Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông. Với cách làm linh hoạt, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Trường THCS Mường Chùm là một trong những trường điển hình trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ quản lý, dạy học. Đến nay, trường được trang bị 1 phòng máy tính phục vụ việc học bộ môn Tin học, máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh; nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng; giáo viên đều sử dụng thành thạo phần mềm Powerpoint để thiết kế giáo án, khai thác tốt nguồn tài liệu trên internet; thực hiện soạn giáo án trên máy tính và có sử dụng trình chiếu trong các tiết học; tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao năng lực của giáo viên trong việc ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn.
Tiết học Lịch sử ứng dụng CNTT tại Trường THCS Ít Ong, huyện Mường La.
Thầy giáo Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chùm, chia sẻ: Trong giảng dạy, giáo viên có thể giới thiệu kiến thức mới bằng những tình huống sinh động với hình ảnh minh họa phong phú, đa dạng giúp học sinh say mê học tập, phát huy tính chủ động trong tìm hiểu và khắc sâu kiến thức bài học, chất lượng 2 mặt giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao.
Tại Trường THCS Ít Ong, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số với Viettel Sơn La để triển khai sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số; cập nhật, báo cáo và sử dụng hiệu quả các hệ thống nghiệp vụ về CNTT qua cơ sở dữ liệu ngành. Đầu tư trang bị 3 đường truyền internet của nhà mạng Viettel, bố trí tất cả các phòng học có máy chiếu, phòng chức năng được kết nối mạng internet; phòng học tin học kết nối mạng, có máy tính, máy chiếu và 1 bảng tương tác, phục vụ công tác quản lý, dạy và học. Ngoài ra, trường còn triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, như: Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai các ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường qua Zalo, email…
Thầy giáo Vũ Hồng Việt, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ít Ong, cho biết: Hiện tại, 100% số giáo viên của trường đều soạn bài trên máy tính; tích cực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn, trong dạy và học; khai thác và sử dụng học liệu điện tử, xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức dạy học trực tuyến, giúp giáo viên chủ động, nâng cao hơn nghiệp vụ sư phạm, các tiết học thực sự lôi cuốn, thu hút học sinh, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng bài giúp giờ học trở sôi nổi, hứng thú học tập.
Em Phạm Đức Anh, lớp 6H, Trường THCS Ít Ong, chia sẻ: Thông qua các tiết học được trình chiếu, có nhiều hình ảnh hấp dẫn phong phú em rất thích, thấy hiểu bài hơn, dễ hình dung hơn, giúp em đạt kết quả cao trong học tập.
Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư và bố trí đầy đủ nguồn lực cho việc dạy học và ứng dụng CNTT, kiện toàn vị trí cán bộ chuyên trách CNTT; chỉ đạo các đơn vị trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm điện tử trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT đã có sẵn; tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh, sử dụng chữ ký số để ký văn bản…
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục toàn huyện đã triển khai Hệ thống “Quản lý văn bản và điều hành” VNPT-iOffice, phần mềm quản lý tài chính (MISA), quản lý tài sản (MISA), cơ sở vật chất (MISA), quản lý cán bộ, công chức, viên chức, quản lý thiết bị giáo dục, phần mềm quản trị các trường học: Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử từ cấp tiểu học và THCS (SMAS, Vnedu); triển khai chữ ký số 100% cán bộ quản lý trường học; 24/40 trường cấp tiểu học, THCS triển khai sử dụng hiệu quả phần mềm Office 365…
Ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Phòng tiếp tục chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo đơn vị trường cấp tiểu học, THCS chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ chữ ký số đăng ký chữ ký số cho cán bộ quản lý, giáo viên và đồng bộ với phần mềm học bạ điện tử, ký học bạ điện tử, hồ sơ điện tử, đảm bảo 100% giáo viên có chữ ký số và sử dụng chữ ký số trong thực hiện hồ sơ điện tử.
Triển khai các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến, ứng dụng mô hình lớp học ảo tại các đơn vị trường để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ, tin học; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến xây dựng nền giáo dục từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thủy Ngân