Trao Giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh” năm 2022: Đề xuất có những chính sách cụ thể về xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp

Thứ Sáu 09/12/2022 | 08:00 GMT+7

VHO- Tại Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng Văn hóa – Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu đều khẳng định, văn hóa kinh doanh được coi là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các diễn giả, doanh nghiệp cũng nêu những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, bày tỏ mong muốn có những chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng, làm tốt hơn nữa việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp là lực lượng tiên phong xây dựng đất nước hùng cường

Tại Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tin tưởng rằng, tin tưởng, sau Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhận thức toàn diện hơn về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững, văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Chúng ta mong muốn làm tất cả những gì có thể nhất để đồng hành với doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự là trái tim của nền kinh tế đất nước, là lực lượng tiên phong xây dựng và phát triển Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cũng tại Diễn đàn, tọa đàm với chủ đề: “Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam” cũng đã mang đến nhiều góc nhìn, quan điểm và bài học kinh nghiệm thiết thực. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị  CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho biết, trong  chặng đường 35 năm hình thành và phát triển, giá trị lớn nhất của thương hiệu chính là văn hoá và con người PNJ. Đó là giá trị cốt lõi và ngày càng được vun đắp, làm giàu, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp. Bởi thế, trải qua những bước đi từ giai đoạn còn khó khăn, cho đến những giai đoạn sau này và đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, doanh nghiệp càng nhận thấy những giá trị của văn hoá doanh nghiệp luôn tạo nên sức mạnh. Văn hoá giúp doanh nghiệp hình thành và phát huy những giá trị cốt lõi là sự kiên định, sự quan tâm cùng phát triển và tính kỷ luật, giúp doanh nghiệp vững vàng vượt mọi thử thách.

Cho biết PNJ luôn đồng hành cùng Hiệp hội Phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng chia sẻ, yếu tố văn hoá trong mỗi doanh nghiệp xuất phát từ người sáng lập. Đó chính là giá trị lõi, như gen được cấy vào mỗi doanh nghiệp tạo thành sự trường tồn. “Khi Văn hoá Doanh nghiệp đã trở thành hệ giá trị thì tự nó sẽ thấm từng con người. 35 năm qua, những hệ giá trị đó đã thành nền tảng để mỗi con người PNJ đều luôn nuôi dưỡng, có khát vọng cống hiến…”.

Khẳng định điều quan trọng trong phát triển văn hoá doanh nghiệp là sự lan toả, thấm sâu, cần được thổi vào từng cán bộ, nhân viên và tạo thành sức phát triển cho doanh nghiệp, ông Ngọ Trường Nam, TGĐ Tập đoàn Đèo Cả cho hay,  những công trình giao thông thường mang tính đặc thù cao, những khó khăn tại hiện trường rất lớn. Vì vậy, một trong những yếu tố văn hoá doanh nghiệp cần được thể hiện rõ chính là sự thì vấn đề chăm sóc đội ngũ, quan tâm đến người lao động. Đèo Cả là doanh nghiệp tiên phong thay đổi quan điểm từ “lán trại hiện trường” thành “nhà ở hiện trường”.

TGĐ CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Văn Tiến Thanh cũng nêu, lãnh đạo Công ty không chỉ quan tâm đến mũi nhọn phát triển kinh tế mà đặc biệt xem văn hoá doanh nghiệp là nền tảng phát triển bền vững. Từ năm 2016, doanh nghiệp này đã triển khai bài bản xây dựng văn hoá doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát triển văn hoá bản sắc của doanh nghiệp. Trong đó, “Khát vọng, Trí tuệ, Chuyên nghiệp, Nghĩa tình” là những giá trị cốt lõi.

Luôn tạo ra những con đường mới để đi tiên phong yếu tố riêng biệt của TH Group. Theo Giám đốc Nhân sự TH Group Trần Thị Quyên, doanh nghiệp luôn cố gắng tạo nên những giá trị cốt lõi đẹp đẽ, từ đó có thể thấm vào người lao động. “Chúng tôi quan niệm, những giá trị mà doanh nghiệp muốn đưa đến khách hàng thì cũng cần đưa đến cho nhân viên của mình. Giá trị cốt lõi của chúng tôi là Vì hạnh phúc đích thực…”, bà Quyên nói.

Niềm tin và khát vọng vươn tầm ra thế giới

Ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Searefico, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn hiện nay, vấn đề xây dựng và gìn giữ  văn hoá doanh nghiệp như một yếu tố trường tồn, bền vững, giàu bản sắc là điều quan trọng tiên quyết.

Kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước những mong muốn để văn hoá kinh doanh đóng góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, đại diện các doanh nghiệp đều nêu lên nguyện vọng về những chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng, làm tốt hơn nữa việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Ông Ngọ Trường Nam nêu, mong muốn của nhiều doanh nghiệp chính là có cơ hội khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam với quốc tế. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay, vai trò của văn hoá doanh nghiệp ngày càng quan trọng. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ tin tưởng và trao cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội để khẳng định mình, tạo động lực cho những doanh nghiệp trên từng lĩnh vực ngày càng phát triển hơn. Với những doanh nghiệp có sản phẩm tốt, cần có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời, những doanh nghiệp làm sản phẩm chất lượng kém thì cũng cần phê phán”.

TGĐ CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Văn Tiến Thanh cũng bộc bạch: “Chúng tôi mong muốn thông qua các chính sách cụ thể, những định hướng và chỉ đạo điều hành để nâng cao niềm tin của doanh nhân trong môi trường hoạt động kinh doanh trong nước, từ đó để cộng đồng doanh nghiệp có đủ nội lực, niềm tin vươn tầm ra thế giới”.

Từ những kinh nghiệm trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp nhiều năm qua, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp làm tốt việc xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp. Đặc biệt, những doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh thì cần có những khen thưởng, tạo sức lan toả để những chứng nhận đạt chuẩn được trao cho các doanh nghiệp thực sự trở thành động lực để các doanh nghiệp tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Công cụ hữu hiệu để bình xét các doanh nghiệp đạt chuẩn

Bộ Tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành, triển khai rộng rãi  trong thời gian ngắn triển khai được đánh giá là công cụ hữu hiệu để bình xét các doanh nghiệp đạt chuẩn. Các doanh nghiệp đã nghiêm túc hoạt động theo bộ tiêu chí này để xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển. Nhiều doanh nghiệp không chỉ thực hành tốt các nhóm tiêu chí mà còn tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ. P.V

24 gương mặt doanh nghiệp được tôn vinh

24 gương mặt doanh nghiệp được tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022 là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.  Đây là hoạt động thiết thực, lan tỏa sâu rộng những ý nghĩa, thông điệp của cuộc vận động; nêu cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa được xác định như là “đòn bẩy” và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành đội ngũ ngày càng đông đảo các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với mặt bằng văn hóa kinh doanh thế giới, để đất nước ta hội nhập quốc tế thành công và ngày càng trở nên phồn vinh và hạnh phúc… H.Phương

MINH NGỌC, ảnh: TRẦN HUẤN