Trắng tay vì gửi tiền điện tử lấy lãi

Vài tháng trước, Hamish Tipene (Australia) thực hiện hai khoản vay thế chấp, sau đó gửi vào Celsius Network với hy vọng sẽ kiếm thêm nhiều tiền.

Đầu năm nay, khi nhận thấy lãi suất trên các nền tảng tiền số cao hơn ngân hàng truyền thống, Tipene quyết định vay thế chấp và chuyển đổi sang điện tử, sau đó gửi toàn bộ tiền số này vào Celsius Network. Đây là một trong những nền tảng vay và cho vay crypto lớn nhất thế giới, có tỷ lệ lợi nhuận 18%, cao hơn nhiều so với lãi suất tài khoản tiết kiệm mà ngân hàng truyền thống đang áp dụng.

Ảnh: Decrypt

Ảnh: Decrypt

Nhưng khi giá trị của tiền số giảm mạnh, tài sản thế chấp của Tipene bị thu hẹp và ông cần thêm tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay, nếu không sẽ bị thanh lý. Giữa lúc đó, Celsius Network bất ngờ thông báo đóng băng giao dịch. Cùng lúc, công ty cho Tipene vay đã tự kích hoạt điều khoản thanh lý 0,59 Bitcoin với giá trị lúc đó là 11.800 USD. Giờ đây, ông tiếp tục đối mặt với một đợt thanh lý mới, khiến 13.000 USD có thể bị thổi bay khỏi tài khoản.

“Tôi đã cố tiếp cận để thương lượng, mở khóa số tiền đang gửi ở Celsius nhưng vô vọng. Tôi chưa lường trước tình huống này và khó tìm ra cách giải quyết”, Tipene, 46 tuổi và là một thợ mộc, nói với Yahoo Finance. “Tôi đã tin họ và gửi số tiền tiết kiệm của mình, nhưng họ đang đối xử với tôi theo cách không công bằng”.

Năm ngoái, tiền số mang lại cho những người đầu tư nhỏ như Tipene một khoản lợi nhuận lớn và cơ hội trở nên giàu có. Nhưng khi “thủy triều đang rút”, họ lại là những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Các công ty như Celsius vốn là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nhờ sự an toàn, nay lại trở thành khu vực nguy hiểm.

Trước khi gặp sự cố, hệ thống cho vay tiền số Celsius luôn quảng bá mạnh mẽ như “ngân hàng là kẻ thù của bạn”, “ngân hàng truyền thống sẽ sớm biến mất”… Hàng triệu người đã tin theo. Thống kê của chính Celsius cho thấy, tính đến tháng 5, có 1,7 triệu người sử dụng nền tảng với hơn 12 tỷ USD được gửi vào, phần lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong hơn một tuần qua, công ty đã đóng băng tài khoản khách hàng với lý do “ổn định hoạt động”. Yevhenii Marchenko, sống tại Bắc California, không thể rút số tiền số Solana, Cardano và Chainlink trị giá hơn 85.000 USD bị khóa trong Celsius. Ông gửi tiền vào nền tảng từ tháng 11 năm ngoái, khi thị trường tiền số đạt đỉnh.

“Hầu hết kênh YouTube của những người có ảnh hưởng về tiền số đều đề xuất Celsius, nên tôi nghĩ nó an toàn”, Marchenko nói. “Nhưng giờ đây, mọi thứ trở nên tồi tệ, đầy khó khăn và tôi thực sự chán nản”.

Trong khi đó, Celsius Network hiện chưa đưa ra các động thái bảo vệ người dùng, ngoài việc thuê luật sư để phục vụ đàm phán với các ngân hàng nơi người dùng ký quỹ. Trong khi đó, hàng trăm khách hàng đang thu thập các bằng chứng để kiện công ty.

“Họ là những người nắm giữ tài sản của người khác, nhưng lại không có tài sản đảm bảo. Chúng tôi như nằm ở ranh giới của sự phá sản”, Ben Armstrong, một người có ảnh hưởng đến tiền điện tử và là khách hàng của Celsius cho biết. “Chúng tôi có thể sẽ không nhận lại được nhiều tiền, nhưng lúc này, Celsius cần có trách nhiệm”.

Theo Joshua Browder, CEO của DoNotPay, người dùng có thể kiện Celsius thông qua công ty luật đại diện. Theo ông, nếu công ty này không tuyên bố phá sản trong hai tháng tới, những nhà đầu tư nhỏ có thể lấy lại tiền, dù không đầy đủ như ban đầu họ gửi vào.

“Ngay cả khi Celsius phá sản, các vụ kiện đòi bồi thường với quy mô từ 10.000 đến 25.000 USD vẫn có thể được giải quyết ở Mỹ, tùy vào quy định của từng tiểu bang”, Browder nói.

Tuy vậy, những nhà đầu tư nhỏ đã nghĩ đến khả năng mất trắng. Bản thân Tipene cho biết ông không thể nộp đơn kiện tại Mỹ, cũng như từ bỏ hy vọng lấy tài sản của mình do không còn tài sản bên ngoài để thế chấp các khoản vay.

“Bitcoin có thể giảm xuống còn 10 USD, nhưng tôi tin nó sẽ tăng trở lại trong tương lai. Nhưng nếu như đưa tiền số của mình gửi vào một nền tảng nào đó, bạn có thể không bao giờ lấy lại”, Tipene nói thêm.

Bảo Lâm (theo Yahoo Finance)