TOUR DU LỊCH DU LỊCH FREE & EASY CÔN ĐẢO 3 NGÀY 2 ĐÊM

Giờ đây khi gọi Côn Đảo là thiên đường chắc cũng không có gì là sai, với một cuộc sống Thanh Bình – Nhân Hòa, được thiên nhiên ưu ái, Côn Đảo ngoài nước biển trong xanh màu ngọc bích không có chút phù sa còn được bao phủ bởi màu xanh của những tán rừng tự nhiên và sau đây là những điểm đến bạn không nên bỏ qua khi đã đến với Côn Đảo.

1. Tham quan những di tích lịch sử tại Côn Đảo

Tham quan trại Phú Hải

Trại Phú Hải là di tích đặc biệt Quốc Gia của du lịch Côn Đảo, hệ thống nhà tù này được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 bởi thực dân Pháp và hiện nay được xây dựng tái hiện chân thực, sinh động về một thời các tù nhân bị giam cầm, tra tấn trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trại Phú Hải

Trại Phú Hải là nơi đã giam bác Tôn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Ngô Gia Tự… cùng hàng ngàn tù nhân khác và có lúc đỉnh điểm một buồm giam giam tới 200 tù nhân. Tất cả các tù nhân đều bị đánh đập, tra tấn dã man, không được mặc quần áo, xích lại bằng xiềng, đi vệ sinh tại chỗ.

Ngày nay, trại Phú Hải được phục dựng và tái hiện lại bằng những hình tượng sinh động, chân thực nhất cho thấy một thời kỳ đau thương của các tù nhân và cũng cho thấy ý nghĩa về sự hi sinh oanh liệt, kiên cường bất khuất.

Du lịch Côn Đảo - Tham Quan Trại Phú Hải

Trong các chương trình tour Côn Đảo thì trại Phú Hải là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá về lịch sử, về một thời hi sinh, hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ để cảm nhận và tự hào về dân tộc ta, những vị anh hùng dân tộc.

Dinh Chúa Đảo hay là Dinh Ông Lớn

Dinh Chúa Đảo (Sở rẫy Ông Lớn) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, dinh với tổng diện tích 18.600m2 bao gồm nhà chính, nhà phụ và sân vườn. Đây là đầu não cai trị và quản lý hệ thống nhà tù Côn Đảo.Nơi ở và làm việc của 53 đời chúa đảo trong suốt 113 năm từ 1862-1975. Trong số đó, có nhiều tên chúa đảo khét tiếng tàn bạo, như Andouard từng được mệnh danh là “Tên đao phủ ở Côn Lôn”. Tiếp đó là tên Bouvier làm chúa đảo trong những năm 1927-1942, đã giết hại 802 người tù từ 1930-1934.

Dinh Chúa Đảo
Dinh cũng là nơi thành lập chính quyền Cách mạng đầu tiên ở Côn Đảo năm 1945 từ 1974 thì dinh  được sủ dụng làm Phòng trưng bày Khu di tích lịch sử Côn Đảo tới nay.

Tham quan bảo tàng Côn Đảo để hiểu thêm về lịch sử Côn Đảo

Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ, trưng bày, bảo quản và giới thiệu các hiện vật lịch sử, văn hóa của mảnh đất con người Côn Đảo qua các thời kỳ lịch sử.
Bảo tàng nằm trên đường Nguyễn Huệ, gần di tích Chuồng Cọp Pháp, trong khuôn viên rộng hơn 2ha, diện tích xây dựng 3.570 m2, diện tích trưng bày 1.700m2.

Bảo tàng Côn Đảo

Bảo tàng Côn Đảo trưng bày gồm 01 gian khánh tiết và 04 chủ đề:

  • Chủ đề 1: Côn Đảo thiên nhiên con người
  • Chủ đề 2: Côn Đảo địa ngục trần Gian
  • Chủ đề 3: Côn Đảo trận tuyến, trường học
  • Chủ đề 4: Côn Đảo ngày nay

Đến với Bảo tàng Côn Đảo quý khách sẽ tìm hiểu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quần đảo Côn Đảo và tham quan các hình ảnh, hiện vật trưng bày tố cáo tội ác của Thực Dân Pháp và đế Quốc Mỹ cùng với chính quyền tay sai. Hình ảnh, chân dung những Sĩ Phu yêu nước, những hình ảnh tù nhân bị giam cầm, tra tấn, đày đọa trong một chế độ nhà tù khắc nghiệt lớn nhất ĐôngDương. Những tấm gương chiến đấu kiên trung, bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã sống chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do cho Tổ Quốc.

Bảo tàng Côn Đảo

Với 2000 tư liệu, hiện vật trưng bày. Đến với Bảo tàng Côn Đảo, quý khách sẽ hiểu sâu sắc hơn về thiên nhiên, con người Côn Đảo từ thời tiền sử, sơ sử đến gai đoạn phát triển hiện nay và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh nhà tù Côn Đảo trong 113 năm “ Địa ngục trần gian”

2. Khám phá Thị Trấn và cảnh quan thiên nhiên

Khám phá thị trấn Côn Đảo

Bạn có thể tản bộ vòng quanh thị trấn Côn Đảo để thưởng thức một không khí Thanh Bình đến lạ lùng, cùng những gốc bàng cổ thụ càng tô đậm thêm không gian cổ kính, hoang sơ, trầm mặc cho Côn Đảo.

Thị trấn Côn Đảo

Nhìn hàng bàng Côn Sơn có thể thấy được sự vững chãi, trường thọ của loài thực vật này trước gió biển, trên đất cằn và ta có thể liên tưởng đến sự can trường, hiên ngang của những người yêu nước đã bị giam cầm, hy sinh nơi đây. Không hiểu cây bàng được đưa đến đảo này từ khi nào nhưng có người nói là khi lập trại giam người Pháp đã trồng bàng trong sân trại như vậy Những Gốc Bàng đã hơn 150 tuổi.

Bàng Côn Đảo sẽ là nguồn cảm hứng thu hút du khách đến thiên đàng giữa hạ giới đã từng là địa ngục trần gian này.

Vườn Quốc Gia Côn Đảo

Nếu có thời gian bạn hãy tham quan vườn Quốc Gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước. Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển.

Rừng Quốc Gia Côn Đảo

Từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa Vích lên bờ làm tổ đẻ trứng, đây cũng là thời gian biển êm, là thời gian để bạn thỏa thích tắm biển, chèo thuyền, lặn ngắm san hô, khám phá cảnh đẹp.

Tham quan cảng Bến Đầm

Cảng Bến Đầm là điểm đến của những chuyến tàu du lịch Vũng Tàu Côn Đảo. Nơi đây đã được xây dựng nhiều công trình chắn sóng, cùng hệ thống nhà máy chế biến, chợ hải sản, hệ thống kho lạnh,…để phục vụ nghề cá.

Cảng bến Đầm

Cảng Bến Đầm đóng một vai trò hết sức quan trọng ở Côn Đảo, bên cạnh là nơi neo đậu tàu thuyền du lịch, cảng còn có vai trò tiếp nhận thuyền bè vào trú bão bởi vị trí được che chắn nên kín gió. Cảng Bến Đầm có chiều dài khu vực cảng hơn 2 km, với 220 mét cầu dẫn, cùng 82 mét cầu biển.
Cảng Bến Đầm được xem là cụm cảng tổng hợp, mỗi lần neo đậu cảng Bến Đầm có thể chứa khoảng 20 chiếc tàu. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm vào ra của hàng ngàn lượt tàu thuyền, trong đó có những tàu du lịch quốc tế. Là một cảng nước sâu luôn sôi động với hoạt động trung chuyển hành khách, hàng hóa, rồi đến cảnh buôn bán, dịch vụ hậu cần nghề biển.

Tắm biển Bãi Đầm Trầu

Côn Đảo có những bãi biển rất đẹp như bãi Lò Vôi, Đầm Trầu, bãi Suối Nóng khá đẹp. Bãi Đầm Trầu là bãi biển đẹp nhất trên quần đảo Côn Đảo, bãi biển nằm gần sân bay Cỏ Ống, ở rìa ngoài Vườn quốc gia Côn Đảo và cách thị trấn Côn Đảo khoảng 14 km.

Bãi Đầm Trầu Côn Đảo

Ở Côn Đảo người ta vẫn thường ví bãi Đầm Trầu như nàng tiên nữ say sưa giấc nồng chưa tỉnh giấc. Đúng vậy, bãi Đầm Trầu sở hữu phong cảnh đẹp ngất ngây, vừa hoang sơ, kỳ bí lại vừa thơ mộng, hữu tình rất xứng đáng với vẻ đẹp của bãi tắm đẹp nhất Côn Đảo.

Hồ An Hải

Đến với Hồ An Hải mùa sen nở bạn sẽ thưởng thức được một cảnh đẹp tuyệt vời trước vẻ đẹp bông hoa sen thanh khiết của biển đảo, nơi đây rất có tiềm năng du lịch Côn Đảo bởi vẻ đẹp tiềm ẩn chờ đón sự khám phá của du khách.

3. Du lịch tâm linh Côn Đảo

Viếng miếu bà Phi Yến

Năm 1783, Nguyễn Ánh thua quân Tây Sơn bỏ chạy ra Côn Đảo và có ý định cầu viện giặc Pháp. Biết ý định của chồng, bà Phi Yến khuyên can liền bị Nguyễn Ánh nổi giận, giam vào hang núi trên đảo. Còn hoàng tử Cải – con của bà và nhà vua Nguyễn Ánh thì bị ném xuống biển. Xác Hoàng tử trôi dạt vào làng Cổ Ống ở Côn Đảo, được người dân vớt, chôn cất tử tế và lập miếu thờ tên gọi “Thiếu gia miếu”. Còn về phần bà Phi Yến đã được Hổ đen và Vượn trắng cứu và đưa về Cỏ Ống, nơi có ngôi mộ con mình, bà Phi Yến đã ở lại đây ngày đêm chăm sóc phần mộ đứa con bạc phước. Trong một hôm dự lễ làng, một kẻ tên là Bện Thi không kìm lòng được trước nhan sắc của bà liền lẻn vào nơi bà ở định giờ trò đồi bại. Để thủ tiết, bà Phi Yến đã tự vẫn ở chân ngọn núi cao nhất Côn Đảo bây giờ. Cảm phục người phụ nữ trung trinh tiết liệt người dân lập miếu thờ bà tên gọi “An Sơn Miếu”.

Miếu bà Phi Yến

Ngoạn cảnh Chùa Núi Một

Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự, tọa lạc giữa lưng chừng của núi Một, cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 1.6km. Khu di tích lịch sử chùa Núi Một là một điểm tham quan hấp dẩn dành cho du khách khi đặt chân đến với Côn Đảo. Từ chùa Núi Một bạn có thể dể dàng ngắm cảnh hồ An Hải và toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và vịnh Côn Sơn từ trên cao, đồng thời cũng là nơi thờ phụng tôn nghiêm dành cho du khách thập phương đến chiêm bái và gửi gắm những tâm nguyện của mình.

Chùa Núi Một - CÔn Đảo

Thăm nghĩa trang hàng Dương viếng mộ Chị Võ Thị Sáu

Côn Đảo được người dân ví là đất linh thiêng nên bất cứ đoàn du khách nào khi đến với Côn Đảo, đều đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, và đặc biệt là viếng thăm mộ Liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ở khu B là ngôi mộ được nhiều người thăm viếng nhất. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển, quanh năm lộng gió.

Viếng mộ chị Võ Thị Sáu

Hương hồn chị Võ Thị Sáu đã trở thành một phần đời sống tinh thần Côn Đảo với nhiều huyền thoại, kể từ buổi sáng 23-1-1952 địch xử bắn chị ở tuổi 19. Chị là người phụ nữ duy nhất trong lớp tù nhân kháng Pháp (1946-1954) bị đưa ra Côn Đảo hành hình. Ở Côn Đảo vỏn vẹn một ngày một đêm, buổi chiều trước hôm ra pháp trường, chị đi dạo đã ngắt một bông hoa dừa đất nâng niu ngắm nghía, khiến nhiều bà vợ của giám ngục được chứng kiến phải sững sờ.

4. Ẩm thực Côn Đảo

Ở Côn Đảo bạn có thể tìm được những món ngon dân dã tại chợ Côn Đảo như bún riêu cua, cháo hàu rất ngon đặc biệt còn các món này bạn sẽ không thể bỏ qua

Ốc Vú Nàng

Ốc vú nàng có hình chóp nhọn thẳng, với thịt bên trong ốc trắng nõn và đầy đặn. Ốc vú nàng dù được chế biến bằng cách nướng, luộc, xào hay làm gỏi… cũng đều hấp dẫn. Tuy nhiên theo nhiều du khách, ngon nhất vẫn là ốc vú nàng nướng mỡ hành. Đây là đặc sản nổi tiếng của Côn Đảo nên ở bất cứ nhà hàng nào bạn cũng có thể thưởng thức.

Ốc Vú Nàng

Tôm Hùm Đỏ

Tôm hùm đỏ còn có tên gọi khác là tôm hùm lửa bởi màu đỏ sậm rất đặc trưng của loài tôm vùng này. Tôm hùm đỏ Côn Đảo không to nhưng thịt cua rất dai, ngọt và săn chắc.

Tôm Hùm Đỏ

Thịt tôm hùm không chỉ ngon, mà ở dọc sống lưng và đầu của nó còn có một lớp gạch tôm rất giàu dinh dưỡng, mỗi khi mùa đông tới lớp gạch này còn dày hơn. Tôm hùm đỏ có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau như sushi, hấp, gỏi, nướng hay làm cháo.

Gỏi Cá Mập

Gỏi cá mập là món đặc sản khi đã thưởng thức bạn rất khó có thể quên được. Một đĩa gỏi cá mập sẽ cho bạn cảm nhận hương vị mềm, thơm của cá với vị cay xé của mù tạt và hòa trộn cùng những nguyên liệu tự nhiên của lá mơ, rau ngổ, vị chát chuối xanh, vị chua của dứa và khế.

Cua Mặt Trăng

Cua mặt trăng là một loại cua có hình dáng kỳ lạ, trên lưng có nhiều đốm đỏ mà đậm pha màu hồng tươi. Nếu nhìn kỹ và biết liên tưởng, bạn sẽ thấy nó cũng gần giống với mặt trăng, có lẽ cũng chính vì vậy mà người ta đặt cho nó cái tên này.

Cua Mặt Trăng

Cách chế biến phổ biến nhất là luộc hay hấp chín, khi đó thịt cua chấm với muối tiêu chanh thực sự rất tuyệt. Tuy nhiên cũng có rất nhiều cách chế biến khác nhau và hấp dẫn cũng không kém như làm lẩu, nấu canh, nấu bún hay dùng thịt cho vào bánh canh. Mỗi cách chế biến đều đem lại những hương vị độc đáo riêng biệt, thơm ngon, ngọt ngào hơn bởi hương vị vốn dĩ đã rất đặc biệt của loài cua này.

Còn 1 đặc sản của Côn Đảo chính là mứt hạt bàng rất ngon và lạ bạn có thể mua về để làm quà cho người thân.

Mứt hạt bàng Côn Đảo