Tìm hiểu văn hóa phong tục người Indonesia – Air Booking

[kkstarratings]

Indonesia nổi tiếng với những văn hóa có một không hai. Đặc trưng văn hóa ở Indonesia mang những bản sắc độc đáo riêng thu hút khách du lịch đến đây tìm hiểu. Nếu du khách muốn một chuyến đi thú vị và nhiều niềm vui tại đất nước này thì việc cần thiết là phải hiểu hiểu về văn hóa phong tục người Indonesia. Hãy cùng Airbooking tìm hiểu một vài nét văn hóa sau nhé!

1. Nền văn hóa pha trộn

Đặc trưng văn hóa của Indonesia là văn hoá tôn giáo. Nhưng nền văn hoá của Indonesia là nền văn hoá không thuần nhất. Đó là sự hoà hợp đa dạng giữa các nền văn hoá và phong tục của nhiều tôn giáo. Trong đó, Hồi giáo có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Indonesia (khoảng 86% dân số là người hồi giáo). Mỗi lễ hội là đặc trưng cho mỗi nền tôn giáo khác nhau. Indonesia có khoảng 300 nhóm sắc tộc cho nên mỗi nhóm sẽ có nét văn hóa khác biệt. Dù đã trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển cùng với ảnh hưởng từ các nước như Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc, Malaysia và Châu Âu nhưng nét văn hóa của Indonesia lại có sự phân hóa sâu sắc. Đất nước Indonesia là đất nước của những lễ hội. Hàng năm có rất nhiều lễ hội được tổ chức tại đây. Người dân Indonesia tham gia lễ hội với tinh thần dân tộc nồng nhiệt làm cho du khách như bị níu chân cùng hòa mình vào không khí thân tình.

sentani
2. Ngôn ngữ

Có hơn 700 thứ tiếng đang được nói ở Indonesia. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Indonesia, một phiên bản bị biến đổi của tiếng Malay, được sử dụng trong thương mại, hành chính, giáo dục và truyền thông, nhưng hầu hết người Indonesia nói các thứ tiếng địa phương, như tiếng Java, như là tiếng mẹ đẻ của họ.

Hiện nay, sự thống lĩnh toàn cầu của tiếng Anh đang là một mối đe dọa lớn đối với ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Trẻ em Indonesia, mặc dù được sinh ra và lớn lên ở Indonesia, nhưng các em lại đang phải chật vật với chính ngôn ngữ của đất nước mình, tiếng Bahasa Indonesia. Cha mẹ các em, những người lớn lên trong tiếng mẹ đẻ, nhưng lại sang Mỹ và Australia du học, thích nói chuyện với con cái bằng tiếng Anh. Và các em thường được cho học ở trường tư, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ hướng dẫn chính.

3. Kebaya – trang phục truyền thống Indonesia

Trang phục truyền thống là biểu trưng của quốc gia, gắn liền với giai đoạn xây dựng và phát triển của quốc gia đó. Do đó, khi nhắc tới xứ vạn đảo Indonesia thì chúng ta không thể quên nhắc đến Kebaya – trang phục truyền thống Indonesia.

Kebaya

Kebaya gồm một chiếc áo ôm sát cơ thể, cổ áo trước mở rộng, tay áo dài, chất liệu mỏng nhẹ như tơ lụa hay cotton mỏng… kèm theo đó là những họa tiết hoa lá được in hoặc dệt trên vải. Kebaya truyền thống còn có một dải vải choàng stagen bằng chất liệu batik khoác lên áo. Áo được buộc bằng trâm cài đầu – kerongsang. Kerongsang bằng vàng và được xem là biểu tượng cho tầng lớp quý tộc. Thông thường, Kebaya được mặc với váy kain – một dải vải gồm nhiều nếp xếp li sống động quấn quanh phần cơ thể từ eo xuống dưới.

Kebaya cũng là trang phục cưới của nhiều phụ nữ đầy quyền lực ở Indonesia và được coi là “kiệt tác nghệ thuật” với những chi tiết và hoa văn được thêu may trên hai cánh tay. Các nhà thiết kế như Ami Amianto đã giúp Kebaya trở thành một phần quan trọng trong lịch sử thời trang Indonesia. Nếu du khách đi Indonesia du lịch và tình cờ thấy một phụ nữ mặc Kebaya, hãy tin rằng họ đang mang cả biểu tượng lịch sử và văn hóa của quốc gia Indonesia và cả một phong cách thời trang đầy sang trọng.

4. Ẩm thực mới lạ

Từ những gánh hàng rong trên hè phố, các gian hàng ẩm thực đến các nhà hàng, khách sạn sang trọng đều có thực đơn các món ăn truyền thống của Indonesia. Dù ở đâu đặc điểm dễ nhận nhất của ẩm thực Indonesia chính là gia vị nồng cay trong tất cả mọi món ăn. Người Indonesia có cách ăn rất phong phú, nhiều gia vị, màu sắc hài hòa. Tuy nhiên, lúc nào trong khẩu phần ăn cũng đều có ba món: nước dừa, ớt và đậu phộng. Ớt và tiêu đỏ là những loại gia vị chính có mặt trong hầu hết các món ăn. Gia vị là yếu tố quan trọng nhất để chế biến thức ăn nên người Indonesia khá “mạnh tay” khi nêm nếm. Bởi vậy, những món ăn tại đây thường có vị cay nồng, vị mặn quá tay và vị ngọt quá gắt. Nếu không quen ăn cay, khi đến các quán ăn tại Jakarta, bạn phải nói “Tidak pakai cabe” để dặn dò đầu bếp nêm nếm gia vị vừa phải.

am thuc indo
Như nhiều nước châu Á khác, ở Indonesia, gạo là lương thực chính nên cơm có vị trí không thể thay thế trên bàn ăn. Cơm ở đây khá béo vì người Indonesia thường thêm nuớc cốt dừa vào lúc cơm gần chín. Khi dọn cơm, người ta thường lót một ít lá dứa bên dưới để làm dậy hương thơm ngào ngạt của hạt gạo chín.

5. Văn hóa trong giao tiếp

Indonesia có thể là một nước láng giềng gần gũi với Việt Nam bởi cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, cùng trong khối Asian. Thế nhưng có những điều làm nên nét khác biệt thú vị mà du khách nên chú ý khi ghé thăm đất nước vạn đảo này để tránh gặp phiền toái khi gặp gỡ người bản xứ. Trong đó, giao tiếp lịch sự phong cách Indonesia chính là điều quan trọng không thể bỏ qua đầu tiên.

Dưới đây là một số lưu ý trong giao tiếp với người dân Indonesia mà du khách nên ghi nhớ:

– Không được vuốt đầu của người Indonesia vì như thế là mất lịch sự. Khi chào người lớn, họ thường không ngẩng cao đầu mà hạ thấp cổ hay hạ thấp vai khi đi qua để thể hiện sự tôn trọng.

chao hoi indo

– Khi đưa hay nhận một vật gì bạn nhớ dùng tay phải (không được dùng tay trái vì tay trái đối với phần lớn người Indonesia là không sạch sẽ). Để an toàn, bạn nên dùng cả hai tay khi trao hoặc nhận vật gì để sự kính trọng và lịch sự. Nên nhớ, người Indonesia rất kính trọng người cao tuổi, vì vậy khi giao tiếp với người cao tuổi cần thể hiện sự kính trọng, lịch sự.

– Không được chống nạnh, cũng không nên mang kính mát khi nói chuyện với người Indonesia vì như thế là không lịch sự và bị xem như là có thái độ coi khinh.

– Không được bỏ tay vào túi quần, vì như thế bị xem là kiêu ngạo.

– Bắt tay là thói quen của đàn ông lẫn phụ nữ khi được giới thiệu và chào hỏi. Khi bắt tay cần vừa phải, không nắm chặt quá cũng không buông lơi, không giữ tay quá lâu.

– Cách đúng đắn khi vẫy gọi một người nào đó là mở rộng bàn tay và cử động các ngón tay theo hướng đi xuống giống như vẫy tay chào tạm biệt. Những cách vẫy gọi khác có thể bị coi là mất lịch sự.

6. Những điều cấm kỵ ở Indonesia

Văn hóa ở Indonesia thể hiện trong những bộ trang phục của người dân nơi đây. Đối với người nghèo có thể được chấp nhận thiếu thốn, Nhưng những người du khách ăn mặc thiếu thốn: không dép, quần sóc, áo dây… bị coi là không lịch sự khi đi du lịch đến Indonesia. Trong văn hóa của người Indonesia về cách ăn mặc có thể chấp nhận quần lửng,nhưng phải rộng và ít nhất là đến gối.

Mặc dầu những nơi thờ phụng được mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng khi muốn vào cũng phải có sự cho phép, đặc biệt là khi những nghi lễ đang được tiến hành, và bạn phải bảo đảm rằng bạn đã ăn mặc chỉnh tề. Bạn phải luôn luôn cởi giầy trước khi vào nhà thờ Hồi giáo và thông thường phải cởi giầy trước khi vào nhà ai đó. Không nên có các cuộc hẹn vào lúc 11h sáng đến 1h chiều vào các ngày thứ 6 vì thời gian này hầu hết mọi người Hồi giáo đều đến nhà thờ.

7. Phong tục tặng quà ở Indonesia

Trong các cuộc gặp đầu tiên, tặng các món quà nhỏ là một cách tốt nhất biểu thị sự quan tâm và chân thành trong việc thiết lập các mối quan hệ lâu dài với người Indonesia. Tuy nhiên, các món quà phải vừa phải, có thể là biểu tượng của đất nước hay chỉ là logo của đơn vị bạn, của tỉnh bạn. Quà không cần gói cũng được. Khi nhận quà, người nhận thường nói “Cám ơn” và đặt quà sang một bên và chỉ mở quà ra khi nào bạn đi khỏi. Vì vậy, khi được người Indonesia tặng quà, bạn không nên mở gói quà trước mặt họ.

tang qua indo

Bạn có thể tặng những món quà nhân dịp trở về nhà, khi được mời đến nhà của người Indonesia, hay là cảm ơn một ai đó đã giúp đỡ bạn.

Người Indonesia gốc Trung Quốc rất thích được tặng thực phẩm, nhưng không phải vào lúc bạn được mời đến dự tiệch (trừ khi đã được đồng ý trước đó). Việc mang thức ăn đến sẽ có hàm ý là chủ nhà không có đủ thức ăn để thết đãi bạn. Thay vào đó, việc gửi tặng thức ăn sau đó được xem như là món quà cảm ơn. Kẹo hay lẵng trái cây là sự lựa chọn tốt nhất. Họ có thể từ chối nhận quà đến đến 3 lần rồi mới nhận vì họ sợ cho là tham lam.

Hoa cũng là món quà phổ biến. Nhưng không được tặng số lượng hoa lẻ vì như thế là điềm không may mắn.

Khi đàn ông tặng hoa hay quà cho một phụ nữ có thể xảy ra hiểu nhầm. Do vậy, khi tặng quà họ thường nói, và bạn cũng nên nói, là món quà này là do vợ mình gửi tặng.

Trong dịp Tết nguyên đán, người ta thường tặng tiền cho trẻ em và những người có quan hệ làm ăn buôn bán thường xuyên với họ và đựng trong bao đỏ lì xì. Các ông chủ thường lì xì cho nhân viên một khoản bằng một tháng lương.

Những món quà nên tránh tặng:

– Tránh tặng dao, kéo hay các đồ vật nhọn khác vì họ cho là dễ bị cắt đứt mối quan hệ.

– Nên tránh tặng các vật thường được sử dụng trong tang lễ như những đôi dép bằng rơm, đồng hồ, khăn tay, quà tặng được gói bằng giấy màu trắng, đen hay màu xanh.

– Không được tặng rượu, nước hoa, thịt heo, những sản phẩm làm từ da lợn hay những đồ như: dao, chó đồ chơi, tranh hình con chó cho người theo đạo Hồi.

– Đối với những người theo đạo Hindu thì không nên phục vụ những món làm từ thịt bò hay sản phẩm làm từ súc vật khác. Ngoài ra, cũng không nên tặng các đồ vật làm từ da.

Trên đây là những nét văn hóa đặc trưng phố biển ở Indonesia, du khách nên tìm hiểu trước khi đặt chân đến đất nước Indonesia xinh đẹp này. Đi du lịch Indonesia, du khách không chỉ được khám phá những điểm du lịch ở Indonesia mà còn được tìm hiểu về văn hóa truyền thống đặc sắc nơi đây. Vậy còn chần chừ gì nữa, quý khách hãy đặt mua vé máy bay giá rẻ của Airbooking để tự mình khám phá những nét văn hóa đặc sắc ở Indonesia.