Trở về cội nguồn văn hóa đất Bình Định

Trên hành trình mở cõi về phương Nam, cha ông ta đã bồi đắp, tôn tạo bao giá trị văn hóa mà ngày nay con cháu các thế hệ hết sức tự hào. Được mệnh danh là vùng đất võ trời văn, Bình Định lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá cả về vật thể lẫn phi vật thể.

Chính sự trù phú về tự nhiên, đa dạng về văn hóa đã tạo cho vùng đất này lợi thế phát triển du lịch không thua kém các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa…

Trở về cội nguồn văn hóa đất Bình Định - 1

Tháp đôi – một công trình kiến trúc cổ của người Chăm ở Quy Nhơn, Bình Định (Ảnh: Shuterstock).

Nhiều người cho rằng văn hóa là chứng minh thư của một vùng đất. Người Bình Định đi khắp nơi cầm tấm căn cước văn hóa trên tay luôn ngẩng cao tự hào vì sự giàu có của mình. Nơi đây trầm tích, nhiều tầng văn hóa cổ: Văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa và những thời kỳ thăng hoa trong dòng chảy liên tục của văn hóa quê hương. Tiến trình lịch sử ấy đã lưu dấu trên quê hương Bình Định một hệ thống di sản phong phú, đa dạng với 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 33 di tích cấp quốc gia, 87 di tích cấp tỉnh trúc với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc độc đáo. Trong đó phải kể đến hệ thống các tháp Chăm, vẫn sừng sững trên mảnh đất Bình Định với 8 cụm tháp và với 14 tháp hiện tồn tại, như những chứng nhân lịch sử quan trọng, vững chãi. Từ Quy Nhơn đến An Nhơn, Phù Cát, các tháp Chăm như tháp Đôi, tháp Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm, Hòn Chuông… đã chiếm trọn tâm hồn du khách bởi vẻ trang nghiêm, lộng lẫy. Đến với tháp Chăm Bình Định, du khách sẽ được sống lại với quá khứ hào hùng của một dân tộc đã từng hưng thịnh trên bản đồ Đông Á, được thưởng lãm vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Chăm Pa, từ đó thêm yêu mến mảnh đất Bình Định này.

Bình Định còn được biết đến là nơi sinh ra biết bao hào kiệt, danh nhân văn hóa, cách mạng của đất nước. Nhắc đến đất võ, Bình Định là cái nôi của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, quê hương của Tây Sơn tam kiệt và các tướng lĩnh nổi tiếng như Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu… Các di tích thời Tây Sơn ngày nay đã trở thành những địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách mỗi khi ghé thăm Bình Định. Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế trời, Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt, Bến Trường Trầu, Gò Đá Đen, Di tích Gò Lăng, Đền thờ đô đốc Bùi Thị Xuân… là những địa điểm ghi dấu sự hiện diện lẫy lừng của đế chế Tây Sơn oai hùng.

Nhắc đến “trời văn”, Bình Định được vinh dự là “đất tổ” của nghệ thuật Tuồng, cái nôi của nghệ thuật bài chòi. Bài chòi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, một nét đẹp tinh thần riêng có của vùng đất này và đang được xây dựng để trở thành một thương hiệu, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Các di tích gắn liền với nhân vật văn hóa – lịch sử nổi tiếng của Bình Định như: Đền thờ của Quận công Trần Đức Hòa, hệ thống đền thờ, lăng mộ, nhà lưu niệm Đào Duy Từ ở Hoài Nhơn, mộ Đào Tấn ở An Nhơn, đền thờ Tăng Bạt Hổ, nhà lưu niệm Xuân Diệu ở Tuy Phước, mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, trại phong Quy Hòa nơi Hàn Mặc Tử sống những ngày tháng cuối đời ở Quy Nhơn… trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách lựa chọn du lịch về nguồn. Ngoài ra, Bình Định còn có hệ thống các di tích lịch sử đã được tỉnh, nhà nước công nhận như thắng tích Hầm Hô, chứng tích Gò Dài, đền thờ Mai Xuân Thưởng, di tích chiến thắng Thuận Ninh, đền thờ Văn Phong, lăng mộ Võ Xán… Tất cả đều được giữ gìn tôn tạo nhằm đề cao giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt, có ý nghĩa lớn lao đối với việc tuyên truyền tinh thần yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Trở về cội nguồn văn hóa đất Bình Định - 2

Nhà Thờ Làng Sông (Ảnh: Dương Thông).

Nếu đến Bình Định, bên cạnh những thắng cảnh biển đảo đẹp mê hồn du khách nên ghé thăm những ngôi chùa cổ kính, những nhà thờ uy nghiêm như chùa Hang (Phù Mỹ), chùa Ông Núi (Phù Cát), chùa Bà Nước Mặn, tiểu chủng viện Làng Sông (Tuy Phước), chùa Thiên Hưng, chùa Nhạn Sơn (An Nhơn), tổ đình Long Khánh, chùa Minh Tịnh, nhà thờ Chánh tòa (Quy Nhơn)… để hiểu thêm vì sao Bình Định lâu nay vẫn được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Dù không phải là tín đồ, đến với các di tích tôn giáo, bạn vẫn tìm thấy được chốn bình yên trong tâm hồn. Bởi lẽ, thiên nhiên, kiến trúc, sự hài hòa giữa cảnh và tình đã chiếm lĩnh tâm hồn những người tìm về xứ đạo.

Trở về cội nguồn văn hóa đất Bình Định - 3

Chùa Thiên Hưng (Ảnh: Dương Thông).

Trong không khí tưng bừng ấm áp, người người nô nức du xuân, đây cũng chính là thời điểm người dân Bình Định hân hoan mở hội. Lễ hội tôn giáo, lễ hội làng nghề, lễ hội kỷ niệm chiến thắng… thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu cội nguồn văn hóa của cư dân Nam Trung bộ. Nổi bật là các lễ hội như chợ Gò (mồng một Tết), Đống Đa (mồng năm Tết), chùa Ông Núi (24 tháng Giêng), chùa Nước Mặn (mồng một, mồng hai tháng 2), đua thuyền trên sông Gò Bồi (mồng hai Tết)… Lễ hội ở Bình Định khơi dậy lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa, cầu mong một năm bội thu, thuận lợi, bình an cho nhân dân, thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, thượng võ của người dân. Vì vậy, những người tham gia lễ hội không mang suy nghĩ thắng thua, đua tranh được mất, mà họ thật sự vui vẻ, hòa đồng, đoàn kết. Lễ hội đã mang đến niềm vui, gửi gắm những bài học có giá trị cho tất cả mọi người tham gia.

Điều gì làm cho bạn luôn nhớ đến một vùng đất mình đã đi qua? Ngoài cảnh đẹp, di tích lịch sử thì ẩm thực cũng để lại ấn tượng không quên. Đến với Bình Định, du khách không thể bỏ qua những món ăn có một không hai, mang đặc trưng văn hóa miền biển. Dân miền biển khoái ăn cơm với cá ngừ kho ngọt hay chả cá thu hấp, bánh canh chả cá, cháo cá rựa, cháo hàu, bún tôm, bún cá… Nhậu lai rai thì có cá mú hấp, da cá mú bông rang vàng, cá chua nướng lá chuối chấm muối ớt tươi hay nem nướng Chợ Huyện. Dân miệt đồng thì khoái món gỏi chình đầm Châu Trúc, cá chạch tre Bàu Sấu kho sả nghệ, chim mía Phú Phong nướng hoặc rán. Dân vùng cao thích món dé bò Tây Sơn, cá niên và rau dớn…

Hè về, người Bình Định ăn sứa trộn hay sứa nước lèo, đông sang có bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn. Ăn sáng, ăn xế thì có bánh hỏi lá hẹ, bánh hỏi chả giò, lòng heo, thịt nướng… nước chấm đủ vị chua, cay, mặn ngọt hay đơn giản là món bánh tráng Trường Cửu, bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn nướng giòn hoặc nhúng nước. Dưa món, mắm cũng là đặc sản của đất võ, Dưa thì có dưa cải xổi, dưa cải trường, dưa môn, dưa măng, dưa đu đủ, dưa hồng… nhưng ngon nhất vẫn là dưa kiệu Phù Mỹ. Mắm thì có mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn, mắm cá thu Tam Quan, mắm cua đồng kho với nấm mối, trộn với thịt cá chạch nướng tươi xé nhỏ thành một thứ nước sền sệt để chấm đọt lang luộc. Đây là những món khiến người ăn phải xuýt xoa, trầm trồ gọi là “cầm lòng không nổi, ngon khó cưỡng”. Chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm, qua bàn tay tài hoa và sự sáng tạo tuyệt vời, người Bình Định đã tạo nên vô vàn món ăn độc đáo. Nhiều đặc sản Bình Định đã có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng đến Bình Định để thưởng thức món ăn của chính nơi đây thì không còn gì tuyệt hơn nữa.

Bình Định không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, dấu tích lịch sử kỳ bí mà còn lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng qua những làng nghề truyền thống lâu đời. Hiện nay, trên toàn tỉnh Bình Định hiện còn lưu giữ được 41 làng nghề truyền thống. Trong đó, có một số làng nghề có tính đặc trưng cao và có nét tiêu biểu cho văn hóa Bình Định như: Làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá, Làng Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, Làng nón ngựa Phú Gia, Làng nghề dệt Chiếu cói… trở thành những địa điểm du lịch đầy hấp dẫn, thu hút du khách.

Ai cũng có quyền tự hào về nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Người Bình Định cũng thế, dù đi ngược về xuôi, vẫn luôn tự hào về mảnh đất miền Trung đã lưu giữ biết bao trầm tích văn hóa. Những di tích văn hóa Chăm, thắng tích lịch sử thời Tây Sơn, đền đài thờ tự các danh nhân văn hóa, lịch sử, di tích tôn giáo, lễ hội, ẩm thực truyền thống… đã làm nên “thương hiệu” văn hóa Bình Định. Nếu bạn yêu cái đẹp của biển Bình Định hãy yêu cả phong vị văn hóa độc đáo của mảnh đất này nhé!

Theo Trường Thịnh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/tro-ve-coi-nguon-van-hoa-dat-binh-dinh-20220415185809060.htm