Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu?

Sau tình hình dịch COVID-19, thị trường smartphone tại Việt Nam đang có những biến chuyển khá lớn: các nhà sản xuất tập trung ra mắt sản phẩm ở tầm giá dưới 10 triệu đồng nhiều hơn nhằm thích nghi với túi tiền của người tiêu dùng hiện tại.

Có thể thấy trong thời gian vừa qua, OPPO là một đại diện tấn công liên tục phân khúc này khi A-series xuất hiện từ A91 vào tháng 3 và giờ đây là bộ đôi A52 cùng A92. Về cơ bản ta sẽ không thấy nhiều sự khác biệt ở cả 2 chiếc A-series mới này, tuy nhiên mức giá chênh lệch 1 triệu đồng sẽ khiến người dùng thắc mắc, liệu nó có đáng hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.

Thiết kế trẻ trung, nhìn cứ ngỡ cao cấp

Sau nhiều ngày sử dụng chiếc OPPO A52 này, chúng tôi phải công nhận một điều rằng khả năng thiết kế và gia công của hãng này đã đạt đến mức rất tốt. Dù chỉ là smartphone có giá bán dưới 6 triệu đồng nhưng những gì mà OPPO mang đến lại hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng: màu sắc trẻ trung, thân máy cứng cáp và đặc biệt là từng có nhiều người đi ngang thấy máy đặt trên bàn đều nhầm tưởng là dòng cao cấp.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 1.

Phân khúc tầm trung là mảnh đất đang rất chật hẹp, nơi mà hàng chục chiếc điện thoại ra mắt mỗi năm có thể khiến người dùng ở tầm giá này hoa mắt trong việc lựa chọn. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay cũng ngày càng khó tính hơn và đó là lý do OPPO luôn phải sáng tạo, thay đổi ngoại hình của smartphone để ngày càng bắt mắt, hấp dẫn hơn.

Màu sắc chính là thứ “đập vào mắt” chúng tôi đầu tiên. Có thể nói OPPO chưa bao giờ làm chúng ta thất vọng, và có lẽ như đây là một trong những hãng tiên phong đưa ra các set màu mới cho thân máy, khiến ai sở hữu cũng có cảm giác mình là độc nhất. Với tông màu trắng sữa pha với xanh mint, chiếc điện thoại này gợi cho chúng tôi cảm giác mát lạnh ngay giữa ngày hè oi ả.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 2.

Nó giống như bạn đang đi dưới cái nắng 38 độ C khát khô cả cổ rồi bỗng thấy bóng dáng ai đó cầm A52 , hệt như một cây kem bạc hà ngon lành đang mời gọi vậy.

Giống như A91, chiếc OPPO A52 này cũng di dời cảm biến vân tay sang cạnh phải của máy, tích hợp chung với phím nguồn nên mọi thao tác cũng dễ dàng và nhanh gọn hơn. Cạnh phải của smartphone từ xưa đến nay luôn là chỗ để đặt ngón tay cái vào khi ta thao tác, vì vậy chúng tôi nhận thấy giải pháp này của OPPO là vô cùng cần thiết.

Màn hình ấn tượng với độ phân giải FHD+ cùng tấm nền LTPS

Có thể nói, thời gian sử dụng smartphone ngày nay đã khác hẳn so với trước, người dùng đặc biệt là giới trẻ không chỉ xem đây là công cụ liên lạc mà còn là thiết bị để đáp ứng nhu cầu giải trí chất lượng cao, từ game, Youtube cho đến Facebook, Netflix hay thậm chí mới đây là TikTok.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 4.

Và rất may một chiếc điện thoại có giá tiền “ổn áp” như OPPO A52 lại có kích thước màn hình lên đến 6,5 inch, đã thế lại còn có độ phân giải Full HD+. Bên cạnh đó, cũng giống như A92, chiếc smartphone tuy rẻ hơn 1 triệu đồng này cũng trang bị tấm nền màn hình LTPS (Low Temperature Poly-silicon) giúp viền mỏng hơn, dải màu rộng hơn và đặc biệt là giảm điện năng tiêu thụ.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 5.

Tấm nền màn hình LTPS mang lại nhiều lợi ích cho sản phẩm, hơn hết còn đỡ hao pin, điều mà giới trẻ luôn quan tâm hàng đầu và chẳng ai muốn bị sập nguồn mỗi khi đang hăng hái chat với crush hay đang combat trong game cả.

Camera – điểm khác biệt đầu tiên so với OPPO A92

Nếu như những điểm trên A52 đều chia sẻ chung với A92 thì ở phần camera này bạn sẽ thấy sự khác biệt. Với mức giá bán ra rẻ hơn 1 triệu đồng, thứ bạn phải đánh đổi đầu tiên là camera chính giảm từ 48 MP còn 12 MP. Nhưng đừng lo rằng chất lượng của nó giảm sút, bởi qua những gì mà chúng tôi trải nghiệm thực tế, phần cứng camera lẫn phần mềm, thuật toán của OPPO đã xử lý rất tốt khiến bạn có thể hài lòng ở bất cứ điều kiện nào.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 6.

Ngoài camera chính khác biệt, các phần camera còn lại đều giống với OPPO A92, tức ta có ống kính góc rộng 8 MP, macro 2 MP và camera đơn sắc 2 MP.

Đặc sản của các sản phẩm nhà OPPO là các filter màu rất ảo diệu, nó khiến cho bất cứ bạn nữ nào khi lên hình đã xinh lại còn xinh thêm bội phần. Nếu thích, bạn cũng có thể bật chế độ AI Beauty, trong đó lựa chọn các kiểu từ mặt V-Line cho đến làm sáng da, mắt to, mũi cao… mà không cần phải qua bất kỳ ứng dụng hậu kỳ từ bên thứ 3 nào nữa.

Điểm đáng khen là máy có thể nhận dạng khuôn mặt rất nhanh dù là đang trên phố đông người qua lại, độ nét và chi tiết có thể không bằng với A92 vì cảm biến chỉ 12 MP nhưng ở mức sản xuất ảnh đại diện trên mạng xã hội hay quay clip TikTok thì OPPO A52 vẫn dư sức đáp ứng. Ngoài ra, khả năng quay video lên đến độ phân giải 4K tại 30fps cũng giúp chiếc máy này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 7.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 8.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 9.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 10.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 11.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 12.

Cấu hình tuy không phải mới nhất nhưng có game nào không gánh được đâu?

Nếu có gì khiến bạn khựng lại trước chiếc máy này, chắc có lẽ là khi nhìn vào thông số cấu hình. OPPO A52 không trang bị vi xử lý tầm trung mới nhất như Snapdragon 720G, mà thay vào đó chỉ là Snapdragon 665. Những tưởng đây sẽ là bước “cải lùi” nhưng hóa ra A52 lại không hề xoàng xĩnh đến thế.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 13.

Thử qua một số tựa game như PUBG Mobile (cấu hình HD), Call Of Duty Mobile (cấu hình Cao, framerate Tối Đa) hay như tựa mới ra lò gần đây là Forza Street cũng không làm khó được chiếc điện thoại có mức giá dưới 6 triệu đồng này. Để có được sự mượt mà và xuyên suốt trong lúc giải trí thế này không thể không kể đến sự góp sức rất lớn của ứng dụng “cây nhà lá vườn” Game Space (hay còn có tên là Không Gian Trò Chơi), giúp giải phóng và phân bổ tài nguyên hợp lý, tùy thuộc vào game bạn đang chơi là nặng hay nhẹ.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 14.

Điểm khác biệt duy nhất ở cấu hình A52 so với A92 là RAM cắt xuống còn 6 GB thay vì 8 GB, nhưng nó chỉ thật sự cần thiết với những ai có nhu cầu chạy đa nhiệm nhiều mà thôi.

Những tính năng hấp dẫn không nên bỏ qua

Cấu hình ổn định, camera tốt… đã có nhiều sản phẩm cũng có được điều này, nhưng vẫn thất bại hoặc không níu chân được người dùng trong thời gian dài. Đó là vì những sản phẩm ấy không mang đến trải nghiệm người dùng tốt, hay nói cách khác là không tạo sự thoải mái ngay từ khi những ngày đầu sử dụng.

OPPO cũng từng đi vào bánh xe đổ ấy, nhưng cuối cùng họ đã thay đổi, lột xác hoàn toàn sau mỗi phiên bản Color OS mới. Bước đến phiên bản thứ 7, Color OS đã thật sự trưởng thành, mang đến những trải nghiệm thú vị hơn cho tất cả các smartphone của OPPO.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 15.

Thứ đầu tiên có thể kể đến là Chế Độ Tối Màu (Dark Mode) dành riêng cho các tín đồ nghiện Đen. Dark Mode xuất hiện không chỉ là giải pháp dễ chịu cho mắt vào ban đêm, chế độ này còn đem lại diện mạo mới theo đúng tinh thần ton-sur-ton cho hội Blackaholic. Thực tế cũng có một số sản phẩm có thể làm được điều này, nhưng các ứng dụng từ bên thứ 3 sẽ không thể đồng nhất được và lúc thì đen ngoài màn hình chính nhưng… màu ở bên trong app. Đến lúc đó bạn mới thấy tính năng Dark Mode hoàn toàn của Color OS 7 mới “bá đạo” đến chừng nào.

Một điểm đáng ghi nhận khác trên chiếc điện thoại này là OPPO đã mạnh dạn loại bỏ chuẩn sạc VOOC và thay bằng Power Delivery 18W. Không phủ nhận công nghệ sạc VOOC của OPPO cho tốc độ nạp rất nhanh, tuy nhiên vẫn vướng phải hạn chế là người dùng buộc sử dụng củ sạc và cáp chuẩn này, còn nếu để quên hay mất thì đành chịu cảnh sạc chậm như rùa bò.

Chuyển sang chuẩn sạc thông dụng, bạn chỉ cần cáp USB-C thường cùng một củ sạc phổ biến là đã có thể nạp pin vô tư. Bên cạnh đó, khá bất ngờ là OPPO A52 cũng có khả năng sạc ngược – tính năng vốn từng được xuất hiện trên các sản phẩm cao cấp của Samsung hay Huawei, nhưng họ dùng phương thức không dây còn OPPO là có dây.

Trải nghiệm thực tế OPPO A52 trong thời gian dài: có đáng mua với mức giá chưa tới 6 triệu? - Ảnh 16.

Chỉ cần một sợi dây cáp kèm đầu chuyển OTG thế này là bạn đã có thể sạc ngược cho thiết bị điện thoại còn lại.

Kết

OPPO từ trước đến nay luôn được đánh giá là nhà sản xuất có sự thay đổi nhanh chóng để luôn sánh bước cùng các bạn trẻ và A52 này là một ví dụ rõ ràng nhất cho thấy dù chỉ với mức dưới 6 triệu đồng nhưng sản phẩm này không hề tẻ nhạt như các đối thủ khác cùng tầm giá.

Tạm gác qua yếu tố vi xử lý chậm so với thời đại, nhưng A52 đã cho ta thấy những giá trị đặc biệt mà không phải hãng nào cũng có được: màu sắc độc đáo, Game Space, Dark Mode hay thậm chí là sạc ngược… Chính những thứ tuy-lạ-mà-hay này hợp lại làm một khiến chiếc điện thoại tầm trung trở nên hấp dẫn hơn, mang lại trải nghiệm tuyệt vời hơn hẳn.