tiến trình văn hóa Việt Nam – Wattpad

By thanhbao1991qn

You are reading

Mục Lục

A. MỞ ĐẦU……………………………………………………………………………………………………………….. Tr2

1. Lý do chọn đề tài………………………………………………………………………………………………………. Tr2

2. Lịch sử vấn đề………………………………………………………………………………………………………….. Tr2

3. Yêu cầu cần đạt được………………………………………………………………………………………………… Tr2

4. Phương pháp luận nghiên cứu………………………………………………………………………………………. Tr2

B. NỘI DUNG…………………………………………………………………………………………………………….. Tr3

Chương 1: Khái niệm chung: Những vấn đề cơ bản về tiến trình văn hóa………………………………….. Tr3

1.1.Văn hóa Việt Nam…………………………………………………………………………………………………… Tr3

Chương 2: Tiến trình văn hóa Việt Nam…………………………………………………………………………….. .Tr4    

2.1.Lớp văn hóa bản địa…………………………………………………………………………………………………. .Tr4

2.2.Lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực……………………………………………………………. .Tr8

2.3.Lớp văn hóa giao lưu với phương Tây………………………………………………………………………….. .Tr12

C. KẾT LUẬN…………………………………………………………………………………………………………….. .Tr16

Một số tài liệu tham khảo

 

A: MỞ ĐẦU

1.Lí do chọn đề tài.

                 Lịch sử Việt Nam tính từ lúc có mặt con người sinh sống thì đã có hàng vạn  năm. Còn tính từ khi nhà nước được hình thành thì khoảng 4000 năm trước. Trải qua một thời gian dài dựng nước và giữ nước, đất nước Việt Nam ta đã có rất nhiều thay đổi. Đặc trưng cho đó là nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc – nền văn hóa Việt. Có thể nói chung văn hóa của Việt Nam là một pha trộn đặc biệt giữa nhiều văn hóa cổ xưa cùng với văn hóa bản xứ của người Bách Việt. Có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa Việt. Nhưng ta không thể không nhắc đến “thời gian” và “lịch sử”- yếu tố tác động lớn đến văn hóa Việt. Để từ đó lịch sử văn hóa Việt Nam theo dòng thời gian chia thành 6 kỷ nguyên với 3 lớp văn hóa. Tìm hiểu văn hóa Việt qua cách này ta có thể hiểu một cách khái quát, chung nhất về văn hóa Việt.

2. Lịch sử vấn đề.

Tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam đã có rất nhiều các nhà khoa học nghiên cứu như: Lê Văn Chưởng, Nguyễn Đăng Duy, Trần Ngọc Thêm,…. Với đề tài này, bằng những hiểu biết của mình chúng tôi muốn đi sâu vào nghiên cứu tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Từ đó giúp các bạn đọc hiểu rõ, chung nhất về nền văn hóa Việt qua từng giai đoạn lịch sử.

3. Yêu cầu cần đạt được.

Bài nghiên cứu này là tập hợp những kiến thức về sự phát triển văn hóa Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử. Hay nói cách khác là cung cấp cho độc giả những thông tin về tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam.

   4. Phương pháp luận nghiên cứu.

·        Tổng hợp tài liệu.

·        Phân tích tổng hợp các tài liệu đã tổng hợp.

·        Lựa chọn nội dung phù hợp với mục đích của bài tiểu luận.

          

          

B: NỘI DUNG CHÍNH

Chương 1: Khái niệm chung: Những vấn đề cơ bản về tiến trình văn hóa.

1.1.Văn hóa việt nam.

           Thuật ngữ văn hóa hiện nay được dùng phổ biến trong đời sống, trong nghiên cứu khoa học.dưới đây là một số khái niệm tiêu biểu:

               Edward Burnet Tylor trong “Văn hóa nguyên thủy” -1871 ở Luân Đôn đã đưa ra định nghĩa đâu tiên trên thế giới :”Văn hóa là một tập hợp toàn bộ  những tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục và bất kì thói quen nào khác mà con người với tư cách là một thành viên trong xã hội có được“.

         Định nghĩa này nêu lên hầu hết các khía cạnh của văn hóa -xã hội về mặt tinh thần, ít quan tâm đến khía cạnh vật chất.

UNESCO -1970, tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa ở Venise :”Văn hóa gồm tất cả nhửng gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động“.

Đến năm 1982, Hội nghị thứ 2 của UNESCO về văn hóa đã phê chuẩn cách tiếp cận nói trên. Đây là định nghĩa rộng, bao gồm những gì con người kiến tạo, văn hóa là nét khác biệt giữa các dân tộc về vật chất cũng như tinh thần.

Angel :”Quá trình phát triển văn hóa là quá trình, trong đó con người tin cái dấu ấn của mình vào giới tự nhiên, làm biến đổi tới mức độ mà kết quả hoạt động của họ chỉ có thể biến mất khi nào toàn bộ trái đất bị tiêu vong“.

Hồ Chí Minh nêu lên định nghĩa :”Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người đã sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, và các phương thức sử dụng. Toàn bộ sáng tạo và phát minh đó là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp toàn bộ mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người mới sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu và đòi hỏi của sự sinh tồn“.(Hồ Chí Minh, 1995, Nxb chính trị QG, toàn tập, trang 431)

Từ các định nghĩa trên chúng ta có thể hiểu khái niệm văn hóa như sau:

Văn hóa là một tổng thể phức tạp về những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, mang tính đặc thù của mỗi dân tộc.

Dù phức tạp, phong phú đến mấy, cho đến nay các nhà văn hóa học đều thống nhất coi:

·        Văn hóa như tập hợp

·        Văn hóa như hệ thống

·        Văn hóa như giá trị

·        Văn hóa như hoạt động

·        Văn hóa như tín hiệu

·        Văn hóa như hoạt động nhân cách

·        Văn hóa như thuộc tính xã hội …

Chương 2 : Tiến trình văn hóa việt nam.

2.1 Lớp văn hóa bản địa.

           Đây là thời kỳ hình thành nền tảng cơ tầng văn hoá Việt Nam, được tính từ khi người nguyên thủy biết dùng đá để chế tác công cụ cách ngày nay vài chục vạn năm cho đến thời đại Hùng Vương dựng nước – thời đại làm nên hai thành tựu lớn lao có ý nghĩa lịch sử. Đó là sự hình thành của nền văn minh sông Hồng và sự ra đời của hình thái nhà nước sơ khai: nhà nước Văn Lang của các vua Hùng và tiếp đó là nước Âu Lạc của An Dương Vương.

2.1.1 Văn hóa Việt Nam thời tiền sử.

       Là thời kỳ trước khi xuất hiện nền văn minh cổ đại, tức là trước khi hình thành nhà nước quốc gia (từ buổi đầu thế kỷ I TCN – cuối thời đại đá mới), trên đất nước Việt Nam đã có một quá trình phát triển văn hoá lâu dài.

     – Trong thời kỳ tiền sử ấy đã dần dần hình thành một cơ tầng văn hoá chung cho tất cả cư dân ở vùng Đông Nam Á. Đó là nền văn hoá lấy nghề nông làm phương thức hoạt động, thích nghi với điều kiện tự nhiên thuộc khu vực châu Á gió mùa – Nền văn hoá có đặc trưng là một phức thể văn hoá lúa nước với ba yếu tố: văn hoá núi, văn hoá đồng bằng và văn hoá biển. Trong đó, yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ đạo. Ở sườn đồi, sườn núi thấp, người ta đốt rừng làm nương rẫy, trồng lúa cạn. Ở thung lũng, đồng bằng, ở ven biển, người ta canh tác lúa nước. Ở nhiều nơi, cư dân còn biết dùng trâu bò để cày bừa. Ở ven các dòng sông, ở ven biển, cư dân thạo nghề đi biển và đánh bắt hải sản. Ở các vùng núi, cư dân nói chung còn ở trình độ tổ chức sống bộ lạc, nhưng ở trung du và đồng bằng, cư dân đã dần dần vươn tới trình độ tổ chức liên minh bộ lạc, sống thành vùng cư dân đông đúc, gồm nhiều làng xã lớn. Liên minh bộ lạc là một bước quá độ để vươn lên trình độ tổ chức quốc gia.

      – Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ, có đủ ba yếu tố văn hoá núi, đồng bằng và biển, có đủ các sắc tộc thuộc các ngữ hệ ở Đông Nam Á hiện nay.  Thông qua các ngành khảo cổ học và cổ nhân học, chúng ta biết có các nền văn hoá trên đất nước Việt Nam thuộc thời kỳ tiền sử:

    + Văn hoá Núi Đọ – văn hoá thuộc thời kỳ đá cũ, bắt đầu hàng chục vạn năm kéo dài cho đến một vạn năm cách ngày nay (tên gọi của nền văn hoá này là từ điểm khảo cổ học ở núi Đọ, Thanh Hoá)

    + Văn hoá Sơn Vi (Phú Thọ) – văn hoá thuộc hậu kỳ đá cũ, tồn tại từ 20 đến 15 nghìn năm trước công nguyên.

    + Văn hoá Hoà Bình (Hoà Bình) – văn hoá thuộc thời kỳ đá giữa, kéo dài khoảng từ 12.000 đến 7.000 năm cách ngày nay. Đã có một nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện trong lòng văn hoá Hoà Bình.

    + Văn hoá Bắc Sơn (Lạng Sơn) – văn hoá thuộc thời kỳ đá mới, kéo dài khoảng từ 11.000 năm đến 7.000 năm cách ngày nay. Cùng với nền văn hoá Hoà Bình, văn hoá Bắc Sơn đã làm nên khúc dạo đầu của cuộc cách mạng đá mới. Để đến cuối thời đại đá mới thì phần lớn các bộ lạc nguyên thuỷ đã tiến sang giai đoạn nông nghiệp trồng lúa, cũng tức là chuyển từ kinh tế khai thác sang kinh tế sản xuất, thực sự bước vào lĩnh vực sáng tạo văn hoá. Cư dân thời đại đá mới đã có những tri thức phong phú về tự nhiên và dựa vào những tri thức đó để thích nghi một cách hài hoà với tự nhiên. Chẳng hạn, người Hoà Bình cư trú trong các hang động đã nhận biết được những hiện tượng có tính quy luật của gió mùa, do đó để tránh gió mùa, các hang động của họ đã không có hang động nào quay về hướng chính Bắc, mà có tới hơn 50% quay về hướng nam và hướng đông Nam. Thời kỳ này cũng để lại những dấu vết nghệ thuật, như những hiện vật xương có vết khắc hình cá, hình thú và người trên vách hang Đồng Nội. Trong sự nhận thức về thiên nhiên của người Hòa Bình, còn thấy rõ những cảm nhận về những nhịp điệu vốn có trong tự nhiên, được thể hiện bằng những nhóm vạch 3 vạch một trên các hòn đá cuội trong hang động. Dù chỉ là giả thuyết, những di vật tìm thấy trong văn hoá Hoà Bình và Bắc Sơn cũng cho thấy một bước phát triển mới về tư duy của người nguyên thuỷ. Tư duy về thời gian, vũ trụ còn được thể hiện bằng những hoa văn, ký hiệu biểu thị mặt trời như hình tròn, hình chữ vẽ trên đồ gốm. Có thể bấy giờ đã bắt đầu hình thành loại nông lịch sơ khai. Thời kỳ này cũng xuất hiện những tín ngưỡng nguyên thuỷ: niềm tin vào thế giới bên kia; sự tôn thờ các sức mạnh tự nhiên. Những hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, đặc biệt là mặt trời đã trở thành những thần linh quan trọng đối với con người. Về tổ chức xã hội, vào giai đoạn hậu kỳ đá mới, khi con người đã chọn nghề nông và sống định cư, thì có thể tin rằng nhiều bộ lạc đã sống thành hàng xóm.

2.1.2 Thời Văn Lang – Âu Lạc.

   Cách đây khoảng thiên niên kỷ 3 trước công nguyên cho đến khi nhà hán xâm lược (năm 111 TCN – thời kỳ hình thành chủng Nam Á Bách Việt ) cư dân Việt Nam từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Đồng Nai đã bước vào thời đại kim khí. Thời kỳ này trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay đã tồn tại 3 trung tâm văn hoá lớn của 3 quốc gia cổ nhất Đông Nam Á :

     – Văn hoá Đông Sơn (miền Bắc) gắn với sự ra đời của nhà nước Văn Lang

của các vua Hùng và tiếp đó là nước Âu Lạc của vua An Dương Vương. Với nền văn hoá Đông Sơn, kỹ thuật chế tác đồ đồng đã vươn lên trình độ khá cao so với trình độ thế giới lúc đương thời. Sản phẩm đồng thời cũng là biểu tượng của văn hoá Đông Sơn là trống đồng Đông Sơn. Quá trình hình thànhvà phát triển của văn hoá Đông Sơn / văn minh sông Hồng ở miền Bắc là một quá trình hình thành nên cái cốt lõi của người Việt cổ và nhà nước đầu tiên của họ. Đây là một nền văn hoá thống nhất mà chủ nhân của nền văn hoá đó là một cộng đồng cư dân gồm nhiều thành phần tộc người gần gũi nhau về nhân chủng và văn hoá.Văn hoá Đông Sơn là một điển hình của nền văn hoá nông nghiệp lúa nước.

    – Văn hoá Sa Huỳnh (miền Trung) được coi là tiền nhân tố của người Chăm và vương quốc Chăm Pa. Văn hoá Sa Huỳnh là sản phẩm của cư dân nông nghiệp trồng lúa, nhưng biết khai thác nguồn lợi của rừng và biển, và phát triển các nghề thủ công.

  – Văn hoá Đồng Nai (miền Nam), một cội nguồn hình thành nền văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ vào những thế kỷ đầu công nguyên sau này. Văn hoá Óc Eo gắn với vương quốc Phù Nam, một nhà nước tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VII ở châu thổ sông Cửu Long. Văn hoá Đồng Nai cũng là sản phẩm của cư dân có hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và thủ công. Tóm lại, tiến trình văn hoá thời tiền sử và sơ sử thuộc giai đoạn hình thành nền tảng của văn hoá Việt Nam, với các đặc điểm cơ bản sau đây:

  – Tiến trình văn hoá Việt Nam thời tiền sử và sơ sử là tiến trình hình thành nên những nền tảng của văn hoá Việt Nam, hình thành cốt lõi của người Việt cổ, là phác thảo khởi nguyên về một nền văn hoá quốc gia dân tộc đa tộc người về sau.

  – Những nền tảng văn hoá đó có là những nền tảng văn hoá bản địa / nội sinh, nằm trong cơ tầng văn hoá chung của khu vực văn hoá Đông Nam Á thời bấy giờ, nó khác với hai nền văn hoá – văn minh Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Á.

  – Đỉnh cao của giai đoạn hình thành những nền tảng văn hoá nội sinh Việt Nam là văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Đồng Nai, cũng là ba đỉnh cao của văn hoá Đông Nam Á, miền đông bán đảo Đông Dương. Ba trung tâm văn hoá đó phát triển theo thế chân vạc, nhưng luôn có mối quan hệ qua lại với nhau, đồng thời phát triển, giao lưu với nhiều văn hoá khác ở khu vực. Đồng thời, ba trung tâm văn hoá ấy đều sẽ phát triển thành ba nền văn minh lớn ở Đông Nam Á, ứng với ba quốc gia cổ đại là Văn Lang – Âu Lạc, Chăm Pa và Phù Nam.

  – Như thế, trước khi chịu sự thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, đất nước ta đã từng tồn tại một nền văn minh cổ như vậy, nên ý thức quốc gia dân tộc của người Việt đã sớm hình thành và làm nên một sức mạnh đủ để dân tộc Việt Nam vừa không bị Hán hoá lại vừa có khả năng thâu hoá những nhân tố của mô hình văn hoá Trung Quốc trong quá trình xây dựng nhà nước Đại Việt tự chủ sau này.

 

2.2 Lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực.

     Giai đoạn này kéo dài 19 thế kỷ (1000 năm Bắc thuộc: 111TCN – 939) và thời kỳ dân tộc tự chủ ( 939 đến cuối Lê, đầu Nguyễn )

2.2.1 Giai đoạn văn hóa thời chống Bắc thuộc. (111TCN đến năm 939 )

Chính sách Hán hóa và sự giao lưu cưỡng bức:
       Từ năm 179TCN, sau thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Triệu, đất nước Âu Lạc bị nội thuộc vào lãnh thổ Nam Việt của Triệu Đà. Đến năm 111TCN, nhà Hán tiêu diệt họ Triệu, sáp nhập Nam Việt vào đế chế Hán.từ đây cho đến năm 905 sau công nguyên, đất nước Âu Lạc rơi vào ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc.
       Dưới ách Bắc thuộc, bọn thống trị Trung Quốc ra sức thực hiện chính sách Hán hóa. Chúng cho di thực mô hình tổ chức chính trị và sinh hoạt xã hội Trung Hoa sang đất Việt. chúng xóa bỏ chính quyền trung ương của vua Thục và chia nhỏ miền đất nước ta thành các đơn vị hành chính địa phương các cấp theo hệ thống hành chính địa phương ở Trung Quốc là châu, quận, huyện, hương, xã và đến thời Đường bao trùm lên các châu ở miền đất nước ta chúng đặt thành một phủ (An Nam đô hộ phủ). Từ một quốc gia độc lập, nước ta trở thành một địa phương của Trung Quốc. Chúng thiết lập bộ máy quan lại, xây dựng hệ thống quân đội và áp đặt hệ thống pháp luật để thống trị nhân dân ta, tiến hành cống phẩm, bắt lao dịch và bóc lột về kinh tế. Trên phương diện văn hóa, chúng đã sử dụng văn hóa Hán như một công cụ xâm lược quan trọng. chúng bắt nhân dân Âu Lạc phải làm ruộng theo lối Hán, ăn mặc kiểu người Hán, nói tiếng Hán, học chữ Hán, ứng xử theo phong tục Hán. Trên lĩnh vực tư tưởng và tôn giáo, chúng cho du nhập Nho giáo và Đạo giáo sang để khống chế về tinh thần và nhất thể hóa tư tưởng của nhân dân ta, nhằm tạo thành cái lõi trung tâm để đi đến nhất thể hóa cấu trúc văn hóa giữa chính quốc và thuộc địa. Để thúc đẩy quá trình đồng hóa văn hóa, giai cấp thống trị Hán đã cho di cư ồ ạt người Hán sang đất Việt, gồm quan lại và người nghèo Hán. Chúng khuyến khích nhóm người này lấy vợ Việt, sinh con trên đất Việt và hình thành một bộ phận “dân Mã lưu” ở nước ta nhằm thực hiện chủ trương thực dân theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Có thể nói, dưới ách Bắc thuộc, nhân dân Âu Lạc đã phải chấp nhận mọt cuộc giao lưu cưỡng bức vô cùng nghiệt ngã với nền văn hóa Hán, một nền văn hóa có khả năng đồng hóa rất cao, đã từng đồng hóa một cộng dồng Bách Việt rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử trải dài về nam cho đến núi Ngũ Lĩnh. Bọn phong kiến phương Bắc ra sức phá huỷ, tiêu diệt thành tựu văn hóa dân tộc ta như: thu gom sách vở, bắt thay thế trang phục Hán.v.v… nhưng không đạt được mục đích Có thể hệ thống văn tự Việt đã bị xóa bỏ trong suốt ngàn năm đô hộ này.

Đấu tranh chống Hán hóa và phát triển văn hoa dân tộc:
     Ý thức đối kháng kiên trì, bất khuất trước nguy cơ xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Tên nước “Nam Việt” ra đời từ thời Triệu Đà đã tỏ rõ ý thức phân biệt chủ quyền đất nước . Từ đó về sau, trải nhiều lần đổi tên, chữ “Nam” vẫn được duy trì

   Những cuộc kháng chiến liên tiếp qua các thế kỉ như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Bí,Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Cha con họ Khúc, Dương Diên Nghệ và đỉnh cao là cuộc đại thắng của Ngô Quyền năm 938.

    Để tồn tại, nhân dân Âu Lạc đã phải liên tục tiến hành các cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập và ra sức bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc. Từ trong các xóm làng Việt cổ, mà bọn đô hộ phương Bắc không thể nào với tay tới được, cư dân Âu Lạc đã ra sức bảo tồn và phát huy vốn liếng văn hóa bản địa đã tích lũy được qua hàng nghìn năm trước, đồng thời “không chối từ” việc tiếp thu, tiêu hóa và làm chủ những ảnh hưởng ngoại lai.
Tranh thủ sự giao thương dưới thời Bắc thuộc, nhân dân Âu Lạc đã trao đổi và trang bị rộng rãi các công cụ bằng sắt cho ngành nông nghiệp. Họ đã tiếp thu kỉ thuật bón phân Bắc của người Trung Quốc, phát triển giống cây trồng nhằm đa canh hóa và mở rộng lúa hai vụ. Kết hợp giữa kinh nghiệm cổ truyền với kinh nghiệm học tập của Trung Quốc, cư dân Âu Lạc đã sản xuất được loại gốm tráng men nửa sành nửa sứ. Hơn thế nữa, họ còn biết phát triển sáng tạo những kỉ thuật tiếp thu được của người Trung Quốc như sản xuất xành hai quai, ống nhổ, bình con tiện có đầu voi, bình gốm nạm đá ở cổ, sản xuất được loại giấy trầm hương v.v…Đó là những sản phẩm mà người Trung Quốc không có và chất lượng tốt hơn của người Trung Quốc. Trong nghề dệt, nhân dân Âu Lạc đã sản xuất được lụa, vải bông, vải cát bá, vải tơ chuối, vải bạch diệp…và người Trung Quốc đã phải mua của ta.
Trong cuộc đấu tranh chống đồng hóa, một thành tựu quan trọng của cư dân Âu Lạc là đã bảo tồn được tiếng nói của dân tộc, làm thất bại ý đồ nham hiểm của bọn xâm lược. Tất nhiên, dưới ách thống trị lâu ngày của bọn xâm lươc, cùng với sự phát triển của cuộc sống, tiếng Việt cũng cần có những biến đổi. Nó đã hấp thụ được nhiều yếu tố của ngôn ngữ Hán về mặt ngữ âm và thanh điệu, tiếp thu nhiều từ ngữ gốc Hán. Nhưng người Âu Lạc đã hấp thụ ảnh hưởng ngôn ngữ Hán một cách độc đáo, sáng tạo, đã Việt hóa những từ ngữ ấy theo cách dùng, cách đọ của người Việt, tạo thành một lớp từ mới gọi là từ Hán-Việt. Như vậy là Tiếng Việt không bị mất đi mà lại còn được giàu có và hoàn thiện về mặt âm tiết. Chữ viết của người Hán cũng được ông cha ta tiếp thu và xây dựng thành chữ Nôm, một thứ chữ viết của người Việt Nam dựa trên cấu liệu chữ Hàn để ghi âm tiếng Việt. Trong tín ngưỡng và phong tục, người Việt vẫn một lòng tôn kính và biết ơn với cha mẹ, tổ tiên, tôn trọng phụ nữ, sống chan hòa, cộng đồng trong các làng chạ, thờ cúng các thiên thần, nhiên thần và nhân thần, các biểu tượng về khát vọng dân tộc. Các tục lệ như búi tóc, xăm mình, nhuộm răng, ăn trầu vẫn được giữ gìn. Nền văn học bác học Hán-Đường đã ảnh hưởng đến nền văn học của người Việt. Trên lĩnh vực âm nhạc, trong thời Bắc thuộc người Việt đã tiếp thu một số nhạc cụ của người Trung Quốc như chuông, khánh, của Ấn Độ như trống cơm, của Trung Á là Hồ cầm. Trong kiến trúc và điêu khắc là kĩ thuật kiến trúc lối vòm cuốn sử dụng gạch múi bưởi của người Trung Quốc, tượng tròn bàng đồng có nguồn gốc Nam Á-Ấn Độ. Trên lĩnh vực chính trị, mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc đã bước đầu được Lý Nam Đế tiếp thu trong việc xây dựng chính quyền tự chủ thời Vạn Xuân. Nền pháp luật thời Hán, Đường cũng tự nhiên đi vào trong sinh hoạt tổ chức nhà nước thời tự chủ ở nước ta. Với bản lĩnh dân tộc vững vàng, người Việt đã tiếp nhận một số ảnh hưởng của Đạo giáo và Nho giáo, nhưng không vì thế mà họ nhụt ý chí đấu tranh, trái lại nó giúp cho họ những hiểu biết rộng rãi để lý giải về các vấn đề đặt ra cho đất nước, cho dân tộc và họ đã kiên quyết đứn dậy đấu tranh chống lại chính quyền đô hộ, chống lại các đạo sĩ thực dân, chống lại thiên tử, thiên triều Trung Quốc.
Giai đoạn này không có những thành tựu văn hóa đáng kể. Nếu có, chúng ta cần nói đến hai Bắc, Bà la môn đi vào miền Trung bộ tạo dựng nên vương quốc Chămpa. nguồn văn hóa Ấn Độ truyền vào nước ta theo con đường hòa bình, đó là văn hóa Phật giáo thâm nhập vào miền

      Trong xu hướng giao lưu tự nguyện lúc bấy giờ, cha ông ta đã tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo từ Ấn Độ, sử dụng nó làm ngọn cờ giải phóng dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng, chống áp bức dã man. Nhũng đóng góp của Phật giáo trung hòa các ảnh hưởng đến từ Trung Hoa, khiến cho văn hóa Âu Lạc tuy bị Hoa hóa nhưng vẫn khác với Văn hóa Trung Hoa. Trong ảnh hưởng của hệ tư tưởng Phật giáo ở nước ta lúc bấy giờ thì tư tưởng thiền tông với chủ trương “Phật tại tâm” chiếm vai trò chủ đạo, tạo điều kiện cho xu hướng nhập thế của Phật giáo ở Việt Nam
Với cuộc đấu tranh chống Hán hóa một cách tích cực đó, khi bước ra khỏi ách Bắc thuộc, nền văn hóa của người Việt “như một tòa nhà chỉ thây đổi ở mặt tiền và vẫn giữ được cấu trúc ở bên trong”.

2.2.2 Thời kỳ độc lâp, tự chủ – văn hóa Đại Việt.

Sau chiến thắng của Ngô Quyền, nước ta lại xây dựng nền độc lập.Trải qua các triều đại ngắn Đinh Bộ Lĩnh (968-980), Lê Hoàn, phải đến thời nhà Lý (1009-1225 – quốc hiệu Đại Việt được đặt vào năm 1054 thời vua Lê Thánh Tông ) nền văn hóa Đại Việt mới phát triển mạnh với tinh thần phục hưng mãnh liệt.

Tiếp theo là nhà Trần, nền văn hóa Đại Việt đạt được bước phát triển rực rỡ, gọi chung là thời đại văn hóa Lý – Trần.

Đạt tới đỉnh cao rực rỡ là thời nhà Lê, nước ta đã có một nền văn hóa phong kiến ngang tầm khu vực, đủ sức tự cường và giữ vững độc lập dân tộc.

Dân tộc ta phát triển về phương Nam vừa nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ, vừa phát triển đất nước. Sáp nhập vương quốc Chăm pa ở miền Trung vào lãnh thổ để mở đầu cho cuộc Nam tiến.

Dân tộc ta khẩn trương tiếp thu văn hóa phong kiến Trung Hoa, chủ yếu là hệ thống giáo dục Nho Giáo, Phật giáo Trung hoa, kể cả Đạo giáo, theo xu hướng” Tam giáo đồng quy “. Với phương châm “Việt Nam hóa ” những thứ văn hóa ngoại lai, nghĩa là tiếp nhận văn hóa và vận dụng cho phù hợp hoàn cảnh và bản lĩnh, tính cách dân tộc Việt, nhân dân ta đã tạo nên một nền Nho giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam…

Nhân dân ta tiếp nhận chữ Hán, nhưng tạo ra chữ Nôm (TK VII- VIII) để ghi âm tiếng Việt – tiêu biểu có Quốc âm thi tập của NGuyễn Trãi, Truyện Kiều (3254 câu thơ lục bát) của Nguyễn Du…

Những lớp trí thức Hán học đã đóng vai trò nòng cột trong bộ máy quan lại phong kiến Việt Nam các triều đại Lý, Trần, Lê và Nguyễn.

Thủ đô bền vững từ đây đặt tại Thăng Long, với Quốc Tử Giám  được coi là trường đại học đầu tiên, cùng với Văn Miếu (1070), khẳng định một giai đoạn phát triển cao của dân tộc

 

2.3 Lớp văn hóa giao lưu với phương Tây:  Có hai giai đoạn “Đại Nam” và hiện đại.

2.3.1 Văn hóa “Đại Nam”.

Đại Nam là quốc hiệu do Nhà Nguyễn Minh Mạng đặt (1838) sau tên Việt Nam do Gia Long đặt (1804). Giai đoạn này tính từ thời các chúa Nguyễn cho đến khi thực dân Pháp chiếm được nước ta làm thuộc địa.

Sau thời kì hỗn loạn Lê – Mạc, Trịnh Nguyễn phân tranh, đến nhà Nguyễn, Nho giáo lại được phục hồi làm quốc giáo, nhưng nó đã đến hồi suy tàn, không còn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa tiến kịp phương Tây.

Sự mục ruỗng của triều đình phong kiến chứng tỏ sự sụp đổ của hệ tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, giai cấp phong kiến, từ trong tiềm thức vẫn giữ Nho giáo làm kỷ cương cho đời sống xã hội, nhất là ở thời nhà Nguyễn (từ vua Gia Long tới Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức). Mặc dù vậy, Nho giáo vẫn không có được vị thế như thế kỷ XV. Bắt đầu từ thế kỷ XVI, một tôn giáo mới du nhập vào nước ta, trở thành một bộ phận trong đời sống tư tưởng Việt Nam. Đó là Thiên chúa  giáo.

Thiên chúa giáo bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam do các giáo sỹ phương Tây đến các vùng duyên hải nước ta truyền đạo. Nhà Nguyễn ban đầu cho họ vào vì mục đích chính trị nhất là thời Nguyễn Ánh cần quân lực để chiếm lại đất cũ (Đàng trong) từ tay Tây Sơn, về sau lại ngăn cản do ngại sự can thiệp và đe doạ của phương Tây ( thời vua Minh Mạng (1820-1840) là cò nhiều chỉ dụ cấm đạo ngặt nghèo và thảm khốc nhất, nhiều cha cố và giáo dân bị giết trong giai đoạn này, trong đó có cha Philippe Minh ở Mặc Bắc.

 Thiên chúa giáo vào Việt Nam đã dẫn đến sự ra đời của chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ thời kỳ đầu gắn liền với việc giảng đạo, truyền đạo, với vị giáo sĩ được tôn là ‘ông tổ chữ quốc ngữ’ – AlếcxăngđơRốt. Năm 1649 – 1651, Alếc xăngđơRốt đã công bố cuốn từ điển Việt – Bồ – La tại Rôma, đã khẳng định sự xuất hiện chính thức của chữ quốc ngữ- chữ Việt Latinh. Sự xuất hiện của chữ quốc ngữ sẽ đưa sự phát triển văn hoá lên một bước mới.

 Sự phát triển của văn hoá nghệ thuật, trong đó có văn học chữ Nôm phát triển mạnh. Những tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du), thơ Hồ Xuân Hương, Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), thơ của Bà Huyện Thanh Quan; những sáng tác dân gian cũng phát triển mạnh. Kiến trúc đình làng thế kỷ XVI – XVII phát triển mạnh, làm cho vị trí Thành hoàng được xác định chắc chắn tại các làng quê.

Một đặc điểm lịch sử trong thời kỳ này là sự mở rộng cương vực vềphía nam, dẫn đến sự hình thành Đàng Trong để phân biệt với Đàng Ngoài.Đàng Trong là vùng đất mới của người Việt. Trước khi người Việt đặt chân đến, ở đây đã có một nền văn hoá ‘tiền Việt’ phát triển khá rực rỡ. Đó là nền văn hoá Chăm Pa. Trong quá trình cộng cư, người Chăm và người Việt đã giao lưu văn hoá tự nguyện, hoà bình.Do đó, văn hoá của người Việt ở Đàng Trong, về cơ bản vẫn đảm bảo tính thống nhất.

Văn hóa Việt Nam thời kỳ chống Pháp.

         Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Trong vòng gần 10 năm, từ 1858 đến 1867, các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ lần lượt bị chiếm và bị đặt dưới ách thống trị của người Pháp. Đến năm 1872, quân Pháp đánh ra Bắc bộ, và đến năm 1883, triều đình nhà Nguyễn phải ký với thực thực dân Pháp hiệp ước ”Hiệp định hoà bình” tại Huế. Với hiệp ước này, toàn bộ đất nước Việt Nam đã bị đặt dưới ách thống trị của người Pháp.

Trong khi triều đình Huế liên tục cắt đất cho giặc và cuối cùng đã đầu hàng thực dân Pháp, công nhận ách thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, thì nhân dân Việt Nam cùng các sĩ phu yêu nước đã liên tục đứng lên chống Pháp ở khắp ba miền. Tất cả các phong trào yêu nước chống Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc, tuy rất kiên cường anh dũng nhưng đều bị thất bại. Khi việc bình định Việt Nam đã căn bản hoàn thành, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa.

 Đặc trưng văn hoá của thời kỳ này là sự tiếp xúc, giao lưu văn hoá tây phương (Pháp), và đối tượng trực tiếp tiếp xúc là các tầng lớp sĩ phu. Còn ở các làng quê thì ảnh hưởng của sự giao lưu rất ít. Tầng lớp sĩ phu – những người nhạy cảm với văn hoá đương thời, đã phân hoá thành ba thái độ ứng xử khác nhau:

– Chống lại sự giao tiếp, chống lại văn hoá phương Tây.

– Chấp nhận sự giao tiếp, đầu hàng thực dân về mặt chính trị, cố học lấy chữ Pháp, văn hoá Pháp để ra làm quan cho chính quyền thuộc địa.

– Chủ động tích cực giao lưu với văn hoá Pháp để tìm đường giải phóng dân tộc.

 Kết quả của việc giao lưu văn hoá thời kỳ này thể hiện ở các lĩnh vực:

Văn hoá vật chất: sự phát triển đô thị, công nghiệp và giao thông; sự phát triển của kiến trúc đô thị theo kiểu Tây phương; trang phục; những tiện nghi sinh phù hợp với lối sống đô thị có nguồn gốc phương Tây…

Văn hoá tinh thần: sự ra đời và phát triển nhanh chóng của báo chí, của văn học chữ quốc ngữ gắn với sự xuất hiện những thể loại văn học mới có nguồn gốc phương tây (tiểu thuyết, thơ mới), những quan điểm nghệ thuật mới (chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tả chân, phương pháp miêu tả và phân tích tâm lý…). Bối cảnh lịch sử, văn hoá thời này đã thúc đẩy sự phát triển của bộ phận văn học yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là các nhà thơ – chí sĩ: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… Về sau các nhà hoạt động chính trị như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cũng đã dùng ngòi bút của mình tố cáo chế độ thực dân, cổ vũ nhân dân đấu tranh cho độc lập, cho tiến bộ xã hội. Trước Cách mạng Tháng tám, bộ phận nhà văn thuộc chủ nghĩa tả chân đã có những tác phẩm phê phán sắc sảo xã hội của chế độ thực dân như: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Chí Phèo (Nam Cao), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng)…

2.3.2 Văn hóa Việt Nam hiện đại (năm 1945 đến nay).

 Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân Cộng Hoà ra đời, chấm dứt hơn 80 năm đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Lịch sử Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng tám đã trải qua nhiều biến động lớn lao. Đó là trong vòng một nửa thế kỷ XX, Việt Nam đã phải tiến hành liên tiếp hai cuộc chiến trang giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

 Đặc điểm văn hoá thời kỳ này:

– Người lao động trở thành người làm chủ thể văn hoá có hệ tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin. Văn hoá truyền thống, văn hoá chuyên nghiệp, giao lưu văn hoá theo sự định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ các văn kiện như, ”Đề cương văn hoá Việt Nam”, (1943), ”Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam” (1948); các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cũng như các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

-Khoa học xã hội – nhân văn nước ta vốn có một bề dày nhưng còn lẻ tẻ và chưa có hệ thống, nay tiếp thu những phương pháp mới mới trong nghiên cứu.

-Khoa học tự nhiên kĩ thuật hầu như hoàn toàn mới đã được tiếp thu nhanh.

-Cơ sở hạ tầng kĩ thuật như đường quốc lộ, nhà máy điện, khai mỏ, nhà Bưu điện,nhà máy điện.v.v…bắt đầu xây dựng.

-Một số trường trung học, sau đó cao đẳng, được thành lập.

-Tiếng Pháp đưa vào dạy chính thức ở nhà trường.

-Hệ thống chữ quốc ngữ được được sử dụng phổ biến hơn , giúp cho phong trào học tập, truyền bá văn hóa mới được nhanh chóng.

-Hệ tư tưởng dân chủ tự do tư sản truyền bá vào nước ta.

-Lối sống phương Tây ảnh hưởng chủ yếu ở thành thị.

-Văn học, nghệ thuật phương Tây gây ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn nghệ nước ta ( giai đoạn 1930 -1945 ) như: Kịch, thơ mới, tranh sơn dầu.

– Hệ tư tưởng xã hội hệ văn hoá – hệ tư tưởng Mác – Lênin.

– Văn hoá truyền thống, văn hoá chuyên nghiệp đều phát triển, có sự giao lưu mạnh mẽ với văn hoá nhân loại.

C. KẾT LUẬN.

Tiến trình văn hóa việt nam đã trải qua 6 kỷ nguyên với 3 lớp văn hóa đã có nhiều thay đổi. Bản sắc văn hóa việt đã thay đổi theo từng thời kỳ, giai đoạn của đất nước. Chính vì vậy nó cũng thể hiện những bước thăng trầm trong thời kỳ dựng và giữ nước của dân ta. Bản sắc dân tộc ấy không chỉ được nhân dân ta quan tâm mà còn được các bạn bè nước ngoài chú ý. Vì vậy, trong thời buổi hội nhập kinh tế nền văn hóa việt càng cần được bảo tồn. Với chủ trương “hòa nhập nhưng không hòa tan” đảng, nhà nước ta đã có những biện pháp, hoạt động nhằm gìn giữ nền văn hóa dân tộc. Với tư cách là thế hệ trẻ – thế hệ tiếp nối những tinh hoa, văn hóa của dân tộc. Chúng ta cần ý thức rõ về trách nhiệm của  mình về việc giữ gìn văn hóa dân tộc. Chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về văn hóa nước nhà, cần tích cực tham gia vào các hoạt động mà nhà nước tổ chức. để từ đó nền văn hóa Việt sẽ không bao giờ bị “hòa tan“.

 

 

 

 

MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO

–         Lê văn chưởng (1999) Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb Trẻ, TPHCM.

–         Trần ngọc thêm (1999) Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, TPHCM.

–         Nguyễn Khắc Thuần (2010) Tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục.

–         Web : www.google.com.vn

–         vi.wikipedia.org

–         www.scribd.com

–         Bài giảng cơ sở văn hóa Việt Nam, Th.S Lương Vĩnh An