Tìm lại hào quang rực rỡ, Bitcoin thiết lập mức đỉnh cao nhất trong năm 2023
(ĐTCK) Tính đến thời điểm sáng ngày 11/4, thị trường tiền điện tử có 81/100 mã tăng điểm. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa – Bitcoin tăng 6,22%, đạt 30.118 USD/BTC.
Kể từ tháng 6/2022 cho đến nay, sau bao nhiêu nỗ lực, cuối cùng giá của đồng Bitcoin đã có thể leo lại lên trên cột mốc 30.000 USD, đồng thời ghi dấu cho mức giá cao nhất trong năm 2023 tính đến thời điểm hiện tại.
Không chỉ thế, Bitcoin còn có sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng, bỏ xa những đối thủ trên thị trường truyền thống như vàng và chứng khoán. Dữ liệu từ CoinGecko cho thấy, trong vòng 30 ngày qua, giá của đồng tiền điện tử đứng đầu đã tăng khoảng 46% để đạt mức giá cao nhất trong vòng gần 1 năm qua.
Trước đợt sóng hồi phục mãnh liệt của Bitcoin, tâm lý của giới đầu tư đã phấn chấn hơn hẳn. Bầu không khí u ám của thị trường giờ đây đã được hào quang rực rỡ của Bitcoin dập tắt. Thước đo tâm lý thị trường, chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear and Greed index) sau quãng thời gian chìm trong sắc đỏ giờ đây đã xanh trở lại và bước vào thời kỳ tham lam (68 điểm). Đây là số điểm cao nhất mà bộ chỉ số này đạt được sau khi được thiết lập vào ngày 16/11/2021, thời điểm Bitcoin đạt mức giá cao nhất mọi thời đại (ở trên 69.000 USD).
Trên thị trường phái sinh, đà tăng giá như vũ bão của Bitcoin đã khiến hơn 160 triệu USD bị thanh lý, chủ yếu là lệnh short (khoảng 88%). Con số thanh lý ở mức tương đối thấp cho thấy có vẻ như giới đầu tư tiền điện tử đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho đà tăng của Bitcoin chứ không còn bi quan như thời gian trước đây.
Ngoài ra, “Bitcoin” đang trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Mỹ, đánh bại hàng loạt các sự kiện nổi bật khác như “DonaldTrump”, “Breaking News”…
Trước đó, giá của Bitcoin đã có quãng thời gian đi ngang 3 tuần quanh mốc 28.000 USD. Có thể xem đó như là sự thận trọng của giới đầu tư nhằm đánh giá những tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa diễn ra, áp lực lạm phát và những bất ổn của nền kinh tế.
Sau sự sụp đổ của các ngân hàng như SVB, Signature Bank,… thì tình hình của các ngân hàng dường như đã nguội lại. Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng ở Mỹ đã tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách hàng gửi tiền.
Thống kê của Fed cho thấy các ngân hàng nhỏ hơn của Mỹ, những ngân hàng có xếp hạng vốn hóa thứ 26 trở xuống, đã thấy tiền gửi của họ ổn định lại. Trong tuần kết thúc vào ngày 22/3, số tiền gửi rút khỏi các ngân hàng này chỉ giảm 1.1 tỷ USD so với tuần trước đó. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 185 tỷ USD tiền gửi rút khỏi hệ thống ngân hàng trong tuần khủng hoảng sụp đổ của SVB kết thúc vào 15/3.
Dù vậy, con số giảm này không phản ánh đúng tình hình các ngân hàng. Bởi những người lo sợ đã rút tiền ngay trong tuần kết thúc vào ngày 15/3, sau đó, lượng rút giảm là điều dễ hiểu
Khi người dân lung lay lòng tin đối với hệ thống ngân hàng thì họ lại không có nhiều lựa chọn để gửi gắm tài sản của mình, nhất là các tài sản không thuộc sự kiểm soát của Chính phủ. Và Bitcoin là một trong số rất ít các tài sản đó. Ngoài ra, các dữ liệu cũng cho thấy các ngân hàng bị rút 363 tỷ USD thì có đến 304 tỷ USD đã đi vào các quỹ Money-market fund trong đầu tháng ba. Đây là quỹ tiền tệ ngắn hạn, cổ phần được cân bằng quanh mức 1 USD để lưu trữ tiền của mình chờ cơ hội đầu tư tiếp theo.
Giám đốc điều hành của Banxa, ông Richard Mico nhận định, Bitcoin tăng giá là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư tin rằng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Điều này sẽ là luận điểm quan trọng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng. Bằng chứng cụ thể hơn có thể nhìn vào thị trường trái phiếu. Thống kê cho thấy, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ đã giảm xuống dưới 4% từ mức trên 5% vào đầu tháng 3 năm nay sau khi giới đầu tư thay đổi kỳ vọng vào các đợt tăng lãi suất của Fed trong tương lai. Do đó, nhiều khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ dồn vào thị trường tiền điện tử. Ở thời điểm hiện tại, Bitcoin đã có chỗ đứng trên thị trường tài chính và là loại hình đầu tư tốt nhất năm 2023. Không chỉ thế, Bitcoin còn là loại tài sản phản ứng nhanh cũng như dữ dội nhất đối với những thay đổi của chính sách tiền tệ.
Giới chuyên gia dự báo, giá Bitcoin sẽ sớm vượt lên vùng giá kháng cự 32.000 USD và sau đó là 36.000 USD, thậm chí sau khi đạt tới vùng giá này, giá Bitcoin có thể tiếp tục lên tới 40.000 USD. Tuy nhiên, các nhà đầu cơ khác đã chuyển sự chú ý của họ sang các token khác như Dogecoin. Đồng meme này đã tăng tới 30% trong tuần này sau khi Twitter bất ngờ thay đổi logo chú chim xanh quen thuộc bằng hình ảnh chú chó shiba (biểu tượng của đồng Dogecoin).
Trong tuần này, giới đầu tư đang trông đợi vào hai chỉ số quan trọng đó là, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 sẽ được công bố vào ngày 12 – 13/4 sắp tới. Đây sẽ là những dữ liệu cuối cùng được công bố trước khi Fed tuyên bố quan điểm về chính sách tiền tệ của mình trong phiên họp thường kỳ diễn ra vào ngày 2 – 3/5.
Theo CME FedWatch, khả năng Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng tới vẫn đang chiếm phần hơn với tỷ lệ 71%, trong khi chỉ còn 29% đặt cược vào khả năng Fed giữ nguyên lãi suất.
Trên thị trường tiền điện tử, giới đầu tư còn hào hứng trước sự kiện cập nhật Shanghai của mạng Ethereum và BNB Planck hard fork nâng cấp.