Tự Bốc Bát Hương Cho Gia Đình Như Thế Nào? – Đồ Thờ Phùng Gia
Lượt xem: 42046
Tự Bốc Bát Hương Cho Gia Đình Như Thế Nào?
Nhiều người thường nghĩ người bốc bát hương bắt buộc phải do người cao minh, thường là các thầy hoặc pháp sư. Tuy nhiên trên thực tế, đích thân gia chủ cũng có thể tự bốc bát hương được, miễn là phải thành tâm!
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội), đối với người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng thì bát hương (hay bát nhang) là một vật linh thiêng dùng để thờ cúng trong mỗi gia đình. Đó là nơi con cháu hướng lòng tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, các vị thần linh cai quản ở mảnh đất của gia đình… nhằm cầu mong sự an lành, bình yên.
Đồ thờ mới mua về cần được rửa sạch bằng nước gừng và rượu để tẩy uế
Đại đức Thích Tâm Kiên cũng cho hay, ai cũng có thể bốc được bát hương, nhưng sẽ là tốt nhất nếu đó là người trong gia đình, có thể là vợ hoặc chồng hay bố mẹ, ông bà. Tuy nhiên, hiện nay, do một số điều kiện nên không ít gia đình lên chùa nhờ chính các nhà sư hay một số pháp sư bốc cho. Dù là ai thì người bốc cũng phải là người thành tâm và khi bốc chân tay phải sạch sẽ. Có người cẩn thận còn phải tắm rửa sau đó, rửa bằng nước gừng để tẩy uế tạp.
Vậy quy trình bốc bát hương như thế nào là chuẩn nhất?
1. Chuẩn bị bát hương, lau rửa sạch:
Tùy theo nhu cầu mà mỗi gia đình có thể lựa chọn các loại bát hương khác nhau với mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Sau khi mua bát hương về cần phải lau rửa sạch. Có thể dùng gừng giã nhỏ cho và rượu trắng hoặc cho vào nước rồi đun sôi lên để lau rửa bát hương. Dùng khăn sạch nhúng vào đó và lau bát hương để tẩy trừ đi những uế tạp ở bát hương. Lau xong để ráo nước hoặc dùng khăn khô khác lau lại cho khô ráo.
Nên dùng nước gừng & rượu trắng để lau rửa bát hương là tốt nhất
2 – Trong bát hương có những gì?
Trong bát hương thường đặt một bộ Dị hiệu gồm có:
* Tờ hiệu
– Viết tên Gia chủ và tên người được thờ, tờ này thường in giấy vàng, chữ đỏ.
– Tên người được thờ được viết dọc vào ô trống ở giữa. Có thể viết chữ Việt, chữ Hán hoặc ngôn ngữ nào cũng được.
– Cách ghi như sau:
+ Nếu là tờ hiệu thờ thần linh thổ công, thần long mạch thì ghi “Phụng thờ: Thần linh Thổ công thần Long mạch chư vị chân linh.”
+ Nếu là thờ gia tiên ghi: “Phụng thờ: Đại nội tổ tiên dòng họ Phùng chư vị chân linh.”
+ Nếu thờ bà cô ông mãnh (là những người chết trẻ trong dòng họ) ghi: “Phụng thờ: Bà cô Ông mãnh dòng họ Phùng chân linh vị tiền.”
+ Nếu thờ đức phật ghi: “Phụng thờ: Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát anh minh.”
+ Nếu thờ thần tài ghi: “Phụng thờ Thần tài Bà chúa kho (hoặc Ông Lộc, hoặc Thái Bạch tinh quân…) chư vị chân linh.”
+ Nếu một bát hương thờ nhiều người thì ghi chung vào 1 tờ hiệu hoặc ghi thêm tờ hiệu khác đều được.
– Cách đóng gói cốt thất bảo như sau:
Bát hương là vật quan trọng nhất trên ban thờ, nơi kết nối linh thiêng
* Tro nếp và bộ thất bảo
– Khi bốc bát hương, các thầy cúng thường cho vào bộ cốt gồm: Thiết Vàng, Thiết Bạc, Xà Cừ (Ngọc Trai), San Hô, Ngọc Bích, Hổ Phách, Mã Não. Bộ cốt này còn được gọi là cốt thất bảo, để trong bát hương, chúng có trường năng lượng, linh khí, giúp xua đuổi tà mà trợ giúp cho con cháu có sức khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc. Đây là 7 vật chất quý mà người xưa luôn coi trọng trong dương thế.
– Những thứ quý hiếm này là sự kết tinh của vũ trụ, gọi là vô tạp chất nghĩa là nguyên chất, còn Phật thánh tiên hiền là vô tạp niệm bởi các vị đó tâm thanh tịnh trong sạch nên vì thế những vật quý báu trên mới chiêu cảm được thần thức của các vị.
– Còn các loại ma tà quỷ quái thập nhị cô hồn, võng lượng thích những đồ nhơ nhớp bẩn thỉu, ôi thiu tanh tưởi. Cho nên bọn chúng rất sợ những đồ tinh sạch như 7 thứ thất bảo trên.
– Vì vậy các các đồ quý này trong nhà rất tốt cho gia trạch. Tác dụng để trấn quỷ trừ tà, chiêu tài nạp phúc, an gia định trạch. Đem lại sự cát tường cho gia chủ.
– Tất cả được gói trong một tờ giấy trang kim để bảo vệ rồi đặt dưới đáy bát hương.
Cốt thất bảo đặt bên trong bát hương
Tro phải là tro sạch, được đốt từ rơm nếp là tốt nhất, tro mịn và đã sàng kỹ trước khi dùng
3 – Đặt bát hương lên bàn thờ
* Bát hương bốc xong đặt lên bàn thờ thì thắp hương ngay, nên thắp hương liền 1 tuần đầu.
* Cứ sáng dậy thắp một nén hương, đốt một ngọn nến nhỏ (hoặc đèn dầu), rót một chén nước sạch rồi cầu người được thờ về phù hộ cho. Tối lại thắp hương trước khi đi ngủ.
* Đồ lễ có hay không, nhiều hay ít không quan trọng, vấn đề là phải có tâm thành. Không cần thắp hương liên tục suốt ngày đêm, nếu để hương vòng liên tục thì mỗi sáng và tối vẫn phải thay nước thắp 1 nén hương và lễ cầu một lần.
Bát hương vẽ cửu long, thích hợp thờ điện, thờ thánh hay đình chùa
* Nếu là bàn thờ mới đặt lần đầu thì cần thắp hương khoảng 21 ngày đầu như trên.
* Nếu bát hương bốc ở nhà thầy, hoặc ở chùa thì cần trịnh trọng rước bát hương về, không được xô bồ cẩu thả trong việc vận chuyển bát hương. Cần chọn ngày đặt bàn thờ, nhưng không cần chọn ngày bốc và đặt bát hương.
* Bát hương trên bàn thờ trọng là cao thấp, không trọng to nhỏ sang hèn. Bát hương thờ Thần linh Thổ công (chính giữa) phải cao nhất, rồi đến Gia tiên đại nội (bên tả), rồi đến Bà cô ông mãnh (bên hữu). Số lượng nhiều ít chẵn lẻ đều được, vấn đề là làm sao để không quá phức tạp mỗi khi thắp hương.
* Không nên tách ra quá nhiều bát hương sẽ vất vả mối khi thắp hương. Ví dụ: Bà cô tổ 4 đời (là ở đời Kỵ nội mình) cùng với Đại nội vào một bát hương (cả cha mẹ mình). Tất cả bà cô ông mãnh vào một bát hương. Cố gắng hạn chế tách ra từng người, nhưng nếu tách riêng ra nên ghi chú lại để tránh nhầm lẫn sau một thời gian dài thờ cúng.
Bàn thờ tam cấp được bố trí từng bậc thuận tiện cho thờ cúng tâm linh
4. Quá trình bốc
Rửa tay sạch sẽ bằng rượu hay nước gừng. Khi bốc bát hương thì bốc lần lượt từng nắm tro đặt vào.
Hiện tại có hai cách bốc tro vào vào bát hương:
* Một là vừa bốc vừa đếm theo “sinh – lão – bệnh – tử” và nắm tro cuối cùng là “sinh”
* Hai là bốc tro vào bát hương dừng ở nắm cuối là nắm lẻ
Quý vị có thể bốc theo cách nào cũng được, nhưng theo tôi bốc theo cách hai là đủ rồi. Quý vị cũng cần lưu ý, phương thức tiếp tro vào trong bát hương bằng cách nào cũng được, nhưng nhất thiết bát hương nên có tờ hiệu, thất bảo và được người thành tâm hướng thiện bốc và tránh không được dùng tay ấn tro chặt xuống bên trong bát hương
Khi bốc bát hương thì cũng phải khấn nhỏ là “Con … (họ tên)… xin bốc bát hương cho thần linh (thần linh/gia tiên…)”.
Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Thông thường, các gia đình thường bốc ba bát hương, thờ quan thần linh, gia tiên, bà cô hoặc ông mãnh. Còn đối với các cửa hàng, công ty thì bốc bát hương thần tài. Trong quá trình bốc, nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên ban thờ phải bỏ ra.
Bộ bàn thờ gồm 3 bát hương: Thần linh – Bà cô ông mãnh – Gia tiên
5. Sắm lễ
Sắm lễ nên tuỳ tâm & tuỳ vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Dưới đây chỉ là 1 gợi ý mâm lễ đầy đủ từ Gốm sứ Phùng Gia để tiện tham khảo:
* 1 con gà lễ, 1 chân giò trước làm sạch luộc chín, 1 đĩa xôi trắng, 1 chai rượu trắng (1/2 lít), 5 quả trứng gà ta (để sống) 2 lạng thịt vai (để sống), lễ xong phải luộc chín luôn.
* 3 lá trầu + 3 quả cau, 3 chén nước, 5 quả tròn (táo hay lê…), 9 bông hồng màu hồng son
* 1 đĩa gạo mối (không trộn lẫn), 1 lạng chè ngon + 1 bao thuốc lá
* 1 đinh vàng hoa, 5 lễ vàng tiền, 1 bộ quần áo quan thần linh đỏ, hia, mũ, ngựa đỏ, kiếm trắng
* 1 mâm cơm canh (không hành tỏi)
Mâm cơm canh đang được chuẩn bị trước khi làm lễ
6. Bố trí
Bát hương đã đặt lên ban thờ cần giữ nguyên vị trí, không xê dịch. Sau bát hương là phần thờ cúng, chỉ nên để ảnh gia tiên (nếu có), không bày rượu, vàng mã,… ở đây. Tất cả đồ thờ dâng lên (hoa tươi, quả tươi,…) cần ở phía trước hay bên cạnh bát hương.
Hình ảnh thực tế bộ đồ thờ men trắng xanh vẽ tay cao cấp Phùng Gia được bố trí tại tư gia khách hàng
Văn khấn thay ban thờ, bốc bát hương:
Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời mười phương Phật. Con kính lạy các chư vị thần linh, hiển linh, hiển pháp, pháp thuật vô biên.
Hôm nay là ngày …. tháng …. năm ….
Tên con là ………… (Tín chủ của ………. địa chỉ ………..)
Con làm lễ bốc bát hương mới (thay bàn thờ mới), mục đích con xin cầu………, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, ăn nên làm ra, cầu được ước thấy, vạn sự như ý.
Con xin kính lạy các cụ tổ tiên nội ngoại sống khôn thác thiêng, hôm nay con làm lễ bốc bát hương mới (thay bàn thờ mới), kính xin các cụ về phù hộ độ trì cho con cho cháu mạnh khoẻ, an ninh khang thái, mọi việc được hanh thông.
Con kính lạy các bà cô tổ ông mãnh nội ngoại sống khôn chết thiêng cho con cầu ……………………
Cúng xong, hương cháy hết đợt thứ nhất, sau khi thắp đợt thứ hai thì bắt đầu hóa tiền vàng, tờ văn khấn. Vãi gạo, muối ra trước cửa ngõ (vãi riêng từng thứ). Lúc tàn hết hương thì xin hạ lễ, đem thịt và trứng sống luộc chín.
Quý khách tham khảo cốt thất bảo thật 100% tại Đồ Thờ Phùng Gia: Tham khảo tại đây
Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo của Đại Đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì Chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội), được biên soạn bởi Gốm Sứ Phùng Gia)