Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng: Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt
Mục lục bài viết
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng: Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt
Di tích lịch sử đền Hùng cùng tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng từ lâu đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của người dân Việt Nam. Năm 2012 tín ngưỡng này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Biểu tượng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” – Câu ca dao quen thuộc đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua bao thế hệ, nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là nét đẹp độc đáo trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã hình thành và phát triển trong cộng đồng người Việt từ hàng ngàn năm nay. Xuất phát từ ý nghĩa cội nguồn dân tộc, bằng sự tôn kính đối với những bậc tiền nhân có công trong việc tạo dựng đất nước, mỗi người dân đều thể hiện rõ sự tôn kính đối với các vị vua Hùng. Chính vì thế, trải qua bao thăng trầm trong lịch sử dựng nước và giữ nước, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và trở thành nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt.
Hiện nay tính chung trên cả nước có 1.417 di tích thờ các Vua Vương và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Riêng địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Hằng năm, cứ đến ngày 10/03 Âm lịch, người dân Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc lại nô nức trở về Đền Hùng (Thành phố Việt Trì, Phú Thọ) để dâng hương bày tỏ lòng thành kính đối với công lao dựng nước của các bậc tiền nhân.
Thông qua việc vinh danh của UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung cần được gìn giữ của cả nhân loại và được khuyến khích để thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đền thờ Vua Hùng – Điểm nhấn du lịch tâm linh của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
Thấu hiểu mong muốn hướng về nguồn cội của nhân dân Thành phố Cần Thơ nói riêng và Khu vực ĐBSCL nói chung, đền thờ vua Hùng đã được khởi công xây dựng tại miền đất Tây Đô – Cần Thơ. Nơi đây trở thành điểm hội tụ tâm linh thờ kính tôn nghiêm các vua Hùng tại vùng đất phương Nam và kết nối linh thiêng với Đền Hùng nơi đất Bắc.
Sau hơn 2 năm khởi công, tối ngày 06/04 vừa qua (ngày 06/03 âm lịch), Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ được tổ chức với sự tham dự của hơn 500 khách mời là các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ có tổng diện tích khoảng 3.9 ha.
Với tổng diện tích khoảng 39.000 m2, Đền thờ Vua Hùng gồm các hạng mục: Đền thờ chính, Nghi môn, sân đường, nhà bia, nhà tưởng niệm, nhà dịch vụ, nhà điều hành…
Trong đó, Đền thờ chính gây ấn tượng với phong cách thiết kế hình trống đồng cách điệu kết hợp với hoa văn, họa tiết mang những nét đặc trưng của thời đại Hùng Vương.
Đền thờ Vua Hùng khắc họa nét kiến trúc độc đáo với những họa tiết, hoa văn đặc trưng của thời kỳ Hùng Vương.
Công trình văn hóa tâm linh trọng điểm tại Thành phố Cần Thơ, do Công ty Cổ phần Văn Phú – Invest tài trợ thiết kế và thi công với tổng mức đầu tư khoảng 129,5 tỷ đồng.
Thông qua công trình này, Văn Phú – Invest mong muốn được đóng góp một phần vào công tác duy trì, bảo tồn và phát huy văn hoá cội nguồn, từ đó lan toả truyền thống yêu nước quý báu cho thế hệ trẻ.
Đền thờ vua Hùng tại TP. Cần Thơ sau khi khánh thành đã thu hút đông đảo khách tham quan với hàng trăm nghìn lượt người ngay trong những ngày đầu mở cửa, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nói riêng và của khu vực ĐBSCL nói chung.
Chia sẻ: