Tổng hợp 20 câu đố vui có đáp án và những sự tích thú vị về ngày Tết, bạn đã biết chưa? – BlogAnChoi
Để dịp lễ Tết năm nay có thêm tiếng cười nhộn nhịp thì ta không thể thiếu những câu đố vui và giải đố giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về ý nghĩa dịp lễ được mong chờ nhất năm.
Mục lục bài viết
Đố vui ngày Tết cho bạn bè
Câu 1: Tên ba vị thần đại diện cho một cuộc sống vẹn tròn trong phong thủy là?
- Đáp án: Phúc, Lộc, Thọ.
Sự tích và ý nghĩa Phúc Lộc Thọ
Phúc Lộc Thọ, hay còn được gọi là Tam Đa, là ba vị thần tượng trưng cho ba điều cơ bản tạo nên một cuộc sống tốt đẹp trong văn hóa Trung Quốc, bao gồm những điều lành (Phúc), sự giàu có (Lộc) và sức khỏe (Thọ). Ba vị thần thường xuất hiện cùng nhau và không được tách rời vì thiếu đi bất kì ai thì cuộc đời cũng sẽ mất đi sự cân bằng.
Ông Phúc tượng trưng cho phước lành và chuyện con cái. Trong nhiều sự tích kể lại thì ông Phúc là một vị quan chính trực, ngay thẳng của triều đình phong kiến Trung Hoa xưa. Hình vẽ hoặc tượng của ông luôn có bế một đứa bé trên tay là vì ông có rất nhiều con cháu. Gia chủ mang tượng ông về để trong nhà với mong muốn gia đình được nhiều phúc đức và con cháu đầy đàn. Ngoài ra, trong ngày Tết, người ta còn cố tình dán tranh chữ Phúc ngược chiều vì tin rằng đó là “đáo phúc” trong Hán Việt, có nghĩa là điềm lành lại đến.
Ông Lộc đại diện cho sự hưng thịnh và tiền tài. Đương truyền ông là quan lớn trong triều, được vua ban rất nhiều bổng lộc nhờ có tài ăn nói khéo léo. Nhưng một số sự tích cho rằng ông Lộc rất gian xảo và tham lam, châu báu nhiều không đếm xuể cũng nhờ tham nhũng và đút lót mà có được. Của cải nhiều như thế nhưng lại không có cháu đích tôn khiến ông buồn rầu mỗi ngày cho đến chết, trước khi nhắm mắt xuôi tay còn than thở vì lộc nhiều cũng không để được cho ai. Ông Lộc thường đứng giữa trong Tam Đa, đầu đội mũ quan, tay cầm gậy như ý biểu hiện cho sự sung túc, may mắn và tài lộc. Gia chủ đặt tượng ông trong nhà để cầu thăng tiến trong công danh và sự nghiệp.
Ông Thọ là người cuối cùng trong Tam Đa, luôn xuất hiện với hình tượng ông lão già râu tóc bạc phơ, trán hói, tay cầm đào tiên, tay còn lại chống gậy có cột quả hồ lô đựng tiên đơn.
Truyền thuyết kể rằng dù rất thích châu báu nhưng ông không nhận hối lộ mà chỉ xem trọng lộc vua ban. Tài sản mà ông Thọ có được đều bị đem đi mua thiếp trẻ đẹp. Vì sống đến 125 tuổi nên người ta mới gọi ông là ông Thọ. Sống quá lâu khiến cuối đời ông rất cô đơn, sau khi chết cũng chỉ có đứa chắt lo ma chay, còn con cháu đã qua đời hết. Gia chủ trưng bày tượng ông trong nhà với mong muốn gia đình được sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn.
Câu 2: Tết ở miền Bắc có hoa gì đặc trưng?
- Đáp án: Hoa đào
Sự tích và ý nghĩa hoa đào
Sự tích kể rằng, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê um tùm phủ bóng râm cả một vùng. Trên cây có hai vị thần sinh sống tên là Uất Lũy và Trà, một số phiên bản gọi là Đồ, có nhiệm vụ bảo vệ dân chúng mọi miền.
Thế lực ma quỷ nào dám lui đến làm hại dân sẽ bị hai vị thần linh thiêng trừng phạt. Chúng khiếp sợ quyền năng sấm sét của Trà và Uất Lũy đến độ sợ lây sang cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa thôi cũng đủ khiến lũ quỷ cao chạy xa bay. Cứ đến những ngày cuối năm, hai vị thần phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng nên người dân đã đi hái những nhánh hoa đào về trưng bày trong nhà để tránh bị ma quỷ quấy rầy, ai không có thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần Trà và Uất Lũy dán ở trước cửa nhà.
Từ đó người dân miền Bắc có tục lệ cắm hoa đào trong nhà mỗi dịp Tết đến để tránh tà ma. Dù ngày nay nhiều người quên mất ý nghĩa đằng sau những cành hoa đào ngày Tết nhưng vẫn giữ phong tục này vì những cánh hoa màu hồng rực rỡ còn có tác dụng đem đến không khí mùa xuân tràn nhựa sống cho ngôi nhà.
Câu 3: Tết ở miền Nam có hoa gì đặc trưng?
- Đáp án: Hoa mai
Sự tích và ý nghĩa hoa mai
Ngày xửa ngày xưa có một cô gái tên Mai sống ở ngôi làng nọ. Cô có tính cách vô cùng can đảm và kiên cường. Từ khi còn nhỏ, Mai đã theo chân cha mình là một thợ săn đi diệt trừ yêu quái, bảo vệ an nguy cho dân làng, không bao lâu thì danh tiếng lan rộng khắp nơi.
Mỗi ngày trôi qua cô đều rèn luyện võ công để đạt đến độ tinh thông thượng thừa. Năm Mai tròn mười tám tuổi thì yêu quái lại xuất hiện lần nữa. Thế là hai cha con lại lên đường đi trừ gian diệt bạo. Trước ngày ra đi, Mai được mẹ may tặng một bộ xiêm y màu vàng rất đẹp, hẹn nhau ngày đem vinh quang trở về nhà sẽ mặc bộ đồ ấy để mọi người có thể nhận thấy từ xa. Mất mấy ngày để đến được động yêu quái, quãng đường dài đã làm người cha già kiệt sức nên Mai đành thay cha thực hiện hành động nghĩa hiệp một mình.
Đến cuối cùng con yêu quái cũng bị cô giết hạ, nhưng đồng thời cô cũng bị nó dùng đuôi siết chặt cho đến chết. Cảm động trước câu chuyện về tấm lòng cao cả của cô gái, Táo quân đã nài nỉ cầu xin Ngọc Hoàng cho linh hồn Mai được trở về với gia đình trong vài ngày. Thế là hằng năm, cứ đến dịp mùa xuân về, chính là những ngày Tết hiện nay là cô gái được trở về nhà đoàn tụ với gia đình từ 28 tháng Chạp rồi biến mất sau chín ngày. Về sau khi người trong gia đình đều đã qua đời thì cô gái không trở về nữa mà hóa thân thành một loài hoa mọc bên ngôi miếu mà người dân đã dựng nên để tôn vinh công lao của cô. Thấy có hoa lạ mọc lên kế bên ngôi miếu và cứ trổ hoa vàng suốt chín ngày Tết, dân làng tin đó là hiện thân của Mai nên đã đặt tên cây hoa theo tên cô gái.
Hằng năm mỗi khi xuân về, họ lại đến hái vài nhánh mai mang về nhà để xua đuổi ma quỷ, cầu mong bình yên cho gia đình. Tương tự như hoa đào, những cánh hoa mai tươi sắc cũng góp phần đem lại bầu không khí nhộn nhịp, vui vẻ cho căn nhà nhân dịp đầu năm mới.
Câu 4: Ngay mồng một Tết, người đầu tiên ghé nhà gửi gắm lời chúc tết đến chủ nhà được gọi là?
- Đáp án: Người xông đất
Ý nghĩa phong tục xông đất đầu năm
Xông đất từ lâu đã là phong tục tập quán quen thuộc của người Việt ngày đầu năm mới. Theo quan niệm của người xưa, sau đêm giao thừa thì mọi thứ trong nhà đều rất mới mẻ, không vướng bụi trần nên cần người đem đến những điều tốt đẹp ngay mồng một để cả năm đều được như vậy.
Ngày xưa chọn ra người xông đất theo hai cách: nhà làm quan cần người đó là đàn ông trụ cột và phải hạp tuổi với gia chủ, còn nhà làm nông thì người đó chỉ cần có sức khỏe tốt, tính cách ôn hòa, gia đình êm ấm, ăn nên làm ra là được.
Ngày nay với ý thức bình đẳng giới được nâng cao, người xông đất được chọn dựa trên tiêu chuẩn đạo đức, nghề nghiệp và ngoại hình chứ không còn quá quan trọng tuổi tác hay giới tính như trước nữa. Một số gia đình còn xem việc xông đất là nên thuận theo ý trời nên không cố tình chọn lọc người đến nhà đầu tiên, bất kì ai đến chúc Tết đều đem lại niềm vui và may mắn cho gia đình.
Câu 5: Tên gọi khác của Tết Nguyên Đán là gì?
- Đáp án: Tết Âm lịch/Tết ta/Tết Cả/Tết Cổ truyền
Nguồn gốc Tết Nguyên Đán Việt Nam
Tết Nguyên Đán là lễ hội mở đầu năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhất đối với người Việt. Tết ta tính theo Âm lịch nên đến muộn hơn Tết Dương lịch hay còn gọi là Tết Tây. Năm nào thì toàn bộ dịp lễ cũng thường kéo dài từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng. Theo Hán Việt, “tết” là lối nói trại của “tiết”, “nguyên” nghĩa là khởi đầu và “đán” nghĩa là ngày. Nghĩa gốc của cả cụm mang ý nghĩa “ngày đầu tiên” hoặc ngày mồng một của Âm lịch.
Có nhiều tranh cãi cho rằng Tết Nguyên Đán ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng dần dần nhiều bằng chứng chỉ ra từ thời vua Hùng là Việt Nam đã có dịp lễ Tết rồi. Chung quy lại, Tết âm lịch của người Việt và của người Hoa có chịu ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn có những nét đặc sắc rất riêng biệt.
Câu 6: Đêm giao thừa có gì khiến mọi người đều thức đợi xem?
- Đáp án: Pháo hoa
Ý nghĩa pháo hoa đêm giao thừa
Bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa được xem là hình thức tạm biệt năm cũ và ăn mừng năm mới xuất phát từ Trung Quốc. Ánh sáng và tiếng ồn của pháo hoa được cho là có tác dụng xua đuổi ma quỷ và cầu mong những điềm lành đến với người xem. Hình ảnh pháo hoa màu sắc rực rỡ phát sáng trên bầu trời đêm rồi nhanh chóng tàn lụi trong tích tắc cũng dạy cho con người ta bài học biết trân quý những giây phút hiện tại để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp vô cùng ngắn ngủi này.
Câu 7: Quả gì to tròn có vỏ màu xanh, ruột màu đỏ?
- Đáp án: Dưa hấu
Ý nghĩa dưa hấu chưng bàn thờ ngày Tết
Dưa hấu là loại trái cây không thể vắng mặt trên bàn thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, đặc biệt là người miền Tây. Đây là loại quả mang ý nghĩa cầu tài lộc và thuận lợi cho gia chủ trong năm mới, ruột đỏ đại diện cho sự may mắn còn vỏ xanh là màu của hi vọng. Trên thị trường có bán rất nhiều loại dưa từ hình dáng thon dài, tròn cho đến vuông nhưng theo quan niệm của người xưa thì ta nên cúng dưa tròn trong những ngày đầu năm vì nó tượng trưng cho sự viên mãn và vẹn toàn. Thay vì một trái thì ta nên chọn mua một cặp dưa để hai bên nhằm tạo sự cân xứng cho bàn thờ. Ngày nay còn có xu hướng khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ… hoặc dán chữ đỏ lên dưa để làm tăng thêm vẻ đẹp mắt cho ngôi nhà nữa.
Câu 8: Các ông đồ thường làm gì trong những ngày Tết?
- Đáp án: Viết câu đối
Ý nghĩa tục xin chữ – cho chữ đầu năm
Theo phong tục truyền thống lâu đời, cứ đến đầu năm mới là người dân lại tìm đến những ông đồ để xin chữ về treo với mong muốn một năm mới như ý và hạnh phúc. Tùy vào nhu cầu và độ tuổi của mỗi người mà họ sẽ được tư vấn chọn chữ phù hợp với mình về treo. Những nét chữ đen uyển chuyển như nhảy múa trên những trang giấy chứa đựng trong đó những hi vọng về một năm mới đầy khởi sắc. Ngoài chữ Hán và chữ Nôm thì các mẫu câu đối, câu chúc bằng chữ quốc ngữ cũng được nhiều người ưa chuộng để dễ truyền tải thông điệp đến người đọc. Thông thường, người trẻ tuổi còn đi học sẽ xin chữ Minh, Trí, Tuệ,… để cầu thi cử đỗ đạt và thuận lợi trên con đường học vấn, còn người trung tuổi trở lên hay thích chọn chữ An, Phúc, Thọ,… cho một năm mới bình an và nhiều sức khỏe. Dần dần, tục xin chữ và cho chữ trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt trong dịp Tết.
Câu 9: Loài cây gì thường có mặt trong ngày Tết, không có hoa cũng không có trái nhưng lại khiến ma quỷ khiếp sợ?
- Đáp án: Cây nêu
Sự tích và ý nghĩa cây nêu ngày Tết
Ngày xửa ngày xưa, có một thời gian khi con người và yêu quái phải sống chung trên đất liền. Người yếu đuối còn yêu quái lại nhiều quyền năng nên con người luôn bị yêu quái thống trị và bóc lột sức lao động. Đến mùa vụ lúa năm nào, người thu được bao nhiêu đều phải chia phần cho yêu quái. Ỷ mình ở thế mạnh hơn nên yêu quái ngày càng giở thói côn đồ, đến nỗi tự đặt ra luật để mình được “ăn ngọn cho gốc”. Đến mùa thu hoạch con người chỉ được hưởng rạ còn lúa phải cống nạp cho yêu quái nên không đủ lương thực sinh sống. Phật thấy con người gặp hoạn nạn thì kêu người hãy đổi qua trồng khoai lang trong vụ mùa tiếp theo. Năm đó con người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn yêu quái chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo nghĩa của câu “ăn ngọn cho gốc” mà chúng đề ra. Thấy mình bị dưới cơ con người, yêu quái quyết định đổi qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Thế là Phật bảo con người trồng lúa trở lại làm yêu quái thất bại lần thứ hai. Quá tức giận, chúng nó tuyên bố sẽ “ăn cả gốc lẫn ngọn” vào mùa tiếp theo. Lần này, Phật mách bảo con người hãy gieo giống cây bắp làm yêu quái bị thất thu, còn người thu hoạch được biết bao nhiêu trái bắp. Cuối cùng, yêu quái giở đòn cuối, yêu cầu người phải để chúng sở hữu toàn bộ ruộng đất, nếu không chúng sẽ không để yên cho tính mạng dân lành. Sợ hãi nên con người vội đến cầu xin Phật tính kế, thế là Phật ra mặt gặp kẻ đứng đầu bầy yêu quái, bàn xin chúng một mảnh đất bằng đúng bóng chiếc áo cà sa treo trên đầu cây tre. Nghĩ rằng mảnh đất đó nhỏ xíu nên yêu quái vội đồng ý ngay mà không nghi ngờ gì. Chỉ đến khi Phật dùng phép thuật khiến bóng chiếc áo cà sa đó mỗi lúc một to ra, phủ râm toàn bộ đất đai thì chúng mới biết mình thua cuộc. Không còn chỗ trú ngụ, yêu quái bèn chạy ra ngoài biển Đông, sau đó tính kế vào đất liền cướp lại. Bằng việc dùng những vật dụng thường thấy như lá dứa, tỏi, vôi bột,… để tấn công, con người đã giành phần thắng sau cùng còn yêu quái thì bị đuổi ra khỏi đất liền không bao giờ được quay lại phá rối dân lành nữa. Trước khi bị đày đi, yêu quái thấy hối cãi nên xin Phật khoan hồng, cho mình một cơ hội vào đất liền viếng thăm mộ phần của tổ tiên hàng năm, Phật thương hại nên đã đồng ý. Kể từ đó cứ đến ngày Tết là người ta lại có phong tục dựng cây nêu trước nhà để xua đuổi ma quỷ và tránh những điềm xấu. Cây nêu thực chất là một thân cây bất kì, trên ngọn cây treo chuông gió phát ra âm thanh khi có gió và một số vật dụng tùy vùng địa phương để nhắc nhở quỷ tránh xa người dân ra. Nhiều nhà dựng cây nêu bằng tre, trúc, hoặc chỉ đơn giản là thân cây mía. Đây được xem là một phong tục độc đáo ngày Tết của người Việt.
Câu 10: Khoảnh khắc chuyển giao từ năm này sang năm khác gọi là gì?
- Đáp án: Giao thừa
Giao thừa là một từ chỉ thời điểm 0 giờ 0 phút 0 giây giữa ngày 31 tháng 12 và ngày 1 tháng 1, có ý nghĩa đánh dấu khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. “Giao thừa” là từ tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy”, còn trong tiếng Anh dịch là “New Year’s Eve”. Đây được tin là một̀ thời khắc vô cùng ý nghĩa khi vạn vật sinh linh được khoác lên mình chiếc áo mới và bỏ lại những gì đã qua ở sau lưng để đón chào những điều tốt đẹp trong tương lai. Đêm giao thừa hay còn được gọi là đêm Trừ tịch, là đêm vô cùng quan trọng đối với mọi gia đình Việt để cúng bái tổ tiên, hội ngộ, đoàn viên và hi vọng về một năm mới khởi sắc hơn. Vào dịp này, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam thường tổ chức bắn pháo hoa để chung vui với người dân, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay có chuyển biến nghiêm trọng nên nhiều tỉnh thành đang xem xét không bắn pháo hoa giao thừa dịp Tết Tân Sửu 2021 này.
Đố vui ngày Tết cho trẻ em
Câu 11: Chúc tết người lớn xong rồi thì trẻ em sẽ nhận được gì?
- Đáp án: Lì xì
Hằng năm cứ đến dịp Tết là các thành viên trong gia đình lại quây quần và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhằm hướng đến một năm mới nhiều sức khỏe, tài lộc và may mắn. Chúc tết xong thì sẽ đến “tiết mục” lì xì mừng tuổi đặc sắc khi con cái lì xì cho cha mẹ, ông bà lì xì cho con cháu, anh em trong nhà lì xì cho nhau,…
Nhiều người tin rằng phong tục lì xì ngày Tết bắt nguồn từ Trung Quốc và người Hoa gọi bao lì xì là “hồng bao”. Theo truyền thuyết kể lại, khi xưa có một con yêu quái thích quấy rầy giấc ngủ của trẻ nhỏ ngay đêm giao thừa khiến đứa trẻ nào cũng khiếp sợ, sang ngày hôm sau thì lên cơn đau đầu, chóng mặt làm cha mẹ rất lo lắng. Ở một ngôi làng nọ có một cặp vợ chồng ở độ tứ tuần mới sinh được một bé trai kháu khỉnh. Vì đứa bé quá bụ bẫm và dễ thương nên đã bị yêu quái chú ý và nhắm đến. May là chuyện này được tiên đoán cho tám vị tiên biết trước. Tết năm ấy, họ tìm đến ngôi nhà của cặp vợ chồng nọ, làm phép hóa thành tám đồng tiền đặt kế bên để bảo vệ bé. Sau đó, ba mẹ của em bé gói tám đồng tiền đó trong giấy đỏ, để cạnh đầu giường bé trai rồi mới yên tâm đi ngủ. Đến đúng thời khắc giao thừa, con yêu quái xuất hiện, định giơ tay chạm vào bé trai thì chợt từ đầu giường lóe lên ánh sáng chói lóa khiến nó kinh hãi chạy thục mạng. Dần dần đây trở thành phong tục lì xì đầu năm không thể thiếu trong những ngày Tết đến xuân về.
Câu 12: Mọi gia đình sẽ thực hiện điều gì vào 23 tháng Chạp âm lịch?
- Đáp án: Cúng đưa ông Táo về chầu trời
Vào dịp 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người người nhà nhà đều chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất để cúng ông Công ông Táo nhằm đưa Táo quần về trời chầu Ngọc Hoàng. Tùy vùng miền mà mâm cúng mỗi nhà sẽ khác nhau đôi chỗ nhưng những món thường thấy nhất có thể kể đến như cá chép, gà luộc, xôi gấc, bánh chưng, thịt quay,… So với ngày trước thì mâm cỗ cúng ông Táo hiện nay ngày càng đơn giản, biến tấu phù hợp với khẩu vị gia đình nhiều hơn. Theo dân gian, lễ cúng cần phải được thực hiện trước khi ông Công ông Táo cưỡi cá chép về trời giữa trưa ngày 23. Do đó, thời gian cúng có thể dao động từ trưa ngày 22 hoặc sáng ngày hôm sau.
Câu 13: Theo truyền thuyết kể lại, ông Táo về trời bằng phương tiện nào?
- Đáp án: Con cá chép
Dựa trên sự tích “Cá chép hóa rồng”, từ lâu người dân Việt đã luôn nuôi dưỡng niềm tin rằng cá chép vượt vũ môn sẽ hóa rồng, sau đó rồng sẽ bay lên trời, vì thế cá chép là con vật duy nhất sẽ giúp Táo quân bay về trời. Người ta cúng cá chép còn sống hay cá chép giấy đều được. Ngoài ra, theo quan niệm Phật giáo, người dân còn phóng sinh 3 con cá chép thật ra ao hồ để tiễn đưa Táo quân về trời thành công, thể hiện tính nhân văn, lương thiện trong tính cách con người. Tuy phong tục này cũng gây ra nhiều vấn đề như xả bao nilon bừa bãi hay giá cá chép tăng cao “chóng mặt” nhưng phong tục tập quán này vẫn là nét đẹp văn hóa những ngày Tết.
Dưới đây là video kể về sự tích Táo quân:
Câu 14: Hoạt động truyền thống ngày Tết nào rất nhộn nhịp và có sự tham gia của các vũ công chuyên nghiệp với những màn trình diễn đẹp mắt?
- Đáp án: Múa lân
Múa lân là một bộ môn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ Trung Quốc và thường được biểu diễn ngoài đường phố nhân dịp Tết, Trung Thu hay những sự kiện đình đám, long trọng. Múa lân là từ rút gọn cho múa Lân – Sư – Rồng, ba con vật đại diện cho may mắn, thịnh vượng và sung túc. Tiếng trống rộn ràng cùng những động tác khéo léo, điêu luyện của múa lân luôn thu hút được nhiều sự chú ý từ người dân. Hình thức nghệ thuật đòi hỏi nhiều sự luyện tập này cũng là một trong những hình ảnh không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán.
Dưới đây là video một màn múa lân nhộn nhịp nhân dịp Tết năm 2020:
Câu 15: Bánh trời, bánh đất là gì?
- Đáp án: Bánh chưng, bánh giầy
Bánh chưng, bánh giầy là những món không thể vắng mặt trong ngày Tết Việt Nam chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn của dân tộc. Hàng năm cứ đến những ngày này là mọi người lại đi sắm sửa vài cặp bánh để chưng bàn thờ, cúng tổ tiên thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà ông cha ta để lại. Bánh chưng bánh giầy còn là công lao của người lao động mỗi mùa làm nông vất vả. Bên ngoài của chiếc bánh chưng gói lá dong xanh, bên trong được chế biến từ những nguyên liệu nấu ăn quen thuộc với người Việt như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo,… Hình ảnh bánh chưng bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần đã ban mưa ban nắng xuống để con người được giúp sức trong cày cấy, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bánh giầy với hình tròn trắng nõn giống như bầu trời được xem là nơi cư ngụ của các vị thần linh thiêng, vì vậy người ta thường tế bánh giầy để cầu mong thời tiết thuận lợi, ôn hòa cho một năm đầy đủ, no nê.
Dưới đây là video kể về sự tích bánh chưng, bánh giầy:
Câu 16: Có được đốt pháo trong ngày Tết hay không?
- Đáp án: Trong quá khứ thì được phép đốt nhưng bây giờ đã bị cấm
Đối với những thế hệ cũ 7x và 8x, Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp chúc tết nhau, nhận lì xì, diện quần áo mới mà còn là dịp chờ mong tiếng pháo giòn giã, nhộn nhịp. Quan niệm xưa cho rằng tiếng pháo có khả năng khiến ma quỷ khiếp sợ, từ đó tránh tà ma và bảo vệ người dân trong nhà. Trong quá khứ, nhiều gia đình không đủ điều kiện như bây giờ nên đối với trẻ em ngày ấy thì âm thanh đùng đùng và mùi thuốc pháo đã là một thú vui ngày Tết rồi, đốt xong chúng sẽ rủ nhau chạy khắp các ngõ tìm xem xác pháo chưa cháy hết để đập cho nổ rồi cùng nhau hoan hô đón Tết. Dù là hành vi rất vui nhộn nhưng vì khá nguy hiểm nên chính quyền cả nước đã nghiêm cấm người dân tụ tập đốt pháo để bảo vệ an nguy xã hội.
Câu 17: Một loại đồ ăn tráng miệng có vị ngọt với nhiều hương vị mà không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên Đán?
- Đáp án: Bánh mứt
Khay mứt Tết bao gồm những món bánh mứt có vị ngọt mang ý nghĩa mong muốn năm mới cũng “ngọt ngào”, tràn ngập yêu thương như thế. Mứt hạt sen ngụ ý con cháu đầy nhà, mứt dừa mang ý nghĩa gia đình sum họp, mứt gừng cầu mong cuộc sống hạnh phúc, viên mãn là những loại mứt quen thuộc với người người nhà nhà. Ở miền Bắc se lạnh thì còn có thêm chè lam, hạt bí rang, kẹo lạc,… Miền Trung có đặc sản bánh in, bánh thuẫn, miền Nam và miền Tây hay trồng dừa nên thường ăn mứt dừa ngày Tết với nhiều màu sắc bắt mắt. Ngày xưa người ta thường làm thủ công các loại bánh mứt còn hiện tại thì đã có nhiều thương hiệu đảm bảo và đỡ tốn thời gian hơn nên được tiêu thụ nhiều, làm cho Tết cũng không còn “nhiệt” như trước nữa.
Câu 18: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngựa, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Điểm nào sai trong câu trên và sửa làm sao cho đúng?
- Đáp án: Ngựa đổi thành Ngọ
Mười hai con giáp hay còn được gọi là thập nhị Chi, là một chuỗi các con vật có thứ tự được sắp xếp dựa trên âm lịch, mỗi con đại diện cho một năm trong một chu kỳ 12 năm lặp lại. Đây là một tập hợp có nguồn gốc từ Trung Quốc và dần dần xuất hiện các biến thể phổ biến ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan,… Năm 2021 là năm Tân Sửu, tức là năm con trâu, cũng là con vật đứng thứ hai trong mười hai con giáp. Theo quan niệm dân gian, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là bạn của nhà nông, là một loài vật quen thuộc với người lao động Việt Nam.
Dưới đây là video kể về sự tích mười hai con giáp:
Câu 19: Mâm ngũ quả ở miền Nam thường gồm những loại trái cây nào?
- Đáp án: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung
Đối với người miền Nam, mâm ngũ quả để cúng tổ tiên phải bao gồm năm loại trái cây ứng với quan niệm “cầu sung vừa đủ xài” vừa thể hiện lòng biết ơn ông bà cha mẹ, vừa mong muốn một năm mới đầy đủ ấm no hạnh phúc.
Câu 20: Kể tên 5 loại trái cây thường xuất hiện trên mâm ngũ quả ở miền Bắc?
- Đáp án: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, phật thủ, táo, lựu, cam (kể được năm trong số này là đúng)
Ở miền Bắc khi cúng có sự đa dạng về các loại hoa quả hơn miền Nam nhưng chung quy lại cũng đều cầu may mắn, tài lộc cho một năm mới đầy đủ.
Bài viết tham khảo thêm:
Sau cùng, Blog Ăn Chơi xin kính chúc độc giả một năm 2021 an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, tấn tài tấn lộc tấn bình an!