Trình UNESCO công nhận Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê là Di sản thế giới
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Óc Eo – Ba Thê, An Giang phát biểu khai mạc hội nghị.
Tỉnh An Giang hiện có 89 di tích văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 28 di tích quốc gia, 59 di tích cấp tỉnh và hai di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê.
Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích khảo cổ kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê, An Giang là Di tích Quốc gia đặc biệt. Việc Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt là sự tôn vinh những giá trị to lớn của một trong ba nền văn hóa cổ Việt Nam, gồm: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo, qua đó góp phần gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo, phát huy tốt những giá trị của di tích văn hóa Óc Eo, đưa di sản văn hóa Óc Eo xứng tầm với di sản văn hóa cả nước và thế giới.
Để việc bảo vệ, bảo quản, phát huy di tích theo chiều rộng và chiều sâu, UBND tỉnh An Giang đã quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo trực thuộc UBND tỉnh. Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh về quy hoạch, khai quật khảo cổ, nghiên cứu, lập hồ sơ, sưu tầm, trao đổi, bảo quản, trưng bày, phục chế hiện vật; giáo dục, khoa học, hợp tác quốc tế; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo.
Trải qua 10 năm hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó dấu ấn đậm nét của 4 nhiệm vụ chính trị quan trọng về văn hóa Óc Eo. Đó là bảo tồn thường xuyên các di tích đã được lộ thiên; tích cực giải phóng mặt bằng, để có đất sạch bàn giao cho cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khai quật khảo cổ; hoàn thành giai đoạn 1 việc xây dựng hồ sơ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, quảng bá và trưng bày văn hóa Óc Eo đã góp phần phát huy giá trị di sản…
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Óc Eo – Ba Thê, cho biết: Thời gian qua, các nhà khoa học khảo cổ Việt Nam, đã góp phần làm sáng tỏ dần, các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê; để trên cơ sở đó, tỉnh An Giang đã hoàn thành việc lập Hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới giai đoạn 1, được Trung tâm Di sản thế giới đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ đề cử .
Theo ông Nguyễn Hữu Giềng, tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai, thực hiện thật tốt kế hoạch lập hồ sơ đề cử giai đoạn 2 trình UNESCO công nhận Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê là Di sản thế giới.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu tham luận và thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học khảo cổ hàng đầu của Việt Nam và các nhà quản lý, đã góp phần làm sáng tỏ các nội dung có giá trị khoa học, giá trị lịch sử về Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê. Tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học khảo cổ, UBND tỉnh An Giang tiếp nhận và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu triển khai, thực hiện tốt hơn nữa trong hoạt động của văn hóa Óc Eo An Giang nói chung và Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê nói riêng.