Ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã đã đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm Việt. Đối với nông sản Việt, đây là cơ hội vươn xa ra thị trường thế giới, chinh phục những thị trường khó tính.
Nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản trên sàn TMĐT tăng cao
Ngay từ những ngày đầu năm 2022 đến nay, nhiều địa phương như Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bình Định, Cần Thơ… đã ban hành kế hoạch, triển khai kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT lớn tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong những ngày này, khi mùa trái cây bắt đầu vào vụ, việc kích cầu nông sản Việt qua sàn TMĐT càng quan trọng hơn bởi việc tiêu thụ nhanh và nông sản tươi đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế đều mau chóng, thuận tiện.
Mới đây, Amazon Global Selling Việt Nam cũng công bố Báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua TMĐT Việt Nam”. Báo cáo được thực hiện bởi AlphaBeta thông qua việc khảo sát 300+ DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa Việt Nam.
Báo cáo cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.
Báo cáo này nhận định, nếu coi “Thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu (XK), đây sẽ là ngành XK thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. 88% DN được khảo sát tại Việt Nam nhận định TMĐT rất quan trọng trong hoạt động XK của họ, đồng thời nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, các DN Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào XK tiểu ngạch. Việc bán hàng ra nước ngoài cũng dễ dàng và thông thương hơn, tiết giảm nhiều thời gian và chi phí so với giai đoạn trước.
Ở góc độ DN, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW cho rằng, sau nhiều năm tham gia XK mặt hàng nông sản trên sàn Alibaba.com cho thấy, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống trên sàn này đang tăng cao ở khắp các quốc gia trên thế giới.
Theo ước tính doanh thu nửa đầu năm 2022 đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm như xoài, thanh long, sầu riêng, chanh tươi… của Việt Nam đang được thị trường các nước châu Á đón nhận tích cực, không chỉ về giá thành mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm. Do đó, việc tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới đã giúp Công ty nâng doanh thu XK, từ 3.000 USD cho đơn đặt hàng đầu tiên lên 260.000 USD chỉ trong một năm sau đó.
Theo ông Lê Đình Tú, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá), với sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa đưa các sản phẩm của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn lên các sàn giao dịch, đến nay các sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Theo đó, các đơn hàng trên các sàn TMĐT nhiều hơn các đơn hàng từ kênh bán truyền thống gấp 2 đến 3 lần… Không chỉ đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hoá trong nước, nhiều đơn vị, DN, hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới nhờ sàn TMĐT.
Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar chia sẻ, thông qua các sàn TMĐT, các sản phẩm của Newstar như nước mắm Sá Sùng, muối tôm Sá Sùng… đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và bước đầu có khách hàng nước quốc tế quan tâm, tìm hiểu.
Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Alibaba.com Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 2.000 DN Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com; trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản. Bình quân mỗi ngày một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông sản, đặc biệt là nhóm hàng thủy hải sản, trái cây, thức uống, gia vị… có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng.
Điều này cho thấy thị trường nông sản Việt Nam vô cùng tiềm năng và đầy dư địa phát triển. Các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực này có cơ hội rõ ràng để kết nối với khách hàng quốc tế và XK sang nhiều thị trường mới. Mặt khác, nếu trái cây nói riêng và nông sản nói chung trải qua thêm khâu chế biến, không chỉ sản phẩm bán được giá, thời gian bảo quản lâu hơn mà hoạt động xuất nhập khẩu cũng có thời gian “thở”, bớt đi áp lực phải thông quan dồn dập hàng trăm xe nông sản mỗi ngày khi đến vụ.
Phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử giúp đẩy mạnh tiêu thụ nông đặc sản của địa phương.
Nâng cao hiệu quả kinh doanh
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại sàn TMĐT Lazada cho rằng, chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia vào kinh doanh trên TMĐT, các DN, các HTX, các hộ gia đình, nông dân của các tỉnh có thể tiếp cận tập khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh việc phân phối các mặt hàng đặc sản của các địa phương môi trường trực tuyến.
Để có thể tận dụng được cơ hội, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc ứng dụng TMĐT vào phân phối lưu thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT, Bộ Công Thương cho rằng, việc tận dụng được các thị trường TMĐT phát triển mạnh sẽ giúp các DN có thể len vào các thị trường khó tính – nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống. Hình thức này cũng giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối.
Trong thời gian tới, TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện XK cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đây là cơ hội không chỉ cho DN XK nói chung mà cho cả các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã, các cá nhân.
Trên thực tế, việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh TMĐT được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông đặc sản của địa phương hay các sản phẩm OCOP của địa phương.