xung quanh khu di tích có nhiều cây xanh, kiểng cổ quý hiếm, hoa tươi nở bốn mùa; đặc biệt, tại đây vẫn còn cây bàng cổ thụ, nơi lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của nước ta được cắm trên đó trong những ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa - Tiền GiangDi tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa - Tiền Giang

Mỗi năm, đình có lệ cúng kỳ yên vào ngày 16 – 4 âm lịch, cúng hạ điền đồng thời cúng Ông (Lê Văn Duyệt) vào ngày 1- 8 âm lịch, cúng thượng điền ngày 16 -11 âm lịch. Đặc biệt, hàng năm vào ngày 23 – 11, cùng với cả nước tổ chức kỷ niệm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa tại đình. Ngày nay, nhắc tới Long Hưng là nhắc tới cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đẫm máu và hiển hách của nhân dân Mỹ Tho thời tiền khởi nghĩa, dẫn đến cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ 5 năm sau đó, góp phần xứng đáng vào những trang sử vẻ vang, đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Ngày 16/1/1995 di tích lịch sử Nam kỳ Khởi nghĩa (đình Long Hưng) được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

14

Di tích lịch sử Ấp Bắc – Tiền Giang

Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú (thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 21km về hướng Tây. Là một địa danh được cả nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới biết đến, không phải là danh lam thắng cảnh, mà chính nơi đây đã diễn ra trận đánh vang dội. Trận đánh mà Mỹ – ngụy tập trung lực lượng tối đa, sử dụng phương tiện chiến tranh hiện đại với chiến thuật tân kỳ, với cố vấn Mỹ và các tên tay sai quyết chống phá cách mạng, nhằm nghiền nát Ấp Bắc và tiêu diệt quân chủ lực của cách mạng Miền Nam. Vào ngày 02/01/1963, với 200 tay súng, quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại hơn 2.000 quân địch có máy bay, xe tăng, tàu chiến yểm trợ và cố vấn Mỹ chỉ huy, đã bẻ gãy 2 chiến thuật tân kỳ mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh đặc biệt là “trực thăng vận” và “thiết xa vận” báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

Di tích lịch sử Ấp Bắc - Tiền GiangDi tích lịch sử Ấp Bắc - Tiền Giang

Sáng sớm ngày 02/01/1963, địch mở cuộc càn quét do Bộ Tư lệnh sư đoàn 7 và Chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Cuộc càn quét diễn ra trong phạm vi xã Tân Phú để bao vây diệt trung đội địa phương của ta mà chúng phát hiện được; lực lượng của ta chỉ có đại đội 1 tiểu đoàn 514 và đại đội 1 tiểu đoàn 261. Lúc 5 giờ sáng ngày 2/1/1963, địch chia làm 2 cánh quân tiến vào Ấp Bắc bị ta chặn đánh buộc chúng phải gọi tăng viện. Cùng thời gian này, trận địa công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại vàm Kinh 3 và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9g30 bọn chúng đã cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc; dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Bảy Đen, ta đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch có cả trực thăng và xe M113 yểm trợ. Đến chiều tối, sau nhiều đợt tấn công thất bại quân địch đã rút khỏi trận địa. Kết quả chúng đã thất bại thảm hại, với: 450 tên chết và bị thương, trong đó có 10 cố vấn Mỹ; 3 xe lội nước M 113 bị tiêu diệt; 8 máy bay trực thăng bị bắn rơi; 1 tàu chìm và 2 chiếc tàu khác bị hỏng.

Hiện nay, Khu di tích là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên gần 3 ha bao gồm: nhà trưng bày, khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc trong chiến đấu, tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép, khu trưng bày những chiến lợi phẩm sau trận đánh: xe bọc thép, máy bay lên thẳng, pháo 105 ly; khu mộ 3 chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ); nhà quản trang, xen kẻ là vườn hoa lúc nào cũng khoe sắc và toả hương thơm ngát.

Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên là tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép cao sừng sửng, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch, hình ảnh uy nghi của các anh như đưa chúng ta trở về cảnh súng nổ, bom rền hơn 50 năm về trước. Chiến thắng Ấp Bắc là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Tiền Giang và dân tộc ta. Đã nói lên ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.

Ngày 7/1/1993 di tích lịch sử Ấp Bắc đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.

15

Chiến Lũy Pháo Đài – Tiền Giang

Luỹ Pháo Đài thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Di tích nằm ngay Cửa Tiểu trên cù lao Phú Tân nên đường đi đến chủ yếu bằng đường thuỷ hoặc đường bộ.

Chiến Lũy Pháo Đài - Tiền GiangChiến Lũy Pháo Đài - Tiền Giang

Để bảo vệ Cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây một Bảo bằng đất gọi là Đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (378mét), cao 5 thước 5 tấc (2,57 mét), mở hai cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 và thứ 7 (1834-1847) được sửa chữa lại.

Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4 năm 1861 Trương Định về Tân Hoà xây dựng căn cứ kháng Pháp. Đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến luỹ, gọi là Chiến Luỹ Pháo Đài, có trang bị súng thần công loại lớn (vị trí đặt khẩu thần công trước kia nằm tận ngoài giữa hai hướng cửa thành Tây và Tây Bắc cạnh đầu bờ sông Cửa Tiểu và rạch đồn chừng 60m).

Luỹ Pháo Đài xung quanh là thành đất đắp cao, dày có 06 cạnh cân đối khá đều nhau, thành hình lục lăng (lục giác), diện tích khoảng 3.000m, trên thành đất trồng me, chính giữa có cây trôm to và giếng nước. Theo hướng Đông-Nam pháo đài có một gò tròn cao 21m, đường kính 15-20m. Đó là Gò Thổ Sơn có thể đó là đài quan sát của nghĩa quân. Bao bọc bên ngoài thành luỹ là rừng kè, đước, dừa nước, bần. Dưới lòng sông, để bảo vệ cửa sông và ngăn chặn tàu chiến của địch có ủi bải xung phong lên bờ. Đồng thời, làm tàu địch giảm tốc độ làm bia cho những khẩu thần công và đẩy địch dạt sang bờ Trại Cá cho nghĩa quân tiêu diệt, cho nên Trương Định đã đổ đá hàn một đoạn theo chiều rộng của sông Cửa Tiểu trước chiến luỹ về hướng Tây mặt khẩu thần công chừng 120m đến 150m gọi là Đập đá hàn, ngày nay Đập đá hàn vẫn còn và đã được đánh dấu để tàu bè ra vào không vướng phải (theo truyền thuyết sông Cửa Tiểu hồi ấy hẹp hơn bây giờ).

Suốt cả quá trình tồn tại, Chiến Luỹ Pháo Đài đã cùng nghĩa quân trấn giữ một cửa biển quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó cho chúng ta thấy ông cha ta ngày xưa đã có tầm nhìn chiến lược về quân sự khi xây dựng căn cứ để bảo vệ vùng trời, vùng biển của quê hương tổ quốc.

Năm 2000 Sở Văn hóa -Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà bia di tích Luỹ Pháo đài. Nhà bia với kiến trúc trông rất xinh đẹp, thoáng mát và trang nghiêm với chiều cao 9,4m rộng 84m2, mái ngói, cột bêtông, nền tôn cao 2m so với mặt đất và đã tiến hành phục hồi 02 súng thần công. Để nơi đây trở thành một điểm mà nhân dân và du khách đến thăm viếng-hồi tưởng lại một quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông.

Di tích Luỹ Pháo Đài được đưa vào tuyến tham quan truyền thống với các cụm di tích quốc gia khác ở Gò Công như Đền thờ Trương Định, Nhà Phủ Hải, Đám lá tối trời. Chiến Luỹ Pháo Đài là di tích lịch sử dân tộc, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1987.

16

Nhà Đốc Phủ Hải – Tiền Giang

Nhà Đốc Phủ Hải tọa lạc ở phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một ngôi nhà cổ có lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông – Tây độc đáo. Mặc dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, ngày càng được nhiều du khách đến tham quan chụp hình mỗi khi có dịp du lịch Tiền Giang. Về xứ Gò Dông ghé thăm nhà cổ, tận mắt chứng kiến những cổ vật, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc bạn có thể cảm nhận cuộc sống vương giả của một gia đình Đốc phủ.

Nhà Đốc Phủ Hải - Tiền Giang-minNhà Đốc Phủ Hải - Tiền Giang-min

Ngôi nhà do bà Trần Thị Sanh con của Bá hộ Trần Văn Đồ dựng năm 1890. Nhà được xây cất theo dạng chữ Đinh (lúc ban đầu), qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba phần: nhà chánh, hai nhà vuông-nơi ở của những người giúp việc và lẫm lúa (kho thóc của địa chủ).

Trái ngược với tiền sảnh xây bằng gạch kiểu phương Tây, bên trong công trình lại là những cấu trúc gỗ đậm nét truyền thống. Nhà chính gồm ba gian hai chái lợp ngói âm dương, gồm 36 cây cột, trong đó gỗ có 30 cột làm từ gỗ quý. Nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu… rất tinh xảo.

Trong nhà còn có các đồ dùng quý như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Nổi bật là giường Thất Bảo lát những tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, chân chạm nổi hoa lá, khảm xà cừ và hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen. Đặc biệt các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh hạt cườm bằng nhung đỏ, 8 tấm thêu mai-lan-cúc-trúc, xuân-hạ-thu-đông.

Ngoài những điểm độc đáo trong kiến trúc xây dựng thì nhà cổ Đốc Phú Hải được nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu đó là những câu chuyện xoay quanh ngôi nhà.

Theo nhiều tư liệu thì ngôi nhà gắn liền với cuộc đời của bà Trần Thị Sanh, vợ thứ của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định anh hùng dân tộc. Gia đình bà Sanh là một gia đình giàu có bậc nhất tại Gò Công đã có những cống hiến trong công cuộc mở cõi, giữ đất phương Nam.

Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết, bà Sanh vào chùa quy y và giao quyền trông nom, quán xuyến ngôi nhà cho Dương Thị Hương (con riêng của bà) và rể là Tri huyện Trường Bình, nên thường gọi là nhà Bà Huyện.

Vào khoảng 1880-1885, Tri huyện Trường Bình chán cảnh quan trường về trí sĩ, nên cho tôn tạo lại ngôi nhà này khang trang, thoáng mát để dưỡng già. Khi ông bà qua đời, ngôi nhà này tiếp tục để cho con gái là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ, nên có tên là nhà Đốc phủ Hải.

Cuối thế kỷ trước (1895-1900), Nguyễn Văn Hải có chút tân học ở Pháp nên đã xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu “roman” và xây hai nhà vuông hai bên để người làm cùng ở. Đến năm 1909-1917, ngôi nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt tây ba mặt và phần sau xây lẫm lúa to lớn.

Nhà Đốc Phủ Hải đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.

17

Lăng mộ và đền thờ Trương Định – Tiền Giang

Đền thờ Trương Định tọa lạc tại phường 1, thị xã Gò Công, di tích nằm ngay trung tâm thị xã Gò Công nên đường đi đến bằng ô tô rất thuận lợi. Sau khi Trương Định mất ngày 20 tháng 8 năm 1864, Bà Trần Thị Sanh người vợ thứ của Trương Định đã nhận thi hài của ông mang về an táng trọng thể tại trung tâm huyện lỵ Tân Hoà nay là phường I, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Lăng mộ và đền thờ Trương Định - Tiền Giang-minLăng mộ và đền thờ Trương Định - Tiền Giang-min

Mộ Trương Định là di tích lịch sử dân tộc, thuộc loại hình di tích lịch sử nơi lưu niệm danh nhân lịch sử nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giữa những năm 1860 của thế kỷ 19. Ngôi mộ được xây dựng ngay khi ông mất năm 1864. Tại đây xưa kia là một gò đất cao, cây cỏ um tùm, chung quanh ao hồ nước đọng vì lúc đó dân Gò Công còn thưa thớt, về sau họ khai khẩn đất hoang làm đường và xây cất nhà cửa đông đúc như ngày hôm nay.

Mộ được xây bằng đá ong với hồ ô dước (vôi đường mật và cây ô dước). Diện tích toàn ngôi mộ là 67,263m2 , chiều dài: 9,95m kể cả vòng tường ngoài cùng, ngang: 6,75m, vòng tường ngoài có 04 trụ cao 1,16m mỗi cạnh 54cm trên 04 trụ bốn góc có 04 hoa sen. Vòng tường nầy cao 70cm xây bằng đá xanh năm 1956. Mộ có 02 bia: 01 phía trước mộ, 01 phía cuối mộ. Mỗi bia đều có mái che hình thức màu như ngói nhưng bằng vôi, cát.

Tấm bia trước mộ bằng đá cẩm thạch trắng, trang trí chung quanh rèm bia là hoa văn hoa lá mềm mại và ngay giữa có câu: “Đại Nam, Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định Chi Mộ”. giặc pháp thấy vậy chúng cho băm nát.

Năm 1945, nhân dân trùng tu và bia được khắc lại “Đại Nam Thần Dõng, Đại Tướng Quân, Truy Tặng Ngũ Quân, Ngũ Quận Công, Trương Công Định Chi Mộ” và kế bên là dòng chữ nhỏ “Tốt Ư Giáp Tý, Thất Nguyệt Thập Bát Nhật” (tức chết ngày 20/8/1864) và một bên đề Trần Thị Sanh Lập thạch. Bia cuối mộ cũng có mái che trên bia khắc hai chữ “Trung Nghĩa”.

Trước mộ có đôi câu liễng:

“Sơn Hà Thu Chính Khí

Nhật Nguyệt Chiếu Đan Tâm”

(Núi Sông Thu Chính Khí

Nhật Nguyệt Chói Lòng Son)

Lăng mộ và đền thờ Trương Định - Tiền Giang-min (1)Lăng mộ và đền thờ Trương Định - Tiền Giang-min (1)

Ngôi mộ tuy không nguy nga, lộng lẫy vì chính sách phản dân tộc của kẻ xâm lược và chế độ cũ, nhưng nói lên sự tôn kính và ngưỡng mộ công đức của nhân dân địa phương đối với người anh hùng.

Ngày nay trong miếu thờ, ảnh của vị anh hùng dân tộc đặt ngay bàn thờ chính, hai bên tả, hữu “TẢ VĂN BAN, HỮU VÕ BÁ” và nhiều câu đối do nhân dân địa phương viết để thờ các vị quan văn và quan võ của Trương Định.

Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Lăng mộ và đền thờ Trương Định là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984. Hằng năm lễ tưởng nhớ ông đều được tổ chức long trọng vào ngày 19 vào 20 tháng 8, bởi đối với người dân Gò Công thì Trương Định là một anh hùng dân tộc, một võ tướng tài ba, trung kiên luôn được người dân kính trọng, tin tưởng.

18

Lăng mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Thủ khoa Huân – Tiền Giang

Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân. Sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang. Con ông Nguyễn Hữu Cẩm một nông dân khá giả trong vùng. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, khẳng khái, học rất giỏi và rất chăm chỉ học tập. Năm 1852 (dưới triều vua Tự Đức), ông dự thi hương tại Gia Định, đậu thủ khoa (đứng đầu cử nhân). Sau đó ông được làm giáo thọ tức đốc học ở huyện Kiến Hưng tỉnh Định Tường.

Lăng mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Thủ khoa Huân - Tiền Giang-minLăng mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Thủ khoa Huân - Tiền Giang-min

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (tháng 2/1859), ông bỏ chức giáo thọ, từ biệt gia đình tham gia kháng chiến, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc, ngược với chiến lược hòa mà thực chất là đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn. Tháng 4/1861 Pháp chiếm Mỹ Tho, ông cùng Thiên Hộ Dương phát động khởi nghĩa, hoạt động ở Tân An và lan rộng đến Mỹ Tho, rất ảnh hưởng đối với sĩ phu Nam Kỳ. Lúc đó Thiên Hộ Dương làm Chánh Quản Đạo, ông làm Phó.

Cuối năm 1861 thấy được ảnh hưởng của ông Pháp sai Tôn Thọ Tường dụ hàng nhưng không thành. Đầu năm 1862 bị giặt đánh úp, ông bị giặc bắt và giải về Sài Gòn. Pháp giao cho ông Đỗ Hữu Phương (tổng đốc Phương) đầu sỏ Việt Gian mua chuộc, ông từ chối và khôn khéo tìm cách trở lại hoạt động liên kết với Trương Định. Tháng 6/1863 giặc phát hiện căn cứ ông ở Thuộc Nhiêu (Cai Lậy) nên bao quây càn quét. Ông và Thiên Hộ Dương chạy thoát về An Giang xây dựng căn cứ Bảy Núi.

Dựa vào điều ước Nhâm Tuất, chúng gửi tối hậu thư buộc quan tỉnh An Giang giao nộp Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương. Biết tin, Thiên Hộ Dương trốn thoát sau đó chuyển căn cứ về Đồng Tháp Mười còn Thủ Khoa Huân bị bắt giao nộp cho Pháp. Chúng khép ông vào tội chống lại nhà nước Lang Sa (Pháp) phản đối hiệp ước mà triều đình đã ký, kết án 10 năm khổ sai và đài ra đảo Réunion. Sau 7 năm tù chúng ân xá và đưa ông về quản thúc tại nhà Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương). Đồng thời cử ông làm giáo thọ dạy bảo “sinh đồ” ở chợ Lớn với hy vọng lôi kéo ông về phía chúng, ông lợi dụng điều kiện dạy học liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa Kiều “Trường Phát” nhờ mua vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Trong khi công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa đang khẩn trương thì giặc Pháp nhờ bọn dọ thám đã bắt được thuyền trở vũ khí của nhóm “Trường Phát”, kế hoạch khởi nghĩa bị vỡ vì không có vũ khí. Trước tình hình đó ông đã ra lệnh bãi binh, trở về Mỹ Tho họp cùng Âu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa. Địa bàn hoạt động chạy suốt từ Cai Lậy đến Mỹ Quý (Sa đéc). Trung tâm ngay vùng Bến Tranh đã gây tiếng vang trên toàn cõi Nam Kỳ.

Để đối phó giặc sai Đốc phủ kiêm địa chủ Trần Bá Lộc từ Vĩnh Long đến Mỹ Tho đem quân đàn áp. Năm 1875 trong trận giao chiến với giặc bất lợi ông cùng với tùy tùng Đốc binh Hương lẽn về chợ Gạo dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện. Nhưng Đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân bắt Nguyễn Hữu Huân ở chợ Gạo ngày 15/5/1875, đem giam tại Mỹ Tho. Sau 4 ngày giam tại Mỹ Tho mọi mưu chước chiêu hàng đều không thành, giặc Pháp khép ông vào án tử hình. Ngày 19/5/1875 chúng cho tàu chở ông theo dòng sông Bảo Định về quê Mỹ Tịnh An để hành quyết (lúc 12 giờ trưa). Năm ấy ông 45 tuổi.

Suốt 15 năm hoạt động 03 lần khởi nghĩa – 03 lần bị bắt trên chiến trường, trong tù ngục và ngay đến khi bị xử trảm Thủ Khoa Huân luôn nêu tấm gương “tận trung báo quốc” và “đạo cương thường” vì nước vì dân. Lúc đầu mộ của ông được đắp bằng đất, đến năm 1927 con cháu của ông và nhân dân địa phương xây lại bằng đá xanh. Để tỏ lòng tôn kính nhân dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm 100m, ngay trường tiểu học Mỹ Tịnh An. Đến năm 1995 đền thờ Thủ Khoa Huân được dời về cạnh ngôi mộ của ông ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo. Hàng năm, vào ngày 15/4 (ÂL) đều tổ chức lễ thờ cúng ông tại đền thờ rất trọng thể.

Lăng mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Thủ khoa Huân - Tiền Giang-min (1)Lăng mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Thủ khoa Huân - Tiền Giang-min (1)

Ngày 15/6/1987 di tích Mộ Thủ Khoa Huân được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

19

Lăng mộ Hoàng gia – Tiền Giang

Lăng Hoàng gia được xây dựng năm 1926, gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ), vợ vua Thiệu Trị, lăng nằm cách trung tâm thị xã khoảng 2km.

Lăng mộ Hoàng gia - Tiền Giang-minLăng mộ Hoàng gia - Tiền Giang-min

Vào cuối thế kỹ thứ XVI ông Phạm Đăng Long (cha ông Phạm Đăng Hưng) theo cha vào vùng Gò Công, là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích. Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Qui), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Qui. nên quy tập mồ mả 3 đời về đây và xây nhà ở gò đất này.

Ông Phạm Đăng Hưng là con thứ 3 của ông Phạm Đăng Long, sinh ra tại Gò Sơn Qui, vào năm 1764 (nay là ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX Gò Công – Tiền Giang). Ông là người thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, được triều đình bổ làm Lễ sinh ở Phủ, sau đó được thăng Lại bộ Tham tri. Đến năm 1824 được sắc phong Lễ bộ Thượng thư, năm 1825 ông được giao phó giữ kinh thành Huế. Mùa hạ năm 1825, Phạm Đăng Hưng thọ bệnh và mất, linh cửu được đưa về quê hương, an táng tại Gò Sơn Qui. Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy phong Tước Đức Quốc công.

Ông có 4 người con làm quan to trong triều Nguyễn. Vua Minh Mạng kết thông gia gả công chúa cho con trai ông là Phạm Đăng Thuật và phong chức Phò mã Đô úy. Vua Minh Mạng cũng cưới con gái của ông là Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ) cho Hoàng tử Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị. Lăng được xây dựng do ông Phạm Đăng Tá, con trai trưởng của Phạm Đăng Hưng xây dựng trên phần đất rộng 3.000 m2, ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng. Các nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế được đưa vào cùng với nghệ nhân địa phương xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách cung đình. Năm 1849, khi vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc công đã cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình. Vào từ đường, chúng ta thấy nơi chính vị thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng; bên trái thờ Phước An hầu Phạm Đăng Long, là cha của Phạm Đăng Hưng; bên phải thờ Bình Thạnh bá Phạm Đăng Dinh; căn chót bên trái thờ Mỵ Khánh tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng và bên phải thờ Thiềm sự phủ Phạm Đăng Khoa, là ông sơ Phạm Đăng Hưng.

Lăng mộ Hoàng gia - Tiền Giang-min (1)Lăng mộ Hoàng gia - Tiền Giang-min (1)

Mộ Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa. Mộ xây theo kiểu kiểu dáng “đỉnh trụ” hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen. Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân. “Ngũ đại thành xương – Tường lân ống hiện” (Năm đời danh giá tốt đẹp – Điềm lành kỳ lân hiện ra ). Vòng quanh mộ ông có một số phù điêu trang trí như búp sen, cá hóa long…

Vào năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi, chuẩn bị vào viếng lăng nên cho trùng tu. Năm Khải Định 1921 lăng được trùng tu một lần nữa và đến năm 1998 ngôi nhà thờ được đại trùng tu, phần nào trả lại những nét kiến trúc đặc biệt dành cho Hoàng tộc tại xứ Gò nổi tiếng.

Ngày 2/12/1992, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Khu lăng mộ Hoàng gia là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

20

Di tích khảo cổ Gò Thành – Tiền Giang

Di tích Gò Thành thuộc nền văn hóa Óc Eo, tọa lạc tại ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cách TP Mỹ Tho khoảng 10km về hướng Đông – Đông Bắc. Tên gọi Gò Thành xuất hiện khi những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất này thấy trên gò có nhiều gạch, cho đó là vết tích của một thành xưa nên đặt tên là Gò Thành, với mục đích đánh dấu một vị trí trong khu vực quần cư.

Di tích khảo cổ Gò Thành - Tiền Giang-minDi tích khảo cổ Gò Thành - Tiền Giang-min

Vào năm 1941, L. Malleret một nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra nơi này, đến năm 1979 một số cán bộ Bảo tàng Tiền Giang đã đến đây khảo sát. Đến tháng 7/1987 một cuộc điều tra khảo cổ học mới chính thức được tiến hành và đã đi đến kết luận: di tích khảo cổ Gò Thành thuộc nền văn hoá Óc Eo. Óc Eo. Theo tiếng Khơme có nghĩa là “vùng sáng”, “điểm sáng” là tên gọi từ xa xưa của vùng Ba Thê – núi Sập (nay là xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Năm 1941, sau khi L. Malleret phát hiện ra nơi này, ông đã thu thập một số hiện vật và cho công bố ở Pháp. Nền văn hóa nầy được lấy tên theo địa danh nơi phát hiện, nên được gọi là “Văn hóa Óc Eo“.

Trong 2 năm 1988 – 1989, Bảo tàng Tiền Giang đã kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học (thuộc Viện KHXH và Nhân văn quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành 2 mùa khai quật, khảo sát tại di tích này. Các nhà khảo cổ đã phân tích một số mẫu vật nơi đây bằng phương pháp C14 (Cacbon – 14), kết luận khu di tích khảo cổ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII sau Công nguyên. Đây là một khu di tích đặc biệt vì nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn và phong phú với 3 loại di chỉ khác nhau: là di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc và di chỉ mộ táng. Nhất là di chỉ kiến trúc với nhiều đền tháp ở cạnh nhau có quy mô khác nhau, rất hoành tráng, tuy chỉ còn phần nền.

Qua thư tịch cổ cho thấy văn hoá Óc Eo chính là văn hoá của vuơng quốc Phù Nam. Thời đó, Phù Nam là vương quốc vào loại hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, có những thương cảng lớn, giao lưu hàng hoá với nhiều nước trên thế giới. Xã hội Phù Nam gồm chủ yếu là các giai tầng: nông dân, thương nhân, thị tộc và tăng lữ. Đặc biệt, nơi đây có nhiều hiện vật rất đa dạng, biểu thị cho nền văn minh của một quốc gia cổ, không chỉ có ở phía Đông và Tây Nam bộ của Việt Nam mà trải dài đến cả miền đông Campuchia và một phần duyên hải Thái Lan.

Sau các đợt khai quật, trùng tu và tôn tạo di tích, các nhà khảo cổ đã nhận thấy:

  • Chính giữa các đền tháp là những hố thờ dạng giếng hình vuông với nhiều kiểu dáng khác nhau, có độ sâu từ 1,5 đến 3 mét.
  • Phía đáy hố thi thoảng có các mảnh vàng hình vuông hoặc hình tròn cắt hình cánh sen, có khắc hình các con vật, chủ yếu là hình voi, một ít tro, các thanh gỗ hình vuông cạnh khoảng 40 cm được chồng lên nhau theo hình vuông, các lớp cát vàng và các lớp cuội xen kẽ.
  • Nền tháp được xây dựng kiên cố với những lớp gạch có kích thước đa dạng.

Di tích khảo cổ Gò Thành - Tiền Giang-min (1)Di tích khảo cổ Gò Thành - Tiền Giang-min (1)

Các nhà khảo cổ đã phát hiện 271 di vật bằng vàng, đồng, đá, đất nung mang nét đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Óc Eo. Đến di tích Gò Thành chúng ta được thấy các hố thờ bị chôn vùi dưới lòng đất hàng nghìn năm. Bên trong nhà trưng bày hiện vật, có 1 tượng thần Vishnu còn nguyên dạng, 1 tượng nữ thần và 1 tượng nam thần đều chỉ còn phần thân; 1 mảnh đá nhỏ có minh văn Phạn ngữ (chữ Phạn cổ) còn rất ít nét; có cả mô hình sinh thực khí nam, nữ, biểu trưng cho nguồn gốc phát triển nhân loại; 2 hạt đá quý màu tím xanh và trắng trong. Ngoài ra, còn có nhiều mảnh vòi bình, nhiều gốm thô, mịn có tô màu đỏ hoặc nâu có hoa văn trang trí, vài lá đề bằng gốm.

Ngày 12/12/1994 di tích khảo cổ Gò Thành được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Tiền Giang có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Tiền Giang – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.