Tổng quan V-League 2009: Từ A đến Z
A– Antonio (Đồng Tâm Long An) trở thành cầu thủ hiếm hoi (cùng với Công Vinh) lập kỷ lục ghi được 4 bàn chỉ trong trận gặp XM Hải Phòng ở vòng 11. Tuy vẫn là cầu thủ ghi bàn hàng đầu khi góp công vào 11 bàn thắng cho đội bóng của bầu Thắng, nhưng chính phong độ khá thất thường của anh (đến vòng 9 mới có bàn thắng đầu tiên), phần nào cũng ảnh hưởng phong độ của đội nhà khi Đồng Tâm Long An chỉ về hạng 10 chung cuộc – thứ hạng thấp nhất của họ kể từ ngày tham gia V-League.
Đồng Tâm Long An (Quang Trãi, trái) và Hoàng Anh Gia Lai (Thanh Bình) 2 đại gia của V-League chơi sa sút đến nỗi không lọt được vào tốp 5. Ảnh: Hoàng Hùng
B– Becamex Bình Dương bị đội bóng bên bờ sông Hàn truất ngôi, nhưng cũng tạm an ủi với vị trí á quân chung cuộc. Một điều đáng khen nơi cựu vô địch này là họ đã lần đầu tiên làm rạng danh bóng đá cấp CLB nước ta khi lọt vào đến vòng tứ kết AFC Cup 2009.
C– CLB TPHCM phải chịu nỗi đau rớt hạng ngay trong mùa bóng đầu tiên đổi tên mới. Và mùa giải 2010 sắp tới, lần đầu tiên TPHCM sẽ là vùng trắng trên bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam.
D– Denilson, nhà vô địch thế giới 2002 trong màu áo Brazil đặt chân lên sân cỏ Việt Nam dưới màu áo XM Hải Phòng, trong sự háo hức chờ đợi của hàng vạn người hâm mộ, song, đội bóng đất cảng phải chịu nuốt chén đắng vì tiền đạo này hầu như chỉ có thể đá bóng bằng một chân, còn chân kia bị chấn thương rất trầm trọng.
E– Evaldo, bản hợp đồng vào giờ chót của Hoàng Anh Gia Lai lại tỏ ra khá hữu dụng khi anh này đóng góp khá nhiều bàn thắng cho đội bóng phố núi. Điểm đáng chú ý là anh này rất hay ghi bàn vào những phút cuối trận, mà các “nạn nhân” điển hình là SHB Đà Nẵng, Xi măng Hải Phòng, Quân khu 4… rồi Đồng Tâm Long An ở Cúp Quốc gia.
F– Francois Endene, cầu thủ bị Thể Công loại ra đã thi đấu tưng bừng cho đội bóng mới và giúp T&T Hà Nội thăng tiến vượt bật ở lượt về. Đáng chú ý khi Endene là người có đường chuyền quyết định cho Lê Công Vinh ghi bàn vào lưới đội bóng cũ Thể Công ngay trận đầu tiên của lượt về.
G- Gạch-Gỗ-Gốm, bộ ba thống trị 6 mùa V-League trước đây thi đấu khá sa sút đến nỗi chỉ có đội bóng đất Thủ về nhì, còn Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai còn không lọt nổi vào tốp 5 của giải.
H– Hoàng Anh Gia Lai trải qua mùa bóng thất bát khi đội này có kết quả không tương xứng với sự đầu tư lớn lao mà bầu Đức đã bỏ ra, qua hợp đồng đình đám với Lee Nguyễn, nhập quốc tịch cho Nirut và Sakda… Vì thế, tuyên bố đội nhà có 98% cơ hội vô địch của bầu Đức hồi đầu mùa giải 2009 có lẽ phải chờ đến năm sau.
I– Issifu Ansah, cầu thủ đến từ Ghana là 1 trong 5 ngoại binh được đá chính thường xuyên ở đội bóng Khatoco Khánh Hòa.
J– Jose Luis, Giám đốc kỹ thuật đến từ Bồ Đào Nha vẫn không tài nào cứu vớt con tàu ĐT.LA già nua và cũ kỹ. Quanh đi quẩn lại, cựu vô địch V-League 2005 và 2006 chỉ có bộ đôi Minh Phương – Tài Em và Santos – Antonio là sáng giá. Đã vậy, cặp tiền vệ của đội tuyển Việt Nam hầu như không đóng góp gì nhiều do dính chấn thương nên ông Jose Luis đành … bó tay!
K– Khatoco Khánh Hòa tiếp tục thể hiện phong độ phập phù qua các trận cầu “dậy mùi”, đến nỗi ngay cả khán giả ruột của họ cũng nhiều lần tỏ thái độ bất bình trên sân Nha Trang. Vì thế, không những thất bại trong cuộc đua vào tốp 5 mà thứ hạng của họ ở mùa bóng này còn kém hơn mùa trước đến 2 bậc.
L– Lê Công Vinh trở thành điểm sáng hiếm hoi của lực lượng nội binh ở mùa giải năm nay khi phá lưới đối phương đến 14 lần. Và phần thưởng mà Tập đoàn T&T và HLV Calisto dành cho anh là chuyến đi đến Bồ Đào Nha đầu quân cho CLB Leixoes.
M– Mai Đức Chung về Bình Dương hơi muộn và gặp trục trặc lúc ban đầu, nhưng càng ngày, cầu thủ của ông đã vào guồng và cuối cùng giành bộ HCB, cùng đó là việc vào sâu đến vòng tứ kết AFC Cup châu Á.
N– Nhập quốc tịch là trào lưu rầm rộ trong mùa giải này. Nối gót Đồng Tâm Long An ở mùa bóng trước với trường hợp của thủ thành Santos, đến lượt Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương, rồi XM Hải Phòng và cả SHB Đà Nẵng… Tuy nhiên, hiệu quả của phong trào này xem ra không mấy khả quan trong giai đoạn ban đầu này!
O– Okoro ghi được 5 bàn cho đội bóng M.Nam Định ở V-League 2009, nhưng có lẽ bàn thắng vào lưới đội hạng Nhất Cần Thơ chiều ngày 30-8 (trận play-off) mới là bàn thắng quan trọng nhất, vì nó giúp đội chủ sân Thiên Trường giành quyền tiếp tục góp mặt vào sân chơi V-League ở mùa giải tới.
P- Phan Văn Santos tuy không còn giữ phong độ đỉnh cao như trước kia, song, anh cũng để lại dấu ấn khá tốt trong lòng người hâm mộ khi ghi được 2 bàn từ các quả sút phạt vào lưới Hoàng Anh Gia Lai và XM Hải Phòng.
Q– Quân khu 4 đã có những trải nghiệm quý báu ngay mùa giải đầu tiên thử sức ở đấu trường V-League. Đã có lúc, thầy trò ông Vũ Quang Bảo bay bổng với vị trí tốp 3 sau khi kết thúc lượt đi, nhưng kể từ lượt về, họ tuột dốc thê thảm và chỉ có may mắn mới giúp họ trụ lại sân chơi vốn có nhiều toan tính (trong lẫn ngoài sân cỏ) và đầy khốc liệt này!
R– Riedl, cựu HLV của đội tuyển Việt Nam dường như không có duyên với các CLB ở dải đất hình chữ S này. Không chỉ nếm mùi thất bại khi đặt chân đến Khánh Hòa trước kia, và mới nhất là Hải Phòng, ông chính là HLV bị XM Hải Phòng thanh lý hợp đồng sớm nhất, ngay sau trận thua M.Nam Định ở vòng đấu thứ 3 trên sân nhà Lạch Tray.
S– SHB Đà Nẵng có một mùa giải đại hỷ khi thâu tóm cả chức vô địch V-League lẫn Cúp Quốc gia. Riêng ở giải vô địch quốc gia, thầy trò ông Lê Huỳnh Đức tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại và bước lên ngôi cao nhất trước 3 vòng đấu. Niềm vui của đội bóng bên bờ sông Hàn còn được nhân… ba khi tiền đạo Merlo Gaston của họ còn trở thành chân sút ghi bàn nhiều nhất giải năm nay.
T– T&T Hà Nội lần đầu tiên phá bỏ lời nguyền “đội nào xếp chót lượt đi thì không thoát khỏi cảnh xuống hạng vào cuối mùa” khi cán đích ở vị trí thứ 4. Với những sự đầu tư hầu như không có giới hạn của bầu Hiển, xem ra đội này sẽ rất đáng xem và đáng ngại nhất của mùa giải năm sau…
U– Uy tín của trọng tài tiếp tục giảm sút khi hầu hết các đội đều có ít nhất một lần than vãn vì cách cầm còi của các ông vua sân cỏ. Điển hình là trường hợp Nguyễn Trọng Thư bị CS Đồng Tháp căm phẫn sau trận đấu với XM Hải Phòng, hay Phạm Quốc Dũng với HLV đội B.Bình Dương Mai Đức Chung…
V– Vua phá lưới ở mùa giải V-League thứ 7 liên tiếp rơi vào tay các ngoại binh. Điều khá đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử V-League, có 2 cầu thủ cùng chia nhau giải thưởng này là Merlo Gaston (SHB Đà Nẵng) và Lazaro (Quân khu 4) khi cùng có 15 lần nhả đạn trong mùa giải 2009.
W– Wole, trung vệ đã gắn bó với HLV Lư Đình Tuấn 2 mùa giải gần đây đã nói lời chia tay để về bến đỗ Xi măng Hải Phòng sau khi CLB TPHCM rớt hạng.
X– Xi măng Công Thanh + Thanh Hóa = Rớt hạng! Thật vậy, những tưởng với sự tiếp tay của nhà tài trợ mới sau khi chia tay hãng bia Halida, các cầu thủ xứ Thanh sẽ cất cánh, nào dè, tình hình càng trở nên tồi tệ khi vớ phải ông bầu mang họ “hứa” nên sau 3 mùa giải trụ lại ở V-League, Thanh Hóa đành phải ngậm ngùi quay về mái nhà hạng Nhất!
Y– Y án! Ban tổ chức quyết định như thế khi phía Hải Phòng “xin xỏ” cho mở cửa đón khán giả vào sân khi tiếp Đồng Tâm Long An ở vòng 24. Số là ở trận gặp CLB TPHCM trước đó, khán giả trên sân Lạch Tray quậy quá cỡ bằng các màn ném đủ thứ vật lạ xuống đầy cả sân, ngay cả khi cầu thủ đội khách bị thương cáng ra sân, họ cũng không tha và cả trợ lý trọng tài Huỳnh Quốc Việt cũng “dính đòn” nên xin thay trong khoảng thời gian cuối trận!
Z– Zíc-zắc “xin & cho” vẫn còn tồn tại khá rõ nét, dù V-League mang danh là giải đấu chuyên nghiệp hấp dẫn nhất khu vực. Việc các đội “đi đêm” lẫn… “đi ngày” (năn nỉ cho đội bạn lơi chân ngay trên sân) khiến dư luận nhiều phen bất bình, nhưng ngay cả Ban tổ chức giải, lẫn Ban kỷ luật vẫn không có cách giải quyết thì xem ra, vấn nạn này sẽ vẫn còn tiếp diễn dài dài…
TRUNG TÍN (tổng hợp)