Tìm hiểu nguồn gốc phong tục dân gian: Tết Trung thu
Tết Trung Thu là một trong ba ngày lễ tết lớn của một số quốc gia phương Đông. Bái nguyệt (cúng trăng), ngắm trăng, ăn bánh Trung thu chính là phong tục phổ biến của Tết Trung thu. Tuy nhiên, ba phong tục này vốn cũng không phải là có cùng nguồn gốc, nguồn gốc bắt đầu thậm chí là cách nhau mấy ngàn năm. Chúng ta đã thực sự hiểu rõ về các phong tục liên quan đến “Trăng” của ngày Tết Trung Thu chưa?
Người xưa bái Nguyệt vì điều gì?
Tập tục bái nguyệt (cúng trăng) vào mùa thu trong văn hóa dân tộc Trung Hoa bắt nguồn từ rất sớm, nhưng không phải là vì “Tết Trung Thu”.
Trong “Chu Lễ”, chúng ta có thể thấy từ thời thượng cổ, ba triều đại Hạ – Thương – Chu đã có lễ tế trăng, cũng gọi là “Tịch Nguyệt”. Trong “Chu Lễ”, Trịnh Huyền chú giải rằng: “Thiên tử thường xuân phân triêu nhật, thu phân tịch nguyệt” (Thiên tử thường tế Mặt Trời vào tiết xuân phân, tế Mặt Trăng vào tiết thu phân). Từ ba triều đại thời thượng cổ trở về sau, mãi đến tận triều đại nhà Thanh, đời đời đều truyền thừa lễ chế và ý nghĩa tinh thần của “Thu phân, tịch nguyệt vu tây giao” (Tiết Thu phân, tế Nguyệt ở cung điện ngoại ô phía Tây). Lễ Tịch Nguyệt là một trong những lễ lớn tế tự Trời Đất, Thiên Tử ngay tại cung điện ở ngoại ô phía Tây lễ bái Thần Mặt Trăng. Nguyệt Đàn ở Bắc Kinh là đàn tế mặt trăng xây dựng vào năm Gia Tĩnh thứ 9 thời nhà Minh, cũng được gọi là “Tịch Nguyệt Đàn”, được xây dựng dành riêng cho lễ tế bái Tịch Nguyệt vào tiết Thu phân. Lễ bái tiết Thu phân có sớm hơn tết Trung Thu, khởi nguồn của tục tế bái Mặt Trăng trong Tết Trung Thu xuất phát từ nghi lễ bái Nguyệt vào tiết Thu phân từ thời cổ xưa này.
Vì sao phải bái Nguyệt khi vào tiết Thu phân? Có thể tham khảo cuốn thứ 6 “Tứ Ngôn Thi” của “Đại Đường giao tự lục” để giải đáp: “Nguyệt dĩ âm đức, tự tây nhi sinh. Tích thủy chi khí, tác kim chi tinh. Lệ thiên thành tượng, phối nhật vi minh.” Chính là nói Nguyệt là đại biểu cho âm đức, mà tiết Thu phân là thời điểm chuyển giao cho dương tiêu âm trường (ngày ngắn đêm dài) trong một năm, vì vậy trong đêm quan trọng này cử hành đại lễ tế tự Thần Mặt Trăng. Bởi vậy có thể thấy được bái nguyệt chính là bày tỏ thái độ kính trọng đạo Trời. Ngày Thu phân chính là thời điểm chính giữa mùa thu, “Trung Thu” là đúng với nghĩa giữa mùa thu, nhưng không nhất định phải ngày 15 trăng tròn. Trong “Chu Lễ” có câu rằng: “Trung Thu hiến lương cầu” nghĩa là Trung Thu dâng áo lông, trung thu ở đây chính là chỉ tiết Thu phân, mà không phải nói là “Tết Trung Thu”.
Vào tiết Thu phân, Hoàng Đế cử hành lễ Tịch Nguyệt còn hàm chứa ý nghĩa lấy việc kính thờ Thần để giáo hóa thiên hạ. Trong cuốn sử “Quốc ngữ” đã nói lên hàm nghĩa này: “Cổ giả, tiên vương ký hữu thiên hạ, hựu sùng lập thượng đế, minh thần nhi kính sự chi, vu thị hồ hữu triêu nhật, tịch nguyệt dĩ giáo dân sự quân.” Người xưa, Tiên Vương đã có thiên hạ, lại sùng kính Trời, kính thờ Thần linh, kết quả là có lễ Triêu Nhật, Tịch Nguyệt, Vua lấy đó để giáo dục dân chúng. Thiên Tử kính cẩn cúng tế Nguyệt Thần, hướng về bách tính trong thiên hạ truyền tụng tinh thần cùng với luân lý kính Trời, kính Thần, tạ ơn Trời, tạ ơn Thần của Vua và dân. Phong tục Tế trăng trong Tết Trung Thu, kỳ thực là truyền thừa từ nội hàm của nét văn hóa Thần truyền này.
Lễ bái nguyệt của Tết Trung Thu có từ khi nào?
Vào cuối thời Đường đầu thời Tống có người vô danh hát bài “Động Tiên ca” rằng: “Quế phong cao xứ, tiệm cận trung thu tiết” (tạm dịch: gió thổi hương quế nơi cao, gần đến Tết Trung Thu). Thế nhưng các điển lễ được ghi lại trong cuốn “Thông Điển” đời Đường thì không có “Tết Trung Thu”. Bước sang đời Tống, “Tết Trung Thu” đã xuất hiện với lượng lớn trong các ghi chép phong tục dân gian và thơ ca. Ví như Tống Bá Nhân thời Tống ngâm bài “Trung Thu Nguyệt” rằng: “Nhân sinh kỷ cá trung thu tiết, na đắc đo tương tiếu nhãn khán” (Tạm dịch: Đời người được mấy Tết Trung Thu, được kia nên vui vẻ đón chào).
Trong “Túy ông đàm lục” thời Tống có ghi chép lại tục bái nguyệt vào Trung Thu ở kinh thành rất thịnh hành. Thời đó bất kể là nhà giàu hay nghèo, chỉ cần có con gái ở độ tuổi 12 hay 13, thì đều vui vẻ và nóng lòng mặc vào những bộ quần áo và trang sức của người trưởng thành, đi đến lầu cao trong nhà đốt hương, bái nguyệt. Nam tử hay nữ tử đều có lòng cầu nguyện, nữ thì cầu nguyện được dung mạo xinh đẹp như Hằng Nga, hôn nhân gia đình mỹ mãn như vầng trăng tròn đầy, nhiều con cháu nhiều phúc lành; nam tử thì cầu nguyện sớm đỗ đạt, cưới được người con gái xinh đẹp như Hằng Nga làm vợ. Về sau, vào thời nhà Thanh, bái nguyệt vào dịp Tết Trung Thu, chủ yếu là dành cho nữ tử, nam tử phần lớn không còn bái nguyệt nữa. Ở kinh thành thời ấy có câu tục ngữ rằng: “Nam không bái nguyệt, nữ không cúng ông Táo”.
Phong tục ngắm trăng, chơi trăng trong đêm Tết Trung Thu có từ khi nào?
“Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt,
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân.”
Tạm dịch nghĩa:
Người bên sông, ai kẻ đầu tiên thấy trăng
Trăng trên sông, năm nào đầu tiên rọi xuống người
Thú vui tao nhã ngắm trăng, chơi trăng trong mùa Trung Thu có sớm hơn Tết Trung Thu. Thi nhân Bảo Chiếu thời Nam Bắc triều đã sáng tác bài thơ “Ngoạn nguyệt thành tây môn giải trung thi”, trong đó có câu “Tam ngũ nhị bát thì, thiên lý dữ quân đồng” (Tạm dịch: Đêm mười lăm mười sáu, dù xa ngàn dặm vẫn cùng chàng chung ánh trăng).
Đường Huyền Tông từng vào đêm 15 tháng 8 cùng với Quý Phi đến Thái Dịch Trì (hồ Thái Dịch), dựa vào lan can ngắm trăng. Bởi vì lầu gác không đủ cao mà mất hứng, nên muốn xây dựng Vọng Nguyệt Lâu, đến năm sau loạn An Sử xảy ra, nên không thể tiến hành xây dựng. Trong bài thơ “Quỳ Phủ Thư Hoài” của Đỗ Phủ có câu thơ: “Thưởng nguyệt diên thu quế” (Ngắm trăng thấy cây quế mùa thu dài thêm), cho thấy thú ngắm trăng trong mùa thu. Trong bài thơ “Hiệu Đào Tiềm Thể” của Bạch Cư Dị có câu thơ ngâm “Trung thu tam ngũ dạ, minh nguyệt tại tiền hiên” (Đêm mười lăm Trung Thu, trăng sáng trước hiên), đã tả rõ cảnh ngắn trăng sáng trước cửa sổ dưới mái hiên vào đêm rằm Trung Thu.
Thời Đại Tống, Tết Trung Thu chính thức trở thành ngày lễ, trong “Mộng Lương Lục – Trung Thu” của Ngô Tự Mục thời Nam Tống có ghi: “Bát nguyệt thập ngũ nhật, trung thu tiết, thử nhật tam thu kháp bán (* âm lịch), cố vị chi trung thu. Thử dạ nguyệt sắc bội minh vu thường thì, hựu xưng nguyệt tịch” (Ngày 15 tháng 8, Tết Trung Thu, ngày này vừa đúng ở giữa trong ba tháng của mùa thu, nên gọi là Trung Thu. Trăng của đêm này sáng gấp bội lần so với trăng ngày thường, nên gọi là Nguyệt Tịch).
Cuốn sách “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” và Mạnh Nguyên Lão thời Bắc Tống đều có ghi lại cảnh ngắm trăng và dạo chơi dưới ánh trăng náo nhiệt trong đêm cuối cùng của Tết Trung Thu, trong hương thơm của hoa quế bay nhẹ, ánh trăng bàng bạc phủ đầy mặt đất, cho dù là nhà giàu có hay nhà nghèo, đều vui vẻ lên lầu ngắm trăng, đã phát triển trở thành phong trào phổ biến trong thời Tống. Nhà giàu có thì giăng đèn kết hoa lụa trang trí ban công lộng lẫy, mời người thân bạn bè đến cùng thưởng nguyệt; dân chúng bình thường thì bày tiệc đoàn viên của gia đình ở ban công, hoặc là tranh đến tửu lâu ngắm trăng, chơi trò chơi đêm trăng. Người đi chơi trăng, đi dạo chơi quanh thành, thâu đêm suốt sáng, trẻ nhỏ trong xóm, vui chơi suốt đêm. Trong bài thơ nổi tiếng “Thủy Điệu Ca Đầu” của Tô Thức có câu “Minh nguyệt kỷ thì hữu, bả tửu vấn thanh thiên” (Tạm dịch: Trăng sáng có từ bao giờ, Nâng chén rượu hỏi trời xanh) đã nói lên sở thích ngắm trăng trở thành kinh điển.
Sau khi người Mông Cổ đến Trung Nguyên, người Mông Cổ cũng có tập tục ngắm trăng, chơi trăng Trung Thu giống người Hán. Thời Nguyên, lầu tây mở tiệc, cẩm đình ngắm trăng đều là những nơi thưởng nguyệt kinh điển nổi tiếng. Thời Minh, ở Nam Kinh có xây dựng Vọng Nguyệt Lâu, Ngoạn Nguyệt Kiều; thời Thanh, ở dưới núi Sư Tử có Triêu Nguyệt Lâu, những đình lâu ngắm trăng thưởng nguyệt này, đều là những thắng cảnh thưởng nguyệt chơi trăng nổi tiếng của từng thời.
Tập tục ăn bánh Trung thu mang ý nghĩa gì?
Tập tục ăn bánh Trung thu có muộn hơn tập tục bái nguyệt, ngắm trăng. Lễ chế thời Chu, tiết Thu phân Tế trăng, người dân có phong tục kính trọng người già, mời người già ăn cháo kê chứ không phải ăn bánh Trung Thu, phong tục này kéo dài cho đến thời nhà Đường. Đến thời Tống thì đã có “bánh Trung thu”, nhưng cũng không phải là món ăn lễ hội của Tết Trung Thu, mà là một món bánh ngọt bình dân đều có thể mua được quanh năm. Khi đó, “bánh Trung thu” bán ở chợ Tiền Đường, Chiết Giang là loại bánh ngọt hấp, không phải bánh Trung thu nướng thơm mềm.
Trong dân gian có lưu truyền rộng rãi rằng, vào cuối thời Nguyên, Tết Trung Thu người ta tặng nhau bánh Trung thu, bên trong có truyền tin mật cuộc khởi nghĩa “ngày 15 tháng 8 giết Thát tử” (ngày Rằm tháng tám giết quân Thát Đát, tức Mông Cổ), nhưng không thấy sử sách ghi lại điều này. Tết Trung Thu bái nguyệt dâng bánh Trung thu, thưởng nguyệt ăn bánh Trung thu là phong tục được hình thành ở hai thời Minh – Thanh. Tết Trung Thu ở thời Minh còn được gọi là “Tết Đoàn Viên”, trong dân gian thường dùng bánh Trung thu vừa tròn vừa lớn để cúng trăng sáng, trăng tròn – bánh tròn tượng trưng cho người người đoàn viên. Bánh Trung thu cũng là tặng phẩm để biếu tặng người thân bạn bè, thời đó mọi người đều coi trọng ý nghĩa “đoàn viên” của bánh Trung thu, cho nên trái cây hay bánh dùng để cúng trăng đều nhất định phải tròn.
Đến thời nhà Thanh, những chiếc “bánh Trung thu” hình tròn lớn dùng để Tế trăng có đường kính hơn một thước (một thước bằng 0.33m), trên mặt bánh có vẽ các nhân vật truyền thuyết như Nguyệt Cung, Cóc và Thỏ Ngọc. Sau lễ Tế trăng, các thành viên trong gia đình chia nhau bánh trung thu, mỗi người một phần, đồng thời mang phột phần tặng cho những người xa quê không kịp trở về nhà. Có một số người đem bánh Trung thu cất giữ đến đêm trừ tịch mới ăn, gọi là “bánh đoàn viên”.
Lời kết: Hãy trân quý và giữ gìn tinh thần truyền thống
Những phong tục Tết Trung Thu như bái nguyệt, ngắm trăng, ăn bánh Trung Thu rất quen thuộc đối với dân tộc Hoa Hạ, vốn đã có từ Tam đại thời thượng cổ (Hạ, Thương, Chu), trải qua thời Tống đến thời Minh – Thanh, qua mấy ngàn năm mới hội tụ mà thành, để cho con người trân quý lịch sử lâu đời của văn hóa Trung Hoa. Trải qua một lần quay trở về tìm hiểu nguồn gốc, đã làm cho chúng ta hiểu được rằng, tinh thần sùng kính Thiên Đạo Thần linh, thì Thần linh sẽ bảo hộ cho con cháu các đời của người dân Trung Hoa, đó là cội nguồn của tinh thần Trung Thu! Cẩn thận giữ gìn nguồn gốc tinh thần Trung Thu, thì tâm nguyện Trung Thu đoàn viên “Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thiền quyên” (Chỉ mong người trường cửu, ngàn dặm chung vẻ đẹp của trăng) mới có thể dược kéo dài và trở thành hiện thực.
Tài liệu tham khảo:
“Chu Lễ”; “Quốc Ngữ”
“Tân Đường Thư”
“Đại Đường Giao Tự Lục” của Vương Kính triều Đường
“Thông Điển” của Đỗ Hữu triều Đường
“Khai Nguyên Thiên Bảo Di Sự” của Vương Nhân Dụ triều Đường
“Tuế Hoa Kỷ Lệ” của Hàn Ngạc triều Đường
“Thái Bình Quảng Ký” của Lý Phưởng triều Tống
“Đông Kinh Mộng Hoa Lục” của Mạnh Nguyên Lão triều Tống
“Di Kiên Chí” của Hồng Mại triều Tống
“Tân Biên Túy Ông Đàm Lục” của Kim Danh Chi triều Tống
“Vũ Lâm Cựu Sự” của Chu Mật triều Nam Tống, Chu Đình Hoán triều Minh bổ sung
“Mộng Lương Lục” của Ngô Tự Mục triều Nam Tống
“Tuế Hoa Kỷ Lệ Phổ” của Phí Trứ triều Nguyên
“Đế Kinh Cảnh Vật Lược” của Lưu Đồng triều Minh
“Tây Hồ Du Lãm Chí Hội” của Điền Nhữ Thành triều Minh
“Yến Kinh Tuế Thời Ký” của Phú Sát Đôn Sùng triều Thanh
“Thanh Gia Lộc” của Cố Lộc Đích triều Thanh
“Đường Thi Tam Bách Thủ” của Hành Đường Thoái Sĩ triều Thanh
Dung Nãi Gia
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Lý Mai biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
CHIA SẺ
CHIA SẺ