UBND tỉnh qui định xây dựng Nhà Văn hóa thôn trên địa bàn tỉnh

Theo đó, các “Nhà sinh hoạt cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được thống nhất tên gọi là Nhà Văn hóa thôn (khu, làng, bản) cộng với tên của thôn, (khu, làng, bản) để đảm bảo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 2205/SVHTTDL-VP.
 
Về quy mô xây dựng, đối với khu vực đồng bằng, nhà văn hóa có quy mô tối thiểu 100 chỗ ngồi với diện tích xây dựng tối thiểu là 140m2, diện tích đất tối thiểu là 500m2.

Khu vực miền núi: quy mô tối thiểu 80 chỗ ngồi với diện tích xây dựng tối thiểu là 120m2, diện tích đất tối thiểu là 300m2;

Khu vực đô thị: áp dụng tiêu chí của khu vực đồng bằng, tuy nhiên đối với những khu phố quá khó khăn về quỹ đất thì có thể vận dụng linh hoạt song phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện tổ chức các buổi họp, hội nghị của toàn khu phố.
 
UBND tỉnh qui định: Các nhà văn hóa phải trang bị đầy đủ nội thất thiết yếu (bàn, ghế ngồi, bục phát biểu, phông rèm sân khấu…); xây dựng đảm bảo kết cấu vững chắc, bền lâu (móng cứng đủ điều kiện chịu lực, tường xây gạch chỉ, nền lát gạch, mái cứng…).
 
UBND tỉnh khuyến khích các địa phương huy động mọi nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa rộng, đẹp và hiện đại hơn so với quy mô trên; giao cho tổ dân, khu phố, thôn, bản tự xây dựng nhà văn hóa của mình, vận động các tổ chức, cá nhân hiến đất, huy động kinh phí, đóng góp nhân công xây dựng.

Các thôn (khu, làng, bản) chưa có nhà văn hóa, phải tổ chức xây dựng ngay, đảm bảo hoàn thành trước tháng 4-2011. Đối với các nhà văn hóa đã xây dựng, UBND tỉnh giao UBND các địa phương chủ động sửa chữa và mua sắm đủ nội thất thiết yếu; các nhà văn hóa đã xây dựng cũ, sẽ được cải tạo, nâng cấp, hoặc phá dỡ xây mới để đảm bảo tiêu chí quy định.
 
Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa cho mỗi nhà văn hóa xây mới cho các thôn, làng, bản là 750 triệu đồng (bao gồm cả mặt bằng xây dựng, các công trình phụ trợ và thiết bị….).

UBND tỉnh giao Sở Tài chính cân đối nguồn vốn để đảm bảo cấp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương hoàn thành tiến độ quy định./.