Truyền thống | Patrimoines Partagés – France Vietnam
Khái niệm truyền thống được hiểu là sự trao truyền của thế hệ trước cho thế hệ sau những tác phẩm văn hóa dân gian bằng hình thức truyền miệng và qua các thực hành văn hóa. Một mặt nó giữ được nội dung, hình thức của thế hệ đi trước, mặt khác nó biến đổi cho phù hợp với thời đương đại, thậm chí có sự bồi đắp thêm, cái mà E. Hobsbawm gọi là sự sáng chế truyền thống. Cứ như vậy truyền thống được phát triển liên tục mà vẫn giữ được hồn cốt của nó thời quá khứ.
Từ những năm 60 thế kỷ XX đến nay, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đều nhìn nhận truyền thống gắn liền với những gì diễn ra trước năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám chưa nổ ra. Những gì xảy ra trước năm 1945 thuộc về truyền thống, còn những gì diễn ra sau đó được tính là hiện đại. Tuy nhiên, trước năm 1945, đặc biệt là từ khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, rất nhiều hiện tượng truyền thống đã có sự thay đổi (ví như cắt tóc, ẩm thực, trang phục ở đô thị); ngược lại, cho đến sau 1945, thậm chí đến ngày nay, không ít các hiện tượng văn hóa truyền thống vẫn tồn tại và được khôi phục mạnh mẽ như các tục cổ trong lễ hội (đâm trâu, chém lợn…). Chẳng hạn, năm 1938 Viện Viễn Đông Bác Cổ đã có một cuộc điều tra khá quy mô nhằm thu thập các thần tích, thần sắc của các vị thần được thờ tại các làng quê Việt Nam. Cùng với những hương ước cũng do cơ quan này thực hiện trong việc cải lương hương chính thời kỳ đó, đây là những tài liệu hết sức quý về văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, hàng loạt những tài liệu ghi chép và mô tả dân tộc học chi tiết về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề thủ công và những loại hình văn hóa Việt Nam truyền thống khác của G. Dumoutier, Henry Oger, Pierre Gourou, Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Phan Kế Bính, Hoàng Trọng Phu, Nhất Thanh, Hoàng Đạo Thúy… tạo thành một kho tư liệu quý giá. Nhờ các tài liệu này mà rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong một thời kỳ lịch sử của Việt Nam được lưu giữ.
Mặt khác, khái niệm truyền thống thời hiện đại còn mang tính chính trị. Qua khái niệm này, Nhà nước muốn khơi dậy những giá trị truyền thống nhằm khẳng định bản sắc dân tộc trước làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ từ thập niên 90 của thế kỉ trước đến nay. Tuy nhiên, chúng ta đều biết “truyền thống không chỉ có yêu nước, anh hùng, bất khuất, cần cù lao động, và không phải chỉ có toàn những cái tốt đẹp. Trong truyền thống có không ít những cái dở. Cũng không chỉ có như vậy. Truyền thống tồn tại bám vào cơ chế, bám vào thói quen, vào cách sống, cách nghĩ, không dễ bỏ, có nhiều cái không nên bỏ, và quan trọng hơn là phải tìm cách lợi dụng nó để phát triển.”
Như vậy, những giá trị cổ truyền cũng như sự tiếp nối của mỗi hiện tượng hay thực hành văn hóa đều diễn ra một cách biện chứng và có sự kế thừa liên tục. Sự đóng góp của các cộng đồng người trong từng giai đoạn lịch sử cũng như ảnh hưởng của những nền văn hóa mà cộng đồng đó được tiếp xúc có vai trò tạo nên sự phát triển cho văn hóa của cộng đồng hay quốc gia đó.
Có thể nhìn nhận vấn đề truyền thống ở các khía cạnh dưới đây trong văn hóa Việt Nam: Phong tục, Kỹ nghệ và Lễ hội.
Phong tục. “Các nhà nghiên cứu cơ bản xem xét phong tục theo ba nhóm: phong tục trong gia tộc; phong tục hương đảng và phong tục xã hội. Ngoài ra, tùy theo mục đích khảo cứu mà mỗi tác giả đề xuất nên có những cách nhìn nhận khác, ví như Toan Ánh quan tâm các phong tục liên quan đến Con người; Tín ngưỡng; Giao tế xã hội và Tập quán. Lê Trung Vũ và các tác giả khác thì chỉ quan tâm đến Nghi lễ vòng đời người. Theo các tác giả này, trong các nhóm phong tục thì phong tục liên quan đến vòng đời người là quan trọng nhất, bởi nó chi phối toàn bộ cuộc đời của một con người từ khi nằm trong bụng mẹ đến khi qua đời. Đời người theo vòng chu kỳ sinh lão bệnh tử có ba giai đoạn quan trọng nhất là khi sinh ra, cưới xin và tang ma. Các phong tục cũng theo đó mà diễn ra nhiều nhất. Việc làm ma cho người chết không chỉ để người chết có mồ yên mả đẹp mà còn là để người sống được yên tâm. Phong tục không chỉ diễn ra trong quá trình tổ chức một đám tang, mà còn diễn ra sau đó như cúng ba ngày (tam tiêu), bốn chín ngày, một trăm ngày, rồi giỗ đầu, giỗ hết, cải táng, xây dựng mồ mả… rất phức tạp. Theo quan niệm của người Việt, người chết không mất đi mà luôn luôn tồn tại bên cạnh người sống, theo dõi, hỗ trợ hay trừng phạt người sống nếu không được đối xử tốt. Bởi vậy mà việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ là những phong tục được coi trọng nghiêm ngặt.
Từ khi người Pháp vào Việt Nam và sau đó là sự hội nhập với phương Tây, các phong tục liên quan đến vòng đời con người cũng như các phong tục khác đã có nhiều thay đổi. Đương nhiên, sự thay đổi đó đã trải qua một cuộc vật lộn hết sức khó khăn. Thời gian đầu là một sự phản ứng mạnh mẽ của người dân. Chỉ lấy một thí dụ nhỏ là tục nhuộm răng đen của người Việt: khi lớp trẻ không theo các cụ xưa nhuộm răng đen thì bị chê bai, thậm chí là mắng nhiếc rằng để răng trắng nhởn như răng lợn luộc. Hay việc cắt tóc theo kiểu phương Tây mà không búi tóc như truyền thống, việc mặc sơ mi, quần âu của các thanh niên đô thị thì bị coi là học đòi theo tây, mất truyền thống, mất gốc… Tuy vậy, những ảnh hưởng của lối sống phương Tây dần dần được chấp nhận trong bối cảnh mới được các trí thức tiếp thu và phổ biến qua báo chí và văn học đầu thế kỉ XX như các báo Nam Phong, Tri Tân, phong trào Thơ Mới, Tự Lực văn đoàn… Kiến thức khoa học, y tế, vệ sinh bảo đảm sức khỏe cho con người, đặc biệt là những luồng gió mới cho tự do hôn nhân, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tránh được những phiền hà, tốn kém đã nhanh chóng làm cho các phong tục thay đổi. Thực tế việc sinh đẻ, cưới xin và ma chay hiện nay đã chứng minh sự thay đổi tích cực đó. Tất nhiên, văn minh phương Tây không phải chỉ đem đến những điều tốt đẹp mà còn có những ảnh hưởng xấu như sự ích kỉ theo chủ nghĩa cá nhân, lối sống trưởng giả đua đòi của tầng lớp thanh niên trong cưới xin, trong sinh hoạt và ứng xử gia đình, xã hội. Nhìn chung, các phong tục cũng có sự tự điều chỉnh và linh hoạt theo truyền thống vốn có của văn hóa Việt Nam.
Kỹ nghệ. Ở đây xin tập trung vào nghề thủ công, bởi đây là bộ phận kỹ nghệ chủ yếu của xã hội Việt Nam xưa. Đối với một xã hội nông nghiệp, khi chưa có một nền sản xuất lớn, thì nghề thủ công truyền thống đóng vai trò chính. Các nghề thủ công này làm ra những công cụ sản xuất và sản phẩm tiêu dùng hàng ngày cho người dân. Tất cả được làm bằng tay và đòi hỏi sức lực cũng như tài khéo léo của con người. Các công cụ sản xuất như cày, bừa, quang gánh, cối xay, giã, dao, cuốc, xẻng… được các thợ thủ công làm ra tại các làng nghề trong cả nước. Ngoài ra là những sản phẩm phục vụ đời sống như bàn ghế, tủ chè, sập gụ, giường, chiếu, vải, quần áo, đồ gia dụng, đồ mỹ nghệ… Những người thợ thủ công sống ở các làng nghề trên khắp cả nước. Những mô tả về các nghề và sản phẩm nghề này đã được những người Pháp đến Việt Nam sưu tầm, ghi chép lại thành một kho tư liệu hết sức quý giá như công trình của Henry Oger[5] xuất bản năm 1909, đến 2009 được Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội tái bản với những hình vẽ trực quan sinh động và cụ thể giúp người đọc nắm bắt một cách nhanh chóng loại hình sản phẩm, cách thức chế tác, trao đổi, sử dụng trong sinh hoạt. Ngoài ra có thể kể đến Pierre Gourou[6] và một số người Pháp và người Việt thời đó[7] đã đóng góp những tư liệu quý cho việc nghiên cứu nghề và làng nghề truyền thống ở Việt Nam của các nhà nghiên cứu về sau như Phan Gia Bền[8], Vũ Huy Phúc[9] cùng nhiều các tác giả khác. Gần đây hai tác giả Trương Minh Hằng và Vũ Quang Dũng đã tập hợp trong bộ tổng tập gồm 6 tập về Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam[10].
Một đóng góp đáng kể có ảnh hưởng từ Pháp đến nghề thủ công là Trường Mỹ thuật Đông Dương đặt tại Hà Nội. Đây là nơi không những đào tạo cho Việt Nam một thế hệ họa sĩ tài năng, mà còn phổ cập được nền hội họa phương Tây vào Việt Nam, để từ đó sinh ra kĩ thuật sơn mài, trở thành một nghề thủ công truyền thống mang bản sắc Việt và là niềm tự hào của người Việt Nam trên trường quốc tế. Sự sáng tạo truyền thống khác dựa trên ảnh hưởng từ kĩ nghệ may mặc phương Tây, đã gợi mở cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường, tức Lemur Cát Tường, thiết kế chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam, từ chiếc áo tứ thân truyền thống nâng lên thành chiếc áo dài sang trọng được phụ nữ Việt Nam sử dụng hiện nay như một biểu tượng cho cái đẹp Việt Nam. Nhu cầu của khách nước ngoài từ khi người Pháp có mặt ở Việt Nam cũng góp phần làm cho nghề chế tác kim hoàn, đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp được phát triển để phục vụ một lớp khách hàng cao cấp. Những nghề đó được gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay.
Lễ hội. Lễ hội là một sản phẩm truyền thống được giữ gìn và tiếp nối tốt nhất trong các sản phẩm truyền thống ở Việt Nam hiện nay. Việt Nam là đất nước có số lượng lễ hội truyền thống rất phong phú. Theo thống kê năm 2008, cả nước có 7965 lễ hội diễn ra trong một năm (trong đó có 7039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài và 40 lễ hội khác)[11]. Ngay từ khi tiếp xúc với truyền thống văn hóa này, những người Pháp đã rất khâm phục và coi trọng nó. Điều này thể hiện rõ trong nhận xét của G. Dumoutier khi ông được chứng kiến Hội Gióng ở Gia Lâm, Hà Nộ. Điều thú vị là truyền thống văn hóa này có mặt ở tất cả các khu vực địa lý của Việt Nam và trong tất cả các tộc người đang sinh sống trên dải đất này. Nó cũng là một sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc tộc người và phong tục, tập quán của từng cộng đồng địa phương khác nhau. Chính vì vậy nó mang tính đa dạng, phong phú và bền vững, bởi thực hành lễ hội này được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, đời nọ nối đời kia, được ghi chép bởi những học giả Dumoutier, J. Przyluski, Henri Maspéro, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Văn Huyên. Về cơ bản các lễ hội còn tồn tại đến ngày nay đều là lễ hội vốn có từ truyền thống. Trong hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, những lễ hội đó bị chìm vào quên lãng một thời do chưa được nhận thức đúng về giá trị của nó, thậm chí bị coi là tàn dư của chế độ phong kiến lạc hậu. Từ những năm 90 của thế kỉ trước, những lễ hội này có dịp bùng dậy một cách mãnh liệt nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân cũng như sự khuyến khích của Nhà nước trước làn sóng toàn cầu hóa và ảnh hưởng văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Một số lễ hội bị quên lãng do lâu ngày không được tổ chức và thực hành thường xuyên, những người già từng trải nghiệm thì đã qua đời. Vì vậy, các tài liệu ghi chép của người Pháp và những người Việt thời Pháp thuộc có một vai trò quan trọng trong việc phục hồi lễ hội. Điển hình là tài liệu của Nguyễn Văn Huyên và Dumoutier về hội Gióng ở Gia Lâm, Hà Nội và sau này là tài liệu của Cao Huy Đỉnh. Nhờ có những tài liệu đó mà hiện nay hội Gióng là một trong những hội được giữ gìn tốt nhất về nội dung và diễn trình của nó. Tư liệu ấy cũng góp phần đắc lực cho việc làm hồ sơ trình lên UNESCO để hội Gióng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 16 tháng 11 năm 2010. Nhiều lễ hội truyền thống khác bị mất đi nên khi khôi phục lại phải dựa vào các bản hương ước và thần tích thần sắc mà Viện Viễn Đông Bác Cổ lưu giữ được hoặc theo trí nhớ của những người cao tuổi hay những nhà nghiên cứu đã một thời trải nghiệm các lễ hội đó.
Như vậy, truyền thống là một dòng chảy không ngừng trong lịch sử văn hóa của một dân tộc. Nó không dừng lại và không giữ nguyên trạng thái ban đầu, mặc dù chúng ta luôn nói đến việc giữ gìn truyền thống như nó vốn có, nhưng thực chất cái vốn có ấy cũng luôn luôn thay đổi. Cái không thay đổi của truyền thống chính là ý nghĩa của những thực hành liên quan đến truyền thống đó. Khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, cụ thể là sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam, văn hóa truyền thống Việt Nam đã có một cuộc va chạm rất lớn với một nền văn hóa khác. Trong quá trình đó, văn hóa truyền thống Việt Nam có những cái bị mất đi, hoặc có những ảnh hưởng hay thay đổi để tồn tại nhưng vẫn giữ được cốt cách của văn hóa Việt, đó chính là giữ gìn truyền thống.
Đăng tải tháng 2 năm 2021