Ứng dụng hẹn hò cho người giàu Trung Quốc gây tranh cãi dữ dội
Tốt nghiệp một trường đại học công nghệ ở TP Nam Kinh, Yi kiếm được kha khá nhờ tấm bằng kỹ sư phần mềm. Nhưng trên HIMMR, một nền tảng hẹn hò phổ biến ở Trung Quốc, người đàn ông 30 tuổi này chỉ là công dân hạng 2.
Yi đã tiếp cận với hàng chục phụ nữ trên ứng dụng trong vài tháng qua, nhưng anh không có một cuộc hẹn nào. Điều anh nhận được là những lời từ chối lịch sự nhưng kiên quyết. “Các câu trả lời rất mơ hồ. Ví dụ, họ cho rằng chúng tôi không ở cùng một thành phố hoặc lý lịch của chúng tôi không tương đồng nhau”.
Nhưng Yi nghi ngờ vấn đề thực sự là một thứ khác: bằng cấp của anh.
Mặc dù Yi theo học ở một trường đại học danh giá, nhưng hầu hết các cô gái anh tương tác đều tốt nghiệp từ nhóm các trường đại học ưu tú nằm trong Dự án 985 danh tiếng của Trung Quốc. Ở Trung Quốc ngày nay, sự khác biệt đó có ý nghĩa rất lớn.
“Tôi cảm thấy có khoảng cách với nhiều người trên nền tảng này. Họ thường có học vấn cao hơn tôi”, Yi nói.
Một sự kiện hẹn hò trực tiếp ở Nghĩa Ô, Tỉnh Chiết Giang tháng 2/2021.
Ứng dụng HIMMR – từ viết tắt của How I Met Mr. Right – được thành lập bởi 2 cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa, trường đại học được xếp hạng hàng đầu ở Bắc Kinh, vào năm 2015.
Ngay từ đầu, nó đã được tiếp thị như một nơi dành riêng cho những sinh viên ưu tú. Nó cho rằng việc kết nối người dùng dựa trên nền tảng giáo dục là cách “đích thực, chất lượng và hiệu quả” nhất để thúc đẩy mối quan hệ lãng mạn lâu dài.
Chỉ sinh viên từ các trường thuộc Dự án 985 và một nhóm các tổ chức ở nước ngoài được phép thiết lập tài khoản trên HIMMR. Người dùng mới phải gửi tất cả chứng chỉ giáo dục đại học của họ trước khi tạo tài khoản, trong khi những người đã học ở nước ngoài phải được Bộ Giáo dục Trung Quốc xác minh bằng cấp.
“Các chủ tài khoản có nhiều khả năng được chấp nhận đơn đăng ký là cựu sinh viên các trường thuộc Dự án 985”, theo Wang Xinyi, Phó Chủ tịch quan hệ công chúng của HIMMR.
Tính chất đặc biệt này đã giúp HIMMR trở thành một trong những nền tảng được giới thượng lưu Trung Quốc lựa chọn. Mặc dù các ứng dụng hẹn hò như Momo, Soul và Tinder có lượng người dùng lớn hơn nhiều, nhưng HIMMR đã đi vào thị trường ngách và trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Ứng dụng này cũng hợp tác với một số chương trình hẹn hò trên truyền hình, thậm chí với cả Đoàn Thanh niên TP Thượng Hải.
Tuy nhiên, sự nổi lên của ứng dụng cũng gây ra làn sóng phản ứng dữ dội. Trên truyền thông xã hội Trung Quốc, những người bình luận thường nói đùa rằng quy trình kỳ lạ của HIMMR – với việc các chủ tài khoản buộc phải nộp hàng loạt thủ tục giấy tờ và viết bản tường trình cá nhân – giống như một cuộc phỏng vấn xin việc. Những người khác cáo buộc ứng dụng này đã “coi tình yêu như một cuộc trao đổi”.
Một sự kiện mai mối ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông tháng 6/2020.
Shen Yifei, một nhà xã hội học tại Đại học Fudan, đã nói rằng, các nền tảng như HIMMR không chịu trách nhiệm thúc đẩy “các giá trị xã hội tốt đẹp”. Thậm chí, nhiều người đã coi HIMMR là một yếu tố góp phần làm mất đi sự liên kết giữa giới thượng lưu của Trung Quốc và phần còn lại của xã hội.
Tất nhiên, công ty phản đối và cho rằng họ chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đại diện HIMMR, Wang cho rằng, nền tảng này “phục vụ một nhóm người có trải nghiệm, hoàn cảnh, sở thích giống nhau và điều này thì không đáng bị lên án”.
Mặc dù HIMMR mô tả nền tảng giáo dục của người dùng, nhưng Wang lập luận rằng đây chỉ là một cách để giúp đảm bảo người dùng có những điểm chung. Thay vào đó, họ đánh giá nhau chủ yếu dựa trên “câu chuyện cá nhân” dài 1.000 ký tự mà chủ tài khoản viết để giới thiệu bản thân.
Tuy nhiên, các nhà phê bình nhấn mạnh rằng hệ thống HIMMR không làm được gì nhiều ngoài việc tạo ra những rào cản giai cấp nhưng dưới một chiêu bài nhẹ nhàng hơn. Mặc dù người dùng không thể trực tiếp đòi hỏi các yêu cầu về tài chính, nhưng những “câu chuyện cá nhân” cho họ biết mọi thứ họ cần biết, Wu Qinggong, một trợ lý giáo sư tại Hồng Kông thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ nêu quan điểm.
Ví dụ, chủ tài khoản thường đề cập đến những năm họ du học ở nước ngoài, niềm yêu thích du lịch, công việc của họ trong lĩnh vực tài chính hoặc CNTT và sự nghiệp đang lên của cha mẹ họ. Wu nói: “Tất cả những điều này có thể được sử dụng để suy ra lý lịch, điều kiện kinh tế và địa vị xã hội của một người”.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn với HIMMR là niềm tin cơ bản của công ty rằng sinh viên tốt nghiệp các trường thuộc Dự án 985 là chỉ dấu về sở thích, trí thông minh và kinh nghiệm sống của một người. Wu gợi ý rằng tư duy theo chủ nghĩa tinh hoa này khuyến khích sinh viên tốt nghiệp các trường hàng đầu thấy mình vượt trội so với phần còn lại của xã hội.
Tìm kiếm đối tượng phù hợp không phải lúc nào cũng dễ dàng ngay cả khi có trình độ học vấn tương đương.
Zhou Yunsheng, 29 tuổi, từng học tại Đại học Giao thông Thượng Hải thuộc Dự án 985, nói rằng cô từng hẹn hò với một người đàn ông học tại một trường đại học kém danh tiếng hơn. Họ đã kết thúc mối quan hệ sau khi kết luận rằng họ không hợp nhau là do sự khác biệt về nền tảng giáo dục.
Zhou quyết định thử HIMMR. Nhưng sau hơn 10 lần hẹn hò, cô vỡ mộng với nền tảng này. Zhou nói: “Tôi đã có những cuộc trò chuyện tuyệt vời với một số người trong số họ, sau đó chúng tôi đi chơi, nhưng họ không muốn đưa nó lên một tầm cao mới. Có cảm giác như họ không thực sự nhiệt tình và nghiêm túc”.
Zhou kể, các sự kiện gặp mặt trực tiếp của HIMMR cũng rất đáng thất vọng. Trên nền tảng trực tuyến, “tình hình tài chính gia đình tương đối tốt” của cô là một điểm cộng, nhưng tại buổi gặp mặt, lợi thế này đã bị lu mờ bởi “ngoại hình bình thường” của cô.
“Vào cuối ngày, những người đẹp nhất trong nhóm sẽ được chú ý nhiều nhất,” Zhou thở dài.
Sau 6 tháng, cuối cùng Zhou quyết định bỏ HIMMR và gặp những người mới thông qua sự giới thiệu của gia đình và bạn bè. Tuy vậy, cô cũng biết có 2 cặp đôi đã gắn bó với nhau thông qua HIMMR và nghĩ rằng nó có thể hữu ích cho một số người.
“Mặc dù cơ hội rất mong manh, nhưng tôi vẫn khuyên bạn nên thử với thái độ phải giống như bạn đang chơi xổ số”.
Trong khi đó, Zhang Guanlin – một thạc sĩ ĐH Bắc Kinh, từng sống ở Mỹ 11 năm – cũng không thành công với ứng dụng này. “Tôi chưa đủ khả năng tài chính để mua một căn hộ hay một chiếc xe hơi, điều mà hầu hết phụ nữ Trung Quốc coi trọng khi tiến tới hôn nhân”.
Theo quan sát của anh, phụ nữ phương Tây quan tâm nhiều hơn đến tính cách khi chọn bạn đời, trong khi phụ nữ Trung Quốc có xu hướng xem xét gia đình và thu nhập của một người đàn ông.
Trước khi bỏ cuộc, Guanlin đã đăng ký tham gia sự kiện gặp mặt trực tiếp của HIMMR với lệ phí 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng), nhưng điều đó không đảm bảo anh sẽ vượt qua quá trình sàng lọc ứng viên cho sự kiện. Họ cũng từ chối giải thích cách sàng lọc các ứng viên. Cuối cùng Yi đã bỏ cuộc trong thất vọng.
Yi nói: “Toàn bộ mọi thứ đều gây khó chịu. Đó là một nền tảng thiếu thân thiện”.
Xem thêm video: Hẹn hò trực tuyến sau Covid
Nguyễn Thảo (Theo The Sixth Tone)
Mục lục bài viết
Trả 20.000 USD cho công ty mai mối vẫn không tìm được bạn trai
Sau hai năm không tìm được bạn trai ưng ý, cô gái Trung Quốc đã yêu cầu công ty mai mối hoàn lại toàn bộ phí hội viên.