Tìm hiểu cách nói chuyện lịch sự của người Anh

Tim hieu cach noi chuyen lich su cua nguoi Anh

Người Anh nổi tiếng là một trong những dân tộc có văn hóa ứng xử lịch sự nhất nhì trên thế giới. Không chỉ du học sinh Anh mà cả những người đã và đang làm việc trong môi trường quốc tế đều nên tìm hiểu về phong cách giao tiếp lịch thiệp của người Anh để phòng tránh những xung đột không đáng có trong công việc hoặc cuộc sống thường ngày. Quy tắc ứng xử nhã nhặn của người Anh là đề tài rất rộng nên trong giới hạn bài viết này Hotcourses Vietnam chỉ đề cập đến khía cạnh lịch sự trong ngôn ngữ nói của người dân “xứ sở sương mù”.

 

 >> Tìm hiểu văn hóa Anh

 

Các nét đặc trưng trong cách nói chuyện của người Anh

Chuộng cách nói gián tiếp:

Khác với người Mỹ, người Anh không có thói quen thẳng thắn chia sẻ những gì mình nghĩ mà thường nói giảm nói tránh với nhiều ẩn ý sâu xa. Người Anh thích dùng cách nói vòng vo này để hạn chế mọi xung đột có thể xảy ra trong quá trình giao tiếp và đảm bảo cuộc hội thoại luôn diễn ra trong bầu không khí lịch sự như mong muốn. Vì lý do này nên khi nói chuyện với người Anh bạn không nên chỉ đơn giản hiểu nghĩa gốc của từ ngữ mà phải cố gắng nắm bắt “ý tại ngôn ngoại” trong từng câu chữ để tránh hiểu lệch, hiểu sai.

 

Không thích gây hấn với người khác:

Người Anh có xu hướng tránh “gây thù chuốc oán” với người khác bằng mọi giá ngay cả khi họ không hài lòng hoặc cảm thấy khó chịu. Khi gặp phải những tình huống có nguy cơ xảy ra xung đột không thể tránh thì họ vẫn chọn cách nói mang hàm ý tích cực nhất có thể để không làm bất kỳ ai tổn thương. Mặc dù không thích gây hấn với ai nhưng không có nghĩa người Anh không bao giờ để bụng khi bị người khác đối xử bất công hoặc khiếm nhã. Vì người Anh luôn tỏ ra nhã nhặn trong mọi trường hợp nên bạn sẽ rất khó để biết câu gì bạn nói làm họ khó chịu hoặc điều gì bạn làm khiến họ phiền lòng.

 

 

Không tâng bốc bản thân:

Người Anh hiếm khi đề cao bản thân trong trò chuyện hằng ngày mà ngược lại còn cố tình đánh giá thấp chính mình để thể hiện sự khiêm tốn, thật thà và thực tế như một phép lịch sự. Khi nói chuyện với người Anh bạn cũng không nên cho rằng mình luôn đúng hoặc thể hiện cái tôi quá đà mà hãy cho họ thấy bạn là một người vẫn có thiếu sót cần cải thiện để gây được thiện cảm. Mặc dù người Anh luôn tỏ ra khiêm tốn nhưng không vì thế mà bạn có thể thoải mái hùa theo những nhận định không hay của họ về bản thân vì đó sẽ trở thành hành động xem thường người khác.

 

Nói đùa châm biếm:

Đối với những đề tài khó nói nhưng không thể tránh né, người Anh thường chọn cách nói đùa để bộc lộ suy nghĩ. Kiểu nói đùa của người Anh thường không mang tính xúc phạm sâu cay (nhưng có hay không thì chỉ riêng họ mới biết) mà chỉ có sự châm biếm nhẹ nhàng đủ để đối phương hiểu vấn đề nhưng không cảm thấy quá khó chịu. Người Anh nói đùa rất tinh tế và thường xuyên nên sẽ có lúc bạn cảm thấy hoang mang vì không rõ đó là lời nói đùa vô hại hay là một sự thật được bọc dưới lớp áo pha trò. Đôi lúc bạn sẽ khó tránh khỏi việc thấy bị xúc phạm vì câu nói đùa mang tính châm biếm dù có nhẹ nhàng đến đâu thì về cơ bản vẫn là một lời chế nhạo. 

 

Hạn chế biểu lộ cảm xúc:

Trong quá trình nói chuyện, người Anh hiếm khi bộc lộ cho đối phương biết cảm xúc thật của mình thông qua nét mặt. Theo quan điểm của người Anh, thể hiện cảm xúc cá nhân là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp trong công việc và kém lịch sự trong cuộc sống. Bạn có thể sẽ lấy làm lạ khi người Anh vẫn có thể giữ một nét mặt nghiêm trang và bình thản trong lúc đang nói đùa nhưng từ từ bạn sẽ phải tập làm quen dần với điều đó.

 

 

>> Bí quyết giảm thiểu chi phí khi du học Anh

 

 

Một số cách nói dễ gây hiểu lầm của người Anh

Để dễ hình dung về phong cách nói chuyện đầy ẩn ý một cách lịch thiệp và đôi khi khó hiểu của người Anh, các bạn có thể tham khảo những ví dụ do HCVN liệt kê dưới đây:

 

Điều người Anh nói

Điều người Anh nghĩ

Điều bạn hiểu lầm

That’s not bad

That’s good

That’s poor

If you say so

I don’t agree with you

He or she agrees with me

Oh, is that so?

I don’t believe you

He or she believes me

Quite good

A bit disappointing

Quite good

I’m sure it’s my fault

It’s your fault

Why do they think it was their fault?

Just whenever you get a minute

Now

When you get the time

You must come for dinner

It’s not an invitation, I’m just being polite

I will take time to come for dinner in your house

I was a bit disappointed that…

I am annoyed that…

It doesn’t really matter

I might join you later

I’m not leaving the house today

He or she is going to join me later

That’s certainly one way of looking at it

That’s certainly the wrong way of looking at it…

That’s certainly one way of looking at it

It could be worse…

It couldn’t possibly be any worse…

It’s not that bad…

With the greatest respect

You have absolutely no idea what you are talking about!

He or she respects my ideas

Very interesting

That is clearly nonsense

He or she thinks that was interesting

I’m just popping out for lunch, does anyone want anything?

I’m getting my own lunch now, please remain silent

He or she is so nice for offering the help

 

 

5 “bí kíp” để nói chuyện lịch sự như người Anh

Việc hiểu đúng ý người Anh chắc chắn không thể xảy ra một sớm một chiều đối với những người không sinh ra ở Anh như bạn nhưng để có thể phần nào nói chuyện lịch thiệp đậm chất Anh thì bạn chỉ cần bắt đầu áp dụng 5 “tuyệt chiêu” dưới đây:

 

Luôn dùng “please” và “thank you”:

Bất kể bạn nói gì thì chỉ cần thêm “please” và “thank you” thì lập tức câu nói ấy trở nên lịch sự hơn hẳn. Người Anh sử dụng “please” và “thank you” rất thường xuyên trong sinh hoạt thường ngày bao gồm cả những việc nhỏ nhặt nhất. Họ còn có cách nói “mind your p’s (please) and q’s (thank you)” dùng để nhắc nhở những người quên không sử dụng cách nói lịch sự này.

 

 

Xin lỗi kể cả khi đó là… lỗi của người khác:

“Sorry” là một câu cửa miệng khác của người Anh bạn cần biết. Người Anh dùng “sorry” không chỉ để xin lỗi mà còn cho nhiều trường hợp khác như để ngắt lời người nói, thể hiện sự không đồng tình hoặc không hiểu. Thậm chí khi vô tình bị ảnh hưởng do lỗi của người khác gây ra thì họ vẫn nói “sorry” và cho rằng mình đã làm sai gì đó nên mới xảy ra cớ sự này. Không chỉ thường xuyên nói “sorry”, người Anh còn rất thoải mái trong việc chấp nhận lời xin lỗi của người khác để tránh làm cho tình hình trở nên căng thẳng.

 

 

Dùng từ tích cực với thể phủ định để nói một điều tiêu cực:

Dù có cùng một ý nhưng cách nói phủ định với từ tích cực vẫn luôn dễ được chấp nhận và mang tính lịch sự hơn là chỉ dùng một từ mang nghĩa tiêu cực. Ví dụ như thay vì nói “I think it’s a bad idea” thì bạn có thể sửa lại thành “I don’t think that’s such a good idea”. Trong một số trường hợp nhất định khi thể phủ định vẫn mang nghĩa tiêu cực thì bạn nên thêm một số từ bổ trợ để câu nói nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như thay vì nói “I don’t like it” thì bạn có thể dùng “I don’t really like it I’m afraid”. Hoặc với “I didn’t catch that” thì bạn nên nói rằng “Sorry I didn’t quite catch that”.

 

Hạn chế dùng ngôi thứ hai “you”:

Khi bạn dùng “you” quá nhiều thì sẽ tạo cảm giác đang đổ lỗi cho người khác và khiến người nghe cảm thấy không vui. Dù vấn đề nằm ở đối phương nhưng người Anh vẫn sẽ lái câu nói để thể hiện mình cũng có một phần trách nhiệm trong đó bằng cách sử dụng ngôi thứ nhất. Ví dụ như thay vì nói “You don’t understand me” thì bạn nên bảo rằng “Maybe I’m not making myself clear”. Hoặc thay vì nói “You didn’t explain this point” thì chỉ cần thay thành ngôi thứ nhất là “I don’t understand this point” thì nghe sẽ lịch sự hơn.

 

Không nói chuyện lớn tiếng nơi công cộng:

Âm lượng khi giao tiếp cũng rất quan trọng trong việc thể hiện sự lịch thiệp trong cư xử. Bạn nên tập kiểm soát âm lượng của mình ở mức vừa đủ nghe cho đối phương mà không làm ồn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ngay cả khi sử dụng điện thoại, nếu xét thấy cuộc hội thoại của mình có thể làm phiền người khác thì bạn nên đi ra một chỗ ít người để nghe điện thoại.

 

>> Tại sao nên du học Anh?

 

 

Học qua thực tế vẫn là cách tốt nhất!

Bài viết ngắn gọn này chắc chắn sẽ không thể nào đủ chi tiết để có thể giúp bạn có cách nói chuyện lịch sự như một người Anh chính hiệu. Những thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo để bạn nhận thức được sự lịch thiệp trong ăn nói của người Anh và tiếp tục quan sát trong thực tế để học hỏi thêm.

 

Bạn nên lưu ý bài viết này chỉ mang tính tương đối vì nước Anh cũng như bất kỳ đâu trên thế giới đều có người này người kia. Đó là chưa kể Anh còn là quốc gia đa sắc tộc với nhiều nền văn hóa khác nhau nên văn hóa ứng xử chắc chắn không chỉ có một. Cách tốt nhất để bạn có thể hiểu rõ về cách nói chuyện lịch sự của người Anh là cố gắng giao tiếp nhiều với họ để làm quen và thích ứng. Chắc chắn bạn sẽ không thể tránh khỏi sai sót khiến người bản xứ phật lòng trong thời gian đầu nhưng đừng nên cảm thấy quá tội lỗi vì đó là điều bình thường đối với một người nước ngoài đang cố gắng sử dụng tiếng Anh theo cách của người Anh như bạn.

 

Nguồn tham khảo: London School, Cutural Atlas, Online Teachers UK, Study Links, New College Group, The London Salad