Trải nghiệm tại Làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam: Review thực tế tháng 4/2023
Không cần đi phượt quanh mảnh đất hình chữ S, các bạn nhỏ vẫn có thể tìm hiểu về ngôi làng, trang phục và một số đặc trưng của 54 dân tộc Việt Nam ngay tại Hà Nội. Điểm đến là Làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam, nằm tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Với tổng diện tích 1,544ha, liệu một ngày tại Làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam có phải là một trải nghiệm đáng nhớ cho bé hay không? Cùng đón đọc bài viết dưới đây về một trải nghiệm thực tế ngày 18/4/2023.
Ý tưởng về việc xây dựng một ngôi làng của các dân tộc Việt Nam được hình thành từ năm 1989 nhưng phải tới năm 2010, làng mới chính thức được khai trương. Ngôi làng rộng lớn hơn 1,500ha nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội tầm 40km, thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, trên cung đường tới các điểm du lịch nổi tiếng của Ba Vì như vườn quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Thác Đa và Ao Vua.
Khu chùa Khmer trong làng văn hoá các dân tộc (Nguồn: FB Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam)
Toàn bộ làng có địa hình bán sơn địa với đồi núi, thung lũng và hồ Đồng Mơ thơ mộng.
Mục lục bài viết
Đi tới làng văn hoá các dân tộc như thế nào?
Có nhiều cách để tới tham quan làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam. Bạn có thể đi bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô hoặc đi xe buýt hoặc thuê taxi, xe khách đi theo đoàn.
Cụ thể, bạn có thể search google map để tới làng. Từ trung tâm thành phố Hà Nội mất khoảng 60 phút đi bằng ô tô, hết Đại lộ Thăng Long thêm 8km nữa và rẽ phải. Trên đường đi có rất nhiều biển chỉ dẫn và đường to, dễ đi.
Xe buýt bạn có thể đi tuyến số 107 từ Kim Mã tới đúng làng văn hoá các Dân tộc. Khởi hành từ 5h tới 20h hàng ngày. Giá vé 9k.
Giờ mở cửa
Từ t2 tới Chủ nhật:
8h-11h30
13h-16h30
Giá vé
Bảng giá vé làng văn hoá các dân tộc, cập nhật 18/4/2023 (Nguồn: Haysiri)
Theo đó, giá vé người lớn là 30k. Sinh viên 10k. Trẻ em từ 6-18 tuổi 5k. Trẻ em dưới 6 tuổi hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng miễn phí. Người cao tuổi từ 60 tuổi giảm 50%.
Ngoài vé vào cổng, mọi người nên mua thêm vé xe điện. Người lớn 50k, học sinh 25k, trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí.
Nếu đi theo đoàn thì xe ô tô sẽ được đi trực tiếp vào trong làng, cụ thể giá vé là 25k 1 người.
Ngoài ra, vé gửi xe ô tô 4 chỗ tại làng là 50k.
Đường đi tới Làng rất rộng và dễ đi, có các biển chỉ dẫn rõ ràng. Từ đầu đường cần đi vào một đoạn nữa mới tới được cổng 54 dân tộc Việt Nam.
Cổng vào làng (Nguồn: Haysiri)
Dừng lại ở cổng vào, ô tô rẽ theo hướng chỉ dẫn, mọi người mua vé bên tay trái.
Quầy bán vé (Nguồn: Haysiri)
Trong khu vực quầy bán vé có ghế ngồi để cho người già hoặc trẻ em ngồi nghỉ. Nếu bé sơ sinh đi thì cha mẹ có thể cho bé ăn sữa bình tại đây. Vào những ngày trong tuần vắng thì không cần xếp hàng. Nhưng ngày cuối tuần hoặc ngày lễ và có các sự kiện văn hoá dân tộc thì mọi người nên tuân thủ quy định xếp hàng.
Điểm soát vé (Nguồn: Haysiri)
Từ quầy bán vé, mọi người thấy ngay điểm soát vé. Đoàn nên đi cùng nhau, trưởng đoàn đưa vé vào và vé xe điện. Sau đó, nhân viên sẽ đóng dấu vào tay để đảm bảo bạn đã mua vé khi vào.
Nhân viên đóng dấu vào tay (Nguồn: Haysiri)
Sau đó, đoàn đi cùng nhau, thấy xe điện nào trống thì ngồi lên luôn. Đủ người xe sẽ chạy.
Ngồi xe điện đi tham quan làng (Nguồn: Haysiri)
Chắc ai đi xe điện tham quan rồi đều biết ngồi xe điện cực kỳ mát luôn. Vì thế, với các bé nhỏ, trải nghiệm này khá thích thú. Tới từng điểm dừng, tài xế sẽ hỏi đoàn có muốn xuống không. Nếu không thì xe sẽ đi tiếp cho tới điểm cuối là khu vực Trung Tâm, chùa Khmer và tháp Chăm.
Với các bạn nhỏ hoặc học sinh đi trải nghiệm là chính thì nên đi thăm từng làng một để xem sự khác biệt ở các ngôi nhà của từng dân tộc cũng như văn hoá ở đây.
Điểm dừng đầu tiên là khu vực của dân tộc Nùng.
Cổng vào làng dân tộc Nùng (Nguồn: Haysiri)
Đường lên làng dân tộc Nùng khá cao và đá dốc. Người Nùng sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Nhà của người Nùng (Nguồn: Haysiri)
Nhà được xây dựng mô phỏng với nhà của người Nùng trong thực tế: gầm sàn nuôi gia súc, để công cụ sản xuất, sàn dành cho người ở và gác chứa lương thực. Du khách tới thăm sẽ được người dân tiếp đón nhiệt tình, mời nước và thái độ rất thân thiện.
Nhà vệ sinh nằm ở dọc đường đi (Nguồn: Haysiri)
Nhà vệ sinh nằm ở dọc đường đi và cả trong các khu làng nên dù không gian rộng lớn nhưng du khách có thể yên tâm dạo chơi trong làng.
Cổng vào làng Mường (Nguồn: Haysiri)
Tiếp đó là tới làng Mường, mọi người có thể bỏ qua hoặc tiếp tục vào thăm. Người Mường có dân số đông thứ 4 ở Việt Nam, sau người Kinh, Tày và Thái, tập trung chủ yếu ở khu vực đồi núi tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ và Thanh Hoá.
Các ngôi nhà sàn rải rác dọc đường để nghỉ chân (Nguồn: Haysiri)
Trên đường đi, bạn có thể thấy các ngôi nhà sàn nằm rải rác để du khách nghỉ chân. Và cũng là một cách để tạo sự sinh động cho cảnh quan trong làng.
Một con đường đi vào vườn hoa (Nguồn: Haysiri)
Có biển chỉ dẫn đi vào vườn hoa nhưng đợt tháng 4 này người dân mới ươm trồng nên thực tế không có hoa gì hết cả. Để vào vườn hoa thì ở làng dân tộc Thái cũng có.
Cổng vào dân tộc Thái (Nguồn: Haysiri)
Người Thái thực tế cư trú ở một số tỉnh của Việt Nam như Hoà Bình, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Phân ra người Thái Trắng và Thái Đen. Khuôn viên làng dân tộc Thái khá rộng, vào mùa hoa có nhiều góc chụp ảnh đẹp. Các điệu múa, nhảy sạp đặc trưng của người Thái cũng diễn ra tại đây vào những dịp lễ hội, sự kiện.
Bàn thờ trong sân nhà của người Thái (Nguồn: Haysiri)
Gần trước cổng, hướng về phía sân nhà là bàn thờ thần linh của người Thái. Nếu thuê hướng dẫn viên du lịch, bạn có thể hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của các dân tộc trong làng.
Thông tin các điểm dừng trong làng văn hoá các dân tộc Việt Nam (Nguồn: Haysiri)
Để theo dõi xem mình đang ở đâu và sẽ tới đâu thì bạn có thể nhìn ở bảng điểm dừng xe điện. Nếu chờ xe điện quá lâu, bạn hãy gọi số hotline 0858.22.33.88. Nhân viên rất lịch sự và sẽ cho xe tới đón.
Vườn tượng (Nguồn: Haysiri)
Vườn tượng khá rộng, nơi đây được coi là khu trưng bày nhà mồ Tây Nguyên với các bức tượng bằng gỗ về già làng, người phụ nữ giã gạo, dệt vải, người đàn ông đi săn, gia đình lên rẫy,.. Các em nhỏ có thể sẽ hơi sợ khi vào đây nhưng các bạn lớn và học sinh, sinh viên sẽ thấy khá tò mò khi tìm hiểu về một nét văn hoá độc đáo của người Tây Nguyên.
Đối diện vườn tượng là làng dân tộc Ba Na- một điểm đến không nên bỏ lỡ vì có nhà Rông rất cao.
Nhà rông của người Ba Na (Nguồn: Haysiri)
Người Ba Na chủ yếu sinh sống ở Gia Lai và Kon tum. Làng của người Ba Na gọi là plei. Nhà ở làm bằng tranh tre nứa lá. Nổi bật lên ở giữa buôn làng ở nhà rông cao vút là nơi sinh hoạt chung trong làng.
Nhà của người Ba Na và nơi tổ chức các trò chơi (Nguồn: Haysiri)
Trong khuôn viên làng Ba Na còn có bập bênh mà cả gia đình đều rất thích.
Trải nghiệm chơi bập bênh trong làng dân tộc Ba Na (Nguồn: Haysiri)
Vì thế, làng Ba Na là một nơi bạn không nên bỏ qua khi tới làng văn hoá các dân tộc. Ở đây không gian rộng, nhiều bóng cây, ghế ngồi nên khá râm mát.
Một góc làng Ba Na rợp bóng cây (Nguồn: Haysiri)
Nếu đi theo nhóm và mang đồ ăn thì có thể trải thảm hoặc ngồi ở các bàn ghế có sẵn trong làng Ba Na. Trong số các làng thì ở đây rộng và râm mát nhất. Cũng có thể tập trung lại chơi nhiều trò chơi như kéo co, hoạt động nhóm,..
Người dân may áo thủ công dưới gầm nhà sàn (Nguồn: Haysiri)
Ngoài ra, khi tham quan các làng, các bạn có thể thấy người dân đang may áo theo phương pháp thủ công dưới gầm nhà sàn. Nếu có thời gian, mọi người có thể hỏi người dân một số điểm về trang phục hoặc cách may áo của họ.
Cổng vào dân tộc Xơ Đăng (Nguồn: Haysiri)
Ngồi trên xe điện đi qua nhiều ngôi làng khác như Xơ Đăng, Cơ Tu và Gia Lai.. Tuỳ vào thời gian và mong muốn của từng nhóm sẽ dừng lại ở từng làng hoặc đi tiếp tới điểm cuối cùng. Các làng thực tế cũng không khác nhau là mấy, chủ yếu là ngôi nhà đặc trưng của từng dân tộc. Nếu không theo hướng dẫn viên và không am hiểu về các dân tộc thì có thể mọi người cũng không quá hào hứng và nhanh chán.
Chùa Khmer (Nguồn: Haysiri)
Điểm cuối có chùa Khmer và tháp Chăm là tiêu biểu nhất. Hầu hết mọi người đều sẽ check-in tại đây.
Không gian bên trong chùa Khmer (Nguồn: Haysiri)
Vào trong chùa, mọi người nhớ bỏ giầy dép ở ngoài và có thể bỏ tiền lẻ vào hòm công đức. Nơi đây là một góc chụp ảnh ưa thích của tất cả mọi người. Có thể thuê váy áo của người Khmer để lên hình cho đẹp.
Trang phục Khmer chụp ảnh trong chùa Khmer (Nguồn: FB Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam)
Mọi người có thể thuê tại nhà sàn nhỏ cạnh chùa Khmer hoặc chỗ tháp Chăm với giá khoảng 80k 1 bộ 1 giờ. Hoặc thuê ở ngoài và mặc sẵn đi hoặc tới nơi mới thay. Có nhà vệ sinh ở khu vực trung tâm gần chùa Khmer nhưng không thực sự sạch sẽ và rộng rãi lắm.
Nhà vệ sinh nữ trong trung tâm làng (Nguồn: Haysiri)
Nhà vệ sinh nữ chỉ có 2 buồng, và không được dọn dẹp thường xuyên cho lắm nên khá có mùi.
Nếu chỉ rửa tay thì mọi người nên rửa ở các bồn rửa bên ngoài nhà vệ sinh.
Bồn rửa tay bên ngoài nhà vệ sinh (Nguồn: Haysiri)
Trong khu vực trung tâm các cây khá thấp, diện tích rộng mà không có bóng cây nên rất nắng, kể cả khi về chiều. Mà chủ yếu cũng chỉ có chùa Khmer và tháp Chăm là đáng để chụp còn lại các góc check-in khác thì cũng không quá đẹp.
Đài phun nước (Nguồn: Haysiri)
Có đài phun nước ở giữa nhưng thật sự ngay khi về chiều, trời mùa hè vẫn khá nóng nên cũng không có nhiều người ra dạo và chụp ảnh. Ở phía bãi cỏ cạnh đấy thì có bập bênh và một số trò chơi cho các em nhỏ nên mọi người cũng tham gia khá đông. Trong trung tâm cũng có nơi bán nước và kem, có chỗ ngồi nhưng không được sạch sẽ lắm, ruồi nhặng cũng thấy bay nhiều. Kem các loại khoảng 10-20k.
Tháp Chăm (Nguồn: Haysiri)
Từ chỗ trung tâm đi sâu vào phía dưới là tháp Chăm, được xây dựng đúng với công trình của người Chăm nên rất hùng vĩ.
Khu vực phía trên tháp Chăm (Nguồn: Haysiri)
Phía trên tháp Chăm gió rất mát, mọi người có thể ngắm cảnh từ trên cao.
Kết thúc chuyến đi thì ra xe điện để về. Từ đường về nếu du khách muốn tham quan thêm các làng khác lúc đi chưa tới được thì có thể bảo tài xế dừng gần đó.
Chuyến tham quan làng Văn hoá các Dân tộc nếu chỉ dừng lại ở một số điểm thì mất khoảng 2h. Nếu ở làng nào cũng dừng lại và trò chuyện với người dân tộc ở đó thì thời gian sẽ kéo dài hơn. Mọi người có thể mang theo đồ ăn nhẹ như nước lọc, bánh ngọt vào làng lúc nghỉ ngơi. Đồ ăn trưa tại đây thì đặt trước ở từng làng, như Mường, Dao, Thái,.. Đến khu thì vào làng đặt đồ ăn luôn thì trưa mới có. Mọi người có thể ngủ trưa luôn tại nhà sàn ở từng làng. Hoặc vào ngày lễ, sự kiện thì mới có nhiều quầy hàng còn bình thường thì gần như không có gì. Nhưng thực sự nếu không có sự kiện thì vào thăm làng cũng không quá lâu, chỉ 2-3 tiếng nên có thể ra ngoài ăn sẽ ngon hơn.
Điểm cộng
+ Giá vé không quá đắt. Trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí.
+ Đi xe điện tham quan làng nên khá mát mẻ và vui. Tuỳ vào ngày sẽ có thêm dịch vụ thuê xe đạp quanh làng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ cho các bé.
+ Nhiều góc check-in đẹp, hoài cổ như nhà sàn, nhà Rông, tháp Chăm, chùa Khmer và mang tính nghệ thuật như vườn tượng.
+ Có thể tham gia các sự kiện văn hoá nghệ thuật của các dân tộc nếu đúng ngày (liên hệ trước với fanpage của làng để cập nhật các sự kiện). Ví dụ dịp 29/4-30/5 này có tái hiện Lễ hội Say Sán của dân tộc Mông tỉnh Lào Cai và tết mừng chiến thắng của dân tộc Nùng tỉnh Lào Cai. Tới từng làng có thể trò chuyện và tương tác với người dân tộc để hiểu hơn về ngôn ngữ cũng như các nét đặc trưng trong văn hoá của họ.
Điểm trừ
– Không có nhiều hoạt động nếu vào ngày thường và khoảng cách các khu quá xa nên phải chờ xe điện, nhiều khi mãi không thấy xe tới nên mất khá nhiều thời gian đợi.
– Không gian rộng nhưng rất ít cây nên khá nắng.
– Nhà vệ sinh không sạch sẽ, có mùi.
– Quán nghỉ chân ở trung tâm gần chùa Khmer không có nhiều đồ bán và bàn ghế cũng không sạch cho lắm, còn nhiều ruồi và có mùi.
– Hoạt động cho trẻ em khá ít, không có gì đặc sắc nên trẻ nhanh chán. Chủ yếu nếu các bạn chụp ảnh sống ảo thì có điểm tháp Chăm và chùa Khmer.
– Vào dịp lễ thì cực kỳ đông, để đón xe điện khá khó, thậm chí xe điện còn chở quá số người, có người còn phải đứng, bám vào thành.
– Nhân viên lái xe điện nhiều khi có review rằng thái độ không được tốt cho lắm.
Một số lưu ý
- Nên đội mũ cho trẻ, mang quạt, ô và khăn ướt vào mùa nắng.
- Nên mang đồ ăn nhẹ để cắm trại trong làng.
- Nên đi buổi sáng lúc trời chưa nắng lắm để trẻ có nhiều thời gian vui chơi hơn.
- Có một số điểm vui chơi khác như Đồng Mô Discovery và Camping Đồng Mô- Eco trip cho trẻ cắm trại hoặc đua xe ở ngay khu làng văn hoá các dân tộc nhưng mất phí thêm. Ví dụ Đồng Mô Discovery cho thuê xe địa hình đi núi và cắm trại ở ngay đầu cổng vào làng phía tay phải. Camping Đồng Mô- Ecotrip thì đi sâu vào làng, phía tháp Chăm, phí 150k/1 người cắm trại trong ngày và 200k qua đêm, đã bao gồm vé vào, lều, chăn, đệm, gối, bàn ghế. Nếu có sẵn đồ thì giá 80k trong ngày và 100k qua đêm.
TỔNG KẾT, nếu chưa tới làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam thì bạn có thể tới một lần cho biết. Với giá vé 70k (cả xe điện) cho người lớn thì cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn cần một khu ngoài các ngôi nhà sàn, tháp Chăm, nhà rông,.. còn có nhiều hoạt động cho bé chơi, không gian xanh mát, chỗ ăn uống ngon lành, vệ sinh sạch sẽ thì có thể trải nghiệm thực tế không được như kỳ vọng. Ngày thường thì trong làng không có gì cả còn ngày lễ thì rất đông. Điểm đông nhất là khu vực trung tâm với chùa Khmer và tháp Chăm. Trong các làng thì khá vắng. Nhưng bạn đừng bỏ lỡ làng Ba Na với không gian mát mẻ hơn và ngôi nhà Rông rất cao với trò chơi bập bênh yêu thích của nhiều người nhé.
>> Xem thêm: Tham quan và cắm trại tại vườn quốc gia Ba Vì có hợp lý cho cả gia đình vào những ngày nghỉ không?