Trang thông tin huyện Châu Thành
Chuyên mục Tìm hiểu pháp luật
Mục lục bài viết
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Châu Thành đạt nhiều kết quả tích cực góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức…
Ảnh hiện trường 04 đối tượng bị bắt quả tang về hành vi đá gà và không thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ (nguồn Công an huyện Châu Thành)
Xử lý vi phạm hành chính là một trong những hoạt động quan trọng của công tác quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự kỹ cương hành chính trong đời sống kinh tế – xã hội, Để duy trì và phát huy tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ trong thực tiễn, đồng thời khích lệ các tập thể, cá nhân trong việc quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, ngay từ đầu năm Phòng Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân Huyện phát động phong trào thi đua chuyên đề “Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” năm 2021.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, Nhân dân đối với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong những tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng trên địa bàn Huyên đã phát hiện và xử phạt 222 vụ (tăng 96 vụ so với cùng kỳ); trong đó chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 01 vụ; đã thi hành 181/222 vụ (chiếm tỷ lệ 81,53%), với tổng số tiền phạt thu được 268.480.000 đồng; chưa thi hành 41 vụ, số tiền 279.939.000 đồng. Bên cạnh đó, đã lập 17 hồ sơ áp dụng giáo dục tại xã, thị trấn đối với 17 đối tượng (giảm 08 đối tượng); trong đó có 08 đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và 07 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo quyết định của Tòa án nhân dân Huyện… Việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như: vi phạm các quy định về trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; xây dựng; đất đai,…
Ảnh minh họa (Kiểm tra và lập biên bản vi phạm trên địa bàn TT. Cái Tàu Hạ năm 2020)
Ngoài ra, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, các ngành và địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện hiện và 19 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; an toàn giao thông…
Ảnh công an Thị trấn Cái Tàu Hạ làm việc với các đối tượng tổ chức ăn nhậu trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16
Nguyên nhân chính của tình hình vi phạm hành chính hiện nay chủ yếu do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của một số đối tượng vi phạm chưa cao, nhất là đối với những trường hợp bị áp dụng hình thức phạt tiền; một số đối tượng sau khi bị xử phạt cố tình lẩn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt; cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và điều kiện bảo đảm cho công tác xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế;…
Mặt khác, việc cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng gặp khó khăn vì một số đối tượng còn viện nhiều lý do để trì hoãn việc chấp hành quyết định xử phạt hoặc không có tài khoản cá nhân, không có nơi ở ổn định, là người nghèo, không có nghề nghiệp và thu nhập, tài sản của các đối tượng vi phạm cũng không có giá trị để kê biên; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện, thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho các cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, hạn chế các sai phạm về trình tự thủ tục và nội dung khi ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính,…
Đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo luật định; quan tâm việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước,…
Cẩm Thúy