Tiểu luận Luật so sánh – Luật thành văn và án lệ ở Anh và Mỹ

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

MỞ ĐẦU

Hệ thống pháp luật Anh và Mỹ là hai hệ thống pháp luật lớn trên thế giới. Đây là hai hệ thống pháp luật cùng thuộc dòng họ Common law nhưng vai trò của luật thành văn và án lệ ở hai quốc gia này có những điểm khác biệt nhất định, bắt nguồn từ những nguyên nhân và được thể hiện rõ nét trong hệ thống pháp luật.

NỘI DUNG CHÍNH

I/ Nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt về vai trò của luật thành văn và án lệ ở Anh và Mỹ.

Anh và Mỹ là hai nước điển hình của dòng họ Common Law. Tuy nhiên vai trò của luật thành văn và án lệ ở Anh và Mỹ rất khác biệt. Có thể thấy rằng, luật thành văn và án lệ đều là những nguồn quan trọng của hệ thống pháp luật Anh, Mỹ. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể thì vai trò của án lệ ở Anh nổi bật hơn ở Mỹ nhiều và vai trò của luật thành văn ở Mỹ nổi bật hơn ở Anh nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt này, trong đó nguyên nhân quan trọng và sâu xa nhất là Anh là nước khởi nguồn của văn hoá án lệ. Án lệ có lịch sử phát triển lâu dài và chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Anh. Điều này, cũng chính là nguyên nhân khiến cho luật thành văn ở Anh không phát triển như ở Mỹ. Còn Mỹ là nước chịu sự đô hộ của Anh vì thế nên cũng có truyền thống án lệ. Tuy nhiên, khi giành độc lập thì Mỹ xây dựng Hiến pháp thành văn để khẳng định rõ ràng chủ quyền độc lập của mình. Từ khi mới giành được độc lập năm 1776 thì họ đã không hề muốn phụ thuộc vào vương quốc Anh, tiền lệ pháp có nguồn gốc từ Anh nên không thực sự được ưa chuộng, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế xã hội có nhiều thay đổi. Mặt khác, nước Mỹ là hợp chủng quốc, người Anh tuy chiếm phần đông nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của các dân tộc khác, với bản sắc văn hóa, tôn giáo, chủng tộc khác nhau, do đó, việc tiếp thu, chấp nhận thụ động án lệ – một thứ cứng nhắc và ra đời từ rất lâu không phù hợp với người Mỹ. Đồng thời Mỹ không phải là nước khởi nguồn của văn hoá án lệ nên họ cũng sẵn sàng cải tiến tập quán đó hơn, một trong những cách cải tiến tập quán án lệ chính là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra cả hai hệ thống pháp luật Anh, Mỹ đều tôn trọng nguyên tắc “stare decisis” nghĩa là tuân thủ các phán quyết trước đây và không phá vỡ những quy phạm pháp luật đã được thiết lập trong án lệ. Tuy nhiên vai trò của nguyên tắc “stare decisis” ở mỗi nước không giống nhau, và dường như sự tuân thủ nguyên tắc này ở Anh có phần khắt khe hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Từ nguyên nhân sâu xa trên mà dẫn đến hệ thống pháp luật Anh và Mỹ mặc dù cùng thuộc dòng họ Commom law nhưng vẫn có sự khác biệt giữa vai trò của luật thành văn và án lệ ở Anh và Mỹ.

II/ Vai trò của luật thành văn và án lệ ở Anh và Mỹ

1. Án lệ là nguồn luật chính thống và chủ yếu ở Anh còn ở Mỹ thì án lệ ít quan trọng hơn.

Trong cả hai hệ thống pháp luật Anh và Mỹ thì đều tôn trọng nguyên tắc “stare decisis” nghĩa là tuân thủ các pháp quyết trước đây và không phá vỡ những quy phạm pháp luật đã được thiết lập trong án lệ. Theo nguyên tắc này thì tòa án cấp dưới chịu sự ràng buộc bởi các nguyên tắc pháp lý do các tòa án cấp trên sáng tạo ra được ghi nhận trong các bản án trong quá trình xét xử các vụ việc trong quá khứ. Tuy nhiên sự tuân thủ nguyên tắc “stare decisis” ở Anh có phần khắt khe hơn rất nhiều so với ở Mỹ.

Án lệ ở Anh đậm nét hơn vì ở Anh nó đã trở thành một nguyên tắc đã ăn sâu vào tiềm thức của người Anh. Trong hệ thống pháp luật Anh, án lệ có giá trị ràng buộc chính thức đối với các vụ việc trong tương lai. Tòa án bị ràng buộc bởi án lệ của Tòa án cấp trên và của chính mình, trừ Thượng Nghị Viện  không bắt buộc tuân theo án lệ của chính mình. Khi áp dụng án lệ phải đảm bảo được tính chắc chắn và ổn định của pháp luật, tuân thủ những nguyên tắc nhất định của pháp luật. Toà án xét xử các vụ án hiện tại, phải tìm ra những bản án tương đương trong quá khứ, nghiên cứu kĩ bản án đó và tìm ra những quy định để áp dụng trong vụ việc hiện tại. Án lệ ở Anh được chia thành án lệ bắt buộc và án lệ không bắt buộc. Ở Anh, các án lệ manh tính bắt buộc thường được ghi chép trong Law Reports, All England Law Reoorts, Weekly Law Reports. Luật của Anh có thể được coi là luật án lệ điển hình nhất thế giới. Để phát huy được hiệu lực của án lệ, bản thân các toà án phải được tổ chức thành một hệ thống có tính tập trung cao. Hay nói cách khác, ở đâu có hệ thống toà án tập trung, ở đó mới có thể nói đến vai trò của án lệ. 

Nếu như Anh được xem là quê hương của án lệ thì Mỹ lại khác. Mỹ có án lệ là do trong lịch sử Mỹ chịu sự đô hộ của Anh. Cho nên, vị trí của án lệ ở Mỹ không giống như ở Anh. Hơn nữa, nguyên tắc án lệ ở Mỹ không giống ở Anh. Ở Mỹ chỉ áp dụng án lệ của Tòa án cấp trên; phán quyết của các tòa án tối cao ở cấp bang và liên bang không chịu sự ràng buộc của chính mình; tòa án bang không bị bắt buộc tuân thủ án lệ của các tòa án ở các bang khác, ví dụ một phán quyết của tòa phúc thẩm cuối cùng (Court of Appreals)  của New York không bị bắt buộc tuân thủ án lệ  của tòa phúc thẩm cuối cùng của bang Michigan. Tuy nhiên các phán quyết phù hợp của các tòa án bang khác thường được viện dẫn, giá trị thuyết phục phụ thuộc vào việc tòa án nào đã đưa ra quyết định đó. Tòa án tối cao của Mỹ cũng khẳng định rằng kết quả xét xử của một vụ việc có thể dựa trên chính sách chung nhiều hơn là dựa vào án lệ và rằng triết lý của tòa án thay đổi tùy theo quan điểm cá nhân của người thẩm phán về vấn đề đang giải quyết và ở thời điểm giải quyết vụ việc. Qua đây có thể thấy việc áp dụng nguyên tắc stare decisis ở Mỹ không nghiêm ngặt như ở Anh. Các tập hợp án lệ của Mỹ được in trong tuyển tập Trình bày về pháp luật (Restatement of the Law) của Hiệp hội tư nhân có tên là Viện luật Hoa Kỳ (American Law Institute).

2. Luật thành văn ở Mỹ có vai trò quan trọng hơn luật thành văn ở Anh

Luật thành văn ở Anh bao gồm hai loại: statute law do Nghị viện ban hành và delegated or subordinate legislation do những cơ quan được Nghị viện uỷ quyền ban hành. Ở Anh không có hiến pháp thành văn thực chất chỉ có những văn bản luật có tính chất như hiến pháp đó là Luật tổ chức Nghị viện, Luật tổ chức Chính phủ, Luật kế vị ngai vàng, Charter of Liberties 1100, The Petition of Right (1628), English Bill of Rights (1688), Scotland Act of 1998 and Associated Legislation (1998), Government of Wales Act of 1998 and Associated Legislation (1998), Northern Ireland Act of 1998 and Associated Legislation, The Belfast Agreement (1998), The Human Rights Act (1998) .  Ở Anh không hề có sự phân biệt về tầm quan trọng của những văn bản mang tính hiến pháp so với pháp luật thông thường nên cũng không có cơ quan bảo hiến. Cái mà người Anh gọi là Hiến pháp chính là tổng thể các quy phạm có nguốn gốc luật thành văn hoặc nguồn gốc án lệ, có nội dung liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do và cơ bản của công dân và hạn chế sự độc đoán của chính quyền. 

Ngay từ khi ra đời thì nước Mỹ đã rất coi trọng luật thành văn. Hiến pháp năm 1789 là văn kiện pháp lý có tính chất tối cao, đây có thể coi là bản hiến pháp đầu tiên và là bản hiến pháp nổi tiếng nhất trong lịch sử với trên 200 năm tồn tại. Bản hiến pháp này dựa trên nền tảng học thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu và học thuyết về kiềm chế đối trọng quyền lực. Một điểm chứng minh vai trò của luật thành văn trong nguồn luật của Mỹ đó là cơ quan lập pháp của Mỹ thường xuyên tiến hành luật hóa các phán quyết của tòa án, các án lệ điển hình, hoạt động pháp điển hóa ở Mỹ được tiến hành thường xuyên hơn so với ở Anh. Một lĩnh vực nếu cùng có luật thành văn và án lệ điều chỉnh thì tất nhiên luật thành văn sẽ được ưu tiên áp dụng. Một điểm nữa khiến cho luật thành văn ở Mỹ trở nên quan trọng đó là vì tốc độ làm luật của các luật gia Mỹ thực sự rất đáng khâm phục. Đầu năm 2002 những vụ bê bối tài chính của các công ty hàng đầu của Mỹ trong nhiều lĩnh vực như Worldcom (công ty trong lĩnh vực viễn thông), Enron (trong lĩnh vực năng lượng), đã là động lực cho sự ra đời của Đạo luật Sarbanes–Oxley 2002 còn có tên khác là Luật Bảo vệ nhà đầu tư và sửa đổi chế độ kế toán ở Công ty Cổ phần, gọi tắt là SOX hoặc SarbOx, được Quốc hội Mỹ ban hành ngày 30/7/2002 (Tác giả của đạo luật này là 2 nghị sĩ Paul Sarbanes và Michael Oxley).

KẾT LUẬN

Qua đây có thể thấy mặc dù hệ thống pháp luật của Anh và Mỹ đều có chung nguồn gốc lịch sử, và đều thuộc dòng họ Common law nhưng chúng cũng có những điểm khác biệt cơ bản trong vai trò của luật thành văn và án lệ giữa Anh và Mỹ. Điều này là do nhiều nguyên nhân khác nhau về: lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội , kinh tế, chính trị… nhưng nó đã tạo nên những đặc trưng của 2 hệ thống pháp luật lớn trên thế giới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật so sánh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2008

2. Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Nxb Tp Hồ Chí Minh năm 2003.

3. Luật so sánh (bản tiếng Việt), Micheal Bogdan năm 2002.