Trường nghề “ngại” đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS | CareerBuilder.vn

Trường nghề “ngại” đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS

Tại Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo có đến 30% học sinh bỏ học.

Quy định học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp nghề phải đạt trình độ văn hóa tương đương THPT đã khiến nhiều trường nghề ngưng tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THCS để khỏi đào tạo văn hóa

“Việc đào tạo nghề kèm với việc dạy văn hóa là một gánh nặng cho trường. Hầu hết học sinh khi chọn con đường học nghề đều không thích học văn hóa. Khi không thích học mà bị ép sẽ dễ dẫn đến tình trạng nghỉ học giữa chừng, ảnh hưởng đến hiệu suất đào tạo…”. Ông Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, đã trình bày những khó khăn của việc dạy hệ trung cấp nghề (hệ công nhân kỹ thuật trước đây) hiện nay tại buổi làm việc với HĐND TPHCM cách đây không lâu.

Tới giờ học văn hóa là “biến”

Theo quy định, từ năm học 2007-2008, các trường đào tạo hệ trung cấp nghề bên cạnh việc bảo đảm trình độ tay nghề của học sinh khi tốt nghiệp còn phải bảo đảm các em đạt trình độ văn hóa tương đương THPT. Trong khi đó, học sinh khi đăng ký học nghề ở hệ trung cấp chỉ cần tốt nghiệp THCS. Đối với các đối tượng này, các trường nghề phải kiêm luôn việc dạy văn hóa. Nhiều trường đã phải tuyển thêm giáo viên, sắp xếp dạy văn hóa xen kẽ dạy nghề hoặc dạy nghề trước, dạy văn hóa sau… Tuy nhiên, học sinh vẫn bỏ lớp.

Tại Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo, dễ dàng nhận thấy nhiều học sinh tỏ ra chán nản với giờ học văn hóa. Cứ đến giờ học văn hóa, nhiều học sinh lại trốn học, trong khi giờ học nghề thì đi học đông đủ. Ông Nguyễn Phan Hòa, hiệu trưởng nhà trường, phân trần: “Chúng tôi rất khó khăn trong việc quản lý học sinh. Cứ đến giờ học văn hóa là các em “biến” khỏi lớp. Dù trường đã đưa ra nhiều hình thức thu hút học sinh vào lớp nhưng đều không hiệu quả”.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các trường nghề như Quang Trung, Củ Chi… Thậm chí, tại nhiều trường, tỉ lệ học sinh bỏ học khá cao. Tại Trường Nhân Đạo, theo ông Nguyễn Phan Hòa, sau một năm vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa, tỉ lệ học sinh bỏ học lên đến hơn 30%. Tỉ lệ này có thể lên đến 50% khi học sinh tốt nghiệp.

Đành phải ngưng tuyển sinh

Việc khó quản lý cùng với tâm lý không thích học văn hóa của học sinh đã khiến nhiều trường ngưng tuyển sinh vào hệ này đối với các học sinh tốt nghiệp THCS. Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, sau một năm vừa dạy văn hóa vừa đào tạo nghề cho học sinh hệ trung cấp nghề, năm nay trường đã ngưng tuyển vì cho rằng đào tạo rất vất vả.

Còn tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, để bảo đảm đầu vào theo chuẩn riêng, trường đã thống nhất chỉ nhận đối tượng là học sinh đã tốt nghiệp THPT. Lý giải cho việc này, ông Trần Văn Hải, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Chúng tôi muốn công nhân phải có tri thức để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngành nghề theo hướng công nghệ mới. Muốn như vậy, trình độ văn hóa của người học cũng phải tương ứng mới đào tạo được”.

Nguy cơ thiếu hụt công nhân kỹ thuật

Chủ trương học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp nghề có trình độ văn hóa tương đương THPT là nhằm nâng cao trình độ văn hóa của đội ngũ công nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động kỹ thuật hiện nay, đồng thời, giúp học sinh có nền tảng văn hóa để có cơ hội học liên thông lên các bậc học cao hơn.

Tuy nhiên, qua thực tế một năm đào tạo, một hiệu trưởng trường nghề cho rằng việc đào tạo văn hóa đối với học sinh hệ trung cấp nghề không nên yêu cầu quá cao như vậy, vì đa số học sinh yếu văn hóa mới đi học nghề. Yêu cầu khắt khe như hiện nay có thể làm “bít đường” vào trường nghề của nhiều học sinh tốt nghiệp THCS. Ông cũng đề xuất giải pháp là “du di” cho các em chỉ học một số môn văn hóa phục vụ yêu cầu chuyên môn chứ không nhất thiết khi tốt nghiệp phải có trình độ tương đương THPT.

Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TPHCM, cho rằng chính sự không mặn mà đào tạo của các trường cùng với tâm lý không thích học văn hóa của học sinh tốt nghiệp THCS sẽ khiến việc đào tạo nguồn nhân lực không được bảo đảm. Cần nhớ rằng mục tiêu đến năm 2010, nguồn nhân lực của cả nước đạt 50% qua đào tạo.

  Theo NLĐ