Tìm hiểu về đám cưới Việt Nam xưa và nay

Theo thời gian, đám cưới Việt Nam nay đã khác xưa rất nhiều. Mời các bạn cùng Vạn Hoa tìm hiểu các nghi lễ cưới (đám cưới) xưa và nay để hiểu hơn các nghi lễ phong tục truyền thống cũng như lựa chọn phương thức tổ chức sao cho phù hợp nhất qua bài viết dưới đây nhé.

I. Các nghi lễ trong đám cưới Việt Nam xưa

Theo đám cưới Việt Nam xưa thì có 6 lễ bao gồm:

1. Lễ Nạp Thái:

Trong lễ tục hôn nhân truyền thống, “nạp thái” có ý nghĩa là “thu nạp những sính lễ mà nhà trai mang đến để thưa chuyện với nhà gái”, là lễ đầu tiên trong trình tự “lục lễ”. Nhà Trai mang đôi chim nhạn đến nhà Gái làm sính lễ. Lễ nạp thái dùng chim nhạn là vì: “chim nhạn biểu trưng cho sự thuận theo thời tiết âm dương và hàm ý người vợ sẽ theo đạo nghĩa của người chồng”.

2. Lễ Vấn Danh:

Nhà trai cử một đoàn vài ba người với lễ vật gồm chè, rượu, trầu, cau. Chủ yếu của lễ này là nhà trai biết được ngày, tháng, năm sinh của cô gái, để về xem tuổi. Khi nhà trai đến thì nhà gái đưa ra một tờ giấy đã ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh của cô gái; đôi khi cả giờ sinh nếu bên nhà trai có yêu cầu.

3. Lễ Nạp Cát:

Đối với đám cưới Việt Nam, sau lễ vấn danh, bên nhà trai thấy đôi trẻ hợp tuổi, liền đánh tiếng để xin làm lễ ăn hỏi. Tất nhiên phải chọn ngày lành, tháng tốt. Bên nhà trai thường hỏi ý kiến bên nhà gái các chi tiết cụ thể và số lễ vật. Nhà gái nếu muốn lễ to thì nói ý tứ: Họ hàng nội, ngoại đông, bạn bè giao du rộng, nhà trai xem đó mà biện lễ. Lễ vật thường là buồng cau to ba, bốn trăm quả, dăm chai rượu nếp trắng, một mâm xôi gấc, có nhà sính lễ nhiều hơn thì có thêm thủ lợn hoặc con lợn sữa quay, trà, bánh trái….

4. Lễ Nạp trưng:

Hay còn gọi là thách cưới. Nội dung của lễ này là nhà gái đòi hỏi nhà trai phải nạp những gì. Nhà gái thường nói đội lên những yêu cầu rất cao về các đồ sính lễ như: vòng, xuyến, hoa tai, xà tích, quần áo mớ ba mớ bảy, bạc trắng, tiền giấy, rượu, gạo, lợn… Nhà trai tùy khả năng có thể mà đáp ứng. Có lẽ mà vì vậy khi nàng dâu mới về nhà bị mẹ chồng làm khó.

5. Lễ Thỉnh Kỳ:

Là Lễ xin định ngày giờ làm Lễ Cưới, nhưng ngày giờ cũng do bên trai định, rồi hỏi lại ý kiến bên gái mà thôi, thường thì nhà gái cũng tùy ý bên trai.

6. Lễ Thân Nghinh:

Là đã được nhà gái ưng thuận, ngày giờ đã định của bên trai. Bên trai đem lễ vật sang làm lễ rước dâu về. Vì đây là một Lễ khá quan trọng trong đám cưới Việt Nam truyền thống vì vậy cần phải kiêng kị một số điều:
– Cô dâu, chú rể không ở trong thời kỳ chịu tang
– Ngày giờ cưới phải tránh các giờ không vong, sát chủ và phải tránh tháng ngâu (tháng 7 âm lịch)
Trước giờ đón dâu vài ba tiếng đồng hồ, nhà trai lại cử người đến nhà gái với cơi trầu xếp đủ 12 miếng trầu cánh phượng, 12 miếng cau cánh tiên, đến nhà cô dâu báo xin giờ đón dâu. Việc xin dâu lúc vào lúc áp ngày, giờ cưới mục đích nhằm đảm bảo cho lễ cưới suôn sẻ, tránh điều tai tiếng có thể xảy ra đối với họ hàng, quan khách hay đám cưới không có cô dâu.

Dam Cuoi Viet Nam XuaDam Cuoi Viet Nam Xua

Hình ảnh lễ Thân Nghinh xưa (Nay là lễ đón dâu). Xem nguồn ảnh.

II. Nghi lễ trong đám cưới Việt Nam hiện đại

Để phù hợp với cuộc sống hiện đại, các nghi lễ đã giảm cả về cách thức tiến hành và thời gian. Hiện nay, các nghi lễ cưới hỏi chỉ giữ lại những lễ chính như sau:

1. Lễ dạm ngõ (Lễ chạm ngõ/Lễ xem mặt)

Lễ dạm ngõ ngày nay là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mối (kể cả những trường hợp yêu nhau nhờ mai mối), không cần lễ vật rườm rà.
Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ dạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.
Xét về mặt chức năng: nếu bỏ qua lễ này mà đi thẳng vào lễ ăn hỏi thì mọi việc sẽ bị cảm thấy đường đột, ngang tắt, không có khởi đầu. Vì thế, tuy không phải là một lễ trọng nhưng lại là một lễ không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ. Hơn nữa, lễ này không tốn kém (lễ vật chỉ có trầu cau) mà lại biểu thị được bản sắc văn hóa dân tộc (văn hoá trầu cau) thì việc bỏ qua lễ này là điều không hợp lý.
Thành phần tham dự:
– Nhà trai: Bố, mẹ, chú rể, người mối (nếu có)
– Nhà gái: Cả gia đình nhà gái.

Damcuoivietnam4Damcuoivietnam4

Lễ vật dành cho lễ dạm ngõ. Xem nguồn ảnh.

2. Lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.
Những thứ nhà trai cần chuẩn bị trong lễ ăn hỏi:
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai không cần căng phông màn, làm cổng hoa vì sự kiện chính diễn ra ở nhà gái. Những công việc nhà trai cần chuẩn bị:
– Trang phục cho chú rể và đội hình sang dự lễ ăn hỏi ở nhà gái. Chú rể có thể mặc vest hoặc áo dài truyền thống cùng tông màu với áo dài của cô dâu, nam giới mặc vest, phụ nữ mặc áo dài
– Lựa chọn đội hình bê tráp nam đồng đều, gương mặt khá ải, vui tươi, là người nhỏ hơn hoặc bằng tuổi với chú rể và chưa lập gia đình. Số lượng người bê tráp tương ứng với số tráp chuẩn bị. Trang phục cho đội bê tráp có thể là quần âu với áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, tránh mặc vest để không bị lẫn với chú rể và gia đình chú rể. Hoặc cũng có thể chuẩn bị áo dài nam cho đội bê tráp, chú ý nên chọn áo dài đồng bộ về màu sắc, hoa văn, kiểu dáng tạo nên tổng thể thống nhất.
– Bao lì xì cho đội bê tráp trong lễ ăn hỏi. Vì sao phải chuẩn bị bao lì xì? Trong phong tục bưng quả còn có một nghi lễ nhỏ gọi là trao duyên, nhà trai và nhà gái chuẩn bị tiền lì xì cho đội bê tráp và khi tiến hành trao tráp cho nhau thì đội nhà trai sẽ trao phong bao lì xì cho đội bưng tráp nhà gái và đội nhà gái sẽ trao lại cho đội nhà trai. Nghi lễ này để giữ “duyên” cho những người bê quả. Số tiền lì xì cũng là lời cảm ơn của cô dâu chú rể chúc cho những bạn trai, bạn gái sớm tìm được nhân duyên và hạnh phúc.
– Lễ vật cho lễ ăn hỏi
– Xe đưa đón các thành viên trong lễ ăn hỏi đến nhà gái. Vì không phải lễ đón dâu nên không cần thiết sử dụng 1 xe riêng cho chú rể. Trong lễ ăn hỏi ở thành phố, nếu nhà cô dâu chú rể không quá xa nhau thường hay sử dụng xích lô chở đoàn bê tráp cùng các tráp hỏi tạo sự đẹp mắt, sang trọng.

Nhà gái cần chuẩn bị những gì?
Khác với nhà trai, theo phong tục đám cưới Việt Nam, trong lễ ăn hỏi nhà gái cần phải chuẩn bị nhiều hơn vì đây là buổi lễ chính lớn nhất của nhà gái. Những thứ nhà gái cần chuẩn bị gồm
– Trang phục cho cô dâu và những người tham dự lễ ăn hỏi. Cũng giống như nhà trai, nam giới mặc vest, phụ nữ mặc áo dài truyền thống. Cô dâu trong ngày ăn hỏi mặc áo dài nổi bật, trang điểm làm tóc cầu kỳ, đeo trang sức. Ngày xưa trong lễ ăn hỏi cô dâu mặc áo dài đỏ, đội mấn. Bây giờ cô dâu có nhiều lựa chọn về màu sắc như hồng, trắng, vàng. Kiểu dáng áo dài cũng vô cùng phong phú, tuy nhiên cô dâu tránh lựa chọn những mẫu áo dài cổ khoét quá sâu hay quá hở bạo,… không phù hợp với không khí trang nghiêm của lễ đính hôn.
– Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, lau chùi bàn thờ gian tiên và trang trí bàn thờ với hoa, nến, trái cây, hương đèn một cách chỉnh chu.
– Trang trí không gian tổ chức lễ ăn hỏi, chuẩn bị phông bạt đám hỏi có ghi tên cô dâu chú rể, ngày ăn hỏi để chào đón nhà trai và là chỗ chụp ảnh kỷ niệm của họ hàng hai bên
– Với nhà gái chật, không đủ chỗ cho cả đoàn nhà trai và các thành viên trong gia đình ngồi tham dự lễ ăn hỏi, gia đình phải thuê bạt và dựng trước nhà để dành chỗ cho khách. Ngoài ra, cũng cần thuê bàn ghế đồng bộ để đặt mâm tráp nhà trai mang tới và làm chỗ tiếp khách. Toàn bộ cổng hoa, bạt, bàn ghế phải được vận chuyển, lắp đặt và sắp xếp hoàn thiện trong tối trước ngày ăn hỏi, không nên để tới sáng sớm ngày lễ chính mới làm, vì lúc đó có thể xảy ra sai sót không thể khắc phục.
– Ngoài ra nhà gái cần trang trí cầu thang, cổng đám hỏi, hoa để bàn,… để thể hiện sự chu đáo của mình dành cho nhà trai.
– Đội bê tráp nữ tương ứng với đội hình bê tráp nam mà nhà trai đưa đến. Đội bê tráp nữ cũng lựa chọn những người bằng hoặc kém tuổi cô dâu, chưa lập gia đình, gương mặt khả ái, tươi vui. Trang phục cho đội bê tráp là áo dài đồng bộ cùng nhau. Đừng quên chuẩn bị bao lì xì cho đội hình bê tráp, số lượng một người 1 phong bì.
– Thuê thợ chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của cô dâu chú rể và người thân. Thuê thợ trang điểm để trang điểm cho cô dâu và mẹ cô dâu.
– Chuẩn bị tiệc mặn tùy sở thích và điều kiện để chiêu đãi họ hàng, khách quan tham dự khi kết thúc lễ ăn hỏi.
Thành phần tham dự
– Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình,bạn bè và một số thanh niên chưa vợ bưng tráp. Số người bê tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11
– Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số nữ chưa chồng để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm.

Damcuoivietnam1Damcuoivietnam1

Một số lễ vật ăn hỏi. Xem nguồn ảnh.

Lễ vật
Trầu, cau, bánh cốm, mứt sen, rượu, chè, bánh phu thê, bánh cốm, lợn sữa quay,…
Những gia đình xưa thường dùng bánh cặp nghĩa là gồm hai thứ bánh tượng trưng cho âm dương. Những cặp bánh thường dùng trong lễ ăn hỏi là bánh phu thê và bánh cốm – bánh phu thê tượng trưng cho Dương, bánh cốm tượng trưng cho Âm.
Đó là những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền; tất nhiên, chất lượng và số lượng thêm bớt thì tùy thuộc vào năng lực kinh tế của từng gia đình. Theo phong tục Hà Nội truyền thống thường có lợn sữa quay, còn theo phong tục miền Nam có thể có một chiếc nhẫn, một dây chuyền hay bông hoa tai đính hôn. Tuy nhiên, số lượng lễ vật nhất thiết phải là số chẵn (bội số của 2, tượng trưng cho có đôi có lứa), nhưng lễ vật đó lại được xếp trong số lẻ của tráp (số lẻ tượng trưng cho sự phát triển).
Lễ vật dẫn cưới thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Nói theo cách xưa là: nhà trai bỗng dưng được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại, “Con gái là con người ta”. Mặt khác, lễ vật cũng biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai.

Damcuoivietnam2Damcuoivietnam2

Nhà trai trao lễ vật ăn hỏi cho nhà gái. Xem nguồn ảnh.

Lễ đen
Lễ đen theo phong tục cưới hỏi người Việt tượng trưng cho việc thách cưới của nhà gái với nhà trai. Ngày nay, trong đám cưới Việt Nam gia đình nhà gái thường thách cưới ít hơn so với ngày xưa, thông thường sẽ căn cứ vào hoàn cảnh của nhà trai để ước lượng số tiền.
Lễ đen cũng được coi như món quà của nhà trai dành cho nhà gái để tỏ lòng cảm ơn gia đình nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về. Đây cũng thể hiện thái độ tôn trọng của nhà trai đối với gia đình nhà gái nói chung và cô dâu mới nói riêng.
Xét về mặt ý nghĩa khác, đây cũng là cách nhà trai góp công sức, tiền của vào việc chăm lo cho cô dâu trước ngày vu quy. Số tiền lễ đen trong lễ hỏi này có thể sẽ được đưa cho cô dâu để sắm sửa quần áo, tư trang trước khi về nhà chồng.
Thông thường lễ đen được chia vào 3, 5 phong bì khác nhau tùy thuộc vào số lượng bát hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Trong mỗi phong bì sẽ để tiền với số lẻ như 1-3-5 triệu đồng hay 15 triệu đồng hoặc hơn. Còn ở gia đình miền nam lại để số chẵn như 10-20 triệu.
Tiếp khách
Đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ giới thiệu các đại diện trong buổi lễ. Để đáp lại, nhà trai cũng giới thiệu các đại diện của gia đình tham dự buổi lễ ăn hỏi. Sau đó, đại diện nhà trai sẽ đứng lên phát biểu lý do đến hỏi cưới cô dâu cho chú rể và giới thiệu về các mâm quả (tráp) mà nhà trai mang đến. Đại diện họ nhà gái sẽ đứng lên cảm ơn và chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai. Sau đó mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng nhau mở tráp.

Co Dau Moi NuocCo Dau Moi Nuoc

Cô dâu rót nước mời khách trong lễ ăn hỏi. Xem nguồn ảnh.

Cô dâu
Sau khi nhận tráp của họ nhà trai, gia đình nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào hỏi, rót nước mời khách có mặt trong buổi lễ. Ở một số nơi, trước khi chú rể lên đón, cô dâu không dược xuất hiện trong lễ ăn hỏi.
Sau khi ra mắt họ nhà trai, mẹ cô dâu sẽ lấy mỗi mâm tráp quả một ít vật phẩm và lễ đen mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà tổ tiên. Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ nhà gái để chú rể ra mắt ông bà, tổ tiên.

Nhà gái lại quả nhà trai
Sau khi lễ ăn hỏi kết thúc, nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Khi chia đồ tuyệt đối không được dùng dao kéo cắt mà phải xé bằng tay và khi nhà gái trả lại mâm quả phải để ngửa nắp lên.

Damcuoivietnam6Damcuoivietnam6

Nhà gái lại quả nhà trai. Xem nguồn ảnh.

Bạn cũng có thể tham khảo thêm Mẫu lời phát biểu theo trình tự cưới hỏi Việt Nam tại đường dẫn này.

3. Lễ cưới

Đám cưới Việt Nam thì muôn màu muôn vẻ, phần chia sẻ dưới đây chỉ liệt kê những nghi lễ chính để các bạn tham khảo:
Xin dâu: Trước giờ đón dâu nhà trai cử người (thường là mẹ chú rể) đem trầu, rượu đến xin dâu, báo đoàn đón dâu sẽ đến.

Damcuoivietnam7Damcuoivietnam7

Mẹ chú rể bê tráp xin dâu đến trước đoàn đón dâu. Xem nguồn ảnh.

Rước dâu
Đoàn rước dâu của nhà trai đi thành 1 đoàn, đại diện cụ già đi trước. Sau khi thưa gửi vài lời với nhà gái, chú rể vào phòng đón cô dâu rồi cùng thắp hương trước bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ đã sắp đủ đồ cúng (tùy theo từng gia đình). Thắp hương xong cô dâu chú rể cùng rót trà mời khách.
Mẹ cô dâu sẽ căn dặn con gái một số điều trước khi về nhà chồng và tặng quà hồi môn như kiềng vàng, nhẫn…
Sau đó cả đoàn rời nhà gái, đưa cô dâu về nhà chồng. Họ nhà gái chọn sẵn vài người đi cùng để tiễn cô dâu về nhà chồng, thường là bố cô dâu, họ hàng và bạn bè thân thiết. Mẹ cô dâu không được đưa con gái về nhà chồng.

Cô dâu cần chuẩn bị những gì trong lễ rước dâu?
– Cô dâu cần chuẩn bị 9 chiếc kim khâu ghim vào gấu váy để giải trừ những điều xui xẻo, mang theo tiền lẻ, gạo, muối để cô dâu rải dọc đường khi qua ngã 3, ngã 4, qua sông, qua cầu như tiền cúng lộ phí đề cầu sự may mắn, suôn sẻ, giàu sang sau này của hai vợ chồng.
– Chọn một người bạn gái thân thiết, hoặc chị em chưa chồng để xách vali cho cô dâu. Người cầm vali phải luôn giữ vali trên tay, không đặt xuống đất, không chuyền tay cho người khác. Theo quan niệm dân gian, những kiêng cữ này là để tránh khiến cô dâu “đứt gánh giữa đường” hay phải chịu cảnh “lấy hai đời chồng” rất lận đận.

Damcuoivietnam8Damcuoivietnam8

Đón dâu. Xem nguồn ảnh.

Rước dâu vào nhà:
Đoàn đưa dâu về đến ngõ. Lúc này, bà mẹ chồng cầm bình vôi (nay có thể thay bằng chùm chìa khóa nhà), tránh mặt đi một lúc, để cô dâu bước vào nhà. Hiện tượng này được giải thích theo nhiều cách. Thường người ta cho rằng việc làm này có ý nghĩa khắc phục những chuyện cay nghiệt giữa mẹ chồng và nàng dâu sau này.

Đại diện nhà trai dẫn cô dâu chú rể đến bàn thờ gia tiên để ra mắt gia tiên họ nhà trai, sau đó dẫn cô dâu chú rể cùng họ hàng cô dâu vào xem phòng cưới. Ý nghĩa của việc này là nhà trai cho nhà gái thấy hoàn cảnh, điều kiện mới mà cô dâu sẽ gắn bó trọn đời.
Sau khi thăm quan xong phòng cưới, cô dâu chú rể quay lại khu vực tổ chức hôn lễ, tiến hành lễ thành hôn, trao nhẫn cưới và hẹn ước trăm năm. Mẹ chú rể và đại diện gia đình chú rể trao trang sức, quà cưới cho cô dâu mới. Một số gia đình lễ thành hôn được gộp chung với tiệc cưới.

Tiệc cưới: Dù đám cưới Việt Nam có đơn giản đến thế nào cũng không thể bỏ qua phần này. Ngày nay hầu hết mọi nhà thường tổ chức tiệc cưới tại Trung tâm tiệc cưới để giảm bớt nỗi lo về công tác chuẩn bị cũng như không gian cưới được sang trọng hơn.

4. Lại mặt

Sau ngày cưới từ 1 đến 4 ngày, 2 vợ chồng mới cưới trở về nhà gái mang theo 1 con gà trống thiến, gạo nếp, hoa quả,… để tạ gia tiên, ông bà, bố mẹ vợ.

Về mặt lý thuyết các nghi lễ là thế. Bây giờ tùy theo từng nhà mà đơn giản hóa đi nhiều. Có những gia đình nhà trai và nhà gái cách nhau quá xa, đi lại vất vả, họ có thể thương lượng làm tất cả các thủ tục từ dạm ngõ cho đến lễ cưới trong vòng 1 ngày.
Có những gia đình còn tách riêng lễ đính hôn với lễ ăn hỏi. Lễ đính hôn làm theo phong cách du nhập từ châu Âu, là 1 bữa tiệc giống như tiệc cưới nhưng với quy mô nhỏ trong gia đình. Chú rể chuẩn bị sẵn nhẫn đính hôn, bữa tiệc này cũng dùng để cầu hôn cô dâu. Chú rể đeo nhẫn vào ngón áp út của bàn tay phải cô dâu.
Việc tổ chức thêm lễ đính hôn này thường thấy ở những đôi sắp phải xa nhau 1 thời gian dài, hiện tại chưa muốn hoặc chưa thể tổ chức đám cưới. Lễ đính hôn như một sự thể hiện chắc chắn cho sự hứa hôn của 2 gia đình.

đám cưới Việt Nam hiện đại đã có nhiều thay đổi song vẫn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Bởi khách mời trong đám cưới vẫn có nhiều vị cao tuổi, quen nếp sống cũ, bên cạnh đó cũng có những vị khách trẻ tuổi mang phong cách hiện đại nên việc dung hòa giữa phong tục truyền thống và các nét văn hóa phương Tây sẽ khiến đám cưới thêm vui vẻ, trọn vẹn.