Trang trí và ứng dụng bình phong trong cuộc sống – vhnt.org.vn


 

Bình phong là một vật dụng đã xuất hiện trong cuộc sống con người ở Trung Hoa vào khoảng TK IV đến TK III trước CN sau dần lan sang nhiều các nước phương Đông và phương Tây. Tự thân mỗi bức bình phong đều mang những đặc điểm riêng, sắc thái đặc trưng của thời đại và địa danh sinh ra nó. Việc sử dụng bình phong với những công năng nhất định và dần trở thành những tác phẩm nghệ thuật đã hình thành nên lịch sử và khẳng định sự trường tồn của bình phong trong cuộc sống con người.

1. Quá trình hình thành và phát triển

Bình phong các nước phương Đông

Việc sử dụng phổ biến đầu tiên của các bức bình phong bắt đầu từ triều đại nhà Hán (1). Người Trung Hoa cổ đại đã coi bình phong là một thành tựu của loài người, một phần thiết yếu của đồ gỗ nội thất truyền thống và là một tác phẩm nghệ thuật.

Đối với người phương Đông, bình phong có giá trị là một vật phẩm phong thủy, sau đó được thiết kế đặt phía sau ngai vàng của hoàng đế, như là một biểu tượng của quyền lực. Tới những năm 618-907, bình phong được sử dụng trong đời sống của dân chúng, trở thành thú chơi tao nhã của các nhà tư tưởng, hội họa, thư pháp và một yếu tố quan trọng trong trang trí nội thất. Vào các thời nhà Tống, Minh, Thanh ở Trung Hoa, bình phong còn là sự biểu thị cho đặc quyền uy lực và sự giàu sang của các bậc vua chúa, quan quyền. Các hình thức biểu hiện đa dạng trên bình phong đã cho thấy sự tương ứng giữa hình trang trí với địa vị xã hội của chủ nhân. Bình phong được sơn son thếp vàng, dát ngọc, chạm cẩn bằng các vật liệu quý, lộng lẫy, cầu kỳ và luôn được đặt ở những vị trí trung tâm trong các nội thất sang trọng như cung điện, dinh thự. Nhiều tuyệt tác hội họa, thư họa nở rộ trên những bức bình phong.

Hình thức biểu hiện của mỗi bức bình phong bộc lộ giá trị công năng, nghệ thuật và tinh thần, đồng thời là những dấu ấn ghi lại những giá trị văn hóa qua mỗi thời kỳ lịch sử, đặc trưng cho mỗi vùng miền nơi sản sinh ra nó.

Trong quá trình phát triển bình phong, Trung Hoa là đất nước đi đầu, rồi lan sang Triều Tiên, Ấn Độ và Nhật Bản. Bình phong được người người Nhật phát triển đa dạng và phong phú, phù hợp với kiến trúc và nếp sống sinh hoạt, nâng nghệ thuật trang trí bình phong đạt đến thăng hoa trong sáng tạo.

Bình phong ở các nước phương Tây

Những bức bình phong nhập từ Trung Quốc vào châu Âu TK XVII và XVIII được người Pháp ngưỡng mộ, nhìn nhận là một loại hình mỹ thuật độc đáo và không trùng khớp với những khuôn khổ có sẵn của các loại hình mỹ thuật phương Tây. Sau đó, người châu Âu cũng đã cải biến nội dung hình vẽ trên các bức bình phong để phù hợp với nhu cầu cuộc sống của họ. Người phương Tây đã dùng những bức bình phong như một công cụ để truyền bá tư tưởng phương Tây và dần thâm nhập trở lại phương Đông qua việc mô tả phong tục, tập quán và địa lý của người phương Tây.

Vào những năm 60 TK XVIII, bình phong ở châu Âu đã được thiết kế với mục đích trang trí nội thất, mang đậm phong cách cá nhân. Nhiều bức đã được đánh giá như một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, trở thành một nét đặc trưng trong rất nhiều phông cảnh của những vở kịch thời đó.

Tới tận ngày nay, dù ảnh hưởng của phương Đông, bình phong phương Tây vẫn cơ bản mang nặng lý tính, tính lôgic, hình thức vẫn là cách nhìn của tranh tạo hình, chú ý tới diễn tả chiều sâu không gian thực, không chú ý đến chia cắt tấm khi bố cục, nội dung ảnh hưởng những bức tranh tường lịch sử, tranh kính TK XVIII.

Người châu Âu không chỉ sử dụng bình phong với tác dụng công năng để ngăn chia không gian nội thất mà còn coi trọng chức năng trang trí nên yếu tố thẩm mỹ được đặt cao hơn. Bình phong được sử dụng đa năng, lúc dùng để ngăn chia, lúc dùng để trưng bày như bức tranh tường với nhiều tấm ghép và rất chú ý tới sự ăn nhập với không gian nội thất từ màu sắc, phong cách thể hiện tới nội dung của bình phong.

Bình phong ở Việt Nam

Đến nay, hầu như chưa có tài liệu nào đề cập một cách hệ thống về bình phong Việt Nam. Phan Thanh Hải nhận xét: “Người Việt vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh và thuyết phong thủy của người Trung Hoa nên cũng từ rất sớm, chiếc bình phong đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngôi nhà của họ. Còn hơn cả người Hán, người Việt đã phát triển quan niệm về chiếc bình phong trở nên phong phú, đa dạng lên nhiều”(2).

Bình phong đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống người Việt. Sự nảy sinh, tồn tại và phát triển như một bộ phận hữu cơ trong kiến trúc truyền thống của mỗi loại hình bình phong, từ ngoại án (ngoài kiến trúc) tới nội án (trong nội thất) đều có những quan niệm, ý nghĩa, chức năng… riêng.

Thú chơi bình phong chính thức xuất hiện vào thời Trần (TK XIII-XIV). Đây có lẽ cũng là những bức bình phong Việt Nam đánh dấu công năng sử dụng của người Việt với quan niệm trang trí bình phong là thu nhỏ thiên nhiên đã chọn lọc. Nhà giáo Chu Văn An đã từng quan niệm về vẻ đẹp ấy:

Muôn lớp núi chen chúc nhô lên như bức bình phong vẽ,

Ánh mặt trời buổi chiều chiếu xuống soi sáng nửa khe nước...(3)

Thời Sơn Tây, khi trang trí kinh thành Phú Xuân, việc vẽ bình phong trên giấy được ghi lại: “Nguyễn Thế Lịch vâng mệnh vua Quang Trung đã làm 8 bài thơ nôm đề vào 8 bức bình phong vẽ liên hoàn 100 em bé, để trang trí cung điện Phú Xuân. Tranh đã mất, chỉ còn thơ nôm đề trên tranh tả cảnh rất khái quát”(4).

Vào TK XIX, những bức tranh Đông Hồ và Hàng Trống cũng đã phần nào ghi chép sự tồn tại của bình phong ngoại án. Bức tranh Đông Hồ Đánh ghen, có sự xuất hiện bức bình phong hình cuốn thư trên một phông nền bi kịch gia đình với những số phận của các nhân vật. Bộ tranh dân gian Hàng Trống tứ bình Truyện Kiều, được vẽ theo kiểu bố cục tẩu mã ước lệ, thuận mắt, một dạng bố cục rất phổ biến của người phương Đông.

Sự xuất hiện bình phong qua những bức ảnh và ký họa TK XIX cho thấy việc sử dụng bình phong cả ngoại án và nội án trong cuộc sống người Việt, chứng tỏ bình phong rất đỗi thân thuộc và đi vào cuộc sống con người Việt Nam từ rất xa xưa.

Trong cuộc sống người Việt, bình phong đã xuất hiện và tồn tại với những ứng dụng phong phú: là vật phẩm phong thủy, là đồ vật che chắn ngăn chia không gian, là vật trang trí và ứng xử trong xã hội.

Trong khoảng 143 năm (1802-1945), thời Nguyễn đã để lại khá nhiều những hiện vật, trong đó bình phong từ ngoại án tới nội án, phản ánh chân thực về quan niệm và cách sử dụng bình phong trong thời kỳ này. Từ quan niệm phong thủy, ngọn núi Ngự Bình được người Huế coi như một bình phong tự nhiên che chắn cho kinh thành Huế. Bình phong ngoại án nhân tạo là những bức tường xây chắn ngang lối vào, những hàng chè tàu được cắt tỉa nơi cung điện, lăng tẩm, phủ đệ, đình, đền miếu và các tư gia với hình thức trang trí và kích thước khác nhau. Chính điều này đem đến sự phong phú trong nghệ thuật trang trí bình phong với những giá trị và ý nghĩa ẩn bên trong mỗi hoa văn trang trí.

Qua nhiều thế hệ, những bức bình phong tồn tại và hàm chứa rất nhiều ý nghĩa vừa tinh thần nhưng cũng rất thiết yếu với cuộc sống con người. Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Bình phong trong nhà hầu như bây giờ không có, xưa bàn thờ ở giữa ba gian nhà, nay bàn thờ bị đẩy vào gian trong cùng – do sự xáo trộn sinh hoạt đương đại, phạm vi sinh hoạt mở rộng, lấn đi không gian thờ tự, do đó bình phong nội án hoàn toàn mất chức năng. Tại Huế, bình phong nội án chỉ còn ở bảo tàng, ở các nhà riêng hầu như không còn. Bình phong ngày nay đã thay đổi biến thiên quan niệm cổ xưa tới nay, mất dần vị thế mà bình phong vốn có trước đây”(5).

Trong cuộc sống hiện đại, bình phong vẫn có mặt với nhiều sắc thái mới, có thể chỉ là những bức tường chắn ngang hay những bức vách di động nhưng những biến thể của nó vô cùng phong phú và linh hoạt để phù hợp với cuộc sống đương đại. Những yếu tố về hình thức trang trí, nội dung, màu sắc… đem đến những hiệu quả bất ngờ vừa gìn giữ những giá trị văn hóa nhưng cũng cải biến phù hợp với xu thế thời đại để bình phong vẫn luôn là một đồ vật trong cuộc sống con người.

2. Giá trị sử dụng trong cuộc sống

Tạo lập không gian

Để giải quyết mối quan hệ với những đồ vật xung quanh một cách hợp lý, mang lại sự hài hòa trong sắp đặt không gian nội ngoại thất, bình phong luôn là một điểm nhấn ăn nhịp với không gian xung quanh. Phan Thanh Hải đã viết: “Thật khó tưởng tượng được nếu trong không gian ngôi nhà truyền thống Việt lại thiếu vắng một chiếc bình phong. Cái vật duyên dáng ấy có khi được đặt ở ngoài sânh với đủ kiểu dáng vẻ; có khi được đặt ngay trong nhà với kích thước vừa phải, ngay sau cửa chính; hoặc có khi kết hợp cả hai”(6). Sự di chuyển các bức bình phong để tạo dựng không gian, chia cắt tạm để có những khoảng không gian riêng, đã tạo sự độc lập, thoải mái trong một không gian lớn. Chính sự di chuyển cơ động của bình phong trong nội thất đã tạo nên giá trị công năng thiết thực, những không gian mới một cách ước lệ, tạo nên sự thỏa mãn tâm lý sử dụng.

Bình phong càng phong phú, ấn tượng và thiết thực khi phát huy hết giá trị công năng trong cuộc sống. Bình phong có thể phân chia hai không gian với hai chức năng riêng biệt, chẳng hạn như: che chắn riêng tư ngoài trời; nơi thay đồ mặc quần áo, phân vùng cho trẻ em, bàn học, khu vực làm việc, tiếp khách hoặc nghỉ ngơi đối với một căn hộ có diện tích không lớn hoặc nhà hình ống; hay một không gian tiệc tùng được ngăn với khu vực bếp, giữa các bàn ăn của thực khách tại nhà hàng hoặc khách sạn; che chắn giường nằm của bệnh nhân và bàn khám của bác sĩ ở những nơi khám bệnh…

Ngày nay, các chức năng sử dụng của bình phong được các nhà thiết kế đưa cả trong nhà và ngoài trời như một yếu tố trong thiết kế nội thất. Đối với không gian lớn, bình phong có thể tạo ra hai phòng ấm cúng, phối hợp hợp lý trong không gian nhằm tránh những luồng gió độc.

Trong trang trí nội thất, bình phong được sử dụng để phân chia và làm đẹp do tận dụng cảm giác tạo không gian giữa hình trang trí trên bình phong và tường; bình phong có trang trí hình danh lam thắng cảnh sông núi… có thể giống như một bức tranh lớn về thiên nhiên ở trong phòng.

Một cách độc đáo là sử dụng bình phong như một tấm ván đầu giường, tạo nên một bối cảnh hoàn hảo hơn về cảm giác không gian bình yên.

Vật dụng bày đặt, trang trí

Trong việc bày trí, trang trí bình phong thì vấn đề chức năng luôn đi cùng thẩm mỹ. Dù đơn giản chỉ là những bức nội án với giá bình dân, ai cũng sẽ chọn một bức phù hợp với mắt nhìn, sở thích của người sử dụng.

Song, việc bày đặt cho đẹp cần có sự kết hợp tốt từ màu sắc, hình dáng của bức nội án với đồ vật xung quanh, tâm lý người sử dụng như: quan niệm tinh thần, ý thích cá nhân, xu thế thời đại, tiện dụng… nhằm tạo nên sự thoải mái hòa nhập trong không gian chung.

Trong nghệ thuật trang trí nội án truyền thống, có những quy định về nội dung và màu sắc trang trí theo tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, không chỉ bình phong mà các đồ vật của vua chúa luôn lộng lẫy, cầu kỳ, được sử dụng vật liệu quí để chế tác, có những hình trang trí ẩn chứa nội dung mang tính uy quyền, biểu tượng… Đối với người lao động, màu sắc của sự dân dã, hình vẽ của những nghệ nhân dân gian luôn giản dị, chân thành, không màu mè lộng lẫy, mang những nội dung rõ ràng và đơn giản.

Ngày nay, những bức ngoại án của các gia đình chủ yếu trang trí hình rồng, cá chép hóa rồng, chữ phúc, thọ… bên cạnh những bức nội án có đề tài trang trí vô cùng phong phú, phong cách trang trí đa dạng và mạnh mẽ với những bố cục mảng lớn, đường nét và màu sắc dứt khoát, nhiều đường thẳng, đường cong gần như không có hình cụ thể, đôi khi là những mảng màu tương phản mạnh, một vài nét bâng quơ…

Vật dụng trong ứng xử văn hóa

Trong không gian tồn tại, bức bình phong tác động không nhỏ tới tâm lý con người, dẫn tới những ứng xử trong cuộc sống, với thiên nhiên và với con người. Trong ứng xử giữa con người với con người, bình phong, từ ngoại án tới nội án, được thể hiện một cách tế nhị, từ kích thước tới những hình trang trí, vừa mang ý nghĩa phong thủy, vừa mang hàm ý vô cùng tinh tế trong giao tiếp. Ngay từ những cảm nhận đầu tiên bình phong có thể đoán biết về thân thế gia chủ; khi bắt đầu qua đại môn (cổng chính) sau đó bình phong sẽ chỉ dẫn khách đường dẫn vào tiền sảnh; qua huyền quan có bức trấn phong hay thủ huyền quan trấn chỉ cho khách vào gian chính theo ứng xử tả nam, hữu nữ, đây là tập tục mà nhiều gia đình ở Huế nay vẫn còn giữ.

Một ngôi nhà theo phong cách truyền thống với lối sống kín đáo vốn có của người Á Đông, một bức nội án, trấn phong ngay sau huyền quan, đều mặc định cho người ra vào phải đi vòng qua hai bên bình phong, không đi thẳng vào chính giữa ngôi nhà. Điều này cũng đồng nghĩa tạo hướng cho người ra vào nhà và tránh những luồng gió lùa làm hại người trong nhà. Đây cũng là một kiểu tạo sự kín đáo trong sinh hoạt, chỉ người bên trong mới có thể thấy bên ngoài có người đến để đón tiếp, hoặc từ chối.

Hiện nay, tư duy của cuộc sống đương đại đã làm thay đổi diện mạo của bình phong theo nhiều xu hướng: truyền thống, phong cách Âu hóa hiện đại, cá tính độc đáo… Thực sự đây cũng là những dấu ấn của mỗi giai đoạn phát triển xã hội, cũng là quá trình phát triển của bức bình phong góp phần làm nên giá trị văn hóa, đồng thời tái hiện sự biến thiên của lịch sử, sự biến đổi quan niệm của con người ở từng thời kỳ lịch sử xã hội khác nhau.

Bình phong trong không gian nội ngoại thất biểu hiện trí tuệ sáng tạo và sự khéo léo tài hoa của con người. Qua thời gian, bình phong dần từ vật phẩm phong thủy trở thành vật phẩm văn hóa, đồ vật hữu dụng, tác phẩm nghệ thuật mang đầy đủ giá trị tinh thần và vật dụng.

Việc sử dụng sáng tạo và linh hoạt đã khiến bình phong ứng biến và hòa nhập với rất nhiều với đồ đạc trong những không gian sống khác nhau. Bình phong, với tư cách là một đồ vật, không chỉ đáp ứng tính công năng mà còn tô điểm môi trường sống – một yếu tố trong sáng tạo nghệ thuật mới. Dù quá trình mỹ thuật hóa bình phong luôn diễn ra những khuynh hướng khác nhau, mang đến sự đa dạng và thuận nghịch, nhưng đều nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn đời sống vật chất và tinh thần của con người.

_______________

1. Vẻ đẹp tiềm ẩn của Pingfeng, usa.chinadaily.com.cn, 3-7-2011.

2, 6. Phan Thanh Hải, Bình phong trong kiến trúc Việt, Tạp chí Sông Hương, số 195, tháng 5-2008.

3. Chu Quang Trứ, Hội họa và trang trí, trong Mỹ thuật thời Trần, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.79.

4. Chu Quang Trứ, Điêu khắc và tranh, trong Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật – Trung tâm Bảo tồn di tích Huế, 1992, tr.103.

5. Phỏng vấn Nguyễn Hữu Thông tại Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật miền Trung, Huế, tháng 7-2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Đặng Mai Anh

Đánh giá post