Toan tính “khó chơi” của lãnh đạo Gilimex

Phát hành riêng lẻ “kiểu sốc”

2 ngày trước khi phiên họp ĐHĐCĐ diễn ra (21/5), ông Lê Hùng, Chủ tịch GIL mới ký tờ trình về phương án phát hành 16,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá chào bán 35.000 đồng/CP. Mức giá này chưa bằng 1/2 so với thị giá trung bình 10 phiên gần nhất của GIL.

Ngày 20/5, phương án phát hành này mới chính thức được công bố. Sau thông tin này, cổ phiếu Công ty giảm sàn từ 62.600 đồng/CP về 58.300 đồng/CP. Trước đó, khi thị trường râm ran tin đồn về phương án phát hành, cổ phiếu GIL có nhiều phiên giảm giá từ vùng 80.000 đồng/CP.

Ước tính có khoảng gần 7 triệu cổ phiếu GIL được giao dịch quanh vùng giá 70.000 – 80.000 đồng/CP. Đã có nhà đầu tư đặt câu hỏi, có hay không việc tay to bán ra cổ phiếu GIL ở vùng giá cao, rồi sau đó mua lại giá thấp hoặc gom đủ tiền cho đợt phát hành thêm tới đây?

Vấn đề được quan tâm là khối lượng của đợt phát hành riêng lẻ rất lớn, chiếm tới 43% vốn điều lệ hiện tại của Công ty.

Theo báo cáo quản trị của Công ty, tính đến cuối năm 2020, ông Lê Hùng, Chủ tịch GIL sở hữu 12,2% cổ phần; Công ty cổ phần May hàng gia dụng Gilimex – PPJ (Công ty con của Gilimex) sở hữu 3,95% cổ phần; một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Hữu Phúc sở hữu 3,29% cổ phần; cổ đông lớn Nguyễn Phương Đông sở hữu 6,16% cổ phần. Như vậy nhóm cổ đông này chiếm hơn 26% cổ phần GIL.

Cổ đông tham gia mua riêng lẻ thêm 43% cổ phần, phải có được sự ủng hộ của ban lãnh đạo GIL. Điều này đồng nghĩa với việc GIL có nhóm nhà đầu tư nắm tới xấp xỉ 70% cổ phần, hay nói cách khác lãnh đạo GIL không còn phải lo nguy cơ doanh nghiệp bị đối thủ khác thâu tóm. Vừa mua được cổ phiếu giá hời, vừa được quyền quản trị doanh nghiệp, có thể là mũi tên trúng nhiều đích.

Câu chuyện nằm ở quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, với giá phát hành công bố chỉ bằng nửa thị giá thì rõ ràng khó có lời giải thích nào là phù hợp!

Dù rằng, tại đại hội cổ đông của GIL, ban lãnh đạo Công ty cho biết, mức giá 35.000 đồng/CP được đưa ra sau khi đã làm việc với đơn vị tư vấn. Doanh nghiệp muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, gắn bó trong quá trình thực hiện chuỗi khu công nghiệp, khách sạn. Do vậy, Công ty xác định điều kiện để mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ là hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.

Tiềm năng nhưng khó nắm bắt

Sản phẩm dệt may của GIL rất phong phú bao gồm quần áo, túi xách, ba lô, va ly, thảm tập gym, dù che ngoài trời, chăn ga gối đệm, hộp đựng thú cưng, giỏ đựng đồ giặt, võng, rèm cửa, chao đèn, hộp đựng đồ, túi đựng đồ treo tường. Khách hàng chính của GIL là Amazon, IKEA… với những đơn hàng khổng lồ, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, hiện nay Công ty phải liên tục mở rộng qui mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Năm 2020, Công ty có 79 chuyền may và 2.500 công nhân, năm 2021 theo kế hoạch sẽ tăng lên 161 chuyền may. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã lắp đặt thêm được 25 chuyền và tuyển thêm được 700 công nhân.

Gần đây, Công ty chuyển hướng mạnh sang lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp. GIL đã được cấp phép đầu tư Khu công nghiệp tại Phú Bài (Huế ) diện tích là 411 ha. Vị trí khu công nghiệp này nằm liền kế với khu công nghiệp Phú Bài, đã giải phóng mặt bằng được 99,6%. Dự kiến, Khu công nghiệp bắt đầu cho doanh thu từ quý I/2022.

Ngoài ra, Công ty còn đang xúc tiến làm các khu công nghiệp khác như 750 ha tại Quảng Ngãi và một số địa điểm khác. Gilimex dự kiến làm ít nhất 5 khu công nghiệp, theo dạng chuỗi để tận dụng lợi thế quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Công ty đầu tư khách sạn cho các chuyên gia, lãnh đạo, nhân viên tại các khu công nghiệp…

Năm 2020, GIL đạt lợi nhuận 308 tỷ đồng, gấp đôi năm 2019.

Tuy nhiên, HĐQT chỉ đệ trình kế hoạch 2021 với mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 180 tỷ đồng; lần lượt giảm 15,2% và 41,7% so với thực hiện năm trước.

Gilimex thường xuyên đưa ra kế hoạch kinh doanh thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước dù sau đó vượt mạnh. Bởi vậy, kết quả kinh doanh của GIL luôn là một ẩn số không dễ dự đoán với nhiều nhà đầu tư.

Quý I năm nay, doanh nghiệp báo cáo doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ lên 864 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 66% lên 71 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông, lãnh đạo Gilimex tiết lộ, doanh số quý II ước tính cũng khả quan, tuy nhiên, thông tin dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Công ty, đặc biệt là giá nguyên phụ liệu tăng trên toàn thế giới. Cùng với đó, Công ty cũng phải chịu sức ép giảm giá từ khách hàng.