Ứng dụng Be và GSM về chung một nhà liệu có chia lại thị trường gọi xe?

Kể từ khi nền tảng công nghệ EMDDI nhận vốn vòng Series A từ chương trình tăng tốc khởi nghiệp Thinkzone, thì chưa có thêm một ứng dụng gọi xe Việt Nam nào được nhận đầu tư, hay thỏa thuận góp vốn.

Điều này được lý giải bởi việc, dường như thị phần các ứng dụng gọi xe đã được “an bài” với top 3 ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam luôn là: Grab, Be và Gojek.

Theo báo cáo của ABI Research trong nửa đầu năm 2020, Grab là ứng dụng chiếm thị phần số một – lên tới 74,6%, với với việc hoàn tất 62,5 triệu cuốc xe. Ứng dụng Be nắm giữ vị thế số 2 với thị phần 12,4%, còn Gojek là 12,3%.

Sau đó khoảng một năm, chênh lệch thị phần giữa Grab Việt Nam và các ứng dụng khác dần được thu hẹp. Khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021 cho thấy, Grab chỉ còn chiếm khoảng 60% thị phần gọi xe, Gojek chiếm 19%, và ứng dụng Be là 18%.

Trong con mắt của một số nhà đầu tư kì cựu, nếu đơn vị dẫn đầu thị trường như Grab đã chiếm quá nửa thị phần dịch vụ gọi xe, thì đơn vị đứng thứ 2 sẽ luôn được cân nhắc để rót vốn. Bởi động lực và sức bật của “người về nhì” sẽ luôn tốt hơn người thứ nhất.

Ứng dụng Be và GSM về chung một nhà liệu có chia lại thị trường gọi xe?Ứng dụng Be và GSM về chung một nhà liệu có chia lại thị trường gọi xe?

Cụ thể với thị trường gọi xe Việt Nam, “người về nhì” được chọn là ứng dụng Be, khi công ty chủ quản Be Group vừa chính thức được rót vốn bởi Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ 95% tỷ lệ cổ phần, có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Năng lực và uy tín của ứng dụng Be đã được chứng minh qua việc Be Group đã tiếp nhận thành công khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Ngân Hàng Deutsche Bank.

Cùng thời điểm, Be Group công bố đã có lãi góp dương từ quý 3/2022. Ứng dụng Be mở rộng hoạt động tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, đạt hơn 20 triệu lượt tải ứng dụng và phục vụ hơn 1,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Không chỉ năng nổ trong lĩnh vực gọi xe, giao hàng, Be Group còn hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông qua một sản phẩm là ngân hàng số Cake by VPBank.

Cake by VPBank là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính thiết yếu bao gồm thanh toán, tiết kiệm, cho vay, đầu tư vi mô và thẻ tín dụng, đã thu hút gần 3 triệu khách hàng trong chưa tới 2 năm đi vào hoạt động.

Với việc nhận đầu tư từ GSM, cả Be Group và GSM đều hưởng lợi. Trong khi Be có thể gia tăng khách hàng, đội ngũ tài xế từ việc chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác, thì phía GSM có thể an tâm đầu ra các xe VinFast khi cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế khi thuê, hoặc mua ô tô, xe máy điện.

Tất nhiên, để chia lại thị trường gọi xe Việt Nam, thì với cả Be Group và GSM đều là mục tiêu thách thức. Kinh nghiệm từ thị trường quốc tế cho thấy, trong khi Grab đang nắm giữ ngôi vị thị phần số một, thì vị trí thứ hai cũng không kém phần quan trọng – và đây mới thực sự là vị trí bị cạnh tranh gay gắt.

Chẳng hạn trong mảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á, Grab hiện chiếm hầu hết vị trí dẫn đầu tại các thị trường. Thì tại Singapore, FoodPanda là đơn vị nắm vị trí thứ hai với 31% thị phần. Tại Indonesia, vị trí này thuộc về Gojek với 44% thị phần. Tại Thái Lan là Line Man Wongnai với 24%. Còn ở Việt Nam là ShopeeFood với 41% thị phần.

Rõ ràng, vị trí “về nhì” luôn rất nóng bỏng. Khi ứng dụng Be và GSM về chung một nhà, vị trí “về nhì” có thể được củng cố vững vàng hơn. Nhất là khi cuộc đua gọi xe không còn là đốt tiền khuyến mãi, giảm giá, mà là hướng tới sự hiệu quả – điều Be Group đang cố gắng đạt được với mục tiêu có lãi.