Trải nghiệm Oneplus 8 Pro 5G: Quá tốt nhưng vẫn còn điều phải lăn tăn
OnePlus là một hãng khiến tôi và khá nhiều người dùng Việt Nam tò mò khi chỉ xuất hiện tại thị trường nước ta trong một thời gian rất ngắn rồi biến mất trong suốt 4 năm. Hãng này nổi lên nhờ những lời khen ‘có cánh’ của các reviewer nước ngoài là hãng smartphone nhanh về mọi mặt, dành cho những người ‘mê cấu hình’ và và thích sự tối giản ở mức giá không quá cao, tạo một lượng fan gắn bó trung thành.
Điều này có lẽ đã thay đổi với Oneplus 8 Pro 5G, khi chiếc smartphone này tiến thẳng lên phân khúc cao cấp để cạnh tranh với flagship của những tên tuổi lớn; hãng cũng nhân cơ hội này để có màn ‘comeback’ vào Việt Nam sau thời gian dài vắng bóng. Trong tình hình thị trường smartphone trong nước đã quá bão hòa, Oneplus 8 Pro 5G đem lại điều gì khác biệt để giúp màn trở lại của OnePlus có thể thành công?
Phần cứng đạt đỉnh, chỉ thiếu gập đôi vào mà thôi!
Nhắc đi nhắc lại có lẽ phải đến chục lần, nhưng những sự nâng cấp của smartphone ‘truyền thống’ đã chậm lại trong mấy năm nay rồi. Từ sản phẩm flagship này sang sản phẩm flagship khác có những điểm tương đồng không hề nhỏ, thậm chí những nâng cấp của các đời máy từ năm này qua năm khác cũng đã không còn quá lớn, bỏ một số tiền đủ lớn là chắc chắn bạn sẽ có cấu hình cao cấp để làm được tất cả mọi thứ.
OnePlus sau khi bỏ đi mác là một ‘Flagship-killer’ để sản xuất smartphone cao cấp, ‘flagship’ thì cũng đã đạt đỉnh của công nghệ ở chiếc Oneplus 8 Pro 5G, bạn cần cái gì chiếc smartphone này cũng đáp ứng được, có lẽ chỉ thiếu mỗi tính năng… gập đôi lại mà thôi.
Thiết kế cũng như cấu hình của Oneplus 8 Pro 5G có nhiều điểm tương đồng với người anh em ‘cùng cha khác mẹ’ OPPO Find X2. Cả 2 đều sở hữu màn hình AMOLED QuadHD với một chấm nhỏ ở cạnh trái, tần số làm tươi 120Hz cho chất lượng hiển thị rất cao. Sự khác biệt nằm ở việc Oneplus 8 Pro 5G có độ lớn nhỉnh hơn một chút, 6.78 inch cho với 6.7 inch của Find X2. Màn hình này đối với tôi thì có phần hơi lớn, lại có thêm phần cạnh được làm cong mạnh nên đôi lúc vẫn xảy ra hiện tượng bấm nhầm.
Sức mạnh xử lý được đảm nhiệm bởi vi xử lý Snapdragon 865, 12GB RAM, bộ nhớ 256GB dạng UFS 3.0, nếu như cần một cấu hình mạnh hơn nữa có lẽ bạn nên mua một chiếc laptop! Kết thúc cho bảng cấu hình là viên pin 4510mAh với công nghệ sạc Warp Charge 30W, đây là điểm nhỏ ‘không đạt đỉnh’ của OnePlus 8 Pro 5G chưa được trang bi khả năng sạc 65W đã có mặt trên Find X2 và cả dòng máy tầm trung Reno4 Pro.
Điểm yếu về mặt chụp hình ở quá khứ của những smartphone OnePlus cũng đã dần được cải thiện trong những năm trở lại đây. Oneplus 8 Pro 5G có đủ 3 tiêu cự siêu rộng, thông thường và zoom 3x, trong đó bộ đôi camera chính và siêu rộng đều có độ phân giải cao 48MP.
Với OnePlus, tôi cảm thấy họ có thế mạnh trong việc chụp cảnh với cách phối màu trung thực, thiên một chút về tông ấm để tạo điểm nhấn. Nhưng có lẽ hiểu được tập khách hàng mua sản phẩm của mình thường là con trai, không hay chụp ảnh chân dung khoe bạn bè nên OnePlus không tập trung vào phát triển thuật toán chụp chân dung nên nhiều trường hợp chụp người máy làm da hơi ‘xạm’ và vàng, không hợp với màu da của người Việt Nam cho lắm.
Để ‘xứng tầm flagship’, OnePlus còn trang bị thêm cho Oneplus 8 Pro 5G những tính năng mà trước đây hãng cho là nhiều người không dùng tới, có thể cắt giảm để mức giá dễ chịu hơn, bao gồm chip kết nối nhanh NFC, sạc không dây chuẩn Qi (hoặc sạc nhanh 30W nếu bạn sử dụng chung đế sạc riêng của hãng) và khả năng chống nước IP68.
Tôi thích chiếc smartphone này ở những điều tối ưu ‘nho nhỏ’
Một khi thiết kế và cấu hình đã không còn gì để mà nâng cấp nữa, các hãng smartphone tìm cách ‘nhét’ thêm những tính năng có phần ‘dị’ vào sản phẩm của mình để tạo sự khác biệt. Ta có thể kể đến vẩy bút hay vẩy tay để điều khiển smartphone từ xa, zoom 50x, zoom 100x, phần mềm tạo nhạc chuông tùy ý, ‘vòng quay quyết định’… nhưng sự thật là, tất cả những tính năng này sau những lần thử đầu tiên thì không còn ‘hay ho’ nữa.
Tại sao phải dùng tay để vẩy lên không trung để điều khiển một chiếc smartphone có màn hình cảm ứng – thứ giúp tương tác với thiết bị điện tử tốt nhất từ trước đến nay. Zoom siêu lớn tiềm vọng để ‘soi’ thứ gì, tôi không phải điệp viên đi soi những thứ cách mình cả trăm mét. Rất nhiều những tính năng ‘đáng để quảng cáo’ thường bị mọi người tắt đi vì chúng không thực sự hữu dụng trong quá trình sử dụng thực tế.
Oneplus 8 Pro 5G không có những tính năng làm người dùng có thể đem đi khoe bạn bè, thay vào đó là những thứ ‘nho nhỏ’ nhưng lại ảnh hưởng lớn tới trải nghiệm. Đầu tiên chắc chắn phải kể tới nút gạt chế độ chuông, một thứ tôi rất thích trên iPhone nhưng không bất cứ một hãng smartphone Android nào trang bị cho sản phẩm của mình trừ OnePlus.
Tôi không muốn có nút bấm hay tính năng ‘bóp’ smartphone để gọi trợ lý ảo, hãy cho tôi nút gạt này để điều chỉnh ngay chế độ im lặng, rung hay đổ chuông, một điều quá căn bản của smartphone, của một chiếc điện thoại. Nhờ có nút gạt này mà 2 nút điều chỉnh âm lượng có thể được đặt làm nút âm lượng ‘Media’, ta không cần phải chuyển giữa 2 loại trong phần mềm.
Tiếp theo đó là motor rung được tích hợp trong máy. Đây là điều nhiều người không để ý tới vì nó không được ghi trên bảng cấu hình, nhưng lại ảnh hưởng lớn tới độ ‘sang’ trên thực tế. Oneplus 8 Pro 5G sở hữu một motor rung có chất lượng cao, cũng được hãng điều chỉnh để rung những hồi ngắn (giật rồi ngắt) nên cho cảm giác phản hồi vật lý (tactile) rất tốt.
Nhưng điểm nhấn, thứ mà rất nhiều OnePlus-fan không ngừng lấy làm điểm tự hào đó là phần mềm của những chiếc smartphone của họ. Oneplus 8 Pro 5G sử dụng Android 10 với bộ giao diện OxygenOS, và cái tên này khá là hợp lý vì đây là một trong những bộ giao diện ‘không màu, không mùi’ giống như không khí nhất nhì trong thế giới Android.
Trừ những bước đăng nhập, cài đặt mạng ban đầu thì người dùng có thể tìm thấy tất cả những điều chỉnh về giao diện trong một mục duy nhất, gồm toàn bộ cũng toàn những thứ mà tôi muốn tùy chỉnh như chuyển giữa chế độ giao diện sáng, tối, màu và hình dáng của các nút bấm, các icon trên màn hình chính.
Giao diện OxygenOS khá là giống với… không khí: không màu, không mùi, không vị; và đó là điều tốt!
Giao diện OxygenOS rất đơn giản, với những bộ icon mặc định đều hướng tới việc sử dụng 2 màu là xanh dương và xanh lá, không ‘hoa lá cành’ như những bộ giao diện từ OPPO, Huawei hay Samsung. Những lời đồn về việc OnePlus tối ưu hóa giao diện để dành cho tốc độ đúng là sự thật, hãng bỏ đi những chuyển động (animation) thừa thãi đi để mọi thứ dường như bấm là phản hồi. Việc đầu tiên khi sử dụng một chiếc smartphone mới của tôi đó là vào mục cài đặt nhà phát triển (developer mode) để giảm thời gian của những chuyển động, nhưng với OxygenOS thì tôi thấy thao tác này không còn cần thiết nữa.
Cảm biến vân tay bấm là vào, không lằng nhằng
Cảm biến vân tay quang học trong màn hình của Oneplus 8 Pro 5G bản thân đã có tốc độ nhận diện rất nhanh, ta còn có thể làm nó nhanh hơn nữa bằng việc tắt những đồ họa nhận diện màu mè.
Hiển thị thông báo trên OxygenOS khá giống với smartwatch, đơn giản và hiệu quả
Đến hệ thống thông báo ở màn hình luôn hiện của OxygenOS cũng được thiết kế để dùng nhanh nhất có thể: chỉ hiện riêng thông báo với font chữ màu trắng trên nền đen khá là giống với cách hiển thị thông báo của smartwatch, ta chỉ liếc qua là có thể đọc được ngay.
Nhờ có những sự tối ưu hóa này mà cảm giác Oneplus 8 Pro 5G như một chiếc xe đua F1 vậy. Những chiếc xe này có động cơ mạnh mẽ tới cả ngàn mã lực, nhưng được trang bị bộ vỏ siêu nhẹ, nằm sát với mặt đường để có khả năng khí động học cao, với 1 mục đích duy nhất là di chuyển với tốc độ nhanh nhất có thể. Tương tự, Oneplus 8 Pro 5G có cấu hình cao mà chỉ phải ‘gánh’ một giao diện nhẹ như OxygenOS làm ta cảm thấy như chiếc máy này sinh ra là để đua tốc độ vậy!
Điểm mà OxygenOS có thể cải thiện lại là yếu tố mà tôi thích nhất trong giao diện OneUI của Samsung – khả năng đưa những yếu tố có thể bấm được như thanh trạng thái xuống dưới màn hình để tiện thao tác hơn, đặc biệt cần thiết với những dòng máy có màn hình đã lớn lại còn cong cạnh như Oneplus 8 Pro 5G.
Tôi lười viết bài viết này!
Trong giới chơi âm thanh có một câu nói mà tôi rất thích, đó là: “Một chiếc loa hay cặp tai nghe có chất lượng âm thanh hoàn mỹ sẽ giúp bạn nghe nhạc chứ không ‘nghe thiết bị’ nữa”. Nói một cách đơn giản hơn, một khi đã tìm được sản phẩm công nghệ ưng ý, bạn sẽ tập trung vào việc sử dụng hơn là lấy cấu hình, lôi ưu nhược điểm ra để bình phẩm, bóc tách.
2 sản phẩm có ‘sức mạnh’ đó đối với tôi là cặp tai nghe Noble Falcon và chiếc Oneplus 8 Pro 5G. OnePlus trang bị cho chiếc smartphone này đầy đủ những cấu hình đầu bảng để ta không còn phải lo lắng về hiệu năng, và một trải nghiệm phần mềm không thừa thãi, tối ưu hóa những thứ cần thiết để tận dụng tối đa được hiệu năng. Đây là lý do tại sao tôi cảm thấy thật là lười khi viết bài viết này, Oneplus 8 Pro 5G nhanh chóng trở thành thiết bị dùng hàng ngày mà tôi cảm thấy không cần phải đánh giá quá nhiều.
Điều làm tôi lo lắng nhất đó là mức giá của Oneplus 8 Pro 5G. Như đã đề cập, OnePlus hiện nay đã không sản xuất những sản phẩm ‘Flagship-killer’ mà bản thân họ đã trở thành một hãng sản xuất ra ‘Flagship’ và điều này thể hiện ngay ở mức giá. Phiên bản 12GB RAM 256GB bộ nhớ trong tôi trải nghiệm có giá khuyến nghị lên tới 999 USD, và theo như những thông tin mới nhất là sẽ được phân phối tại Việt Nam với mức giá dự kiến là 24.990.000 Đồng.
Đây là mức giá phải khẳng định là không cao cho những gì ta nhận lại được, song một khi đã bỏ ra số tiền trên 20 triệu Đồng đa phần người dùng sẽ nghĩ tới những tên tuổi lớn như Apple iPhone hay Samsung S, Note chứ không phải OnePlus đầu tiên.
Khi được hỏi, một người chị tôi quen (cũng có quan tâm tới công nghệ) còn không biết OnePlus là hãng nào, thương hiệu này đã vắng bóng ở Việt Nam quá lâu rồi, và đến khi họ trở lại thì lại đem tới một sản phẩm cao cấp với giá cũng rất cao cấp thì e rằng sẽ có ít người chịu đầu tư để có thể có cảm tình trong quá trình sử dụng như tôi.