‘Trình độ văn hóa không tương đồng với học vấn’

Trong nhiều văn bản hành chính, như sơ yếu lý lịch, vẫn yêu cầu khai báo “trình độ văn hóa” là nhầm lẫn về khái niệm.

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện “Người có giáo dục”, độc giả Ngọc Hải phân tích:

Trong thực tế, không phải khi nào trình độ giáo dục cũng tỷ lệ thuận với trình độ văn hoá. Có nhiều khi một cử nhân, kỹ sư, thậm chí người có chức danh cao hơn mà chửi thề, xả rác tuỳ tiện hay chen ngang nơi cộng cộng thì vẫn bị xem là “thiếu văn hoá, vô văn hoá” như thường.

Trí thức vẫn được xem là tầng lớp tinh hoa của mỗi nền văn hoá hay một quốc gia cụ thể. Do đó bản thân danh “Người trí thức” theo đúng nghĩa luôn cao quý và đáng trân trọng. Một người chỉ chăm chăm cho có bằng cấp để khoe mẽ hay phục vụ cho thăng tiến, tư lợi thì không thể xem anh là một người trí thức.

Trải qua quá trình dài lĩnh hội kiến thức mà về sau, những nghiên cứu của anh chống lại loài người, phản nhân văn (nghĩa là anh thiếu đi cái tâm sáng), cũng không thể anh xem là một người trí thức. Anh có tri thức mà những kiến thức đó không lan toả, đem lại định hướng tốt cho cộng đồng thì anh mới chỉ dừng lại ở “có giáo dục” chứ chưa thể xem đã là có văn hoá hay là người trí thức.

Một người hội tụ nhân cách (tâm sáng), lan toả cách sống và định hướng tri thức đúng đắn cho cộng đồng mới có thể xem là một trí thức chân chính. Một xã hội tiến bộ không chỉ cần những người có giáo dục, mà hơn hết phải làm sao có được những người có văn hoá và tôn vinh những nhà trí thức.

Đang có sự nhầm lẫn, đánh đồng về khái niệm “trình độ giáo dục”, “trình độ học vấn” và “trình độ văn hoá”. Trong các văn bản hành chính như “sơ yếu lý lịch” vẫn yêu cầu điền mục “trình độ văn hoá”. Theo đó, trình độ giáo dục chỉ phản ánh mức độ mà một người tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập theo các bậc học phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hay cao hơn (đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh, phó tiến sĩ…).

Văn hoá theo nghĩa rộng, phổ quát nhất, là những thành tựu về cả vật chất, tinh thần, tín ngưỡng… của một cộng đồng trong quá trình hình thành, phát triển của mình. Bởi nội hàm của “văn hoá” rất rộng, nên hiện có rất nhiều cách tiếp cận về định nghĩa, các tiêu chí biểu hiện. Trình độ văn hoá (theo nghĩa hẹp, sơ giản nhất) liên quan tới các tiêu chí, chuẩn mực về ứng xử, hành vi cũng như cách sống, lối sống được định hình và duy trì ở một cộng đồng.

Nên chăng thay bằng “trình độ học vấn” hay “trình độ giáo dục” thì hợp lý hơn.

>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.