Trình độ học vấn chẳng quyết định được một người có văn hóa hay không, đọc bài viết sau bạn sẽ hiểu rõ
Người có văn hóa thực sự không liên quan gì đến lượng kiến thức họ sở hữu mà có liên quan đến những phẩm chất hình thành trong quá trình trưởng thành và trong cách sống. Một người ít học chưa hẳn là người kém văn hóa, và ngược lại.
Mục lục bài viết
01.
Tôi nhớ mãi câu chuyện đã xảy ra được một năm. Khi đó, tôi và người bạn đang ăn tối ở một quán phở thì có người đàn ông trung niên bước vào. Ông trông khá xộc xệch, đứng nhìn thực đơn trên tường một lúc lâu rồi quay sang chúng tôi ngỏ lời: “Anh bạn trẻ, tôi không biết chữ, có thể cho tôi biết món nào ngon nhất không?”.
Được chúng tôi giúp đỡ, ông rất cảm kích và trong lúc đợi chủ quán chuẩn bị món, chúng tôi đã trò chuyện. Tôi hỏi: “Sao lại vào đây tìm món ngon nhất quán?”. Ông thở dài rồi đáp: “Vợ tôi mất sớm. Cách đây vài năm tôi nhận nuôi một đứa bé. Vì tôi không biết làm đồ ăn, tối vậy chẳng biết mua đồ ăn cho con bé ở đâu nên đành đến đây mua món ngon nhất cho nó”.
Tôi sửng sốt nghe những lời tâm sự của ông. Một người đàn ông có hoàn cảnh khó khăn mà lại có một trái tim nhân hậu như vậy. Tôi và bạn tôi thấy xấu hổ.
Thế nhưng khi ông đi khỏi nơi này, chủ quán lại lạnh lùng: “Vô văn hóa kinh khủng, còn không biết chữ. Thật nực cười khi vào đây đòi mua món ngon nhất”. Nghe chủ quán nói thế tôi và người bạn khá tức giận nhưng thôi, không buồn tranh cãi.
Nhiều người đến bây giờ hiểu sai về khái niệm văn hóa. Họ cho rằng văn hóa chẳng qua là kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của mỗi người. Đánh giá trình độ văn hóa của ai đó chỉ cần nhìn vào trình độ học vấn, nhiều kinh nghiệm sống .
Trên thực tế, người có văn hóa bao gồm nhiều điều và quan trọng nhất là sự tu dưỡng tính cách bắt nguồn từ tâm của mỗi người. Chúng ta có thể đưa ra những phán đoán cơ bản nhất về tính cách của một người thông qua sự tu dưỡng, rèn luyện của họ.
02.
Đồng nghiệp của tôi là một cô gái rất sạch sẽ. Bàn làm việc của mọi người đều lộn xộn nhưng bàn của cô lúc nào cũng ngăn nắp, sọt rác chỗ cô luôn sạch sẽ. Nhiều người cho rằng cô mắc chứng OCD – rối loạn ám ảnh cưỡng chế . Có khi đi ăn cùng nhau, nhiều đồng nghiệp vứt rác xuống đất, còn cô thì nhặt lên và bỏ vào sọt.
Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, cô giải thích: “Từ nhỏ bố mẹ đã dạy tôi phải hình thành một thói quen tốt. Người khác có thể nhìn thấy sự tu dưỡng tính cách tốt của một người từ những thói quen của họ”. Ban đầu, cô không quen làm những việc này. Thế nhưng theo thời gian, cô đã dần hình thành thói quen và đã lặp đi lặp lại hành vi này trong vô thức.
Có thể thấy, một người nếu không nghiêm khắc với bản thân thì sẽ khó có thể tu dưỡng tính cách tốt. Một người có văn hóa, ý thức tốt sẽ tự rèn luyện mà không cần nhắc nhở vì điều này đã ăn sâu vào trong tâm hồn và trở thành một phần của con người họ.
Nhà văn Lương Hiểu Thanh đã từng tóm tắt về người có văn hóa như sau: Đó là người được tu dưỡng tính cách bắt nguồn từ trái tim, tự ý thức được những thói quen tốt mà không cần nhắc nhở, muốn giúp đỡ người khác bằng sự nhân hậu của mình.
Nếu một người có 3 cấp độ này thì đó là một người có văn hóa thực sự.
(Nguồn: Zhihu)