Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ qua bốn lần Người về thăm Thanh Hóa
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong chuyến
về thăm Thanh Hóa năm 1961. (Ảnh: Tư liệu)
Lần về nguồn cội. Ngày 20/2/1947 sau kháng chiến toàn quốc bùng nổ chưa tròn 2 tháng – Bác Hồ đã về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Sáng hôm đó Bác nói chuyện với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa tại núi Rừng Thông huyện Đông Sơn. Buổi chiều Bác Hồ gặp gỡ các đại biểu nhân sĩ, tri thức, phú hào tại Trại Phủ Hùng (gần núi Một) Bác nói về kháng chiến, kiến quốc và Bác động viên “Thanh Hóa phải phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu”. Buổi tối trong khoảng thời gian rất ngắn, Bác đã nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa trong cuộc mít tinh đón Người tại nhà Bác Cổ (nay là hiệu sách nhân dân thành phố Thanh Hóa).
Lần thứ hai Bác về thăm Thanh Hóa trong 2 ngày 13,14/6 / 1957. Bác Hồ đã nói chuyện tại thị xã với gần 4.000 đại biểu các tầng lớp nhân dân hân hoan chào đón Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đánh giá công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh ta – Người đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa có một phần vinh dự đến đó”.
Ba năm sau, trong 3 ngày từ ngày 17 đến ngày 19/ 7 / 1960 Bác Hồ lại về thăm Thanh Hóa lần thứ 3. Lần này Người rất vui, trên đường từ thị xã Thanh Hóa xuống Sầm Sơn, Bác tức cảnh đọc tặng Thanh Hóa hai câu thơ ứng tác:
Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng
Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên.
Bác đến thăm và nói chuyện với cán bộ nhà nghỉ Tổng Công đoàn tại Sầm Sơn, Bác kéo lưới cùng ngư dân, thăm hỏi các cụ già miền Nam đang an dưỡng tại Sầm Sơn, thăm cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển Sầm Sơn. Bác về thăm và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Công đoàn Thanh Hóa lần thứ VI. Sau các ngày làm việc, Người chọn nơi nghỉ đêm tại đền Cô Tiên lộng gió – nằm trên dãy Trường Lệ linh thiêng cổ kính ở Sầm Sơn. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Sầm Sơn Bác căn dặn “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”.
Hơn một năm sau, Bác Hồ lại vào thăm Thanh Hóa lần thứ tư trong 2 ngày 11,12/12/1961. Buổi sáng ngày 11 Bác đi thăm HTX Nông nghiệp tiên tiến Yên Trường thuộc huyện Yên Định. Bác trồng cây lưu niệm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã, Bác còn tặng cho xã một chiếc máy cày. Sau đó, Bác về thăm HTX Cơ khí Thành Công – lá cờ đầu của ngành Tiểu thủ công nghiệp miền Bắc. Buổi chiều Bác đến thăm nhà trẻ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, rồi Người đến thăm Xí nghiệp Cơ khí của tỉnh. Buổi tối Bác xem Đoàn Chèo Thanh Hóa biểu diễn. Sáng ngày 12/12 Bác Hồ nói chuyện với hơn 40.000 cán bộ và nhân dân tại Sân Vận động tỉnh. Sau buổi nói chuyện, Người bắt nhịp bài hát Kết Đoàn cho toàn dân cùng hát. Bác Hồ đã tặng cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta tấm ảnh chân dung của Người với dòng chữ “Hồ Chí Minh 12.12.1961” là bút tích của Bác viết trên tấm ảnh.
68 năm đã trôi qua – kể từ lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên -Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lập nên những chiến công xuất sắc trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc cũng như trong xây dựng CNXH, và nhất là sau hơn ba mươi năm đổi mới.
Năm 2015 – năm đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII – Thanh Hóa vinh dự được Bộ VH,TT&DL chọn đăng cai “Năm Du lịch Quốc gia 2015 – Thanh Hóa”. Tỉnh ta đã vươn lên với hào khí Lam Sơn tỏa sáng từ đường băng Sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân) cất cánh cùng Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành khu công nghiệp đa ngành mà điểm nhấn là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang được khẩn trương xây dựng để đi vào hoạt động. Riêng thị xã du lịch Sầm Sơn đã có rất nhiều những đổi thay và tăng trưởng một cách ngoạn mục. Vâng lời Bác “Sầm Sơn cần phải phát triển du lịch để mà thu lấy tiền”. Sầm Sơn hôm nay với gần 400 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 10 ngàn phòng (một nửa trong số đó đạt tiêu chuẩn hai sao). Dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã. Với sự đầu tư trực tiếp của tập đoàn kinh tế FLC, những công trình hiện đại như Trung tâm Hội nghị quốc tế nơi vừa diễn ra cuộc thi chung kết Sao Mai điểm hẹn thu hút hàng vạn du khách từ trong và ngoài nước. Một Sầm Sơn với sân golf đẹp, hiện đại nằm sát biển đã bắt đầu đi vào hoạt động. Một Sầm Sơn năng động, thân thiện, văn minh, hiếu khách, đang từng bước làm vui lòng hàng triệu du khách đến với xứ Thanh.
Khắc ghi những lời dạy của Bác Hồ cách đây 55 năm khi Người nói về du lịch Sầm Sơn – Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh luôn xác định: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn bởi Thanh Hóa biển bạc, rừng vàng giàu trầm tích văn hóa lịch sử (1.537 di tích danh thắng) trong đó có một di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, ba di sản văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt cùng với những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác. Giờ đây du khách đến thị xã Sầm Sơn, bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia), hay du thuyền trên sông Mã và thăm suối cá Cẩm Lương… sẽ thấy sự đổi thay bất ngờ về văn minh du lịch tỉnh Thanh đã bắt đầu mang tính chuyên nghiệp. Phải chăng đó là những điểm nhấn để ngành du lịch Thanh Hóa phát triển một cách nhanh chóng và bền vững.
Theo Báo Văn Hóa Đời Sống